Giấc mơ làm giàu từ Hàu Thái Bình Dương


Vùng biển Vân Đồn hiện là trung tâm nuôi hàu Thái Bình Dương lớn nhất toàn quốc với diện tích hàng ngàn ha, sản lượng trên dưới 400.000 tấn/năm. Hàu Thái Bình Dương đã mang lại doanh thu hàng trăm tỷ đồng/năm cho người nuôi.

Ước tính trung bình mỗi ngày người dân Vân Đồn xuất gần 10.000 tấn hàu Thái Bình Dương. 

Có được thành công đó, vai trò tiên phong thuộc về doanh nghiệp vô cùng to lớn. Câu chuyện “nông sản tiền tỷ” của hàu Thái Bình Dương thực sự đã truyền cảm hứng cho giấc mơ nâng tầm tới nhiều nông sản khác…

Câu chuyện của những người tiên phong

Qua nghiên cứu cho thấy, trong con hàu có chứa rất nhiều protein, kẽm và các vi chất có lợi khác, không chỉ được sử dụng rộng rãi trong ẩm thực mà còn được coi là “Viagra thủy sản”, hỗ trợ sức khỏe sinh sản của đàn ông. Tuy nhiên, dù hàu Thái Bình Dương thời điểm đó đã nổi tiếng ở nhiều quốc gia, được nuôi tại nhiều vùng biển trên thế giới, thì tại Việt Nam vẫn còn khá xa lạ. Chính vì vậy, năm 2006, doanh nhân Đoàn Quốc Việt, Chủ tịch Tập đoàn BIM là người đầu tiên đưa con hàu Thái Bình Dương từ Đài Loan về phát triển tại Vân Đồn (Quảng Ninh). Do điều kiện nuôi ở vùng biển Vân Đồn tốt nên những dây hàu sống khỏe, lớn nhanh, ruột to, béo, ngọt và hàm lượng dinh dưỡng cao vượt ngưỡng. Vụ thu hoạch đầu tiên, năm 2007, đã đạt gần 500 tấn hàu, 5 năm tiếp theo đạt trung bình 700 tấn/năm.

Giai đoạn đầu, trong khi khâu nuôi trồng thuận lợi bao nhiêu thì khâu tiêu thụ lại khó khăn bấy nhiêu. Vốn là đối tượng nuôi ngoại lai, hàu Thái Bình Dương có nét khác biệt rất lớn đối với những loại hàu hà bản địa, chính bởi vậy người tiêu dùng rất e dè, thậm chí “ghẻ lạnh”.

Ông Nguyễn Văn Thắng, Giám đốc dự án hàu Thái Bình Dương, Tập đoàn BIM, nhớ lại giai đoạn khó khăn khi hàu Thái Bình Dương tiếp cận thị trường: Chúng tôi phải chia quân đưa hàu đến các chợ, nhà hàng trên địa bàn TP Hạ Long với giá rẻ như cho, hy vọng đây là vùng đất của biển cả, người dân quen với các đồ hải sản và cũng là trung tâm du lịch thì sức mua sẽ tốt. Thế nhưng, lợi thế nhiều sản vật của biển ở Hạ Long có lẽ chính là một bất lợi đối với đối tượng lạ lẫm, chưa quen mặt, biết tên như hàu Thái Bình Dương. Ngay cả khi chúng tôi đưa hàu vào hệ thống các siêu thị lúc đó cũng không được chấp nhận. Liên tục trong 5 năm đầu, những lần chúng tôi phải thu dọn đống hàu chết thối tại các chợ do bán ế hay không thu hoạch, để mặc cho hàu già chết hàng loạt hoặc rụng xuống biển là rất thường xuyên.

Những tưởng “một vốn, bốn lời”, dự án nuôi hàu Thái Bình Dương của Tập đoàn BIM trở thành “một vốn, bốn lỗ”, doanh thu mỗi năm đạt dưới 2 tỷ đồng trong khi chi phí đầu vào lên đến 6-7 tỷ đồng.

Nuôi hàu Thái Bình Dương tại xã Bản Sen, huyện Vân Đồn.

Không vì thất bại mà nản, Tập đoàn BIM kiên trì mở rộng các hoạt động tiếp cận thị trường cho con hàu Thái Bình Dương, trong đó bám sát thị trường tại chỗ, tổ chức các buổi nếm thử, trình diễn nấu các món ăn từ hàu… đầu tư công nghệ sơ chế tiên tiến nhằm đảm bảo VSATTP. Chính nhờ đó, kể từ năm 2012, sản phẩm hàu Thái Bình Dương nguyên vỏ, tách ruột tươi của BIM đã dần được người tiêu dùng chấp nhận, vào được hệ thống các siêu thị, sức mua trên thị trường cả phân khúc bình dân và cao cấp đều tăng.

Kể từ thời điểm đó, BIM đã lấy thu bù chi, đến năm 2017 thì có lãi lớn. Theo thống kê của Tập đoàn, năm 2017, sản lượng đạt trên 2.000 tấn, doanh thu gần 40 tỷ đồng, cao gấp 25 lần so với giá trị doanh thu năm đầu tiên. Năm 2018, dự kiến sản lượng tiêu thụ 3.000 tấn; doanh thu 70 tỷ đồng.

Một doanh nghiệp khác cũng đi lên từ sản phẩm hàu Thái Bình Dương. Năm 2014, Công ty TNHH Sản xuất và Thương mại thủy sản Quảng Ninh tham gia hoạt động chế biến đồ ăn liền từ nguyên liệu hàu Thái Bình Dương. Mặc dù con hàu Thái Bình Dương lúc này đã được thị trường đón nhận, tuy nhiên, đa số hàu tiêu thụ nguyên con, không qua chế biến. Trong khi, đơn vị lại đi sâu vào ngành hàng chế biến nguyên liệu từ hàu; quá trình chế biến không dùng phụ gia, kể cả mì chính, thành phẩm vẫn có mùi tanh, khá khó dùng. Chính vì thế nên lượng tiêu dùng sản phẩm rất chậm, Công ty đứng trước nguy cơ thua lỗ.

Để khắc phục tình trạng này, Công ty đã đầu tư nguồn kinh phí lớn để nghiên cứu, hoàn thiện các sản phẩm chế biến từ con hàu theo khẩu vị người tiêu dùng.

Bà Phạm Thị Thu Hiền, Giám đốc Công ty cho biết: Tôi từng có nhiều dự án nghiên cứu về con hàu Thái Bình Dương, hiểu rất rõ ưu thế vượt trội về chất lượng của chúng, rất mong muốn được đưa chúng vào bàn ăn của người dân. Tôi tin đầu tư cho hàu Thái Bình Dương là đúng đắn, vì đã là sản phẩm tốt thật sự thì sẽ có chỗ đứng, quan trọng là doanh nghiệp phải có hướng đi phù hợp. Bởi vậy, nếu nói là chúng tôi đã mạo hiểm khi bỏ tiếp vốn đầu tư cho hàu là không đúng, đây hoàn toàn là chiến lược lâu dài của Công ty.

Chế biến ruốc hàu ở Công ty TNHH Sản xuất và Thương mại thủy sản Quảng Ninh. 

Được biết, Công ty TNHH Sản xuất và Thương mại thủy sản Quảng Ninh đã phát triển được hàng chục sản phẩm chế biến từ hàu Thái Bình Dương để đưa ra thị trường. Các sản phẩm liên tục được cải tiến về mẫu mã, khẩu vị, do đó đã được người tiêu dùng chấp nhận, trong đó sản phẩm chính là ruốc hàu, nem hàu, tinh chất bột hàu phục vụ sản xuất dược liệu, bánh hải sản các loại… Từ đầu năm 2017 đến nay, Công ty xuất trên 6.000 sản phẩm đồ ăn liền, 120.000 cái nem, 450kg tinh chất bột hàu, tổng doanh thu gần 15 tỷ đồng, đã đủ bù chi, chính thức cắt được lỗ. Riêng sản phẩm tinh chất bột hàu, trong năm 2017 mới chỉ đáp ứng được 70% nhu cầu của khách hàng, năm 2018 này nếu không mở rộng quy mô sẽ chỉ đáp ứng được 40% đơn hàng của khách.

Trợ lực cho doanh nghiệp

Mặc dù chưa phải là đối tượng nuôi chủ lực của tỉnh, tuy nhiên trước sự phát triển mạnh mẽ cũng như tiềm năng to lớn của con hàu Thái Bình Dương, thời gian qua tỉnh Quảng Ninh đã dành những chương trình hỗ trợ rất thiết thực cho loại thủy sản này. Đơn cử như chương trình quan trắc môi trường nuôi; giám sát VSATTP trong thu hoạch nhuyễn thể 2 mảnh vỏ; chương trình OCOP…

Ông Nguyễn Văn Thắng, Giám đốc dự án hàu Thái Bình Dương, Tập đoàn BIM, khẳng định: Các chương trình trên là sự nâng đỡ đúng cách, đúng lúc và hiệu quả của nhà nước dành cho doanh nghiệp, có thể bảo lãnh cho sản phẩm, gắn kết doanh nghiệp sản xuất đối với các kênh phân phối và người tiêu dùng.

Được biết, chương trình quan trắc môi trường và giám sát thu hoạch nhuyễn thể đều được cơ quan chuyên môn uy tín là Trung tâm Quan trắc Môi trường và Bệnh thủy sản Miền Bắc (Viện Nghiên cứu Nuôi trồng Thủy sản 1) thực hiện theo phương pháp rất sát thực là lấy mẫu để kiểm tra chất lượng môi trường nuôi, các chỉ tiêu bất lợi trong sản phẩm như tảo độc, độc tố sinh học biển, vi sinh vật gây bệnh, kim loại nặng, thuốc trừ sâu gốc chlor hữu cơ…

Các kết quả thường kỳ trong chương trình liên tục được gửi về các đơn vị chuyên môn và các kênh phân phối, tiêu thụ sản phẩm, đối tác của doanh nghiệp nuôi trồng, chế biến hàu Thái Bình Dương. Riêng chương trình giám sát VSATTP trong thu hoạch nhuyễn thể 2 mảnh vỏ còn đồng thời thực hiện giám sát thu hoạch và cấp giấy chứng nhận xuất xứ cho các sản phẩm. Đây là điều kiện vô cùng quan trọng để các đơn vị doanh nghiệp xuất khẩu sản phẩm, nhất là sang những thị trường khó tính như Mỹ, EU.

Sản phẩm ruốc hàu được bày bán tại các kỳ hội chợ OCOP của tỉnh, được người tiêu dùng ưa chuộng. 

Có thể thấy từ các chương trình quan trắc, giám sát VSATTP đã khiến con hàu Thái Bình Dương và vùng nuôi hàu Thái Bình Dương tại Vân Đồn được đánh giá cao, chiếm ưu thế cạnh tranh, thuận lợi hơn khi vào các kênh phân phối uy tín. Nhiều siêu thị bán hàng đã chủ động liên hệ với doanh nghiệp để nhập sản phẩm.

Riêng đối với chương trình OCOP, doanh nghiệp được hưởng lợi cả giá trị hiện hữu và vô hình. Bà Phạm Thị Thu Hiền, Giám đốc Công ty TNHH Sản xuất và Thương mại thủy sản Quảng Ninh cho biết: Chúng tôi không chỉ được tiếp cận vốn vay, hỗ trợ lãi suất vốn vay, hỗ trợ đầu tư thiết bị, ứng dụng công nghệ… mà quan trọng hơn được xây dựng thương hiệu cho sản phẩm, vốn là nền tảng để doanh nghiệp phát triển lâu bền và mạnh mẽ. Thực tế các sản phẩm khi nằm trong hệ thống sản phẩm OCOP sẽ được hỗ trợ đánh giá chất lượng sản phẩm, dán tem, nhãn mác truy xuất nguồn gốc, được quảng bá hình ảnh, xúc tiến thương mại…

Bà Hiền khẳng định, nếu không có sự hỗ trợ từ chương trình OCOP, doanh nghiệp sẽ phải bỏ chi phí không nhỏ cho các hoạt động này, quan trọng hơn kết quả cũng sẽ không được toàn diện, lan tỏa như hiện nay. Từ sự hỗ trợ của nhà nước, bà Hiền tự tin khẳng định sẽ phát triển trở thành doanh nghiệp sản xuất đồ thủy sản ăn liền quy mô lớn của toàn quốc, trong đó ưu tiên cho các sản phẩm từ con hàu Thái Bình Dương.

Có thể thấy từ một đối tượng nuôi ngoại lai, không có nhiều ưu thế cạnh tranh nhưng với những nỗ lực không mệt mỏi, sự tự thân đáng khâm phục của doanh nghiệp và sự hỗ trợ đúng cách của cơ quan quản lý nhà nước, con hàu Thái Bình Dương đã ghi điểm trên thị trường, tìm được chỗ đứng vững chắc cho mình. Điều này cho thấy với bất kỳ nông sản nào, nhất là các nông đặc sản bản địa, vốn mang lợi thế về sự khác biệt, riêng có, nếu có sự đầu tư bài bản, chiến lược rõ ràng, cái “bắt tay” chặt chẽ giữa doanh nghiệp và nhà nước thì hành trình đi đến thành công chắc chắn rất rộng mở…

Nguồn: Báo Quảng Ninh được kiểm duyệt bởi Farmtech VietNam.

Điểm sáng sản xuất giống thủy sản

Trạm Thực nghiệm NTTS Cát Tiến (Trung tâm Giống thủy sản Bình Định) đã nghiên cứu, tạo ra nhiều giống thủy sản mới, không chỉ cung ứng cho người NTTS ở Bình Định mà còn chiếm được niềm tin của người nuôi trên cả nước.

Cán bộ Trạm TNNTTS Cát Tiến chăm sóc hàu giống

Mặc dù phải làm việc trong điều kiện cơ sở hạ tầng vô cùng khó khăn, nhưng với lòng đam mê nghề nghiệp, những cán bộ của Trạm Thực nghiệm nuôi trồng thủy sản Cát Tiến (huyện Phù Cát, Bình Định) đã lặng lẽ nghiên cứu, tạo ra nhiều giống thủy sản mới, giúp người nuôi nâng cao hiệu quả SX.

Khó khăn không cản được bước tiến

Cách đây gần 10 năm, trong dịp về công tác tại Trạm Thực nghiệm NTTS Cát Tiến (Trung tâm Giống thủy sản Bình Định), tôi đã thật sự thấy choáng với hệ thống cơ sở vật chất quá xập xệ. Bây giờ về lại, đổi thay duy nhất mà tôi nhận ra là cơ sở hạ tầng ấy càng xuống cấp hơn.

Tuy nhiên, trong chừng ấy năm, Trạm đã nghiên cứu, tạo ra nhiều giống thủy sản mới, không chỉ cung ứng cho người NTTS ở Bình Định mà còn chiếm được niềm tin của người nuôi trên cả nước.

“Trạm được thành lập vào năm 2004, cơ sở hạ tầng được tận dụng từ xí nghiệp SX tôm giống để lại, từ đó đến nay chưa được sửa sang gì nên hiện đã xuống cấp nghiêm trọng. Dù vậy, Trạm vẫn được đánh giá là một trong số ít đơn vị hoạt động hiệu quả nhất trên cả nước”, ông Nguyễn Thế Vũ, GĐ Trung tâm Giống thủy sản Bình Định tự hào.

Ba năm sau ngày thành lập, Trạm đã tạo được tiếng vang khi thành công nhân giống cua xanh, một sản vật của đầm Thị Nại đã dần vắng bóng do khai thác quá mức. Từ công nghệ nuôi cua xanh tại Viện Nghiên cứu NTTS III (Khánh Hòa), những cán bộ của trạm đã SX được giống cua này, để trở thành 1 trong 5 đơn vị trong nước SX được giống cua xanh.

Hàu Thái Bình Dương đang được nuôi mạnh tại Bình Định

Ba năm sau, Trạm tiếp tục thành công với giống hàu Thái Bình Dương. Cũng học hỏi kinh nghiệm từ Viện Nghiên cứu NTTS III, bên cạnh thực hiện quy trình kỹ thuật được chuyển giao, các cán bộ của trạm vẫn thể hiện được dấu ấn sáng tạo của mình. Tùy theo thực tế về môi trường, thời tiết, khí hậu, đặc điểm sinh học, những cán bộ của Trạm có những điều chỉnh phù hợp. Quy trình kỹ thuật dần ổn định, mang lại hiệu quả cao. Hiện mỗi tháng trạm SX ít nhất 70.000 hàu giống, lúc cao điểm lên đến 200.000 con.

Ngoài cung cấp cho người nuôi trồng trong tỉnh, con giống cua xanh, cá chẽm, cá bớp, hàu, tôm của trạm còn “xuất ngoại” ra các tỉnh duyên hải miền Trung và một số tỉnh miền Tây Nam Bộ. Bây giờ, giống hàu Thái Bình Dương của Trạm có thể cạnh tranh ngang ngửa với con giống của các đơn vị NTTS lớn trong nước.
Bên cạnh cua xanh, cá chẽm, hàu Thái Bình Dương, Trạm còn SX được nhiều giống thủy sản quý, như ốc hương, tôm sú, chình bông, tu hài. Trạm cũng góp phần lưu giữ nhiều loại giống đặc hữu của địa phương, như cá măng Phù Mỹ.

“Điểm tựa” của người nuôi trồng thủy sản

Mấy chục năm gắn với nghề NTTS trên đầm Đề Gi, nằm trên địa bàn xã Cát Khánh (huyện Phù Cát), ông Thái Văn Triên từng nuôi thử nghiệm đủ con giống trên diện tích 1ha mặt nước, nhưng cuối cùng ông đã “mê tít” giống hàu. Đều đặn mỗi năm ông thả 3 lứa, mỗi lứa 70.000 – 80.000 hàu giống.

“Giống này phát triển tốt lắm, nhanh thu hoạch, giá giống rẻ hơn mua từ nơi khác. Hàu nuôi khoảng 4 tháng rưỡi là đạt 8 – 9 con/kg. Đây là con giống thủy sản phù hợp để phát triển ở vùng này”, ông Triên bộc bạch.

Trạm còn “nuôi mộng” xây dựng mô hình liên kết nuôi hàu theo chuỗi để làm cầu nối tiêu thụ cho người nuôi hàu thương phẩm. Trạm sẽ mua gom hàu thương phẩm của bà con nuôi từ con giống có xuất xứ từ trạm, xử lý bằng nước sạch và tia cực tím để đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm, sau đó cung cấp cho các nhà hàng, siêu thị để nâng cao giá trị.

Cán bộ Trạm Cát Tiến phải làm việc trong điều kiện cơ sở hạ tầng xập xệ

Theo ông Nguyễn Thế Vũ, hiện cua xanh và cá chẽm cũng được người NTTS trong tỉnh phát triển rất mạnh theo phương pháp quảng canh ở vùng nước lợ và diện tích mặt nước trong vùng hạ và trung triều với khoảng 1.500ha. Tuy nhiên, dù năng lực có thừa, nhưng Trạm Cát Tiến chỉ có thể SX mức độ do điều kiện cơ sở hạ tầng không cho phép. Do đó, con giống thủy sản của Trạm không đủ cung ứng cho người nuôi trồng.

Nguồn: Nongnghiep.vn được kiểm duyệt bởi Farmtech VietNam.

Thành công trong sản xuất giống Hàu tam bội tại Việt Nam

Giống Hàu tam bội có ưu thế nổi bật về tỷ lệ sống cao, tốc độ tăng trưởng nhanh, thịt thơm ngon và duy trì được độ béo quanh năm. Hàu tam bội thương phẩm được tạo ra từ công nghệ tứ bội sẽ đáp ứng được nhu cầu của thị trường trong nước và trên thế giới, giải quyết được đầu ra cho nghề nuôi Hàu hiện nay.

Hàu Thái Bình Dương (Crassostrea gigas)

Dự án “Nhập công nghệ Hàu tứ bội để sản xuất giống Hàu tam bội thể” đã được Bộ NN&PTNT phê duyệt cho Viện Nghiên cứu Nuôi trồng thủy sản III thực hiện – với mục tiêu: Tiếp nhận công nghệ sản xuất Hàu tam bội từ công nghệ Hàu tứ bội của Mỹ để tạo ra giống Hàu chất lượng cao, phục vụ phát triển nghề nuôi Hàu xuất khẩu.

 Vài nét về đối tượng nuôi này

Hàu là đặc sản biển rất có giá trị. Thịt hàu chứa hàm lượng đạm cao, nhiều loại vitamin A1, B1, B2, D, E và các nguyên tố vi lượng thiết yếu. Ngoài giá trị làm thực phẩm, Hàu còn có giá trị trong y học. Tinh chất chiết xuất từ thịt Hàu đã được sản xuất thành viên nang Oyster Plus có tác dụng tăng cường sức khỏe cho con người. Nhìn chung, Hàu được nhiều người tiêu dùng trong nước và trên thế giới ưa chuộng. Ngoài vấn đề cung cấp dinh dưỡng, nuôi Hàu còn giải quyết ô nhiễm môi trường. Đó là lý do khiến nghề nuôi Hàu đã tồn tại, phát triển tại nhiều quốc gia trên thế giới. Tuy nhiên, nghề nuôi Hàu đang phải đối mặt với hiện tượng Hàu nuôi chết hàng loạt, Hàu chậm lớn và chỉ đạt chất lượng cao tại thời điểm sinh sản. Để giải quyết triệt để những hạn chế trên, hoạt động nghiên cứu – ứng dụng công nghệ nhiễm sắc thể đã được tiến hành và có được những ảnh hưởng tích cực trong sản xuất.

Việc nghiên cứu tạo giống Hàu đa bội được bắt đầu từ thập kỉ 80, xuất phát từ việc tác động các tác nhân lý-hóa để tạo ra sự biến đổi đặc biệt trong đặc tính di truyền, đem lại kết quả bất ngờ về sức sống và khả năng sinh trưởng. Cụ thể là: Năm 1980, các nhà khoa học Mỹ đã nghiên cứu thành công phương pháp gây tam bội ở Hàu bằng các tác nhân vật lý, hóa học, kết quả thu được 80% thể tam bội. Năm 1996, một nhóm nghiên cứu khác (cũng tại Mỹ) đã khám phá ra công nghệ tạo giống Hàu đa bội và tứ bội thể, được cấp bản quyền. Giống Hàu tam bội từ lâu đã được thế giới công nhận là có nhiều ưu việt hơn các giống Hàu khác. Ngoài chất lượng dinh dưỡng tốt (thịt thơm ngon, duy trì được độ béo quanh năm), tăng trưởng nhanh, tỷ lệ sống cao, Hàu tam bội còn có khả năng chống chịu các biến động môi trường hơn Hàu lưỡng bội. Với những ưu thế đó, Hàu tam bội được phát triển mạnh tại Mỹ và hiện đang được mở rộng sản xuất ở Pháp, Ôxtrâylia, Hàn Quốc, Malaixia, Singapo…

Dự án sản xuất giống Hàu tam bội tại Việt Nam

Việt Nam nằm trong khu vực nhiệt đới, có nhiệt độ ấm áp quanh năm, diện tích bãi triều rộng, nhiều cửa sông đổ ra biển mang theo nhiều vật chất hữu cơ (là nguồn thức ăn phong phú cho Hàu). Ngoài ra, do phong trào nuôi tôm thâm canh rộng khắp đã để lại hệ quả là hiện tượng phì dưỡng, môi trường ô nhiễm… dẫn tới phong trào nuôi Hàu bắt đầu xuất hiện và phát triển tự phát, kỹ thuật thấp khiến sản phẩm Hàu của Việt Nam không thể tiếp cận thị trường thế giới. Trước tình trạng đó, Viện Nghiên cứu Nuôi trồng thủy sản III đã tiến hành chuyển giao công nghệ sản xuất giống Hàu tam bội loài Hàu Thái Bình Dương Crassostrea gigas và chuyển nhượng quyền sử dụng công nghệ Hàu tứ bội để tạo đàn Hàu bố mẹ tứ bội cho loài Hàu bản địa là Crassostrea rivularis. Hàu tam bội giống được nuôi cách ly trong điều kiện tốt nhất, hình thức nuôi bằng lồng nhiều tầng và khay treo trên giàn bè. Với các đặc điểm vượt trội, Hàu tam bội thương phẩm được tạo từ công nghệ tứ bội sẽ đáp ứng được yêu cầu thị trường xuất khẩu, quyết định sự phát triển của nghề nuôi Hàu tại Việt Nam.

Năm năm qua (từ tháng 8/2008-8/2013), trong quá trình nhập công nghệ Hàu tứ bội của Mỹ để sản xuất giống Hàu tam bội tại Việt Nam, Viện Nghiên cứu Nuôi trồng thủy sản III đã tiến hành nhiều thí nghiệm nghiên cứu nhằm điều chỉnh và hoàn thiện quy trình công nghệ sản xuất giống Hàu tam bội. Việc này có ý nghĩa khoa học to lớn và là cơ sở lý thuyết để nghiên cứu tạo tam bội cho các đối tượng nuôi thủy sản khác. Đây cũng được coi là bước đột phá về công nghệ, mở ra triển vọng phát triển nuôi Hàu tam bội bền vững. Dự án thành công còn tạo bước tiến lớn cho nghề nuôi Hàu xuất khẩu, mang lại hiệu quả kinh tế – xã hội cho ngành Nuôi trồng thủy sản Việt Nam: Cung cấp con giống chất lượng cao cho các cơ sở nuôi Hàu xuất khẩu, tạo công ăn việc làm, góp phần xóa đói giảm nghèo, tăng thu nhập cho cộng đồng cư dân ven biển…

Trong các năm 2009-2012, Viện đã tạo giống Hàu tam bội với 03 loài Hàu: Năm 2009, sản xuất được 30.724 con giống tam bội loài Crassostrea gigas, 531 con giống tam bội loài  Crassostrea iredalei. Năm 2010, sản xuất được 10.200 con giống tam bội loài Crassostrea gigas. Năm 2011, chỉ sản xuất được 30 con giống tam bội loài Crassostrea iredalei, 990.000 con giống tam bội loài Crassostrea gigas và 1.021.517 con giống tam bội loài Crassostrea rivularis. Năm 2012, sản xuất được 1.066.000 con giống tam bội loài Crassostrea gigas, 900.000 con giống tam bội loài Crassostrea rivularis. Như vậy: Đối với loài Crassostrea gigas, đã sản xuất được tất cả là 2.096.924 con giống tam bội. Loài Crassostrea rivularis sản xuất tổng cộng 1.921.517 con giống tam bội. Hai loài Hàu này được Viện Nghiên cứu Nuôi trồng thuỷ sản III chọn để sản xuất giống Hàu tam bội.

Hàu tam bội được nuôi thương phẩm để đánh giá chất lượng và khả năng thích nghi. Tiếp đến, so sánh tốc độ tăng trưởng của Hàu tam bội, tứ bội với Hàu địa phương lưỡng bội để đánh giá hiệu quả; theo dõi độ béo và chất lượng dinh dưỡng của Hàu tam bội, so sánh với Hàu địa phương lưỡng bội để đánh giá ưu thế Hàu tam bội. Thông qua tài liệu và tập huấn lý thuyết, thực hành sử dụng máy Flow Cytometer để phân tích bộ nhiễm sắc thể của từng loài, tam bội của từng loài; nhận dạng, đếm các bộ nhiễm sắc thể trên ấu trùng, con giống, Hàu chưa trưởng thành và Hàu trưởng thành. Trong quá trình nghiên cứu, Hàu tam bội  giống được nuôi riêng để theo dõi tốc độ tăng trưởng và tỷ lệ sống, đánh giá chất lượng và khả năng thích nghi; Độ béo của Hàu tam bội được xác định theo công thức Korea và Barber (1998).

Kết quả nuôi thử nghiệm: Tất cả Hàu tam bội đều sinh trưởng, phát triển tốt. Tốc độ tăng trưởng của Hàu tam bội cao hơn Hàu lưỡng bội. Hàu tam bội Crassostrea gigas có tốc độ tăng trưởng về chiều cao là 0,029-0,031 cm/ngày, tốc độ tăng trưởng về khối lượng là 0,25-0,28 g/ngày (trong khi Hàu lưỡng bội Crassostrea gigas có tốc độ tăng trưởng về chiều cao là 0,028-0,030 cm/ngày, về khối lượng là 0,21-0,24 g/ngày ). Tỷ lệ sống của Hàu tam bội cao hơn, nhất là ở những nơi có nhiều mùn bã hữu cơ. Tỷ lệ sống trung bình của Hàu tam bội Crassostrea gigas dao động trong khoảng 34-47% (trong khi tỷ lệ sống trung bình của Hàu lưỡng bội Crassostrea gigas dao động trong khoảng 32-45%). Đặc biệt, Hàu tam bộiCrassostrea rivularis có tốc độ tăng trưởng rất nhanh – về chiều cao là 0,036 cm/ngày, về khối lượng là 0,38 g/ngày và tỷ lệ sống 46% (sau 8 tháng nuôi). Số liệu thu thập được cho thấy, tỷ lệ sống của Hàu lưỡng bội và Hàu tam bội không có sự sai khác nhiều, đã khẳng định khả năng phát triển tốt nghề nuôi Hàu tam bội tại Việt Nam. Hàu tam bội Crassostrea rivulariscó tốc độ tăng trưởng  cao nhất, cho thấy đối tượng này nhanh lớn, sẽ đem lại hiệu quả nuôi cao.

Về độ béo, sau khi phân tích chất lượng dinh dưỡng, so sánh độ béo của Hàu tam bội Crassostrea gigas với Hàu lưỡng bội Crassostrea gigas, kết quả cho thấy: độ béo của Hàu tam bội luôn cao hơn Hàu lưỡng bội và chỉ tiêu về dinh dưỡng này ở Hàu tam bội ổn định quanh năm. Trong khi ở Hàu lưỡng bội, độ béo cao chỉ duy trì trong khoảng thời gian từ tháng 4 đến tháng 8 (cũng chính là mùa sinh sản của Hàu), còn từ tháng 9 thì độ béo ở Hàu lưỡng bội đã bắt đầu giảm cho đến tháng 3 năm sau. Có thể thấy, thời gian Hàu lưỡng bội béo rất ngắn, chỉ kéo dài khoảng 4-5 tháng trong một năm. Khi mổ Hàu tam bội và Hàu lưỡng bội (có cùng kích thước) thì thấy: Hàu tam bội có khối thân mềm lớn, chiếm gần đầy bên trong vỏ, khối thịt rắn chắc, hàm lượng nước ít; Trái lại, Hàu lưỡng bội có hàm lượng nước nhiều, khối thân mềm nhỏ (trong những tháng ngoài mùa vụ sinh sản, khối thân nhỏ, thậm chí teo tóp).

Thành công của Dự án đã giúp các nhà khoa học làm chủ được quy trình công nghệ sản xuất giống Hàu tam bội và kỹ thuật nuôi thương phẩm các loài Hàu. Cán bộ Dự án hiện đã sử dụng thành thạo thiết bị xác định nhiễm sắc thể Flow Cytometer, nhận dạng, đếm các bộ nhiễm sắc thể trên ấu trùng, con giống, Hàu chưa trưởng thành và Hàu trưởng thành. Giống Hàu tam bội ở cả hai loài Crassostrea gigas và Crassostrea rivularis đều phát triển tốt và có tốc độ tăng trưởng, tỷ lệ sống cao. Dự án đã cung cấp giống Hàu tam bội cho rất nhiều tỉnh/thành trên cả nước, giúp hình thành và mở rộng nghề nuôi Hàu tại Bến Tre, Vũng Tàu, Ninh Thuận, Khánh Hòa, Phú Yên, Bình Định và Quảng Ngãi. Nghề nuôi Hàu phát triển không những giải quyết được vấn đề ô nhiễm môi trường, mà còn giải quyết công ăn việc làm, tăng thu nhập cho cộng đồng ngư dân ven biển, góp phần bảo vệ nguồn lợi thủy sản…

Ngoài mục tiêu nâng cao năng lực nghiên cứu về tam bội trên Hàu, tạo nguồn nguyên liệu chất lượng cao phục vụ cho xuất khẩu, Dự án cũng hy vọng sẽ vận dụng những kết quả đã đạt được ở Hàu, áp dụng cho các đối tượng nhuyễn thể khác (như: Ngao). Nhìn chung, Dự án đã đạt được mục tiêu đề ra: Tiếp nhận công nghệ sản xuất Hàu tam bội từ công nghệ tứ bội của Mỹ, tạo đàn Hàu tứ bội – phục vụ sản xuất Hàu tam bội thương phẩm tại Việt Nam. Từ tháng 5/2010 đến tháng 7/2013, đã tạo thành công giống Hàu tứ bội của 02 loài Crassostrea gigas và Crassostrea rivularis. Tổng số con giống tứ bội loài Hàu Crassostrea gigas là 2.200 con, tổng số con giống tứ bội loài Hàu Crassostrea rivularis là 1.900 con.

Dự án đã tạo ra con giống Hàu tam bội chất lượng cao và có nhiều ưu điểm như: lớn nhanh, hình dáng đẹp, tốn ít thức ăn (vì Hàu có khả năng lọc các mùn bã hữu cơ và thực vật phù du trong nước, làm sạch môi trường), đầu tư thấp, lợi nhuận cao, và Hàu dễ dàng thích nghi, sinh trưởng tại nhiều địa phương… nên có thể mở rộng phạm vi nuôi dưỡng (nhất là tại vùng rừng ngập mặn, cửa sông – những nơi bị tàn phá khốc liệt bởi nghề nuôi tôm hay các loài hải sản khác). Dự án đã góp phần phát triển nghề nuôi Hàu, bảo vệ nguồn lợi Hàu tự nhiên, bảo tồn đa dạng sinh học, bảo vệ cân bằng sinh thái vùng triều. Đặc biệt, những sản phẩm Hàu tam bội chất lượng cao được thị trường thế giới chấp nhận, chính là điều kiện tiên quyết kích thích nghề nuôi Hàu tam bội phát triển tại Việt Nam.

Nguồn: Nhanong.com được kiểm duyệt lại bởi Farmtech VietNam.