Hơn 10.000 cây cam được cấp “chứng minh thư điện tử”

Trong khi con người vẫn chỉ sử dụng chứng minh thư thông thường khá bất tiện cho việc truy cứu dữ liệu thì nhiều loại cây, con đã được cấp “chứng minh thư điện tử”, chỉ cần giơ điện thoại có kết nối mạng ra là thấy rõ cả phả hệ, tông tích…

 

Hơn 10.000 gốc cam Xuân Canh được gắn mã truy xuất nguồn gốc.

 

Khó có thể nhập nhèm

Khi tiết trời Hà Nội bắt đầu chuyển sang thu cũng là lúc những hộ dân tại xã Xuân Canh (huyện Đông Anh, Hà Nội) tất bật với những quả cam chín mọng. Những đặc điểm thuận lợi về thời tiết, thổ nhưỡng và sự cần cù của người dân địa phương đã tạo nên thương hiệu Cam Xuân Canh nức tiếng gần xa.

Toàn xã hiện có tới 23 ha chuyên trồng cam với khoảng 20.000 gốc cam đang được chăm sóc trong đó có hơn 10.000 cây đã cho quả và có thể thu hoạch vào tháng 10 năm nay.

Trao đổi với phóng viên, ông Hoàng Xuân Nhạ – Chủ tịch Hội Nông dân xã Xuân Canh cho biết: “Dự kiến sản lượng cam Xuân Canh năm nay sẽ đạt khoảng 250 tấn, tăng 20% so với cùng kỳ năm ngoái. Thành công này sẽ mang lại cho mỗi hộ dân thu nhập bình quân lên tới 500 triệu đồng”

Cam Xuân Canh có hương thơm nhẹ, vị ngọt đậm đà và mẫu mã đẹp nên mang lại hiệu quả kinh tế rất cao. Đặc biệt, tại Xuân Canh, phân bón hóa học và các chất bảo vệ thực vật được hạn chế tối đa trong hoạt động canh tác, thay vào đó người dân chuyển dần sang sử dụng sản phẩm phân bón hữu cơ vi sinh.

Sự thay đổi trên, một mặt đảm bảo năng suất cây trồng và các tiêu chuẩn về an toàn thực phẩm, mặt khác giúp bảo vệ môi trường và sức khỏe của người bà con nông dân trong quá trình làm vườn. Vì vậy, thương hiệu cam Xuân Canh được người tiêu dùng đặc biệt tin tưởng và lựa chọn.

Tuy nhiên, bên cạnh các sản phẩm cam địa phương chất lượng cao, thị trường nông sản Việt Nam đã bắt đầu xuất hiện những loại cam không rõ xuất xứ với giá dao động từ 15.000 – 70.000 đồng/kg. Trên thực tế, không phải ai cũng biết cách nhận diện chính xác đâu là cam ngon và sạch.

Vì vậy, chính quyền huyện Đông Anh đã phối hợp với Trung tâm Doanh nghiệp Hội nhập và Phát triển (IDE) triển khai thực hiện gắn mã QR truy xuất nguồn gốc lên sản phẩm cam của Xuân Canh. Đây là một bước đi quan trọng trong việc phát triển và bảo vệ thương hiệu cam Xuân Canh.

Hệ thống thông tin điện tử truy xuất nguồn gốc nông sản được huyện Đông Anh triển khai bắt đầu từ đầu năm 2019 và được áp dụng trên mô hình cam Xuân Canh từ tháng 7/2019. Hiện nay trên toàn xã có khoảng 20.000 gốc cam, trong đó có hơn 10.000 cây đã ra quả và được gắn mã vạch.

Theo ông Hoàng Văn Nhạ, Chủ tịch Hội Nông dân Xã Xuân Canh, sau khi đăng ký gắn mã truy xuất nguồn gốc cho nông sản, các chủ vườn sẽ được cấp tài khoản quản trị để cập nhật thông tin về nông sản.

Trên cơ sở đó, người tiêu dùng có thể theo dõi toàn bộ quá trình của cam Xuân Canh, từ khi cây mới ra hoa cho tới khi được đóng hộp xuất ra thị trường, thậm chí cả việc cây sử dụng phân bón gì và bón ngày bao nhiêu cũng được hiển thị tại đây.

Toàn bộ thông tin trên đều được công khai, minh bạch, không ai có thể thay đổi được. Hệ thống cũng sẽ tự định vị vị trí nơi sản xuất để đảm bảo thương hiệu của cam Xuân Xanh không bị làm giả.

Sau khi dán mã truy nguồn gốc, cam Xuân Canh bán ra thị trường với giá buôn khoảng 25.000 đồng/kg và từ 40.000 – 50.000 đối với bán lẻ. Thị trường tiêu thụ chủ yếu ở thành phố Hà Nội và các tỉnh lân cận. Các thông tin về nông sản cũng được cập nhật trên Hệ thống thông tin điện tử truy xuất nguồn gốc nông lâm thủy sản thành phố Hà Nội tại địa chỉ https://hn.check.net.vn/.

Sản phẩm cam Xuân Canh được cập nhật trên trang chủ của Hệ thống thông tin điện tử truy xuất nguồn gốc nông lâm thủy sản thành phố Hà Nội.

 

Theo bà Phạm Thị Lý, Chủ tịch Hội đồng quản trị Hợp tác xã nông nghiệp hữu cơ Tiên Dương (Đông Anh), Giám đốc Trung tâm Doanh nghiệp Hội nhập và Phát triển (IDE), so với phương pháp truy xuất nguồn gốc truyền thống là ghi chép bằng tay và lưu trữ bằng giấy tờ sổ sách, việc truy xuất nguồn gốc bằng mã QR tiện lợi và đầy đủ thông tin hơn rất nhiều.

Sắp tới, Hợp tác xã và chính quyền địa phương sẽ tiếp tục triển khai hệ thống truy xuất nguồn gốc qua mã QR trên các mặt hàng nông sản khác như quất cảnh, cà chua, khoai tây, khoai lang…

 

Giấc mơ xuất ngoại

Từ bao đời nay, xuất xứ của sản phẩm vẫn luôn được người tiêu dùng đặc biệt quan tâm, nhất là trong thời buổi thật giả lẫn lộn vấn đề này lại càng quan trọng. Hiện nay trên thị trường, chỉ nói riêng cam đã có tới cả chục loại khác nhau, gồm cả cam của các địa phương lẫn cam nhập khẩu từ nước ngoài. Điều này khiến người tiêu dùng không khỏi hoang mang, vì vậy việc minh bạch thông tin xuất xứ là cơ sở quan trọng để người tiêu dùng lựa chọn sản phẩm phù hợp với nhu cầu.

Về phía doanh nghiệp và bà con nông dân, việc hướng tới sản xuất nông sản gắn với truy xuất nguồn gốc là giải pháp hữu hiệu để quản lý tình trạng từng cây cam và tiến độ phân phối của cam trên thị trường. Sự tin tưởng của người tiêu dùng cũng là yếu tố quan trọng giúp nâng cao uy tín của thương hiệu cam Xuân Canh.

Việc gắn mã truy xuất nguồn gốc còn là bước đi quan trọng giúp tăng tính cạnh tranh của cam Xuân Canh trên trường quốc tế. Thực tế cho thấy, thị trường các nước trong khu vực yêu cầu rất khắt khe về nguồn gốc xuất xứ của nông sản và các tiêu chuẩn an toàn thực phẩm.

Cụ thể, từ đầu năm 2019, Tổng cục Hải quan Trung Quốc đã yêu cầu bắt buộc truy xuất nguồn gốc với hàng hóa nhập khẩu từ Việt Nam, đối với các thị trường khó tính như Nhật Bản, Hàn Quốc, Singapore thì yêu cầu còn cao hơn nữa.

Trên thực tế, công nghệ truy xuất nguồn gốc đã được áp dụng phổ biến ở nhiều nước trên thế giới nhưng còn khá mới ở Việt Nam. Vì vậy khi triển khai cũng gặp phải không ít khó khăn. Cụ thể, việc thực hiện các thao tác truy xuất nguồn gốc trên các thiết bị điện tử còn khá mới mẻ và khó khăn đối với người dân ở các vùng nông thôn, kinh tế chưa phát triển.

Bên cạnh đó, trang chủ của Hệ thống thông tin điện tử truy xuất nguồn gốc nông lâm thủy sản thành phố Hà Nội vẫn đang trong giai đoạn hoàn thiện nên chưa có tính năng song ngữ, đây là một hạn chế đối với nông sản Việt khi xuất sang thị trường nước ngoài.

Nhìn chung, dù mới triển khai nhưng hệ thống truy xuất nguồn gốc nông sản đã mang lại nhiều lợi ích cho doanh nghiệp cũng như người nông dân và người tiêu dùng. Những thành công từ mô hình cam Xuân Canh là cơ sở tiền đề và bài học kinh nghiệm để các HTX khác trên cả nước áp dụng và phát triển cho nông sản của địa phương.

Nguồn: Tổng hợp và được kiểm duyệt bởi Farmtech Vietnam.

Nghệ An: Chính thức dãn nhãn tem truy xuất điện tử cho cam vinh

Thông tin từ Sở KH&CN Nghệ An cho biết, đã có 120 nghìn tem truy xuất nguồn gốc cam Vinh được HTX Sản xuất và dịch vụ nông nghiệp tổng hợp Tấn Thanh và HTX sản xuất dịch vụ cam Phùng Huyền đăng ký để dán lên sản phẩm, bán ra thị trường.

Thông tin từ Sở KH&CN Nghệ An cho biết, đã có 120 nghìn tem truy xuất nguồn gốc cam Vinh được HTX Sản xuất và dịch vụ nông nghiệp tổng hợp Tấn Thanh và HTX sản xuất dịch vụ cam Phùng Huyền trên địa bàn xã Minh Hợp, huyện Quỳ Hợp đăng ký để dán lên sản phẩm, bán ra thị trường.


Qua tem điện tử, khách hàng có thể tra cứu nguồn gốc sản phẩm qua điện thoại thông minh.

Thông qua nhãn tem này, khi người tiêu dùng kiểm tra truy xuất điện tử sẽ cho thông tin: Tên sản phẩm, giống cam, quy cách đóng gói, bảo quản, ngày thu hoạch; hạn sử dụng; phân loại chất lượng, thông tin cảnh báo; quy trình sản xuất, địa chỉ sản xuất, diện tích, số lượng, thời gian gieo trồng; Tên tổ chức, cá nhân đại diện, địa chỉ giao dịch, điện thoại giao dịch, email và thông tin phân phối cũng được đơn vị chức năng tiến hành thẩm định, in đầy đủ trên mỗi nhãn tem Cam Vinh.

Quy trình thẩm định, cấp phép in ấn tem truy xuất điện tử cam Vinh sẽ được giám sát chặt chẽ của cơ quan chức năng.

Nguồn: Báo Khoa học và phát triển được kiểm duyệt bởi Farmtech VietNam.

Ngành nông nghiệp sẽ sử dụng tem để truy xuất nguồn gốc thực phẩm?

Không riêng thịt heo vừa được Sở Công thương TPHCM cho phép truy xuất nguồn gốc bằng smartphone và sẽ áp dụng thí điểm bắt đầu từ ngày mai (16/12), Câu lạc bộ Nông nghiệp công nghệ cao (viết tắt DAA), thuộc Hội Doanh nhân trẻ Việt Nam cho biết cũng sẽ áp dụng công nghệ này trong các sản phẩm nông nghiệp.

Thông tin trên được ông Vũ Mạnh Hùng, Phó Chủ tịch DAA cho biết tại cuộc họp báo công bố Hội nghị “Xây dựng nền công nghiệp nông nghiệp Việt Nam”. Theo ông Hùng, hội nghị này sẽ diễn ra vào ngày 18/12 tại TPHCM với sự chủ trì của Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc cũng như sự tham dự của hơn 500 đại biểu đến từ các bộ, ngành, tổ chức quốc tế, đại sứ quán và doanh nghiệp trong nước.

“Chúng tôi sẽ kiến nghị Chính phủ cho áp dụng mô hình “tổ hợp nông nghiệp công nghệ cao”, trong đó có việc ứng dụng công nghệ “Sử dụng tem thông minh DAA Stamp truy xuất nguồn gốc và kiểm soát quy trình sản xuất thực phẩm sạch, an toàn”, ông Hùng nói.

Tại hội nghị, các đại biểu sẽ được trực tiếp học hỏi những kinh nghiệm thành công trong ứng dụng công nghệ cao, xây dựng chuỗi liên kết giá trị, doanh nghiệp hóa nông nghiệp, nông dân…

 Ngành nông nghiệp cần chú trọng áp dụng công nghệ để đáp ứng yêu cầu ngày càng khắt khe của thị trường

Ngành nông nghiệp cần chú trọng áp dụng công nghệ để đáp ứng yêu cầu ngày càng khắt khe của thị trường

Số liệu thống kê từ DAA cho thấy, trong những năm qua, ngành nông nghiệp nước ta có những bước tiến nhảy vọt. Nhiều công ty từ mô hình sản xuất nhỏ nhưng nhờ áp dụng các công nghệ mới trong lĩnh vực sản xuất tôm giống nên đã vươn lên trở thành doanh nghiệp đạt chuẩn công nghệ cao. Có doanh nghiệp sở hữu 6 cơ sở sản xuất tôm giống được đầu tư theo tiêu chuẩn công nghệ Mỹ, năng lực sản xuất tôm giống 10 – 12 tỷ con giống/năm và 30 ao nuôi tôm thịt diện tích 30 ha. Mỗi năm, cung cấp cho thị trường 6 tỷ con giống và gần 1.000 tấn tôm thịt.

Không chỉ trong chăn nuôi, ngay cả một loại cây trồng ít ai nghĩ đến sẽ mang lại giá trị cao như chuối cũng đã cho… “quả ngọt”. Điển hình là một doanh nghiệp ở Long An, từ mô hình kinh doanh cá thể đã trở thành doanh nghiệp xuất khẩu chuối lớn bậc nhất Việt Nam và là doanh nghiệp đầu tiên xuất khẩu chuối sang Nhật nhờ những sáng tạo đổi mới trong cách nghĩ, cách làm…

Thế nhưng, theo báo cáo phát triển Việt Nam có chủ đề “Chuyển đổi nông nghiệp Việt Nam: Tăng giá trị, giảm đầu vào” do Ngân hàng Thế giới tại Việt Nam công bố mới đây cho thấy ngành nông nghiệp của chúng ta chưa thật sự khai thác hết lợi thế, tiềm năng.

Theo báo cáo, khoảng 90% đất nông nghiệp thuộc các hộ nông nghiệp và các trang trại, 6% thuộc các doanh nghiệp, số còn lại thuộc các cơ sở khác. Đa phần các hộ nông nghiệp có quy mô rất nhỏ, diện tích canh tác bình quân mỗi lao động nông nghiệp của Việt Nam chỉ đạt 0,34 ha, chỉ bằng hơn một nửa (0,6-0,8 lần) so với Campuchia, Myanmar hay Philippines.

Báo cáo này cũng cảnh báo xu hướng chung gần đây cho thấy GDP nông nghiệp Việt Nam đang giảm, tốc độ tăng năng suất đang chậm lại, trong khi khoảng cách về thu nhập giữa lao động nông nghiệp và phi nông nghiệp đang nới rộng.

Từ những số liệu nêu trên, ông Ousmane Dione, Giám đốc Quốc gia Ngân hàng thế giới tại Việt Nam cho rằng đã đến lúc nông nghiệp Việt Nam không thể “làm theo cách cũ” cần thay đổi để vượt qua những thách thức, đảm bảo tăng trưởng nông nghiệp trong tương lai.

Lãnh đạo Bộ NN&PTNT thăm Trung tâm tảo tươi của một doanh nghiệp và đánh giá cao về những nỗ lực ứng dụng công nghệ cao trong sản xuất tôm giống của công ty
Lãnh đạo Bộ NN&PTNT thăm Trung tâm tảo tươi của một doanh nghiệp và đánh giá cao về những nỗ lực ứng dụng công nghệ cao trong sản xuất tôm giống của công ty

 

Theo DAA, một trong những nhiệm vụ quan trọng hàng đầu trong quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước là công nghiệp hóa, hiện đại hóa nông nghiệp, nông thôn. Theo đó cần thúc đẩy ứng dụng các công nghệ tiên tiến đáp ứng các tiêu chuẩn trong nước và quốc tế trong các hoạt động sản xuất nông nghiệp. Đồng thời, thúc đẩy người dân và doanh nghiệp sản xuất kinh doanh hình thành chuỗi giá trị nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao mang lại cuộc sống khỏe mạnh, an toàn và sung túc hơn cho người dân và cung cấp cho thị trường nguồn lương thực, thực phẩm sạch.

Và thực tế, chưa bao giờ nhu cầu cần phải thúc đẩy ứng dụng công nghệ tiên tiến vào sản xuất nông nghiệp lại cấp bách như bây giờ. Đòi hỏi người nông dân và doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh nông nghiệp phải hình thành chuỗi giá trị nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao.

“Việc làm này không chỉ đơn thuần doanh nghiệp vì lợi nhuận, mà nó còn mang ý nghĩa duy trì nòi giống, tạo ra cuộc sống khỏe mạnh, an toàn cho con người Việt Nam, khi cung cấp cho thị trường một nguồn lương thực, thực phẩm sạch”, ông Vũ Mạnh Hùng, Phó Chủ tịch DAA nói.

 

Tổng hợp bởi Farmtech Vietnam