Một số lưu ý canh tác lúa trong mô hình tôm – lúa ĐBSCL

Một số lưu ý đó là các khâu: chọn giống, thời vụ gieo cấy, bón phân, quản lý dịch hại tổng hợp, quản lý nước và thu hoạch – sau thu hoạch.

 

Mô hình canh tác Tôm – Lúa ở ĐBSCL

1. Mô hình tôm – lúa có tính bền vững, thích ứng với biến đổi khí hậu

Việc nuôi tôm sú (nước lợ) tiến hành trong mùa khô khi nước mặn xâm nhập vào ruộng (thời gian nuôi bắt đầu khoảng tháng 1 và kết thúc vào tháng 6) và mùa mưa có nước ngọt thì trồng lúa: Canh tác lúa trong mùa mưa (từ tháng 7 đến tháng 12) khi đã cải thiện được xâm nhập mặn và có đủ nước ngọt cho sản xuất lúa.

Mô hình lúa – tôm đem lại lợi nhuận khá cao trên cùng diện tích đất: Trồng lúa trong vuông tôm giúp cải thiện môi trường đất, từ đó giảm thiểu dịch bệnh trong quá trình nuôi tôm (do các chất hữu cơ được khoáng hóa và cây lúa hấp thu dần trong quá trình canh tác).

Sau vụ tôm tiến hành trồng lúa giảm đầu tư phân bón (tận dụng xác bã thực vật, lượng thức ăn thừa của tôm), giảm dịch hại (do luân canh) chất lượng lúa gạo rất cao (lúa sạch, lúa hữu cơ) hạn chế tối đa việc dùng phân bón, thuốc hóa học. Năng suất nuôi tôm – lúa trên 1 ha bình quân đạt khoảng 300 – 500 kg tôm và 4 – 7 tấn lúa. Chi phí sản xuất trung bình 30 – 35 triệu đồng/ha, lợi nhuận thu được trung bình 35 – 50 triệu đồng/ha/năm.

2. Một số lưu ý về canh tác lúa trong mô hình.

2.1. Chọn giống:

– Các giống lúa canh tác phổ biến ở hầu hết các tỉnh là giống lúa mùa địa phương: Một bụi đỏ, Tài nguyên, Một bụi lùn Minh Hải hoặc giống lúa trung mùa ST 24, một số vùng sản xuất bằng giống lúa ngắn ngày: OM5451, OM6976, OM7347, OM 4498, OM 2517, OM5464, OM5464, OM5981, IR 50404… Năng suất lúa biến động rất lớn, từ 3 – 6 tấn/ha tùy theo mức độ thâm canh của từng vùng.

 

2.2. Thời vụ gieo cấy:

Chủ yếu là mưa đều, rửa mặn xong (độ mặn dưới 1 phần ngàn) mới gieo sạ.

Đối với giống nhóm B (thời gian sinh trưởng tương đương 120 ngày): Gieo sạ từ 10/8 – 30/8.

Các giống lúa mùa có thể gieo mạ từ 20/7 – 30/7.

Đối với giống nhóm A1 (thời gian sinh trưởng từ 90-100 ngày): Gieo sạ từ 01/9 – 20/9.

Lượng giống sạ: 80-100kg/ha. Sử dụng giống xác nhận.

 

2.3. Bón phân:

Trên đất nuôi tôm do lớp bùn non rất tốt đủ sức nuôi cây lúa trong tháng đầu, nếu bón phân sớm, nhất là phân đạm rất dễ bị bệnh đạo ôn (cháy lá) tấn công, nhưng lớp bùn sẽ bị lúa hút hết sau 1 tháng, nên các lần bón sau rất quan trọng, chú ý nhẹ đầu nặng cuối và khi bón phân cần cân nhắc đến điều kiện đất đai, thời tiết và tình hình của cây lúa mà điều chỉnh cho phù hợp.

Bón lót: Bà con không nên bón nhiều phân đạm, cần bón nhiều phân lân và can-xi để giải độc chất hữu cơ, giải độc phèn. Đồng thời, cung cấp chất lân cho bộ rễ lúa phát triển mạnh trong giai đoạn đầu, nhằm tăng khả năng chống chịu của cây lúa trong điều kiện bất lợi. Các nhà khoa học khuyến cáo đầu vụ, trước khi gieo sạ, bà con có thể bón lót phân chuyên dùng Đầu Trâu Mặn Phèn với lượng bón 100 – 160 kg/ha.

Bón thúc: Giai đoạn 10 ngày không bón, cây lúa hấp thu dinh dưỡng từ lớp bùn non của ruộng. Chỉ bón thúc đẻ 18-22 ngày sau sạ cần bón đầy đủ và cân đối giữa NPK + trung vi lượng: Bón 100-150kg Đầu Trâu TEA1 (gia giảm tùy theo lúa tốt xấu).

Bón đón đòng: trước khi lúa vào giai đoạn tượng đòng cần tạo điều kiện cho cây lúa chuyển sang màu vàng (xiết nước giữa vụ), khi lúa chuyển vàng, bóc ra có tim đèn (đòng đòng đất) 1-2mm sẽ bón phân theo kỹ thuật không ngày không số:

Lúa Màu vàng: Đầu Trâu TEA2 150 kg/ha.

Lúa Xanh nhạt: Đầu Trâu TEA2 100 kg/ha.

Lúa Xanh đậm: 50-70 kg KCl/ha (tuyệt đối không bón đạm).

 

2.4. Quản lý dịch hại tổng hợp:

Chú ý:

Không phun thuốc trừ sâu sớm trong vòng 40 ngày.

Không phun thuốc sâu định kỳ, chỉ phun khi mật số sâu hại tới ngưỡng, nhớ áp dụng theo 4 đúng.

Đối với bệnh: Trong 40 ngày đầu thăm đồng phát hiện có vết chấm kim thì phun ngay.

Giai đoạn từ 40 ngày đến trổ đều: Có thể chủ động phun ngừa các bệnh đạo ôn, đốm vằn, cháy bìa lá vi khuẩn, lem lép hạt, vàng lá chín sớm.

 

2.5. Quản lý nước:

Áp dụng kỹ thuật tưới khô – ướt xen kẽ giúp tiết kiệm nước và cây lúa khỏe.

Chú ý đầu vụ rửa mặn tốt trước khi gieo sạ (độ mặn <1 phần ngàn mới gieo).

 

2.6. Thu hoạch – sau thu hoạch:

Thu hoạch đúng độ chín (85-90% độ chín) cho năng suất và chất lượng cao nhất.

Hiện nay nếu nông dân bán lúa tươi tại ruộng là hay nhất. Nếu chưa bán được phải tìm cách sấy lúa, trong 24 giờ đầu cần hạ độ ẩm của lúa từ 22-28% xuống còn dưới 17% và sau 48 giờ độ ẩm dưới 15%. Nếu muốn bảo quản lâu hơn 1 tháng cần sấy đến độ ẩm 13%.

Nguồn: Tổng hợp và được kiểm duyệt bởi Farmtech VietNam

Những mô hình canh tác né hạn: Đậu phộng chinh phục đất lúa

Vụ hè thu 2019, Trung tâm Khuyến nông tỉnh Phú Yên triển khai mô hình trồng đậu phộng trên đất trồng lúa, màu kém hiệu quả lại thiếu nước tại xã Hòa An (huyện Phú Hòa) và thị trấn La Hai (huyện Đồng Xuân).

Mô hình trồng Đậu Phộng (Lạc) trên đất trồng lúa

 

Trên 3 xứ đồng đậu phộng

 

Mô hình chuyển đổi cây trồng mang lại hiệu quả cao nên thời gian tới, các địa phương tiếp tục nhân rộng. Mô hình trồng đậu phộng giống TB25 tại xứ đồng Gò Chàm, Soi Dưới, Soi Trên, thuộc thôn Vĩnh Phú, xã Hoà An (huyện Phú Hòa) trên diện tích 8ha, với 48 hộ nông dân tham gia. Trong thời gian sinh trưởng, đậu phộng TB25 có khả năng phân cành cấp 1 nhiều, chống chịu khá tốt với sâu bệnh hại; năng suất thực thu đậu phộng tươi đạt 46 tạ/ha, lợi nhuận bình quân gần 30 triệu đồng/ha.

 

Ông Đặng Minh Nghĩa, Giám đốc HTX Dịch vụ nông nghiệp Tây Hòa An cho hay: Vùng đất này, trước đây bà con nông dân trồng lúa thì lợi nhuận chỉ đạt 8 triệu đồng/ha, như vậy trồng đậu phộng lợi nhuận cao hơn trồng lúa trên 20 triệu đồng/ha. Đầu ra ổn định, có thương lái tiêu thụ. Không những thế, trồng đậu phộng trả lại đất nguồn dinh dưỡng, dây đậu phộng sau khi thu hoạch làm phân xanh.

Ông Trần Hay, một nông dân tham gia mô hình trồng đậu phộng trên xứ đồng Soi Trên chia sẻ: “Tôi trồng 3 sào (1.500m2) đậu phộng, cuối vụ gia đình tôi thu hoạch nhổ được 279 kg/sào, với giá bán 17.000 đồng/kg, thu trên 4,7 triệu đồng. Sau khi trừ chi phí từ khi làm đất đến thu hoạch, còn lãi trên 2,1 triệu đồng/sào, với 3 sào tôi thu lãi 6,3 triệu đồng. So sánh với trồng lúa, vùng này lâu nay 3 sào đất nhà tôi bình quân thu 600kg, với giá bán 5.500 đồng/kg thì thu 3, 3 triệu đồng. Đó là chưa trừ chi phí phân thuốc, cày bừa”.

Ông Nguyễn Thành Phương, một nông dân tham gia mô hình trồng đậu phộng trên xứđồng Gò Chàm, cho hay: “Gia đình tôi trồng 3 sào, hôm tổ chức hội nghị tham quan mô hình, nhổ thí điểm 1m2 được 22 bụi, lặc lấy hột cân, quy ra năng suất đạt 220kg đậu tươi/sào. Trước khi trồng, gia đình tôi được nhận hỗ trợ 36kg giống, tương đương mỗi sào 12kg”.

Còn bà Bùi Thị Hiền, cũng tham gia trồng đậu phộng trên xứ đồng Soi Dưới, cho hay: “Tôi trồng 2 sào, thu hoạch được gần 5 tạ. Tôi chăm sóc, bón phân theo hướng dẫn kỹ thuật của cán bộ khuyến nông. Cuối vụ nhổ lên trái sai, hột đậu no. Trước đây tôi trồng đậu phộng nhưng dính lép, hột đậu phộng hơi nghiêng (bị xốp)”.

 

Giống TB25, LDH.01 trên Soi Họ

 

Vụ hè thu 2019, Trung tâm Khuyến nông Phú Yên triển khai mô hình trồng đậu phộng giống TB25, LDH.01 tại xứ đồng Soi Họ, thị trấn La Hai (huyện Đồng Xuân), trên diện tích 8ha, trong đó giống LDH.01 là 5ha, TB25 là 3ha, với 56 hộ nông dân tham gia.

Tại hội nghị tổng kết tham quan thực tế mô hình trồng đậu phộng tại Soi Họ, nông dân cân đo đong đếm, năng suất thực thu đậu phộng tươi đối với giống LDH.01 đạt 44,4 tạ/ha, giống TB25 là 40 tạ/ha, với giá bán 13.000 đồng/kg, sau khi trừ chi phí thì lãi ròng đối với giống LDH.01 gần 15 triệu đồng/ha, giống TB25 là 5,7 triệu đồng. Trong khi đó, nếu bà con nông dân trồng bắp lợi nhuận chỉ đạt 2,3 triệu đồng/ha, như vậy trồng đậu phộng lợi nhuận cao hơn trồng bắp từ 3,7 đến 12,7 triệu đồng/ha.

Ông Trần Văn Bình, tham gia mô hình cho hay: “Tôi tham gia mô hình trồng 1 giạ giống (1.000m2). Trước khi xuống giống, tôi được tập huấn kỹ thuật từ khâu cày bừa đất, sạch cỏ dại, bón lót phân chuồng, vôi, phân lân. Bón lót kết hợp với các biện pháp phòng trừ mối, kiến để khi rắc xuống không bị kiến, mối ăn hột giống. Đến khi đậu phộng ra hoa 10-15 ngày, tôi bón vôi, sau đó phun Bidamin 15WP (thuốc ức chế tăng trưởng) để giúp đậu phộng tập trung dinh dưỡng nuôi củ, chắc hột”.

Bà Đặng Thụ Duyên, Phó chủ tịch UBND thị trấn La Hai cho rằng, mô hình trồng đậu phộng trên đất trồng lúa, màu kém hiệu quả triển khai tại Soi Họ, kết quả năng suất 2 giống đậu phộng lần lượt là TB25 đạt 40, còn LDH.01 đạt 44,4 tạ/ha. Mô hình còn tiết kiệm nước tưới, cải tạo đất, cắt cầu nối sâu bệnh giữa 2 vụ trồng cây màu và giải quyết việc làm cho lao động nông nhàn tại địa phương. Thông qua mô hình, nông dân nắm bắt kỹ thuật trồng cây đậu phộng giống mới.

Ông Nguyễn Văn Tri, Phó phòng NN-PTNT huyện Đồng Xuân cho biết, mô hình trồng đậu phộng thuộc Dự án “Phát triển vùng chuyên canh đậu phộng ứng phó biến đổi khí hậu gắn với chuỗi tiêu thụ sản phẩm”. Trồng đậu phộng về mặt chi phí đầu tư cũng tương tự như trồng bắp nhưng đậu phộng có giá bán cao hơn.

Mặc khác, nếu trồng đậu phộng trên nền đất lúa kém hiệu quả giảm được từ 4 – 5 lần tưới tràn/vụ và lượng nước dùng tưới cho đậu phộng giảm từ 60 – 70% so với lúa. Vì vậy, mô hình này không những có hiệu quả về mặt kinh tế mà còn tiết kiệm một lượng lớn nước dùng trong công tác tưới tiêu, phù hợp với định hướng của ngành nông nghiệp trong điều kiện biến đổi khí hậu hiện nay.

Nguồn: Tổng hợp và được kiểm duyệt bởi Farmtech VietNam