Độc chiêu trị sâu bệnh cho cam: Dùng chanh đào ngâm mật ong 6 tháng

Áp dụng những “chiêu trò” như trồng cam “siêu phẩm” bằng phân bón là đậu tương xay mịn rồi ngâm ủ hay dùng chanh đào ngâm mật ong 6 tháng pha với chế phẩm sinh học để trị sâu bệnh cho cam, lão nông Vũ Văn Cường ở thôn Vũ Xá, xã Thất Hùng, huyện Kinh Môn, Hải Dương đã có thu nhập hàng tỉ đồng mỗi năm.

Gia đình ông Cường là hộ đầu tiên ở xã Thất Hùng vượt lập ruộng lúa để trồng cam. Dẫn chúng tôi thăm 2 ha cam, cây nào cây ấy sai trĩu, trái nào cũng to đều như nắm tay, ông Cường bộc bạch: “Nhiều năm trước, cuộc sống gia đình chỉ bám bíu vào mấy sào ruộng nên khó khăn vô cùng. Năm 2003, xem ti vi thấy nông dân ở Văn Giang (Hưng Yên) có thu nhập cao từ cam, tôi bèn đến tận nơi tìm hiểu”.

Gia đình ông Cường là hộ đầu tiên ở xã Thất Hùng trồng cam VietGAP thành công

Nhìn thấy những vườn cam chín đỏ rất đẹp mắt, rồi những chủ vườn cam lớn ở Văn Giang ai cũng nhà cửa khang trang, ăn vận đẹp đẽ ông Cường thích mê. Thế là ông về bàn với vợ cải tạo 2 sào vườn trồng cam với hy vọng đổi đời. Nhưng làm giàu đâu có dễ.

Theo ông Cường, dẫu cây cam hợp đất Thất Hùng lớn nhanh, xanh mơn mởn nhưng do chưa có kinh nghiệm chăm sóc nên vụ đầu tiên thu hoạch quả cam nhạt thếch, có bán cũng chả ai mua. Suốt 1 năm ròng sau đó, ông Cường miệt mài đi đến các vùng trồng cam nổi tiếng ở Cao Phong (Hòa Bình), cam Vinh Quỳ Hợp (Nghệ An)… để học hỏi kinh nghiệm trồng cam. Kết hợp với kinh nghiệm tích lũy của bản thân dần dà việc trồng cam của ông Cường thuận lợi hơn.

Hầu hết những vườn cam từ 3 đến hơn chục năm tuổi của ông Cường đều cho hiệu quả kinh tế cao, đạt trung bình 20 tấn quả/ha

Ông Cường cho biết, độ ngọt của cam ngoài phụ thuộc rất nhiều vào cách chăm sóc, trong đó việc bón phân cho cam rất quan trọng. Ông Cường thường dùng lân để bón giai đoạn ra hoa và kali bón giai đoạn nuôi quả. Đặc biệt để tăng độ ngọt cho cam, ông Cường tưới cam bằng nước đậu tương được xay nhỏ và ngâm ủ trong 5 tháng. “Một tháng tưới cho cam hai lần, duy trì như vậy liên tục trong 2 tháng đến khi cam xuất bán cam sẽ sai trĩu, quả đều tay, ngọt lừ. Bình quân 1 ha cam tôi dùng 10 tấn đậu tương mỗi năm”, ông Cường bộc bạch.

Mỗi năm ông Cường dùng 20 tấn đậu tương xay mịn rồi ngâm ủ trong 5 tháng để bón tăng độ ngọt cho 2 ha cam

Điều đáng chú ý, ông Cường là người đầu tiên ở Thất Hùng thực hiện quy trình sản xuất cam theo tiêu chuẩn VietGAP. Theo đó, trong quá trình chăm sóc cây, ông Cường đã áp dụng các biện pháp khoa học kỹ thuật trồng cam thân thiện với môi trường.

Ông Cường cho biết công thức ngâm ủ đậu tương để bón cho cam như sau: 2 tạ đậu tương xay nhỏ + 1.000 lít nước + 1 kg nấm đối kháng ngâm trong 5 tháng. Lưu ý đổ nước ngâm từ từ, lúc đầu chỉ đổ 200 lít nước, 1 tuần sau cho thêm nước dần.

Đặc biệt để diệt trừ rầy, côn trùng trích hư, gây hại cho cam, ông Cường đã nghĩ ra “độc chiêu” bá đạo vô cùng hiệu quả và an toàn. Đó là dùng chanh ngâm với đường và mật ong sau đó pha cùng với chế phẩm sinh học để diệt trừ sâu bệnh gây hại trên cam. “Hơi mất công một tí nhưng trừ sâu bệnh cho cam cực hiệu quả. Sở  dĩ các loài côn trùng rất ưa thích mùi thơm và vị ngọt. Người xưa có câu “mật ngọt chết ruồi” là vì thế”, ông Cường vui vẻ giải thích.

Độc chiêu “mật ngọt chết ruồi” là dùng chanh ngâm mật ong và pha với chế phẩm sinh học để phòng trừ sâu bệnh cho cam, ông cường còn tự làm các bẫy diệt côn trùng

Về liều lượng ông Cường cho biết, ông thường dùng 3 kg chanh đào + 1kg đường + ¼ lít mật ong xịn cho vào bình sạch ngâm từ 5 – 7 tháng. Sau đó lấy 50 ml cốt nước chanh ngâm mật ong hòa với 16 lít nước và chế phẩm sinh học để phòng trừ sâu bệnh cho cam.

Tuân thủ nghiêm ngặt quy trình trồng cam VietGAP, giá bán cam tại vườn của gia đình ông luôn cao hơn các hộ khác. Thương lái đến tận vườn đặt và hái quả. Vụ cam năm 2016, với giá bình quân 30.000 đồng/kg cam Vinh và 40.000 đồng/cam đường canh, ông Cường có doanh thu hơn 1 tỉ từ việc xuất bán hơn 40 tấn quả cam.

Theo danviet.vn được tổng hợp bởi Farmtech Vietnam.

Nghệ An: Chính thức dãn nhãn tem truy xuất điện tử cho cam vinh

Thông tin từ Sở KH&CN Nghệ An cho biết, đã có 120 nghìn tem truy xuất nguồn gốc cam Vinh được HTX Sản xuất và dịch vụ nông nghiệp tổng hợp Tấn Thanh và HTX sản xuất dịch vụ cam Phùng Huyền đăng ký để dán lên sản phẩm, bán ra thị trường.

Thông tin từ Sở KH&CN Nghệ An cho biết, đã có 120 nghìn tem truy xuất nguồn gốc cam Vinh được HTX Sản xuất và dịch vụ nông nghiệp tổng hợp Tấn Thanh và HTX sản xuất dịch vụ cam Phùng Huyền trên địa bàn xã Minh Hợp, huyện Quỳ Hợp đăng ký để dán lên sản phẩm, bán ra thị trường.


Qua tem điện tử, khách hàng có thể tra cứu nguồn gốc sản phẩm qua điện thoại thông minh.

Thông qua nhãn tem này, khi người tiêu dùng kiểm tra truy xuất điện tử sẽ cho thông tin: Tên sản phẩm, giống cam, quy cách đóng gói, bảo quản, ngày thu hoạch; hạn sử dụng; phân loại chất lượng, thông tin cảnh báo; quy trình sản xuất, địa chỉ sản xuất, diện tích, số lượng, thời gian gieo trồng; Tên tổ chức, cá nhân đại diện, địa chỉ giao dịch, điện thoại giao dịch, email và thông tin phân phối cũng được đơn vị chức năng tiến hành thẩm định, in đầy đủ trên mỗi nhãn tem Cam Vinh.

Quy trình thẩm định, cấp phép in ấn tem truy xuất điện tử cam Vinh sẽ được giám sát chặt chẽ của cơ quan chức năng.

Nguồn: Báo Khoa học và phát triển được kiểm duyệt bởi Farmtech VietNam.

Trồng cây ăn quả có múi ở Hưng Yên thu 100 tỷ đồng/năm

Từ năm 2015 đến nay các nhà nông xã Đồng Thanh luôn có nguồn thu ổn định 100 tỷ đồng/năm từ cây có múi.
Xã Đồng Thanh được coi là “mỏ” cây ăn quả có múi mới nổi của huyện Kim Động, Hưng Yên. Hiện địa phương có 205ha cây có múi đang ở thời kỳ khai thác kinh doanh. Sản lượng quả thu hoạch mỗi năm ước đạt 6.000 tấn, trong đó có 3.200 tấn cam đường, 1.800 tấn cam Vinh, hơn 300 tấn bưởi Diễn. Tổng giá trị sản lượng thu được khoảng 100 tỷ đồng/năm, lợi nhuận đạt 70 – 80 tỷ đồng.

Cam trồng trên đất chuyển đổi ở Đồng Thanh

Các cơ sở thôn thường xuyên thu được sản lượng quả có múi lớn là Thanh Sầm và Bùi Xá. Trung bình mỗi hộ dân ở đây thu được 2 – 3 tấn quả có múi. Nhiều gia đình thu từ 10 – 15 tấn. Một số hộ thuê nhượng được thêm đất trồng cam ở các huyện miền núi tỉnh Hòa Bình có thu trên 100 tấn quả.
Anh Lê Văn Phú là một trong số chủ hộ ở xã Đồng Thanh trồng cây múi từ năm 2000 đến nay. Ban đầu gia đình anh chỉ trồng thử nghiệm 1 – 2 sào cam Vinh. Sau khi thấy cây cam phù hợp với đồng đất địa phương, hiệu quả thu nhập đạt gấp 5 – 6 lần so với cấy lúa cùng diện tích, anh Phú đã quyết định chuyển đổi toàn bộ hơn 1 mẫu đất chuyên lúa sang trồng các cây có múi (cam Vinh, cam Canh, bưởi Diễn).
Toàn bộ tiền lãi thu được hàng năm anh Phú đều dành cho thuê nhượng đất canh tác để mở rộng diện tích trồng cây có múi. Kết quả sau 17 năm chuyên cần SX, anh Phú có được gần 1,5ha cam, bưởi ở quê nhà và 2,5ha cam Canh tại huyện Tân Lạc, Hòa Bình. Tổng giá trị lợi nhuận năm 2016 thu được gần 2 tỷ đồng. Dự kiến năm 2017 gia đình anh Phú sẽ có thu hoạch trên 100 tấn cam Canh, 35 tấn cam Vinh và 18.000 quả bưởi Diễn, ước doanh thu 3,5 tỷ đồng, lợi nhuận 2,3 tỷ.
Biết gia đình anh Phú trồng cây có múi thu được lợi nhuận cao, ngay từ năm 2010 các hộ dân ở xã Đồng Thanh đã đua nhau chuyển đổi đất lúa sang trồng cây ăn quả các loại. Các thôn Bùi Xá và Thanh Sầm, đến hết tháng 9/2017 đã chuyển đổi được lần lượt là 87% và 73% diện tích đất chuyên lúa sang trồng cây có múi. Các thôn khác cũng đang dấy lên phong trào chuyển đổi cơ cấu cây trồng theo hướng năng suất, chất lượng, gia tăng giá trị. Hiệu quả thu được đều cao gấp 4 – 6 lần so với cấy lúa cùng chân ruộng.
Ông Nguyễn Văn Bắc, trưởng thôn Bùi Xá cho biết, hầu hết nhà nông ở đây chỉ giữ lại một ít diện tích cấy lúa lấy gạo đủ ăn cho gia đình trong năm, còn lại đều chuyển đổi sang trồng cây ăn quả hoặc rau các loại.

Nông dân chăm sóc cam

Ông Bắc so sánh, cam Vinh là cây dễ cho quả nhất, chỉ sau 3 năm trồng, chăm sóc tốt sẽ cho thu 1,2 – 1,4 tấn quả/sào, với giá bán buôn tại vườn hiện nay 25.000 đồng/kg, thì 1 sào cam Vinh đã cho thu hoạch 30 – 35 triệu đồng, trừ hết mọi khoản chi phí đầu tư (khoảng 3 – 4 triệu đồng), lãi thuần vẫn đạt trên 30 triệu đồng/sào canh tác, cao gấp 6 lần cấy lúa. Đây chính là đòn bẩy thúc đẩy các gia đình chuyển đổi mạnh mẽ sang trồng các cây có múi.
Cũng theo ông Bắc, để các cánh đồng quả cho thu nhập bền vững, nhà nông cần tránh lạm dụng phân bón hoá học và hoá chất BVTV. Gia tăng phân bón hữu cơ hoai mục, phân hữu cơ vi sinh. Phòng trừ kịp thời các đối tượng dịch hại đặc biệt là rầy chổng cánh (môi giới truyền bệnh vàng lá gân xanh). Khai thác lượng quả hợp lý tuỳ khả năng sinh trưởng của từng cây…
Qua tìm hiểu thực tế chúng tôi thấy, phong trào trồng cây có múi ở xã Đồng Thanh đã góp phần đẩy lùi căn bản các loại cam Trung Quốc chất lượng thấp, chưa kiểm soát dịch bệnh, nhập vào thị trường Hưng Yên qua đường tiểu ngạch.

Nguồn : Nông nghiệp VN, được kiểm duyệt bới Farmtech Vietnam