Các giải pháp cơ bản là làm sao giúp cho bộ rễ lúa phát triển tốt ngay từ đầu, rễ ăn sâu, thân cứng, lá đứng, tán lá gọn, năng suất cao nhưng ít đổ ngã bao gồm các biện pháp kỹ thuật liên hoàn như sau:
Lúa bị đổ ngã gây thiệt hại lớn cho người nông dân
1. Làm đất – chuẩn bị ruộng:
Sau thu hoạch vụ trước cần tiến hành cày ải, phơi đất sau vụ lúa ĐX còn có tác dụng cắt đứt mao quản phèn (tránh xì phèn) giúp cho bộ rễ phát triển thuận lợi ngay từ đầu (chống ngộ độc phèn) rất tốt. Có thể dùng nấm Trichoderma để xử lý rơm rạ (mau ngấu rạ) chống ngộ độc hữu cơ.
Lưu ý: phải cải tạo mặt bằng đồng ruộng tốt (có thể áp dụng việc san phẳng mặt bằng bằng tia laser là một tiến bộ kỹ thuật), ruộng có mặt bằng tốt dễ quản lý nước, bón phân có hiệu quả giúp lúa phát triển đồng đều dễ đạt năng suất cao. Vùng có nước lũ nên tận dụng đưa nước lũ vào ruộng, lấy phù sa, xả bớt phèn là hết sức cần thiết.
Cần củng cố hệ thống kênh mương thủy lợi nội đồng (chủ động nước), gia cố các bờ ruộng (tránh mất nước do rò rỉ) cần phải làm cẩn thận trước khi vào vụ và củng cố thường xuyên. Chủ động nước là giải pháp cơ bản để quản lý nước theo quy trình ở mục 6 dưới đây là rất cần thiết.
2. Chọn giống:
Chọn các giống lúa cứng cây, có bộ rễ phát triển tốt, đẻ nhánh khá, tán lá gọn, giấu bông, ít đổ ngã, có tiềm năng năng suất cao, chất lượng tốt (để xuất khẩu, dễ bán). Các tiêu chuẩn khác cần xem xét đó là tính thích nghi rộng, chịu phèn, chịu mặn, kháng một số sâu bệnh chính, có thời gian sinh trưởng phù hợp với hệ thống canh tác của vùng.
Khuyến cáo nên sử dụng giống xác nhận (không lấy lúa thịt để làm giống).
3. Sạ thưa – sạ hàng:
Khuyến cáo sạ thưa, sạ hàng (80-100kg/ha) để lúa phát triển thuận lợi, rễ sẽ ăn sâu hơn. Sạ dày (>150 kg/ha) nhất là vào vụ HT, TĐ thiếu ánh sáng lúa sẽ mọc vống lên cao, giành ánh sáng (lo phát triển chiều cao, rễ kém phát triển) dễ đổ ngã.
4. Xử lý hạt giống:
Xử lý bằng các hoạt chất (như K-Humate, Vipac 88 …) làm tăng sức nảy mầm, độ nảy mầm của hạt giống, tăng sức chống chịu của hạt giống với điều kiện bất lợi của đất đai, thời tiết.
5. Bón phân:
Tăng cường các loại phân bón giúp cho tốt rễ ngay từ đầu như bón phân hữu cơ, phân lân, phân Silica. Trên đất phèn nên bón lót phân lân nung chảy (khoảng 200-400 kg/ha) là biện pháp chủ động hạ độc phèn, cung cấp lân sớm cho bộ rễ phát triển ngay từ đầu có hiệu quả rất tốt.
Chú ý bón phân cân đối, không bón thừa phân đạm vào giai đoạn đòng trở đi (nên bón phân đón đòng theo kỹ thuật không ngày, không số). Lưu ý: Bón phân đợt 2 không chờ cấy dặm, bón đúng ngày 18-22 NSS (đối với lúa 90 ngày) và gia giảm theo tình hình sinh trưởng của lúa: (i) lúa phát triển bình thường bón 1 bao ure + 1 bao DAP (II) lúa phát triển kém bón 60-70 kg ure + 60-70 kg DAP (iii) lúa phát triển tốt bón 30 kg ure + 30 kg DAP.
Có thể bón phân Silica 3 giai đoạn (i) Cây con 7-10 NSS: 25-50 kg/ha (ii) Đẻ nhánh 18-22 NSS: 25-50 kg/ha (iii) Làm đòng 40-45 NSS: 25-50 kg/ha để tăng cường độ cứng của cây, hạn chế đổ ngã.
Khi lúa bị ngộ độc phèn cần xử lý theo 5 bước (i) xả nước, thay nước mới (ii) bón phân lân dưới gốc (lân nung chảy hay super lân 20-30 kg/công) (iii) phun phân bón lá giàu lân (như Hydrophos) hoặc phun Vina Super Humate (K-Humate) có thể phun liên tiếp 2 lần cách nhau 3 ngày/lần (iv) chờ đợi 3-5 ngày sau nhổ lúa lên thấy rễ mới mọc ra thì việc cứu lúa đã thành công (v) tiếp tục chăm sóc, bón phân theo quy trình. Trong thời gian lúa bị ngộ độc phèn tuyệt đối không được bón phân ure lúa sẽ bị ngộ độc và chết nhanh hơn.
Bón phân rước hạt (lúc lúa cong trái me: 72-75 NSS) xử lý theo 2 tình huống sau: (i) nếu 3 lá đòng trên cùng còn xanh, không cần bón phân gốc chỉ phun xịt phân bón lá giàu kali (như Vina Super Humate, K-Humate, HK 7-5-44 …) (ii) nếu 3 lá đòng trên cùng bị vàng à bón 2 kg ure/công hoặc phun phân bón lá + 1 muỗng canh ure/bình 16 lít (xịt chỗ lúa bị vàng) rất có hiệu quả.
Nên sử dụng các loại phân bón lá kích kháng (Vina Super Humate, K-Humate) phun xịt cho lúa theo quy trình 4K (cây con, đẻ nhánh, trước trổ, sau trổ) hoặc 7K (như 4K + thêm giai đoạn 15 NSS, 30 NSS và làm đòng 40-45 NSS) có hiệu quả làm lúa cứng cây, phát triển tốt, hạn chế sâu bệnh, giảm phân bón gốc 20-30%.
Không nên dùng 2,4D, Bonsai để phun cho lúa sạt bẹ giúp lúa cứng cây như nông dân thường làm (nguy hiểm), tốt nhất là không nên bón dư phân. Khi lúa bị dư phân (hoặc lúa chỗ trũng quá tốt) nên cắt nước, phun Silica Potass (chứa Silic và Kali) giúp lúa cứng cây, hạn chế đổ ngã.
6. Quản lý nước:
Nên cắt nước lúc lúa đã đẻ kín hàng (30-32 NSS), giúp rễ lúa ăn sâu, lúa cứng cây, làm đòng thuận lợi. Nến áp dụng biện pháp tưới tiết kiệm (ướt khô xen kẽ) từ giai đoạn lúa làm đòng đến chín sáp.
Nên cắt nước trước lúc thu hoạch (i) 7-10 ngày trong điều kiện bình thường (ii) 10-15 ngày nếu ruộng trũng, lúa quá tốt (iii) 5-7 ngày nếu đất cát, đất giồng nước rút nhanh.
7. Thời vụ:
Vụ ĐX ít đổ ngã hơn vụ HT và TĐ (do lúc lúa trổ – chín ít mưa, gió, bão). Do đó cần quan tâm đầy đủ các giải pháp nêu trên để hạn chế lúa đổ ngã ở vụ mùa mưa (HT, TĐ) nhiều hơn là vụ ĐX.
8. Thu hoạch đúng độ chín:
Nên thu hoạch đúng độ chín (khi lúa đã chín 85-90%) lúa ít đổ ngã và năng suất, chất lượng đạt cao nhất.
Nguồn: Trongtrot.lamnghenong.com.vn được kiểm duyệt lại bởi Farmtech VietNam.