Hướng dẫn cách phơi cà phê kiểu mới đem hiệu quả cao

Cách phơi cà phê kiểu mới đem hiệu quả cao Viện khoa học nông lâm nghiệp Tây Nguyên đề xuất cách phơi cà phê mới đơn giản, dễ áp dụng ở từng nông hộ và có thể vừa hái vừa phơi trên rẫy.

Phơi cà phê trên giá

Dùng những cây tre/thanh gỗ đóng giá phơi giống như kiểu làm cây thang. Tùy vị trí đặt và phương tiện chuyên chở giá phơi đến vị trí phơi, chiều dài một khung tre có thể từ 2 – 6 m. Cắt các khúc ngọn tre làm thanh đà ngang dài 1,2 hoặc 1,4 m. Đục các lỗ tương ứng cách nhau 40 cm trên hai thanh dài để lắp các thanh đà ngang. Dùng ngàm/chốt nối 2 đoạn tre dài với các đoạn tre ngắn thành khung giá. Chẻ những thanh tre có bản rộng 2 – 3 cm, chuốt sơ, tề đầu, đóng cách nhau 3 cm vào các thanh đà. Chân giàn cao 0,7 – 0,8 m tiện cho việc đứng phơi, thu gom; có thể đóng cố định xuống đất, tạo thành ngựa hay dùng các sọt nhựa hình chữ nhật dễ di chuyển. Dựng giá phơi ở chỗ nhiều nắng và có gió càng tốt. Dùng bạt nhựa loại 2 da hay có chỉ (bền, xài được nhiều năm) rộng 1,5 – 1,6 m trải lên mặt giàn. Hái được bao nào, đổ lên giàn, trải mỏng phơi liền. Gặp mưa chỉ cần kéo nửa tấm bạt đậy lại, trời hửng giở ra, lâu lâu quơ tay đảo trở.

Phơi cà phê trên giá kết hợp với hiệu ứng lồng kính

Giá phơi làm như trên. Làm thêm tấm “kính” bằng nylon hay polyester trong suốt có kích thước bằng hay lớn hơn một chút với giá phơi. Trong 1 giờ đầu buổi sáng, tấm “kính” được đậy lên giàn phơi. Khi bên ngoài nhiệt độ 20 – 30 độ C, bên trong lồng kính tăng đến 40 – 50 độ C, hơi nước trong trái cà phê bay hơi nhanh hơn. Sau 1 – 1 giờ 30, dùng đoạn cây dài 30 – 40 cm chống một bên của tấm “kính” lên, việc này quan trọng giúp hơi nước bay đi mà không thấm lại vào trái cà phê. Nắng vẫn xuyên qua tấm “kính”, nhiệt độ trong lồng kính cao vẫn làm sự bay hơi nước liên tục, cà phê mau khô. Nếu trời mưa, chỉ cần sập tấm “kính” xuống là cà phê không bị ướt.

Nhà kính phơi cà phê

Phát triển từ phơi giá và tấm “kính” làm tăng nhiệt độ, phơi cà phê mau khô. Theo cách này, chế nhà vòm mỗi chiều khoảng 2,5 – 3 m lợp “kính”, dựng ngoài trời, có “nồi hút gió” trên nóc. Phủ “kính” kín từ nóc, tứ bề đổ xuống nền xi măng. Bố trí 2 – 3 cửa thông (lấy) gió dài 30, rộng 15 cm ở hai bên, cách mặt đất 20 cm. Trong nhà vòm có nhiều tầng đặt giá lưới sắt hay nan tre, giá dưới cùng cách mặt đất 30 – 35 cm, các tầng trên cách nhau 25 – 30 cm. Khi trời nắng, nhiệt độ ngoài trời đạt 30 độ C thì trong nhà vòm là 60 độ C, cà phê rất mau khô. Không khí trong nhà vòm bị nung nóng bởi hiệu ứng nhà kính bốc lên cao đi qua các giàn cà phê cần phơi, bay ra ngoài qua nồi gió. Các luồng không khí đi vào từ bên dưới, vào nhà vòm, bốc lên cao một cách tuần hoàn; trong khi không khí nóng di chuyển giúp cà phê khô mau.

Nguồn: Trung tâm nguyên cứu nông vận nông được kiểm duyệt bởi Farmtech VietNam.

Kỹ thuật nhân giống cà phê

Cà phê là một cây công nghiệp dài ngày, chu kỳ kinh tế trên 40 năm tuỳ theo từng giống, điều kiện trồng chế độ chăm sóc và mục đích khai thác. Vì vậy để bảo đảm cho việc sản xuất kinh doanh thực sự mang lại hiệu quả kinh tế cao thì việc chọn giống cũng như kỹ thuật nhân giống thích hợp có tính quyết định.

1. Chọn cây lấy hạt giống

Chọn cây đã cho trái 6 – 8 năm, năng suất cao và ổn định, kháng sâu bệnh, dạng hình dẹp. Chọn trái chín có hai nhân phát triển cân đối.

2. Xử lý hạt giống và gieo hạt

Hạt đã nãy mầm đem gieo vào bầu đất trong túi nhựa PE (kích thước túi 17 × 25cm, có đục 8 lỗ nhỏ 0,5cm phía gần đáy).

Đất trong bầu là đất mặt tốt, tơi xốp, hàm lượng mùn trên 3%. Dọn sạch lớp cây cỏ, cây và vật lạ trên mặt, lấy lớp đất màu trong độ sâu 10cm, trộn đều với phân hữu cơ thật hoai và phân lân. Hỗn hợp đất phân được sàng qua lưới sàng 5mm, phần không qua sàng tiếp tục làm nhỏ và sàng trở lại.

Bầu phải chặt, cân đối, thẳng đứng, chừa trồng miệng bầu từ 0,5 – 1cm đã rãi trấu hoặc mùn cưa sau khi đã ương hạt.

Trước khi gieo hạt vào bầu hạt giống phải được xử lý cho nẩy mầm theo trình tự sau:

– Hòa nước vôi theo tỉ lệ 1kg vôi/50 lít nước để lắng gạn lấy phần nước trong, đem đun nóng đến 54 – 60ºC (3 phần nước sôi 2 phần nước lạnh) và cho hạt giống vào ngâm trong 18 giờ, sau đó với ra đãi hết nhớt bằng nước sạch.

– Ủ hạt giống trong luống chìm rộng 1 – 1,2m, sâu 0,6 – 0,8m kể từ đáy luống lên có những bước sau:

+ Thân lá xanh còn tươi (20 – 25cm)

+ Phân chuồng chưa hoai (20 – 25cm)

+ Lớp vôi mỏng (0,5kg/m2)

+ Lớp bao tải

+ Lớp hạt giống thời kỳ đầu dày chùng 10 – 15cm tưới đẩm nước (khi hạt bắt đầu nẩy mầm thì rảy mỏng từ 5 – 8cm)

+ Lớp bao tải khô.

+ Rơm khô (càng dày càng tốt).

+ Chung quanh khu luống ủ có vách cao 2m, có liếp che phía trên để mỏ được ban ngày, đậy lại ban đêm.

Khi cây có 2 lá mầm tiến hành nhổ cây con, chọn những cây có một rễ đuôi chuột đem trồng vào bầu đã chuẩn bị ở vườn ươm.

3. Chăm sóc cây con

– Tưới nước: Cây nhỏ tưới ít và nhiều lần, cây lớn tưới nhiều và ít lần trong ngày.

– Tưới phân thúc: tưới dung dịch urê và clorua kali theo tỷ lệ 2:1 (với nồng độ 1%), xen kẽ với dung dịch phân hữu cơ ngâm (phân trâu, bò, phân xanh, bánh dầu,…) cho hoai mục, cây nhỏ tưới loãng, cây lớn tưới đậm hơn.

– Chăm sóc: Nhổ cỏ, phá váng không để bầu ngập nước. Trong vườn ươm lưu ý bệnh lở cổ rễ và bệnh vàng lá.

– Đảo cây: cây con có 3-4 đôi lá thật, tiến hành đảo cây, xếp cây lớn vào giữa luống, cây nhỏ ở hai bên luống để cây phát triển đều. Lưu ý xếp thưa dần khi cây lớn.

Chú ý: dỡ dàn che từ từ, khi cây đủ tiêu chuẩn cần dỡ bỏ dàn che hoàn toàn trước khi trồng mới 30 ngày.

4. Tiêu chuẩn cây giống

a. Cây thực sinh

Cây con được ươm từ hạt trước khi trồng phải đạt các tiêu chuẩn sau:

– Tuổi cây: 6 – 8 tháng.

– Chiều cao thân kể từ mặt bầu: 25 – 35cm, thân mọc thẳng.

– Số cập lá thật: 5 – 7.

– Đường kính gốc: 3 – 4mm

– Cây không bị sâu bệnh, dị hình và được luyện dưới ánh sáng hoàn toàn từ 10 – 15 ngày trước khi trồng.

– Kích thước bầu đất: 14 – 15 x 24 – 25cm

b. Cây ghép

Ngoài tiêu chuẩn cây thực sinh, cây ghép cần phải đạt:

– Chồi ghép có chiều cao trên 10cm và có ít nhất 1 cặp lá phát triển hoàn chỉnh.

– Chồi được ghép tối thiểu 1 tháng trước khi trồng.

5. Ghép cải tạo và nâng cấp vườn

Dùng chồi của những dòng cà phê cho năng suất cao, chất lượng tốt, kháng sâu bệnh, ghép trên gốc cà phê xấu, đã được ứng dụng và cho kết quả tốt.

Tổng hợp bởi Farmtech Vietnam.

Kỹ thuật trồng Cà Phê Vối (Robusta Coffee) công nghệ cao – Phần 2

Ở phần 1, Farmtech VietNam đã giới thiệu cho bạn đọc về đặc điểm của cây cà phê vối (Robusta) cùng với kỹ thuật nhân giống. Ở phần 2, chúng tôi xin giới thiệu kỹ thuật trồng, chăm sóc và thu hoạch cà phê vối.

VI. KỸ THUẬT TRỒNG – CHĂM SÓC:

1. Chuẩn bị đất:

Đất phẳng được dọn sạch tàn dư thực vật, đào mương thoát nước theo sơ đồ thiết kế vườn cà phê như sau:

Sơ đồ thiết kế vườn trồng cà phê

2. Kỹ thuật trồng:

Thời vụ: Trồng vào đầu mùa mưa (tháng 5, tháng 6).

Khoảng cách, mật độ: Đất tốt, điều kiện thâm canh cao thì trồng thưa và ngược lại. Khoảng cách: đất tốt và bằng phẳng 3 x 3 m (1.118 cây/ha); đất trung bình và dốc 3 x 2.5 m (1.330 cây/ha).

Cách trồng: Đào hố trước khi trồng 1 tháng, hố có kích thước 60 x 60 x60 cm. Lớp đất mặt để một phía, sau đó trộn với 10 – 20 kg phân chuồng hoai mục + 0,5 kg super lân + 0.5 kg vôi bột đưa xuống hố. Lớp đất dưới để một phía sau dùng làm bồn quanh gốc. Lúc trồng bón lót ngoài tán lá cây 100 gram phân NPK 16 – 16 – 8 – 13 S.

*Chú ý: Dặm chặt đất ở xung quanh gốc, sau cơn mưa lớn cần vét bồn, để phòng cây bị lấp.

3. Bón phân chăm sóc:

3.1 Phân bón:
Cà phê là cây có nhu cầu dinh dưỡng cao. Chất hữu cơ rất quan trọng đối với cây cà phê, cần bón mỗi năm với số lượng 10-15kg phân chuồng hoai/cây, bón vào thời kỳ sau thu hoạch. Lượng phân hóa học bón cho 1 ha cà phê:

Lượng phân bón hóa học cho 1 ha cà phê

3.2 Tưới nước kết hợp với bón phân qua hệ thống đường ống:

– Lần thứ nhất: Bón vào đầu mùa mưa (tháng 3 đến tháng 5), dùng 35% lượng đạm, 30% lượng kali. Chia là 6 lần bón, chu kỳ 10 ngày/lần.
– Lần thứ hai: Bón vào giữa mùa mưa(tháng 7 đến tháng 8), dùng 40% lượng đạm, 40% lượng kali, 40% lượng lân. Chia làm 5 lần bón, chu kỳ 10 ngày/lần.
– Lần thứ ba: Bón vào cuối mùa mưa(tháng 10-11), dùng 25% đạm, 60% lân, 30% kali. Chia 5 lần bón, chu kỳ 7 ngày/lần.

Chú ý: Phải bổ sung lượng phân khoảng 30-40% so với tổng lượng phân bón trong năm để phục hồi sinh trưởng đối với vườn cà phê cho năng suất cao, tránh tình trạng suy kiệt cây.

Lần tưới đầu khi hoa có hình dạng hình mỏ sẻ màu xám hoặc xám xanh. Sau đó tưới định kỳ 7 ngày/lần đối với đất sỏi cơm, 10-12 ngày/lần đối với đất đỏ bazan, đảm bảo 150-200 lít/cây/lần tưới. Có điều kiện dùng rơm rạ, cỏ tủ gốc cây trong mùa khô.
Mỗi lần bón hòa tan hoàn toàn lượng phân trong bồn, mở hệ thống tưới tiết kiệm nước, phân theo hệ thống đi đến từng gốc cây.

Phương pháp tưới nước tiết kiệm

Các ưu điểm của phương pháp tưới nước tiết kiệm và bón phân qua đường ống:
+ Tiết kiệm lượng nước tưới.
+ Tiết kiệm dầu tưới.
+ Tiết kiệm công tưới.
+ Tiết kiệm làm bồn.
+ Tăng hiệu quả của việc bón phân.
+ Tăng năng suất và chất lượng trái.
+ Hạn chế lây lan bệnh cây, nhất là bệnh rễ cây.

Mô hình : Hệ thống tưới nước kết hợp bón phân qua đường ống:


4. Tạo hình:

Chú thích: Căn cứ vào hướng dẫn các đợt bón phân trong quy trình kỹ thuật, mỗi đợt lượng phân bón được hòa tan vào hệ thống tưới 3-4 lần mỗi lần cách nhau 7-10 ngày, chia nhỏ lượng phân ra các lần bón như thế sẽ góp phần giảm thất thoát phân bón, nâng cao hiệu quả sử dụng phân bón của cây trồng.

Pha phân: Khi bón phân cho cây, phân bón được ngâm trước 1 ngày, thường xuyên khuấy đều khi ngâm phân để hòa tan hoàn toàn lượng phân cần tưới vào bồn chứa dung dịch phân( không nên sử dụng các loại phân khó tan)

Nguyên tắc hoạt động:

– Khi vận hành máy bơm, dưới lực hút của máy nước từ giếng và dung dịch phân trong bồn chứa sẽ được hút vào máy bơm và được khuấy đều trong hệ thống và ra các vòi tưới cho cây. Chúng ta có thể thay đổi lượng phân bón trước khi vào trong máy bằng khoá điều chỉnh.
– Từ máy bơm, một lượng nước chứa phân được đưa đến bộ lọc( tránh nghẹt béc) rối đến ống cấp 1. Nếu nước trong bồn bị cạn hệ thống sẽ ngưng hoạt động.
– Từ ống cấp 1 nước chứa phân được đưa đến ống cấp 2, rồi đến ống cấp 3 tưới vào từng gốc cây.
– Ồng cấp 2 được đặt dọc theo các hàng cây, trên các ống cấp 2 này chúng ta lắp đạt hệ thống van điều chỉnh lưu lượng và áp lực nước vì nơi gần máy bơm áp lực và lưu lượng nước cao hơn những nơi xa máy bơm. Ngoài ra các van này cũng tất quan trọng để điều chỉnh lưu lượng và áp lực nước cho những vùng có địa hình không đồng đầu, đồi dốc…

4.1 Nuôi đa thân: Ở Đồng Nai các nhà vườn thường áp dụng phương pháp này giữ lại mỗi gốc 3 thân phân đều xung quanh. Phương pháp này có nhược điểm là chu kỳ kinh tế ngắn (5 – 7 năm). Để khắc phục nhược điểm trên, có thể phối hợp với biện pháp nuôi thêm thân (cành vượt), thay thế những thân chính có hiện tượng tán dù. Chọn chồi khoẻ ở phần gốc, sau thu hoạch cần cưa bỏ thân đã có hiện tượng tán dù giúp cho chồi non phát triển.

4.2 Tỉa cành: Thường xuyên tỉa bỏ những chồi vượt, những cành bị sâu bệnh gây hại, những cành đã ra quả ở những năm trước chỉ còn 2-3 cặp lá ở đầu cành.

4.3 Cưa đốn phục hồi: Những vườn cà phê đã già cỗi, cho năng suất thấp thì cưa đốn phục hồi vào cuối mùa thu hoạch trái. Vị trí cưa: cách gốc 20-30 cm, giữ lại mỗi gốc 3 chồi tốt nhất phân bố đều quanh gốc.

VII. THU HOẠCH – CHẾ BIẾN – BẢO QUẢN:

1. Thu hoạch:

Khi thu hoạch chỉ nên hái trái cà phê vừa chín vì những trái cà phê quá chín hoặc xanh là nguyên nhân làm cho cà phê mất mùi vị ngon. Ngoài ra nó còn tạo điều kiện cho nấm mốc và độc tố phát triển.

Cà phê thu hoạch ngày nào, chế biến ngay ngày đó, không nên ủ quá 24 giờ, làm giảm chất lượng.

2 Chế biến: Có 2 phương pháp:

Chế biến ướt: Xát tươi loại bỏ phần vỏ, thịt, sau đó lên men hay xát bỏ phần nhớt bám xung quanh vỏ trấu, ngâm rửa rồi đem phơi.

Xát vỏ cà phê trong phương pháp chế biến ướt

Chế biến khô: Sau khi thu hoạch đem phơi cả quả, không qua khâu xát tươi. Cà phê được phơi trên nền ximăng, trên tấm vải nhựa. Phơi từng lớp mỏng (không dày quá 3-4cm) và đảo qua lại thường xuyên.

Phơi khô trái cà phê có cả vỏ

3. Bảo quản sau thu hoạch:

Chỉ đưa vào bảo quản trong kho khi độ ẩm trong hạt không quá 12,5% để cà phê không bị lên men mốc, không bị mất mùi, không để trực tiếp trên nền đất.

Dùng bao tải sạch để bảo quản cà phê, trong nhà kho có thông gió tốt và đề phòng nước dột, không để cà phê sát tường. Không dùng bao nhựa để chứa cà phê, chứa cà phê trong bao không quá đầy.

Nguồn: Tổng hợp bởi Farmtech VietNam.

Những vùng đất trồng cà phê nổi tiếng ở Việt Nam

Khi nhắc đến những vùng đất trồng cà phê ở nước ta, trước hết phải kể đến các tỉnh Tây Nguyên với các vùng trồng cà phê nổi tiếng như Cầu Đất, Núi Min, Trạm Hành (Lâm Đồng) và đặc biệt Buôn Ma Thuột (Đắk Lắk) – vựa cà phê Robusta đứng đầu thế giới.

Dải đất Tây nguyên này hay còn gọi là Cao nguyên trung phần, may mắn được tạo hóa ban cho đất đỏ bazan trù phú (2 triệu hécta, chiếm 60% đất bazan cả nước), có tính chất cơ lý tốt, khả năng giữ nước và hấp thu dinh dưỡng cao, kết cấu viên cục độ xốp bình quân 62 – 65%… Bên cạnh đó, các cao nguyên này lại có độ cao khoảng 500 – 600m so với mực nước biển cùng khí hậu mát mẻ, mưa nhiều nên rất thích hợp với loại cà phê Robusta và một số loại cây công nghiệp khác.

Buôn Ma Thuột là vùng đất có cà phê khá sớm ở Việt Nam. Trước đó, người Pháp đã khảo sát rất kỹ lưỡng về thổ nhưỡng, khí hậu, độ cao, tầng phù sa cổ…mới chọn Buôn Ma Thuột là nơi chuyên canh cây cà phê Robusta, lấy Buôn Ma Thuột làm tâm trong vòng bán kính 10km trồng cà phê Robusta đều cho ra thể chất tốt, như Ea Kao, Etam, Tân Lập, Tân Hòa, Tân An, Tân Lợi, Cư Ebut, và một số huyện khác: Cư Mgar, Krong Ana… Robusta vùng này là loại thích hợp nhất để tăng độ mạnh của cà phê Espresso (gốc Milano) nhưng với một tỷ lệ ít.

Cà phê Buôn Mê Thuột

Vốn là một trong tám đô thị loại một trực thuộc tỉnh, lại là thành phố chiến lược, đặc biệt quan trọng về an ninh quốc phòng cấp quốc gia nên Buôn Ma Thuột được nhà nước quan tâm và đầu tư nhiều để phát triển cơ sở hạ tầng cùng nhiều mặt khác. Với sản lượng cà phê Robusta đứng đầu cả nước, góp phần đưa sản lượng xuất khẩu cà phê Việt Nam lên vị trí số 1 trên thế giới, và cung cấp một sản phẩm cà phê có chất lượng cao nhất và hương vị đặc trưng nhất nên  Buôn Ma Thuột được xem là “thủ phủ cà phê”.

Tuy cùng nằm trên dải đất Tây nguyên nhưng cà phê Cầu Đất, Núi Min, Trạm Hành của tỉnh Lâm Đồng lại có sự khác biệt hẳn. Đó là hương thơm quyến rũ của cà phê Arabica vốn được thế giới ưa chuộng. Ở độ cao trên 1.500m so với mực nước biển, có nhiều vùng đồi dốc thoai thoải cùng khí hậu mát mẻ, những vùng đất này của Lâm Đồng là nơi chốn đắc địa, lý tưởng nhất cho giống Arabica phát triển và sản sinh ra những hạt cà phê có chất lượng vào hàng ngon nhất nhì thế giới. Đặc biệt, cà phê Cầu Đất được xem như “Bà hoàng” của các loại cà phê nhờ hương thơm quyến rũ đặc biệt của nó.

Cà phê Arabica Đà Lạt

Khe Sanh (Quảng Trị) cũng là một vùng trồng nổi tiếng khác của giống cà phê Arabica và Catimor (cà phê mít), vốn có độ cao phù hợp và là vùng đồng bằng chịu những ngọn gió Lào hun đúc thổi từ hoang mạc Trung Á làm đồng khô cỏ cháy và con người gan góc kiên trì nhất Việt Nam. Bên cạnh đó, nước ta còn có vùng cà phê Arabica Tây Bắc đã có lịch sử cả trăm năm, tuy cho những sản phẩm thấp hơn so với các tỉnh Tây nguyên, song cũng góp phần làm hương sắc cà phê Việt thêm phong phú và đa dạng.

Ngoài những vùng trồng cà phê tiêu biểu kể trên, Việt Nam cũng được biết đến với cà phê tại Đắk Mil của Đắk Nông, có tới 19.000ha cà phê, chiếm tới 1/4 diện tích của huyện này và cung cấp sản lượng tới 42.930 tấn, chiếm 1/3 sản lượng cà phê so với toàn tỉnh. Nếu như cà phê Đắk Hà mang tới hương vị hoan hỉ, nồng nhiệt thì cà phê Đắk Mil chua thanh lại đem đến sự trầm tư, sâu sắc.

Gia Lai thì lại được biết đến với cà phê Chư Sê, một huyện nằm cách thành phố Pleiku 40km về phía nam, với diện tích 12.000ha, lại mang đến hương vị cà phê  sục sôi, đầy chất lửa. Ngoài ra, tỉnh này còn có những vùng đất trồng cà phê khác với sản lượng và chất lượng khá tốt như Chư Pả, Ia Sao, An Khê…

Cà phê Chư Sê Gia Lai

Tổng hợp bởi Farmtech Vietnam.

Một số biện pháp kỹ thuật chăm sóc vườn cà phê những tháng cuối mùa khô, đầu mùa mưa

Vào cuối mùa khô, đầu mùa mưa là giai đoạn cây cà phê phân hóa mầm hoa, hình thành hoa và nở hoa, đậu quả, quả non phát triển, là giai đoạn ảnh hưởng quan trọng đến năng suất, chất lượng của cà phê. Để vườn cà phê sinh trưởng, phát triển tốt, có năng suất – chất lượng cao, Khuyến nông Việt Nam xin giới thiệu đến bà con nông dân một số biện pháp kỹ thuật chăm sóc đối với vườn cà phê trong những tháng cuối mùa khô, đầu mùa mưa như sau:

Phòng trừ sâu, bệnh

– Rệp vẩy xanh và rệp sáp thường phát triển rất mạnh trong những tháng mùa khô và sau đó giảm dần trong những tháng mùa mưa khi thiên địch (các loại côn trùng ăn thịt rệp) xuất hiện nhiều. Rệp chích hút nhựa ở trên những đoạn thân, cành non làm cho cây bị suy yếu. Rệp phát triển luôn kèm theo sự có mặt của kiến và bệnh muội đen. Bệnh muội đen bao phủ lên bề mặt lá làm cho cây không quang hợp được.

– Trong những tháng mùa khô, bà con nông dân thường xuyên kiểm tra vườn cây để kịp thời có biện pháp phòng trừ rệp. Chỉ phun thuốc cho những cây có rệp trên những vườn bị rệp, không phun thuốc phòng cho những cây không bị rệp và vườn chưa bị rệp để bảo vệ các loài thiên địch. Bà con có thể sử dụng một trong các loại thuốc như Supracide, Sumithion, Ofatox…

– Ngoài phun thuốc diệt rệp, cần diệt trừ các ổ kiến để ngăn ngừa sự lây lan của rệp. Kiến không những bảo vệ rệp khỏi sự tấn công của các loài thiên địch mà còn mang rệp đi lây lan sang các cây khác trên vườn. Riêng đối với rệp sáp, để tăng hiệu lực của thuốc nên hòa thêm 1% dầu hỏa vào thuốc trước khi phun.

Bón phân

Chỉ bón phân sau khi đã có một vài trận mưa lớn, đất đủ ẩm.

– Đối với phân lân nên bón một lần vào đầu mùa mưa với lượng từ 500 – 800kg/ha, bằng cách rải đều trên mặt đất.

– Đối với phân đạm và phân kali có thể trộn chung để bón. Trước khi bón đào rãnh xung quanh mép tán lá rộng khoảng 20 cm, sâu 10cm, sau đó rải phân đều xung quanh rãnh rồi lấp đất trở lại. Ở đợt bón đầu nên sử dụng phân đạm là loại phân SA (sulphate amonium), các lần sau có thể dùng phân đạm là phân urê.

– Điều kiện ở Tây Nguyên do mưa lớn và tập trung trong một số tháng nên để hạn chế sự rửa trôi, đồng thời tiết kiệm được công lao động, bà con nên sử dụng các loại phân bón viên tổng hợp chuyên dùng cho cà phê như NPK 16-8-16-13S; NPK 16-8-18 +7S+ B2O3 +TE … với lượng khoảng từ 1.500 – 1.800kg/ha, bón 3 – 4 lần trong những tháng mùa mưa.

Đánh bỏ chồi vượt và rong tỉa cây che bóng

– Sau những đợt tưới nước trong những tháng mùa khô, chồi vượt bắt đầu phát triển rất mạnh, vì vậy phải kịp thời đánh bỏ để cây tập trung chất dinh dưỡng nuôi những cành mang quả.

– Khi mùa mưa bắt đầu được khoảng một tháng, tiến hành rong tỉa các cây che bóng trong vườn sao cho cành thấp nhất của cây che bóng cách tán lá cà phê khoảng 3 m, làm cho vườn cây thông thoáng, hạn chế được sâu bệnh hại và tạo điều kiện tốt cho cây quang hợp.

Tổng hợp bởi Farmtech Vietnam

Kỹ thuật trồng cà phê

1. Chuẩn bị đất trồng cà phê

  • Đất trồng phải là đất tốt, tầng đất dày, tơi xốp, dễ thoát nước, giàu dinh dưỡng.
  • Nếu phải trồng lại trên chu kỳ trước thì phải trồng cây cải tạo đất như các cây họ đậu từ 2-3 năm.
  • Đất chu kỳ trước đã bị bệnh thối rễ thì không nên trồng lại cây cà phê mà cần phải luân canh với cây trồng khác.

Chuẩn bị đất trồng cà phê

2. Thiết kế vườn cây

Vườn cà phê thiết kế hoàn chỉnh ngay từ đầu đảm bảo yêu cầu sau:

  • Thâm canh tăng năng suất lâu dài
  • Bảo vệ đất chống xói mòn
  • Bảo vệ cây trồng, chống các yếu tố thời tiết bất thuận (sương muối, gió nóng, bão)
  • Bảo đảm cơ giới hóa trong các khâu chăm sóc, vận chuyển.
  • Tiết kiệm đất (đất dành cho đai rừng và đường đi dưới 15%).
  • Tuỳ theo địa hình bằng phẳng hoặc dốc mà thiết kế vườn cây thành từng lô, mỗi lô 16-20ha. Chiều dài của lô song song với đường đồng mức. Mỗi lô được phân thành từng lô nhỏ 1ha (50 x 100m) để tiện quản lý. Chiều dài hàng cà phê trong lô là 50m, chiều dài hàng cà phê trong 1 lô là 400 – 500m.
  • Xung quanh mỗi lô có các đai rừng và đường vận chuyển chính đồng thời là đường quay máy vuông góc với hàng cà phê, rộng 7 – 7,5m (tính từ gốc cà phê đến chân đai rừng). Nếu bề rộng của khoảng là 400m thì có 1 đường trục chính giữa song song với hàng cà phê rộng 6m.
  • Các đường phụ giữa các lô rộng 5m (tính từ gốc cà phê lô này sang gốc cà phê lô kia).
  • Nếu địa hình có độ dốc trên 80 phải chú ý thiết kế đảm bảo cho cơ giới chăm sóc và vận chuyển, bảo đảm các biện pháp chống xói mòn như thiết kế hàng cây theo hình đồng mức (vành nón), trồng cà phê theo kiểu nanh sấu, trồng các băng cây chống xói mòn.
  • Đối với hộ nông dân có diện tích nhỏ thì không cần phải phân lô, tuy nhiên phải trồng theo đường đồng mức.

3. Đào hố, trộn phân lấp hố

Kích thước hố đào: Đất tốt đào dài 40cm, rộng 40cm và sâu 50cm. Đất xấu đào dài 50cm, rộng 50cm và sâu 60cm.

Trộn phân lấp hố: Phân hữu cơ, lân trộn đều với đất mặt và lấp xuống hố. Hỗn hợp đất phân lấp cao hơn mặt hố từ 10-15cm. Trộn phân, lấp hố phải xong trước khi trồng mới khoảng 1-2 tháng.

Liều lượng phân cho 1 hố: Phân hữu cơ 10-15 kg, phân lân 0,5 kg.

4. Khoảng cách, mật độ trồng

  • Cà phê chè Catimor khoảng 5.000cây/ha, hàng cách hàng 2m, cây cách cây 1m. Nếu đất xấu có thể trồng dày hơn.
  • Cà phê vối (Robusta): 3,5×2,5m tương ứng 1.330 cây/ha, trồng 1 cây/hố; 3,0×2,5m tương ứng mật độ 2.660cây/ha, trồng 2 cây/hố.

5. Thời vụ trồng

Trồng đầu mùa mưa là tốt nhất. Những vùng có nước tưới thì có thể trồng cuối mùa mưa nhưng phải đảm bảo đủ nước.

6. Kỹ thuật trồng

  • Dùng cuốc móc 1 lỗ nhỏ giữa hố sâu 25 – 30cm, rộng 15 – 20cm ở chính giữa hố đã được lấp trước. Xé túi ni lon, nhẹ nhàng đặt cây vào giữa hố, điều chỉnh cây đứng thẳng, lấp đất từ từ vừa lấp vừa dùng tay nén chặt đất, lấp đất ngang mặt bầu.
  • Trồng xong cần làm bồn tạo thành bờ xung quanh hố. Phải cẩn thận tránh không làm vỡ bầu. Đặt bầu sao cho mặt bầu âm dưới mặt đất 7 – 10cm để dễ đánh ổ gà, đắp bùn giữ nước cho cây.
  • Cây trồng thẳng và ém đất quanh bầu thật chặt, không làm vỡ bầu.
  • Sau khi trồng cây xong phải thực hiện ngay các biện pháp chăm sóc bảo vệ cây: Đánh bồn, tủ gốc bằng rơm rạ, rác, cỏ thành vòng tròn, cách gốc 20cm dày ít nhất 20cm, trên phủ nhẹ một ít đất cho rác dẹp xuống. Phun thuốc trừ sâu Confidor 100 SL để chống mối.

7. Tủ gốc, che túp

Ngay sau khi trồng xong cần tiến hành tủ gốc cho cà phê. Dùng rơm rạ, cỏ khô, cây phân xanh… tủ gốc với độ dày 5 – 10cm, cách gốc 5 – 10cm để tránh mối làm hại cây. Ở những nơi sau thời gian trồng mới thường gặp hạn cần che túp. Mùa mưa không cần che túp song mùa nắng che túp có tác dụng chống gió, chống hạn, chống rét.

8. Chăm sóc cà phê

1. Trồng dặm

Đối với cà phê trồng mới, sau khi trồng 15 – 20 ngày phải kiểm tra, trồng dặm kịp thời những cây chết và còi cọc. Chấm dứt trồng dặm trước khi kết thúc mùa mưa 1,5 – 2 tháng. Kỹ thuật trồng dặm chỉ đào hố trồng lại trên cây chết, các thao tác như trồng mới.

2. Làm cỏ, tủ gốc

  • Trong suốt thời kỳ sinh trưởng của cây cà phê, đặc biệt ở thời kỳ kiến thiết cơ bản phải diệt cỏ kịp thời, bảo đảm cây cà phê không bị cỏ lấn át.

Làm cỏ cho khu vực trồng cà phê

  • Những nơi có các loại cỏ khó cuốc sạch như cỏ tranh, cỏ gấu thì tiến hành diệt cỏ bằng các loại thuốc hoá học hiện đang được dùng.
  • Thường xuyên tủ gốc cho cây cà phê để giữ ẩm, giảm được tưới nước và công làm cỏ. Đồng thời tủ gốc còn điều hoà nhiệt độ đất, giữ cho đất luôn tơi xốp.

3. Trồng xen trong vườn cà phê ở thời kỳ kiến thiết cơ bản

Trong thời kỳ kiến thiết cơ bản các vườn cà phê cần trồng xen những cây trồng khác để bảo vệ, cải tạo, nâng cao độ phì của đất. Các cây trồng xen có thể sử dụng là: lạc, đậu đỗ các loại. Cây, cành, lá của cây trồng xen dùng làm nguyên liệu tủ gốc.

4. Cây che bóng và đai rừng chắn gió

Cây che bóng tạm thời:

Trồng vào giữa 2 gốc cà phê hoặc trồng thành băng ở giữa 2 hàng cà phê bằng các cây phân xanh có thân đứng cao như muồng hoa vàng, cốt khí, đậu săng…

Cây che bóng lâu dài:

Trồng cây keo dậu, khoảng cách trồng 5m x 6m. Sau khi cây lớn thì tỉa dần và cố định mật độ 10 x 12m (cứ 2 cây tỉa đi 1 cây). Chú ý cây bóng mát trồng vào giữa vị trí của 2 cây cà phê trong thời kỳ cà phê ở thu hoạch thì bộ tán của cây che bóng phải cao cách bộ tán cây cà phê từ 2,5 – 3m.

Đai rừng chắn gió:

  • Xung quanh vùng trồng cà phê cần trồng các đai rừng chắn gió. Đai rừng trồng thẳng gốc với hướng gió chính hoặc chếch 1 góc 60 độ.
  • Đai rừng rộng 9m, ở giữa trồng 3 hàng muồng đen, hàng cách hàng 1m và cây cách cây 3m. Hai bên mép đai rừng trồng thêm các loại cây ăn quả như mít, nhãn, vải, xoài…

5. Bón phân thúc cho cà phê

Phân hữu cơ:

  • Mỗi năm bón cho cà phê 1 lần phân hữu cơ sau khi thu hoạch quả. Liều lượng 5-10kg/cây kết hợp với phân lân và phân vô cơ bón lần cuối cùng trong năm (tháng 11 – 12).
  • Cách bón: Đào rãnh sâu 20cm, rộng 20cm xung quanh mép tán, rải đều phân hữu cơ và các tàn dư thực vật xung quanh, sau đó lấp lại.

Phân vô cơ:

  • Phân đạm và kali có thể bón 3 lần/năm vào tháng 2-3, 6-7, 11-12.
  • Trước khi bón phân cần làm cỏ sạch, trộn các loại phân với nhau, rải đều xung quanh tán lá và lấp lại bằng lớp đất mặt để tránh bốc hơi hoặc phân bị rửa trôi khi gặp mưa.
  • Lần bón phân cuối cùng trong năm cần kết hợp với phân chuồng và phân lân để bón, sau khi thu hoạch xong sẽ giảm được công lao động.
  • Riêng năm trồng mới, sau khi trồng 1-2 tháng, bón 25- 30g phân Urê và 25-30g phân kali cho một hố.

6. Chống hạn, chống rét cho cà phê

  • Sau trồng mới khi cây bóng các loại chưa phát huy tác dụng thì phải che túp cho cà phê sớm.
  • Khi thời tiết nắng hạn hoặc rét, nhất là có sương muối cần che túp cho cà phê.
  • Túp che kín hướng gió đông-bắc, để hở 1/4 phía tây – nam, túp phải chắc chắn, cao cách đỉnh cà phê 10 – 15cm, không để túp đè lên cây cà phê.

7. Tạo hình, tỉa cành

Là một trong những biện pháp kỹ thuật hết sức quan trọng để tạo cho cây có bộ tán cân đối, cành quả phân bố đều trong không gian để từ đó giữ cho cây đạt năng suất cao ổn định. Tạo điều kiện thuận lợi cho quá trình chăm sóc, thu hái, hạn chế bớt sự tấn công phá hoại của sâu bệnh.

a. Tạo hình cơ bản:

Xu hướng hiện nay là tạo hình đơn thân tức là mỗi hố chỉ để  1 thân chính. Để tránh cho cà phê mọc nhiều thân trên 1 hố phải thường xuyên đánh tỉa kịp thời các chồi vượt mọc từ gốc và từ các nách lá trên thân chính.

Cây cà phê đạt năng suất cao khi chăm sóc đúng cách

 

b. Tạo hình nuôi quả:

  • Cắt bỏ các cặp cành cơ bản mọc sát mặt đất (cách mặt đất từ 20 – 25cm) để cho cây được thông thoáng và thuận lợi cho việc đi lại chăm sóc, thu hái.
  • Tỉa bớt một số cành cơ bản nhỏ, sinh trưởng kém và không có khả năng ra cành thứ cấp để cây được thông thoáng và tập trung dinh dưỡng để nuôi các cành khác.
  • Cắt bỏ tất cả các cành thứ cấp mọc sát thân chính, các cành tăm nhớt, bị sâu bệnh, cành chùm và các cành khô chết để cho ánh sáng chiếu vào được phía trong của tán cây.
  • Cắt ngắn các cành già cỗi do đã cho nhiều vụ quả để dồn chất dinh dưỡng nuôi những cành tơ khỏe mọc từ phía trong.
  • Loại bỏ những chồi vượt mọc từ gốc, trên thân chính và trên đỉnh ngọn.

Tổng hợp bởi Farmtech Vietnam.

Mỗi ha tiêu mất 1 tỉ đồng sau bão số 12

Ngoài hàng trăm ngôi nhà bị sập, tốc mái, đường sá hư hỏng, cơn bão số 12 còn gây thiệt hại rất lớn về sản xuất nông nghiệp cho nông dân ở Gia Lai. Với những người trồng các loại “cây vàng” như cà phê, hồ tiêu thì cơn bão đã  “thổi” bay toàn bộ gia sản mà họ tích cóp hàng chục năm trời mới có được.

Mỗi ha tiêu mất 1 tỷ đồng 

Tiếp xúc với PV Dân Việt chiều 5.11, anh Nguyễn Đức Hùng (thôn 1, xã Hải Yang, huyện Đắk Đoa) thảng thốt nói: “Hết sạch rồi anh ơi!”. Chỉ trong vài giờ cơn bão số 12 càn quét, vườn tiêu 1.200 trụ (tương đương 1,2ha) của gia đình anh đã bị xô ngã gần hết, chỉ còn sót lại khoảng 100 trụ. Chỉ những trụ tiêu xanh tốt, trĩu quả nằm rạp dưới đất, anh Hùng nói như khóc: “Vợ chồng tôi thế chấp toàn bộ tài sản, vay ngân hàng đầu tư hết vào đây, chăm bẵm suốt 3 năm ai nhìn thấy cũng khen. Vậy mà bây giờ còn lại không được một phần mười”.

Hàng nghìn trụ tiêu ở Gia Lai đã gãy đổ do bão

Theo tính toán của anh Hùng, từ khi trồng đến năm thứ ba, 1.200 trụ tiêu đã “ngốn” hết 500 triệu đồng, năm nay cho thu bói khoảng gần 500 triệu (6 – 7 tấn). Như vậy bão số 12 đã “thổi” bay 1 tỷ đồng của gia đình anh, chưa kể tiền lãi ngân hàng.

Quan sát vườn tiêu của anh Hùng, chúng tôi thấy tất cả các trụ tiêu đều được giằng dây thép chống ngã, nhưng đây cũng là một nguyên nhân khiến cả vườn đổ rạp, bởi trụ này ngã sẽ lôi thêm trụ khác. Sau khi ngã, phần lớn cây tiêu đều bị đứt gốc, phơi rễ lên mặt đất.

Cách vườn tiêu anh của Hùng không xa, anh Vũ Văn Sáng đang ngẩn ngơ với 1.500 trụ tiêu xơ xác.  “Tôi đầu tư làm trụ bằng bê tông kiên cố, nên chỉ có 200 trụ bị ngã. Nhưng khổ nỗi tiêu trồng bằng trụ bê tông, nếu đổ ngã thì coi như mất trắng, không thể phục hồi lại được”, anh Sáng cho biết.

Nói về cơn bão số 12, anh Phạm Hồng Vỹ (trú thôn 1, xã Hải Yang) vẫn chưa hết bàng hoàng: “Chưa bao giờ tôi thấy một cơn bão khủng khiếp như vậy, dường như tất cả các loại cây trồng ở Tây Nguyên đều không chịu đựng nổi với sức gió của nó. Chả trách người ta đặt tên là bão Con Voi”. 

Người trồng cà phê cũng liêu xiêu 

Đến chiều 5.11, các huyện trọng điểm trồng hồ tiêu ở Gia Lai vẫn chưa thống kê hết thiệt hại. Nhưng báo cáo sơ bộ đã có gần 30.000 trụ tiêu bị ngả đổ hoàn toàn, trong đó huyện Chư Pưh gần 18.000 trụ, huyện Đắk Đoa 5.475trụ, huyện Mang Yang 6.000 trụ.

Người dân tìm cách dựng lại các trụ tiêu đã ngã nhằm vớt vát lại phần nào khi mùa thu hoạch sắp tới.

Không chỉ hồ tiêu, người trồng cà phê ở Gia Lai cũng đang khóc ròng vì quả rụng xanh mặt đất, cây bị lay gốc đứt rễ, trong khi thời điểm thu hoạch đã cận kề. Đặc biệt, tại xã Đăk Ta Ley, huyện Mang Yang có đến 40% diện tích cà phê bị rụng quả và lay gốc. Vụ cà phê năm nay coi như trắng tay, hàng trăm nông dân ở xã này đang “vắt óc” nhưng chưa nghĩ được cách trả nợ cho các đại lý phân bón, xăng dầu mà họ mua chịu từ đầu năm.

Theo báo cáo chiều 5.11 của Sở NN&PTNT Gia Lai, do ảnh hưởng của bão số 12, huyện Phú Thiện có 286 ngôi nhà bị ngập, 162 con trâu bò bị và gần 1.000 gia cầm bị chết, nhiều km quốc lộ 25 (nối Gia Lai với Phú Yên) và kênh mương thủy lợi bị hư hỏng. Huyện Krông Pa có 38 ngôi nhà sập và tốc mái,  hơn 600 ha cây trồng bị ngập và nhiều bò, dê, lợn bị nước cuốn trôi…

Nguồn: Dân việt được kiểm duyệt lại bởi Farmtech VietNam.