“Huấn luyện viên” cá chình bông

Không cần nuôi trong suối nước mát, không cần thức ăn tươi sống mà cá chình vẫn khỏe, lớn nhanh… Đó là những điều khác biệt mà anh Phương Trung (Ninh Giang, Ninh Phước, Ninh Hòa, Khánh Hòa) “huấn luyện” cho cá chình giống của mình và chinh phục được nhiều khách hàng đặt mua…

CHO CÁ “Ở” TRONG BỂ XI MĂNG

Không như những gì tôi tưởng tượng về một trại giống ương cá chình nằm ven chân núi, ven suối hay trong bè trên sông… như vẫn thường thấy, trại giống của anh Trung lại là một trại tôm giống cũ, nằm ven biển, toàn là bể xi măng. Vậy mà, lượng cá chình nuôi trong khu bể vốn để ương tôm post này hàng năm cung cấp cho thị trường đến 1,5 triệu con cá chình giống quý hiếm. “Ở đây chắc nóng lắm, cá chình liệu có thích hợp?” – tôi thắc mắc.

Không trả lời vội, dẫn tôi đi sâu vào khu trại, nơi hàng ngàn con cá chình đang vào cữ ăn, anh Trung chậm rãi nói: Hiện nay trên thế giới chưa có nước nào cho cá chình sinh sản nhân tạo. Cá chình giống hiện nay đều được bắt từ môi trường tự nhiên. Vì vậy, dù nghề nuôi cá chình bông sinh lợi rất lớn, giá cá thương phẩm loại 1 (2-5kg/con) lên đến 400.000 đồng/kg, nuôi 1.000 con, đến khi thu hoạch có thể cho thu lãi đến vài trăm triệu đồng. Nhưng “rào cản” lớn nhất của nghề này lại chính là con giống, khan hiếm, không chủ động về số lượng, chất lượng cũng như độ đồng đều. Cá được thu về từ việc đánh bắt ngoài thiên nhiên rất dễ bị xây xát, đuối sức nên tỷ lệ cá chết rất cao.

Hai năm trước, anh tình cờ quen biết một chuyên gia Đài Loan, người đã giới thiệu cho anh biết về nghề nuôi cá chình bông cũng như hứa hẹn với anh về nguồn cung cấp giống dồi dào, ổn định. Và đó chính là thời điểm anh bắt đầu “bén duyên” với cá chình. Anh đã bỏ ra không ít tiền đi hàng chục tỉnh thành trong nước học hỏi các mô hình nuôi và ước tính nhu cầu giống. Vận dụng kinh nghiệm nhiều năm làm trong nghề nuôi thủy sản, kinh nghiệm của những tháng ngày mày mò nghiên cứu cho cua, cá ngựa, tôm sú, tôm chân trắng đẻ nhân tạo, anh mạnh dạn nhập cá chình giống chỉ bằng que tăm từ Đài Loan về nuôi ương.

Cá chình là loài cá nước ngọt và ưa vùng nước lạnh (chúng được xếp vào nhóm cá nước lạnh nội địa). Để cá thích nghi được với môi trương mới, anh đã mua thiết bị và thiết kế lại khu trại tôm post của mình. Anh đặt một hệ thống ống nước, lấy nước bơm từ giếng lên xả vào các bể cá, đồng thời xả nước từ bể ra ngoài. Mục đích là tạo ra một môi trường nước chảy thường xuyên ra – vào bể cá, bảo đảm nước không bị quá nóng khi nhiệt độ ngoài trời lên cao và tạo nên một môi trường nước chảy thích hợp với cá chình như ở suối. Ban đầu hệ thống anh làm và sự chăm sóc cá còn chệch choạc nên cá chết nhiều. Vừa làm vừa rút kinh nghiệm, đến nay cách làm của anh đã thành công, tỷ lệ cá sống đến trên 95%, đặc biệt là sau khóa “huấn luyện” cá giống của anh có thể thích nghi với điều kiện sống khác hẳn với môi trường thiên nhiên. Cá không chỉ có thể chịu nhiệt tốt mà còn không sợ ánh sáng, chuyển sang ăn nổi, lớn nhanh trong cả môi trường nước không hoàn toàn ngọt ở những vùng nước bị nhiễm mặn.

LUYỆN ĂN “CÁM TỔNG HỢP”

Kể về chuyện này, anh Trung tự hào cho biết: Sau khi đã nắm được phương pháp huấn luyện cho cá chình giống sống tốt trong môi trường bể xi măng tôi mới thấy sự bất tiện của việc cho chúng ăn bằng thức ăn tạp tươi sống. Không chỉ vì việc băm nát cá tạp 2 lần/ngày rất mất thời gian, việc bảo quản cá cho thật tươi cũng rất nhiêu khê. Mặt khác, quá trình cá bắt mồi không đồng đều, rồi mồi rớt, lắng, dư thừa trong bể nếu không thường xuyên mất công vệ sinh kỹ sẽ gây ô nhiễm nguồn nước. Đó là chưa kể khi cá bị bệnh, trộn thuốc vào thức ăn tạp cũng không mấy hiệu quả, thuốc bị tan ra trong nước…

Vậy là, chàng thanh niên vốn ham mê tìm tòi cái mới này bắt tay vào nghiên cứu làm thức ăn công nghiệp cho cá chình. Từ kinh nghiệm làm thức ăn cho tôm ngày trước, chỉ trong thời gian ngắn anh đã chế biến thành công loại thức ăn công nghiệp với đầy đủ chất dinh dưỡng cần thiết cho cá chình bông.

Để cá bắt mồi đồng đều, khắc phục và hạn chế việc thức ăn dư thừa trong bể gây ô nhiễm nước, khi cho cá ăn, anh cho vào cám một ít nước rồi nhào kỹ. Cứ mỗi bể cá, anh treo vào 2 – 3 rá nhựa. Mỗi ngày, trước mỗi cữ ăn, anh gõ mạnh vào thành thau nhôm phát ra tiếng leng keng như hiệu lệnh giờ ăn rồi mới múc từng cục lớn thức ăn đã nhào dẻo thả vào rá. Nhiều lần như vậy, cá quen, cứ hễ nghe tiếng gõ là cá tự động “tập hợp” quanh rá, rỉa cục cám cho đến khi no…

Bằng những biện pháp “huấn luyện” khoa học, sáng tạo và cách chăm sóc cá chu đáo, chỉ trong vòng 6 tháng cá chình tăm đã lớn đến cỡ 50 – 100 con/kg bán làm giống với giá 18.000 đồng/con. Cách làm này cho anh thu lãi hàng trăm triệu đồng mỗi năm.

Nguồn: Nongnghiep được kiểm duyệt lại bởi Farmtech VietNam.

Kỹ thuật ương giống cá chình

Ở Việt Nam nghề nuôi cá Chình đang ở bước khởi đầu, việc nghiên cứu thử nghiệm đang được các Viện, Trường thực hiện. Người dân ở các tỉnh chủ yếu nuôi theo hình thức quang canh tận dụng nguồn giống và thức ăn sẵn có tại địa phương để nuôi.

Cá chình

Một trong những vấn đề khó khăn nhất của việc phát triển nghề nuôi cá Chình ở nước ta là nguồn giống. Do nguồn giống cá Chình hiện nay, hoàn toàn phụ thuộc vào khai   thác tự nhiên. Hình thức khai thác giống của ngư dân ở nước ta mang tính thủ công, lạc hậu và nhiều hình thức mang tính hủy diệt như: Dùng hóa chất, thuốc nổ, xung  điện…nên nguồn lợi giống cá Chình ngày càng giảm sút, chất lượng con giống không đảm bảo.

Dưới đây là một số kinh nghiệm kỹ thuật ương giống nhằm giúp ích cho bà con:

Địa điểm

– Chọn vị trí cao không bị lũ lụt, thoáng mát, có đầy đủ ánh sáng mặt trời.

– Nơi có nguồn điện cung cấp ổn định, đường giao thông thuận lợi, an ninh trật tự tốt.

– Không nên xây dựng ao ở những vùng đất bị nhiễm phèn. Vùng bị ngập úng kéo dài.

– Phải bảo đảm nguồn nước dùng để ương cá Chình giống bao gồm nguồn nước sông, suối, nước ngầm phải đảm bảo chất lượng không bị ô nhiễm hóa chất độc hại hoặc do chất thải của các nhà máy…

Lựa chọn loài nuôi

Hiện nay, ở nước ta có 2 loài đang được ương:

  • Cá Chình Bông (Anguilla marmorata)

Cá Chình Bông (Anguilla marmorata)

  • Cá Chình Nhật Bản (Anguilla japonica).

Cá Chình Nhật Bản (Anguilla japonica)

Cách thức khai thác và lựa chọn giống

Có ba phương pháp khai thác cá chình ngoài tự nhiên:

– Dùng đèn tập trung cá theo tập tính huớng quang của nó vào ban đêm rồi dùng vợt để vớt.

– Ðặt lưới đăng cố định ở cửa sông nơi có cá con phân bố để đánh bắt

– Dùng 2 thuyền lưới vây để vây cá ở cửa sông ven biển rồi phân loại giữ lại cá chình.

– Cỡ giống: 5000-7000 con/kg

– Giống ương phải đồng đều kích cỡ, bơi lội hoạt bát, bơi ngược dòng nước chảy, cơ thể không bị xây sát, nhiễm bệnh.

Chuẩn bị bể ương

Trước khi thả cá 15-20 ngày cần chuẩn bị bể ương:

– Bơm nước sạch vào hệ thống bể ương dùng Chlorin nồng độ 30-50ppm ngâm trong 5-7 ngày để khử trùng. Sau đó tháo cạn, vệ sinh thật sạch, để bể khô.

Chuẩn bị bể nuôi cá chình

– Trước khi thả giống 2-3 ngày cho nước vào. Nguồn nước cấp phải được lắng lọc cẩn thận, các yếu tố môi trường phù hợp.

– Mức nước lấy vào bể ương ban đầu cao 30-40cm sau đó tăng dần độ cao mực nước trong bể lên 70-80cm.

Khử trùng cá giống

Dùng 1 trong 3 loại hoá chất để tiêu độc cho cá :
– KMnO4 : 1 – 3 ppm;
– CuSO4 : 0,3 – 0,5ppm;
– Formalin : 1 – 3 ppm.

Thả cá

Cá giống khi vận chuyển đến nơi ương trước lúc thả cần tuân thủ các bước:

– Cần cân bằng nhiệt độ và các yếu tố môi trường trước lúc thả bằng cách ngâm các túi đựng cá từ 30-60 phút sau đó cho nước vào từ từ rồi thả cá ra.

– Các thao tác phải nhẹ, nhanh không làm cá bị xây sát, mất nhớt.

– Sau khi thả cá khoảng 30 phút cần kiểm tra cá và dùng vợt vớt những con cá yếu, bị xây sát ra khỏi bể.

Mật độ thả cá

1500 -2500 con/m³ (0,3 – 0,5kg cá/m³)

Mật độ nuôi cá chình bông

Chăm sóc và quản lý bể ương

  • Cho cá ăn

– Sau khi thả giống 1-2 ngày bắt đầu cho cá ăn, thức ăn được để trong sàn cho ăn mỗi bể nên có từ 1-2 sàn ăn riêng biệt.

Trong tuần đầu thức ăn bao gồm: Trùng chỉ, trứng cá tươi. Lượng thức ăn 15-30% trọng lượng thân, thời gian cho ăn sáng 6-7 giờ, chiều 16-17 giờ, tối 22-23 giờ.

Tuần thứ hai: Cho ăn trùn chỉ có bổ sung thêm thức ăn công nghiệp hoặc chế
biến.

– Cách chế biến thức ăn cho cá: Trùng chỉ xay nhuyễn cho vào thau sau đó cho thức ăn tổng hợp vào và cho nước sạch vào từ từ trộn đều, khi thấy thức ăn đã có độ kết dính kiểm tra không dính tay là được. Ngoài ra, có thể bổ sung thêm các chất như dầu gan cá, dầu thực vật (3-5%), Vitamin (0,5-1%) để tăng hàm lượng Protein trong thức ăn và tăng sức đề kháng cho cá.

– Trước khi cho ăn nên tắt hết thống nước, sục khí nhằm tránh thức ăn bị trôi. Tùy theo lượng cá, tình trạng sức khỏe và các yếu tố môi trường đặc biệt là nhiệt độ để điều chỉnh lượng thức ăn phù hợp. Sau khi cho cá ăn xong phải vệ sinh sàn ăn sạch sẽ, mở hệ thống nước và sục khí.

  • Quản lý chất lượng nước

– Hàng ngày, phải kiểm tra các yếu tố môi trường như: pH, nhiệt độ, độ trong… để có sự điều chỉnh kịp thời.

– Sau khi cho cá ăn phải thay nước kết hợp xi phong nhằm loại bỏ lượng thức ăn dư thừa và chất thải của cá..
Ngoài ra, phải thường xuyên kiểm tra thiết bị điện và máy sục khí. Đảm bảo cung cấp thường xuyên, đầy đủ trong suốt quá trình ương.

  • Phòng bệnh cho cá

– Quản lí tốt chất lượng nước trong quá trình nuôi.

–  Thường xuyên vệ sinh bể ương đúng quy trình kỹ thuật.

–  Thức ăn cung cấp phải đảm bảo chất lượng và số lượng.

– Thường xuyên theo dõi tình trạng sức khỏe của cá để có biện pháp xử lý kịp thời.

Tổng hợp bởi Farmtech VietNam.