Cà Phê Việt: Thế mạnh top 2 thế giới, Việt Nam vẫn ôm nỗi buồn đội sổ

Đứng thứ 2 thế giới, song xuất khẩu cà phê của Việt Nam lại đang sụt giảm mạnh. Đáng buồn hơn, giá xuất khẩu cà phê Việt đang xếp vị trí gần như đội sổ, rẻ hơn nhiều so với giá cà phê cùng loại của các nước.

Việt Nam đứng thứ 2 thế giới về xuất khẩu Cà Phê

Theo báo cáo của Cục Chế biến và phát triển thị trường nông sản, xuất khẩu cà phê 8 tháng năm 2019 ước đạt 1,17 triệu tấn và gần 2 tỷ USD, giảm 11,8% về khối lượng và giảm 21,4% về giá trị so với cùng kỳ năm 2018.

Từ đầu năm đến nay, Đức và Mỹ tiếp tục là hai thị trường tiêu thụ cà phê lớn nhất của Việt Nam với thị phần lần lượt là 13,7% và 9%. Ngoại trừ Philippines và Malaysia có giá trị xuất khẩu cà phê tăng lần lượt 22% và 3,7%, hầu hết các thị trường chính còn lại đều giảm so với cùng kỳ năm 2018.

Không những giảm về sản lượng xuất khẩu, giá giá cà phê xuất khẩu bình quân 7 tháng đầu năm 2019 chỉ đạt 1.708 USD/tấn, giảm 11,2% so với cùng kỳ năm 2018.

Thực tế, giá cà phê Việt Nam đang giảm theo xu hướng chung. Giá cà phê thế giới tiếp tục suy giảm trong những tháng đầu năm 2019 và giảm xuống mức thấp nhất trong 13 năm trở lại đây do áp lực dư cung của thị trường cà phê toàn cầu.

Song, điều đáng buồn, giá cà phê Việt xuất khẩu lại đang xếp vị trí gần như đội sổ, rẻ hơn nhiều so với giá cà phê cùng loại của các nước khác.

Đơn cử, tại Tây Ban Nha, Việt Nam là nguồn cung cà phê lớn nhất cho nước này với hai loại chủ yếu gồm: cà phê chưa rang; chưa khử caffein và khử caffein (không bao gồm rang) chiếm 42,8% và 39,5% trong tổng trị giá nhập khẩu hai chủng loại cà phê này trong 4 tháng đầu năm 2019.

Giá nhập khẩu bình quân cà phê của Tây Ban Nha đạt mức 2.712 USD/tấn. Trong khi đó, giá nhập khẩu bình quân cà phê từ Việt Nam chỉ ở mức 1.779 USD/tấn, thấp hơn nhiều giá bình quân nhập khẩu tại thị trường này.

Đáng chú ý, giá nhập khẩu bình quân cà phê của Tây Ban Nha từ Pháp đạt mức cao 15.670 USD/tấn. Tức cao gấp gần 9 lần so với giá cà phê nước này nhập từ Việt Nam.

Tương tự, Bộ Công Thương cũng dẫn số liệu từ Ủy ban thương mại Hàn Quốc, trong 4 tháng đầu năm nay, Việt Nam cũng là nước xuất khẩu cà phê lớn nhất vào thị trường này với sản lượng 11.000 tấn, song giá chỉ đạt 1,8 USD/kg.

Brazil là nước đứng thứ hai về sản lượng với gần 10.600 tấn nhưng xuất khẩu được vào Hàn Quốc với giá 2,6 USD/kg. Còn cà phê Colombia đứng thứ 3 với trên 9.000 tấn, giá bình quân đạt 3,2 USD/kg.

Cà Phê Việt xuất khẩu thô là chủ yếu nên giá trị thu về thấp

Một chuyên gia trong ngành cho biết, cà phê Việt Nam hiện được xuất khẩu sang trên 80 quốc gia và vùng lãnh thổ trên thế giới với kim ngạch xuất khẩu trên 3 tỷ USD, chiếm 14% thị phần và 10,4% giá trị cà phê nhân xuất khẩu toàn cầu, đứng thứ 2 sau Brazil.

Tuy nhiên, lượng cà phê xuất khẩu chủ yếu là cà phê nhân, chiếm khoảng 90%. Do đó, lợi nhuận thu về chưa tương xứng với lượng hàng xuất đi. Giá cà phê xuất khẩu của Việt Nam cũng thấp hơi nhiều, thậm chí còn xếp bét bảng so với các nước có thế mạnh xuất khẩu cà phê.

Theo Cục Chế biến và Phát triển thị trường nông sản, phần lớn cà phê Việt Nam khi thu hoạch không đáp ứng được độ chín, lẫn nhiều tạp chất, máy móc thiết bị sơ chế lạc hậu, sân phơi tạm bợ trên nền đất hoặc nền xi măng,… dẫn đến chất luọng thấp.

Trong khi xuất khẩu chủ yếu ở dạng thô nên cà phê Việt không có thương hiệu mà phần lớn trở thành nguyên liệu của nhiều nước dùng để chế biến sâu và tái xuất lại tiêu thụ ở Việt Nam dưới dạng cà phê bột, hòa tan, pha sẵn…

Đơn vị này dự báo, giá cà phê trong ngắn hạn sẽ tăng do nguồn cung có phần sụt giảm từ các nước sản xuất chính, tuy nhiên giá sẽ vẫn ở mức thấp trong nhiều năm. Ngoài ra, nhu cầu tiêu dùng cà phê tăng nhanh hơn so với sản xuất sẽ thúc đẩy nhu cầu nhập khẩu cà phê trong trung và dài hạn.

Nguồn: Tổng hợp và được kiểm duyệt bởi Farmtech Vietnam

Những vùng đất trồng cà phê nổi tiếng ở Việt Nam

Khi nhắc đến những vùng đất trồng cà phê ở nước ta, trước hết phải kể đến các tỉnh Tây Nguyên với các vùng trồng cà phê nổi tiếng như Cầu Đất, Núi Min, Trạm Hành (Lâm Đồng) và đặc biệt Buôn Ma Thuột (Đắk Lắk) – vựa cà phê Robusta đứng đầu thế giới.

Dải đất Tây nguyên này hay còn gọi là Cao nguyên trung phần, may mắn được tạo hóa ban cho đất đỏ bazan trù phú (2 triệu hécta, chiếm 60% đất bazan cả nước), có tính chất cơ lý tốt, khả năng giữ nước và hấp thu dinh dưỡng cao, kết cấu viên cục độ xốp bình quân 62 – 65%… Bên cạnh đó, các cao nguyên này lại có độ cao khoảng 500 – 600m so với mực nước biển cùng khí hậu mát mẻ, mưa nhiều nên rất thích hợp với loại cà phê Robusta và một số loại cây công nghiệp khác.

Buôn Ma Thuột là vùng đất có cà phê khá sớm ở Việt Nam. Trước đó, người Pháp đã khảo sát rất kỹ lưỡng về thổ nhưỡng, khí hậu, độ cao, tầng phù sa cổ…mới chọn Buôn Ma Thuột là nơi chuyên canh cây cà phê Robusta, lấy Buôn Ma Thuột làm tâm trong vòng bán kính 10km trồng cà phê Robusta đều cho ra thể chất tốt, như Ea Kao, Etam, Tân Lập, Tân Hòa, Tân An, Tân Lợi, Cư Ebut, và một số huyện khác: Cư Mgar, Krong Ana… Robusta vùng này là loại thích hợp nhất để tăng độ mạnh của cà phê Espresso (gốc Milano) nhưng với một tỷ lệ ít.

Cà phê Buôn Mê Thuột

Vốn là một trong tám đô thị loại một trực thuộc tỉnh, lại là thành phố chiến lược, đặc biệt quan trọng về an ninh quốc phòng cấp quốc gia nên Buôn Ma Thuột được nhà nước quan tâm và đầu tư nhiều để phát triển cơ sở hạ tầng cùng nhiều mặt khác. Với sản lượng cà phê Robusta đứng đầu cả nước, góp phần đưa sản lượng xuất khẩu cà phê Việt Nam lên vị trí số 1 trên thế giới, và cung cấp một sản phẩm cà phê có chất lượng cao nhất và hương vị đặc trưng nhất nên  Buôn Ma Thuột được xem là “thủ phủ cà phê”.

Tuy cùng nằm trên dải đất Tây nguyên nhưng cà phê Cầu Đất, Núi Min, Trạm Hành của tỉnh Lâm Đồng lại có sự khác biệt hẳn. Đó là hương thơm quyến rũ của cà phê Arabica vốn được thế giới ưa chuộng. Ở độ cao trên 1.500m so với mực nước biển, có nhiều vùng đồi dốc thoai thoải cùng khí hậu mát mẻ, những vùng đất này của Lâm Đồng là nơi chốn đắc địa, lý tưởng nhất cho giống Arabica phát triển và sản sinh ra những hạt cà phê có chất lượng vào hàng ngon nhất nhì thế giới. Đặc biệt, cà phê Cầu Đất được xem như “Bà hoàng” của các loại cà phê nhờ hương thơm quyến rũ đặc biệt của nó.

Cà phê Arabica Đà Lạt

Khe Sanh (Quảng Trị) cũng là một vùng trồng nổi tiếng khác của giống cà phê Arabica và Catimor (cà phê mít), vốn có độ cao phù hợp và là vùng đồng bằng chịu những ngọn gió Lào hun đúc thổi từ hoang mạc Trung Á làm đồng khô cỏ cháy và con người gan góc kiên trì nhất Việt Nam. Bên cạnh đó, nước ta còn có vùng cà phê Arabica Tây Bắc đã có lịch sử cả trăm năm, tuy cho những sản phẩm thấp hơn so với các tỉnh Tây nguyên, song cũng góp phần làm hương sắc cà phê Việt thêm phong phú và đa dạng.

Ngoài những vùng trồng cà phê tiêu biểu kể trên, Việt Nam cũng được biết đến với cà phê tại Đắk Mil của Đắk Nông, có tới 19.000ha cà phê, chiếm tới 1/4 diện tích của huyện này và cung cấp sản lượng tới 42.930 tấn, chiếm 1/3 sản lượng cà phê so với toàn tỉnh. Nếu như cà phê Đắk Hà mang tới hương vị hoan hỉ, nồng nhiệt thì cà phê Đắk Mil chua thanh lại đem đến sự trầm tư, sâu sắc.

Gia Lai thì lại được biết đến với cà phê Chư Sê, một huyện nằm cách thành phố Pleiku 40km về phía nam, với diện tích 12.000ha, lại mang đến hương vị cà phê  sục sôi, đầy chất lửa. Ngoài ra, tỉnh này còn có những vùng đất trồng cà phê khác với sản lượng và chất lượng khá tốt như Chư Pả, Ia Sao, An Khê…

Cà phê Chư Sê Gia Lai

Tổng hợp bởi Farmtech Vietnam.