Lâm Đồng: Nông nghiệp thông minh

Trên cơ sở phát triển nông nghiệp ứng dụng cao, trong những năm gần đây các doanh nghiệp/trang trại ở Lâm Đồng đã tiếp cận ứng dụng công nghệ IoT trong sản xuất nông nghiệp, song chủ yếu ứng dụng ở các trang trại trồng rau, hoa, dâu tây đã cho doanh thu từ 5 – 8 tỷ đồng/ha/năm…

Rất nhiều thành phần cấu thành nông nghiệp thông minh 4.0 được phân tích, song thực tế sản xuất ở Việt Nam tùy thuộc vào vùng sinh thái; loại cây trồng, vật nuôi; quy mô sản xuất, do đó chủ trang trại không nhất thiết phải ứng dụng tất cả các thành phần công nghệ mà có thể sử dụng 4 – 5 thành phần công nghệ phù hợp với mục tiêu, yêu cầu sản xuất của trang trại; phải hướng đến mục tiêu hiệu quả kinh doanh là chính, song việc ứng dụng thiết bị cảm biến kết nối internet (IoT) là công nghệ cốt lõi cần và đủ phải sử dụng ở tất cả các trang trạng nông nghiệp thông minh 4.0.

Tiếp cận công nghệ phù hợp

Qua nghiên cứu thực tế các mô hình trong và ngoài nước và kinh nghiệm nghiên cứu khoa học và chỉ đạo thực tiễn sản xuất, chúng tôi đưa ra khái niệm: Nông nghiệp thông minh là nông nghiệp mà trong suốt quá trình sản xuất ứng dụng các công nghệ tiên tiến, hiện đại; sử dụng các thiết bị được kết nối mạng bên trong và bên ngoài của trang trại/doanh nghiệp dựa trên nền tảng công nghệ thông tin để quản lý.

Với khái niệm này nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao chưa hẳn là nông nghiệp thông minh, nhưng nông nghiệp thông minh phải là trên cơ sở nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, đây là vấn đề cốt lõi để nhận diện nông nghiệp thông minh từ đó có cách tiếp cận khoa học và hiệu quả phù hợp với yêu cầu phát triển nông nghiệp Việt Nam trong quá trình biến đổi khí hậu và hội nhập quốc tế. Trước yêu cầu cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 chúng ta không thể đứng ngoài cuộc mà phải tiếp cận nhanh song không nóng vội chạy theo phong trào, theo phương châm: “Đi ngay, đi nhanh và đi chính xác (lựa chọn cây trồng vật nuôi có lợi thế so sánh, công nghệ ứng dụng phù hợp và mục tiêu sản xuất kinh doanh là chính)”.

Trồng rau trong nhà kính tại Đà Lạt

Cũng tương tự nhiều nước đang phát triển trên thế giới và khu vực Đông Nam Á, đến nay Việt Nam chưa có các mô hình nông nghiệp 4.0 hoàn chỉnh, song thực tế cũng có những nhà cung cấp công nghệ IoT và những trang trại, doanh nghiệp nông nghiệp ứng dụng IoT trong nông nghiệp thông minh, đây là những cơ sở hạ tầng quan trọng để Việt Nam tiến hành nông nghiệp 4.0 với thời gian ngắn trong tương lai.

Đối với nhà cùng cấp, qua nghiên cứu ở Việt Nam hiện nay có khoảng 10 nhà cung cấp giải pháp IoT chính thức như: Cty CP dịch vụ công nghệ IoT – IoT Group; Cty công nghệ DTT; tập đoàn FPT; Cty Konexy; Cty Hachi; Cty Rynan Smart Fetilizer; VNPT; Cty TNHH Mimosa Technology; Cty Microsoft Việt Nam; Agricheck… Việc ứng dụng IoT cho nông nghiệp giúp người nông dân tăng năng suất, giảm chi phí, tránh rủi ro vụ mùa và chủ động thị trường; thông qua đó giúp phát triển nông nghiệp sạch, an toàn và bền vững. Tuy nhiên, hiện nay chi phí ban đầu để thực hiện giải pháp IoT khá cao, bởi chưa có doanh nghiệp nào sản xuất các thiết bị phần cứng, các thiết bị phù hợp với sản xuất nông nghiệp Việt Nam nên chủ yếu phải nhập ngoại từ Isreal, Nhật Bản, Đức, Thái Lan và Đài Loan.

Đối với nhà ứng dụng công nghệ IoT đã xuất hiện mạnh mẽ trong vòng 5 năm trở lại đây; xuất hiện cả các mô hình nghiên cứu và sản xuất kinh doanh ở các viện nghiên cứu, trường đại học, các doanh nghiệp và trang trại ở nhiều vùng sinh thái và trên nhiều loại cây trồng, vật nuôi như: Học viện Nông nghiệp Việt Nam, Trường Đại học Nguyễn Tất Thành, Đại học Bách khoa thành phố Hồ Chí Minh, Khu NNƯDCNC thành phố Hồ Chí Minh, tập đoàn TH True Milk, Trung tâm Giống vật nuôi TP.HCM, các dự án rau sạch của Tập đoàn Vingroup triển khai tại Hải Phòng, Quảng Ninh và Lâm Đồng…; tập đoàn Thành Thành Công, Cty Dalat Hasfarm, Trung tâm nghiên cứu và thực nghiệp nông nghiệp Đà Lạt thuộc Tập đoàn Lộc Trời, Trường CĐ nghề kỹ thuật công nghiệp Việt Nam – Hàn Quốc, Cty CP nông nghiệp U&I, Cty CP thủy sản Việt Úc, Cty CP Ba Huân… Đến nay cả nước có khoảng 30 trang trại/doanh nghiệp ứng dụng IoT; trong đó ở tỉnh Lâm Đồng có khoảng 15 doanh nghiệp/trang trại.

Thực tiễn từ Lâm Đồng

Trên cơ sở phát triển nông nghiệp ứng dụng cao, trong những năm gần đây các doanh nghiệp/trang trại ở Lâm Đồng đã tiếp cận ứng dụng công nghệ IoT trong sản xuất nông nghiệp, song chủ yếu ứng dụng ở các trang trại trồng rau, hoa, dâu tây đã cho doanh thu từ 5 – 8 tỷ đồng/ha/năm, nhưng quy mô sản xuất còn nhỏ lẻ, các doanh nghiệp điển hình như: Cty CP chè Cầu Đất Đà Lạt, Cty TNHH Long Đỉnh, Cty TNHH Trường Hoàng, Cty TNHH trang trại Langbiang, Cty CP sinh học rừng hoa Đà Lạt, Cty TNHH Đà lạt GAP, Trung tâm nghiên cứu khoai tây, rau và hoa Đà Lạt, trang trại Định Farm, trang trại Vương Đình Phi…

Đặc biệt, Cầu Đất Farm bắt đầu sản xuất nông sản sạch từ 2 năm trước bằng phương pháp thủy canh trên một hệ thống nhà vườn rộng 7ha. Toàn bộ hệ thống nhà vườn do nhân viên của Cầu Đất Farm lắp ráp, đầu tư hệ thống thông minh quản lý mỗi ha nhà vườn vào khoảng 2,7 tỷ đồng. Đến thời điểm hiện tại, Cầu Đất Farm sở hữu nông trại ở Đà Lạt có quy mô lớn, kết nối hệ thống phát triển rau sạch bằng các giải pháp nông nghiệp thông minh, ứng dụng IoT trong nhiều khâu của quy trình trồng trọt và tiêu thụ lớn nhất Việt Nam.

Toàn bộ hệ thống được thiết kế đồng bộ, đảm bảo yêu cầu kỹ thuật cho trang trại như quạt, rèm vách, cắt nắng, bơm tưới, châm dinh dưỡng, điều chỉnh EC và pH; hệ thống camera giám sát 24/24 ghi lại hình ảnh cây trồng, giám sát quy trình chăm sóc, phát triển của cây. Đối với hệ thống giám sát, điều khiển qua Internet có chức năng: Cung cấp hệ thống giám sát nhà kính qua website, mobile application; giám sát realtime các thông tin nhà kính, quan sát camera. Hệ thống này cũng tự động phân tích dữ liệu môi trường, đưa ra cảnh báo, lệnh điều khiển đảm bảo môi trường cây phát triển, đưa ra quy trình cho cây trồng phát triển, nâng cao năng suất. Hệ thống này có thể tự động kiểm soát độ ẩm, nước, phân, kiểm soát chất lượng rau, cà chua và các loại nông sản trên một quy mô lớn, ứng dụng toàn diện từ khâu sản xuất đến thương mại điện tử trong tiêu thụ nông sản và phát triển mô hình du lịch canh nông.

Theo dõi cây trồng bằng camera

Qua phân tích nêu trên cho thấy hạ tầng cung ứng công nghệ và quản trị doanh nghiệp IoT bước đầu đã tiếp cận, là cơ sở quan trọng tiếp tục phát triển để Việt Nam trở thành một trong những quốc gia thành công trong nông nghiệp thông minh 4.0 trong những năm tới. Chính phủ cần tiếp tục có những chính sách khuyến khích các tổ chức và cá nhân huy động các nguồn lực nhằm tạo đột phá nông nghiệp thông minh với lộ trình và nguồn lực hợp lý; làm tốt công tác đào tạo nguồn nhân lực, đặc biệc là nguồn nhân lực có chất lượng cao để chủ động trong quá trình tiếp cận nông nghiệp 4.0.

Đối với tỉnh Lâm Đồng, trên cơ sở thực hiện thành công chương trình nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao giai đoạn 2004 – 2015, nhằm đáp ứng yêu cầu hội nhập quốc tế và thích ứng với biến đổi khí hậu, Tỉnh ủy Lâm Đồng đã ban hành Nghị quyết số 05/NQ-TU về phát triển nông nghiệp toàn diện, bền vững và hiện đại giai đoạn 2016 – 2020 và định hướng 2025; đồng thời UBND tỉnh Lâm Đồng cũng ký quyết định số 740/QĐ-UBND ban hành Đề án hỗ trợ khởi nghiệp tỉnh Lâm Đồng đến năm 2020, theo đó kèm theo các chính sách hỗ trợ khởi nghiệp nói chung, trong đó có khởi nghiệp nông nghiệp thông minh nói riêng, với mức hỗ trợ cho mỗi dự án 50% cho tư vấn dịch vụ đào tạo nguồn nhân lực, sở hữu trí tuệ…; hỗ trợ 50% chi phí áp dụng khoa học công nghệ mới; hỗ trợ 3% lãi suất sau đầu tư (thời gian hỗ trợ tối đa 36 tháng kể từ khi các tổ chức tín dụng hoàn thành thủ tục vay); hỗ trợ vay vốn Quỹ hỗ trợ khởi nghiệp, Quỹ phát triển KHCN, Quỹ khuyến công… nhằm tạo đột phá nông nghiệp thông minh.

Với những chính sách sát thực tế và phát huy mọi nguồn lực, chúng tôi hy vọng rằng tỉnh Lâm Đồng sẽ có nhiều trang trại/doanh nghiệp nông nghiệp thông minh 4.0 vào năm 2019…

Theo nongnghiep.vn được kiểm duyệt bởi Farmtech Vietnam.

Rau màu vụ đông Bắc Đông tăng cao

Giá cao gần gấp đôi

Hiện rau màu vụ đông đang cho thu hoạch rộ. Tuy nhiên, điểm khác biệt so với những năm trước là sản phẩm làm ra đến đâu bán hết đến đó. Ghi nhận ở một số vùng chuyên canh rau màu cho thấy, giá nông sản bình quân cao gần gấp đôi so với cùng thời điểm năm trước.

Đơn cử, cà chua 12 – 15 nghìn đồng/kg, bắp cải 8 – 9 nghìn đồng/cây; su hào 7 – 8 nghìn đồng/củ; đậu cô ve 18 – 20 nghìn đồng/kg; cà chua bi 8 – 12 nghìn đồng/kg; 50 – 60 nghìn đồng/kg ớt…

Khảo sát tại cánh đồng thôn Ghép, xã Thái Đào (huyện Lạng Giang), chúng tôi cảm nhận được niềm vui của nông dân khi rau được mùa, được giá. Gia đình bà Nguyễn Thị Là đang thu hoạch lứa bắp cải thứ hai tính từ đầu vụ để chuẩn bị xuống giống súp lơ thu vào tháng Giêng. “Mấy năm trước, rau chỉ bán được giá vào thời điểm đầu vụ, về sau hạ dần và có lúc rẻ như cho, nhiều nhà lấy chăm cá hoặc bỏ thối ngoài đồng. Năm nay thì khác, rau luôn được giá, cứ mỗi lứa bắp cải, gia đình tôi thu về gần chục triệu đồng/sào”, bà Là cho biết.

Bà con phấn khởi khi rau màu tăng giá

Tương tự, người dân trồng cây ưa lạnh tại thôn Hà Mỹ, xã Chu Điện (huyện Lục Nam) cũng thắng lớn. Theo bà Đỗ Thị Thúy, người dân trong thôn, năm nay, trời rét sớm, lạnh sâu, cây trồng ít sâu bệnh. Người trồng rau không tốn công, giảm chi phí khâu chăm sóc, sản phẩm lại bán giá cao đã góp phần tăng giá trị rau màu. Với hai sào su hào vừa thu hoạch, trừ chi phí, gia đình bà thu về hơn 15 triệu đồng.

Đến nay, tỉnh Bắc Giang có hơn 12 nghìn ha rau, màu các loại. Đánh giá của Sở NN-PTNT Bắc Giang, nhìn chung, cây vụ đông năm nay cho giá trị kinh tế cao, bình quân đạt khoảng 100 triệu đồng/ha, cao hơn 20 triệu đồng/ha so với năm trước. Cá biệt có một số cây cho thu nhập từ 300 triệu đồng đến 1 tỷ đồng/ha như dưa lưới, các loại ớt, cà chua.

Bám sát diễn biến thời tiết, chủ động nguồn cung

Đang trong thời điểm chính vụ song nông sản không đủ cung cấp theo nhu cầu thị trường. Vì vậy, các tiểu thương đều phải trực tiếp thu hoạch, cân rau cùng bà con tại ruộng. Anh Tống Văn Thọ ở thôn Ghép nói: “Trước đây, tôi chỉ cần ở nhà và cân nông sản khi người dân chở rau, củ đến. Mấy ngày nay dù đã tăng giá nhưng vẫn không có rau để mua vì khan hiếm, tôi chủ động đến một số vùng chuyên canh đặt cọc trước. Chậm chân là hết rau, lỡ đơn hàng với khách”.

Các tiểu thương trực tiếp thu hoạch, cân rau cùng bà con tại ruộng

Ông Dương Thanh Tùng, PGĐ Sở NN-PTNT Bắc Giang cho rằng, giá rau tăng mạnh do một số địa phương bị ảnh hưởng bởi thiên tai dẫn đến sản phẩm khan hiếm. Hơn nữa, nhiều nơi nông dân không còn “mặn mà” với ruộng đồng, bỏ ruộng vụ đông, không còn “tự cung, tự cấp” như trước mà phải mua rau, quả để sử dụng hằng ngày. Bên cạnh đó, công tác liên kết cũng được thực hiện tốt với hơn 3 nghìn ha rau, quả có hợp đồng bao tiêu chặt chẽ.

Còn theo một tiểu thương có hơn chục năm trong nghề tiêu thụ nông sản tại xã Thái Đào, nhiệt độ xuống thấp, rau dễ bảo quản, vì vậy người buôn rau lựa chọn hàng trong nước để kinh doanh. Còn nếu thời tiết ấm, nóng thì giới “chạy chợ” luôn ưu tiên mặt hàng của Trung Quốc vì thường có chất bảo quản, nông sản tươi lâu hơn sẽ ít rủi ro.

Cùng đó, biện pháp xây dựng mô hình điểm tại các địa phương, điểm mới trong chỉ đạo vụ đông đã phát huy hiệu quả. Đến nay, toàn tỉnh có 34 mô hình điểm với diện tích hơn 500ha và đạt hiệu quả cao. Điển hình, huyện Yên Dũng xây dựng 10 mô hình điểm sản xuất tập trung. Ông Hoàng Hữu Lân, Phó trưởng Phòng NN-PTNT huyện thông tin: “Lo ngại khó đạt kế hoạch diện tích đề ra, huyện đặt mục tiêu nâng cao giá trị cây vụ đông. Theo đó, ưu tiên hỗ trợ vùng tập trung với mức 100 nghìn đồng/sào; đồng thời tổ chức hội nghị mời gọi doanh nghiệp tham gia ký kết hợp đồng tiêu thụ với hợp tác xã, nhóm hộ”.

Đến nay mô hình điểm về rau an toàn ở xã Tiến Dũng, Đồng Việt đã cho thu hoạch, lợi nhuận đạt 130 triệu đồng/ha. Các mô hình khoai tây chế biến hứa hẹn bội thu. Ở Tân Yên, huyện hỗ trợ 50% giá giống, chuyển giao kỹ thuật cho 6 mô hình điểm theo chuỗi khép kín, tập trung tại xã Ngọc Lý, Đại Hóa, Lan Giới; quy mô bình quân 5 – 10 ha/mô hình.

Theo nongnghiep.vn được kiểm duyệt bởi Farmtech Vietnam.

Người dân Bình Định hồ hởi vì rau tăng giá

Các loại rau cải như cải xanh, cải ngọt… trước đây chỉ 15-16 ngàn đồng/kg thì hiện có giá đến 24 ngàn đồng/kg. Các loại rau ăn quả như khổ qua, dưa leo, đậu cô ve… cũng đều tăng so với trước đây khoảng 5-7 ngàn đồng/kg.

“Hiện thị trường tiêu thụ đang ăn mạnh các loại rau xanh, nhưng các nhà vườn không đủ cung ứng do nhiều diện tích rau bị chết trong những đợt bão lũ vừa qua. Tại thời điểm này, các siêu thị Co.op mart Quy Nhơn, Co.op mart An Nhơn, Big C Quy Nhơn và những quầy hàng bán lẻ rau xanh quanh TP Quy Nhơn có nhu cầu thu mua mỗi ngày đến 500kg rau các loại, nhưng bà con chỉ cung ứng được khoảng 300kg”, ông Hùng nói ra vẻ tiếc nuối.

Mô hình rau an toàn VietGap tại Thuận Nghĩa, Phú Phong, Tây Sơn

Rau ở HTXNN Thuận Nghĩa, thị trấn Phú Phong (huyện Tây Sơn, Bình Định) cũng đang sốt giá. Ông Quách Văn Cầu, Giám đốc HTXNN Thuận Nghĩa, phấn khởi: “Nếu như trước đây rau muống chỉ có giá hơn 10 ngàn đồng/kg thì hiện nay đã tăng đến 23-24 ngàn đồng/kg, rau ngò trước đây chỉ 20-30 ngàn đồng/kg thì nay tăng đến 40 ngàn đồng/kg. Các loại rau ăn quả cũng đang có giá rất cao, tăng bình quân 5-7 ngàn đồng/kg. Với giá cả hiện nay, nông dân trồng rau trên địa bàn có lãi từ 2,5-3 triệu đồng/sào/vụ (từ 25 đến 30 ngày), riêng ai trồng rau muống có lãi nhiều hơn. Lãi cao nhất là những hộ trồng hành ăn lá, hơn 5 triệu đồng/sào/vụ”.

Cũng theo ông Cầu, hiện bà con ở HTXNN Thuận Nghĩa trồng được 36 ha rau các loại, trong đó có 4 ha rau an toàn (RAT). Riêng diện tích RAT mỗi năm  HTX cung ứng ra thị trường khoảng 700 tấn rau các loại.

Bà con Bình Định phấn khởi khi giá rau màu tăng cao

“Hiện trên địa bàn Bình Định vẫn chưa dừng mưa, nếu thời tiết kiểu này kéo dài thì bà con SX rau trong tỉnh sẽ gặp bất lợi, do đó thị trường rau trong dịp tết sẽ còn tăng hơn hiện nay. Tuy nhiên, vùng SX rau Đà Lạt vẫn ổn định nên rau cung ứng cho dịp tết ở Bình Định sẽ không thiếu và giá cũng sẽ chỉ tăng chút ít chứ không có biến động lớn”, ông Thái Lương Hùng, Giám đốc Co.op mart Quy Nhơn, nhận định.

Theo nongnghiep.vn được kiểm duyệt bởi Farmtech Vietnam.

Thu về 500 tỷ đồng nhờ trồng cây rau màu

Ông Nguyễn Văn Khoa, Giám đốc HTXNN xã Gia Xuyên phấn khởi cho biết: “Vụ đông này các xã viên thắng lớn. Đến nay, toàn xã đã tiêu thụ hết 150ha bắp cải lứa đầu. Mỗi ha trung bình nông dân thu được 240 triệu đồng, thời điểm cao thu đến 350 triệu đồng/ha. Tính ra mỗi hộ trừ chi phí còn thu nhập ngày công và lãi khoảng 200 triệu đồng/vụ. Thôn Tranh Đấu có vài chục hộ thu hàng trăm triệu đồng bắp cải như ông Hồ Văn Kiển, bà Vũ Thị Dưỡng…”.

Ông Phạm Văn Mát, Chủ tịch Hội Nông dân xã Hoàng Diệu, vùng trồng bắp cải lớn, hồ hởi khoe với chúng tôi: “Bắp cải năm nay thắng như năm 2015. Hội viên nông dân chúng tôi thu nhập khá. Tết này sẽ ăn to. Thôn Đại Tỉnh và thôn Long Tràng đã thu hoạch xong 70ha bắp cải, thu thấp nhất là 7 triệu đồng/sào, phổ biến là 8 – 10 triệu đồng/sào.

Gia đình tôi trồng 4 sào rưỡi bắp cải đã đút túi 45 triệu đồng. Đến nay, thôn Long Tràng có hàng chục hộ thu bắp cải 150 triệu đồng trở lên như bà Son, ông Chí, ông Hiến… Có hộ mượn ruộng, thuê ruộng trồng cây vụ đông thì thu từ vài trăm triệu đến vài tỷ đồng như ông Trần Văn Đoàn sản xuất 20ha rau”.

Người dân trồng bắp cải thắng lớn, thu được lợi nhuận rất cao

Bà Nguyễn Thị Tâm ở thôn Đông Thượng, xã Đồng Quang chia sẻ: “Gia đình vừa thu hoạch xong 6 sào su hào, 5 sào bầu và bí ngô cũng đang thu hái. Bầu bán được từ 5 – 10 ngàn đồng/kg, trung bình 1 sào bầu thu được 9 – 10 triệu đồng, bí ngô chỉ cho thu nhập 2 triệu đồng/sào nhưng nhàn và dễ trồng. Su hào tôi bán non cho đại lý nên mỗi sào chỉ được 5,5 triệu đồng nhưng yên tâm. Đến nay tôi đã thu được 90 triệu đồng, vào loại khá của thôn”.

Theo bà Tăng Thị Hạnh, Phó phòng NN-PTNT huyện Gia Lộc: Vụ đông 2017 – 2018, toàn huyện phấn đấu gieo trồng 3.100ha cây màu và đã hoàn thành vượt chỉ tiêu kế hoạch trên 100ha. Diện tích vụ đông đã thu hoạch trên 50%, doanh thu đạt khoảng 300 tỷ đồng. Bình quân 1ha cây vụ đông thu khoảng 200 triệu đồng, vượt chỉ tiêu kế hoạch 66,66%.

Nét mới của vụ đông năm nay là nông dân tiếp thu đưa nhiều giống cây trồng mới vào SX như bắp cải No71, su hào TV16, bầu Trầm hương, khổ qua, đậu bắp… Diện tích cây vụ đông có hợp đồng bao tiêu sản phẩm tăng so với năm trước, với 340ha chủ lực là bắp cải 190ha, súp lơ 65ha”.

Huyện quy hoạch vùng SX rau theo hướng an toàn ở 11 xã với 61 vùng tổng diện tích là 1.011ha. Diện tích SX áp dụng công nghệ cao tăng mạnh ở các xã Toàn Thắng, Phạm Trấn, Cty Hưng Việt… Khối lượng sản phẩm rau an toàn tăng, giá bán cao, mang lại lợi nhuận cao cho người SX. Mô hình mang lại hiệu quả, là điểm sáng để nông dân các nơi trong huyện đến học tập…

“SX vụ đông năm nay cơ bản thuận lợi về thời tiết và tiêu thụ, kênh tiêu thụ đa dạng, tiêu thụ trong các siêu thị, các bếp ăn tập thể, nhà trường, doanh nghiệp. Thị trường tiêu thụ suốt từ Bắc vào Nam. Rau quả bán được giá, không có sản phẩm bị quá lứa. Nhiều hộ nông dân bán sản phẩm non cho các đại lý, không mất công thu hoạch nên hiệu quả SX tăng cao, ước giá trị ước đạt trên 500 tỷ đồng”, bà Hạnh chia sẻ.

Theo nongnghiep.vn được kiểm duyệt bởi Farmtech Vietnam.