Phòng tránh tôm chết hàng loạt

Tôm chết hàng loạt do mắc bệnh là tình trạng thường gặp trong quá trình nuôi tôm theo hình thức công nghiệp. Do đó việc phòng tránh hiện tượng tôm chết hàng loạt để đảm bảo năng suất là điều cực kỳ quan trọng.

Một số nguyên nhân, cách phòng tránh tôm chết hàng loạt:

Môi trường bị ô nhiễm do phèn hóa

Đây là nguyên nhân quan trọng dẫn đến tôm chết hàng loạt. Trước hết, có thể là do nguồn nước nuôi tôm bị nhiễm phèn. Trong đó, phèn cũng có hai loại phèn sắt (phèn nóng) và phèn nhôm (phèn lạnh), cũng có khi do hỗn hợp của cả hai loại phèn này, trong điều kiện pH của môi trường nước thấp. Phèn thường xuất hiện khi ta xử lý ruộng, đào kinh, lên liếp, bao ví thành vuông tôm mà không tuân thủ đúng kỹ thuật nuôi tôm và đào ao nuôi tôm. Đặc biệt, đất vùng nuôi tôm chủ yếu là vùng đất mặn trên nền phèn tiềm tàng.

Đặc tính nổi bật của loại đất này là trong điều kiện có nước mặn, nước lợ thường xuyên trên mặt, sẽ khống chế, đất không bị phèn hóa, ruộng tôm vẫn an toàn. Nhưng nếu ta đào đắp hay xáo trộn đất hay để đất tiếp xúc với oxy trong không khí thì quá trình phèn hóa xuất hiện và phát triển nhanh chóng. Kết quả của quá trình này là các chất như: Al3+, Fe2+, SO4(-2) sẽ xuất hiện rất nhanh và rất nhiều. Còn trình tự xuất hiện trước hết là Fe2+ rồi đến SO4(-2) và cuối cùng, khi pH xuống thấp thì giải phóng ra rất nhiều Al3+ từ các lớp đất sét. Lúc này, nồng độ các độc chất tăng nhanh, đột ngột, có thể từ 0ppm (phần triệu) tăng lên đến hàng trăm và có thể hàng ngàn ppm. Tuy nhiên, khả năng chịu đựng của tôm với các chất độc này rất thấp, nhất là với nhôm, chỉ 4,5 – 10,5ppm là có ảnh hưởng tới tôm, nhất là đối với tôm con. Cho nên, khi xây dựng ruộng thành vuông tôm thì người nuôi phải chú ý, tuân thủ kỹ thuật nuôi tôm và đào ao nuôi tôm để không cho quá trình phèn hóa xảy ra.

Mặt khác, những người nuôi tôm ở vùng này phải chú ý tránh không cho nước rỉ ra từ bờ đắp chảy vào vuông tôm, sau những ngày mới đắp và nhất là sau những trận mưa đầu mùa hay trận mưa nghịch mùa (giữa mùa khô). Bởi vì, trong nguồn nước này chứa rất cao nồng độ độc chất Al3+, Fe2+ và SO4(2-) có thể gây tình trạng tôm bị chết hàng loạt. Một điều rất đặc biệt trong trường hợp này người nuôi tôm rất khó nhận biết hiện tượng. Bởi vì, nó xuất hiện rất nhanh, sau đó liền bị khỏa lấp bởi nước triều lên. Với những người chưa có kinh nghiệm nuôi tôm thì rất khó phát hiện đúng nguyên nhân gây bệnh, do đó kết luận là virus.

Virus

Khi tôm bệnh do virus tôm sẽ chết rất nhanh và khó kiểm soát, nhất là nuôi tôm trong mùa mưa.

Nguyên nhân tôm thường bị chết hàng loạt là do người nuôi mua phải giống tôm nhiễm virus từ nguồn cung cấp trôi nổi không được kiểm soát do đó việc tuân thủ kỹ thuật nuôi tôm chọn tôm giống ban đầu là cực kỳ quan trọng và cần thiết.

Bên cạnh đó, cũng có ruộng tôm, giống tốt không bệnh nhưng sau một thời gian chúng bị nhiễm bệnh virus ngay trong ruộng hay lây nhiễm từ ruộng bên cạnh, từ nguồn nước ô nhiễm chứa virus. Tôm ở mọi lứa tuổi khi bị nhiễm, nổi lên vật vờ rồi chết. Cần có sự theo dõi sát sao và làm chỉ dẫn của các chuyên gia.

Nhiễm độc hữu cơ

Một nguyên nhân khác làm cho tôm chết hàng loạt là tôm bị nhiễm độc hữu cơ từ đáy ao. Điều này thường xảy ra ở vuông tôm sau 3 – 4 năm nuôi trồng. Bởi chất hữu cơ từ thức ăn thừa lắng xuống đáy ao, kết hợp các loại rong tảo chết, phân giải yếm khí, sản sinh nhiều độc tố như khí hydro sunfua hay mêtan hoặc các hợp chất dạng cơ kim. Tôm có thói quen vùi mình trong các lớp trầm tích ở đáy ao để ngủ nghỉ hay tránh nắng nóng, khi gặp độc chất này thì gây chết rất nhanh.

Vì vậy, người nuôi phải nghiên cứu kỹ các yếu tố môi trường, nắm vững kỹ thuật nuôi với những điều kiện từng nơi. Bên cạnh đó, cần thận trọng hơn trong việc nuôi tôm ruộng lúa đã ngọt hóa, trong rừng ngập mặn và nhất là những ruộng nằm trên nền đất phèn tiềm tàng.

Nguồn: ConTom được kiểm duyệt lại bởi Farmtech VietNam.

Sát thủ giấu mặt gây chết ở tôm – H2S

Trong quá trình nuôi tôm, lượng chất thải hữu cơ tạo ra được tích tụ trong đáy ao bị vi khuẩn phân hủy kị khí thành  H2S. Đây là loại khí độc nguy hiểm nhất trong ao, có thể gây chết tôm ở bất cứ thời điểm nào. Do đó cần khống chế loại khí này trong toàn vụ nuôi.

Trong vụ nuôi, chất thải được lắng đọng xuống nền đáy, quá trình phân hủy xảy ra 2 trường hợp. Trường hợp phân giải kỵ khí (không có ôxy) nên vi khuẩn khử lưu huỳnh tạo ra H2S, nằm ở phía dưới lớp bùn đáy và thường có màu đen. Trường hợp phân giải hiếu khí (có ôxy) các phản ứng ôxy hóa xảy ra ở bề mặt lớp bùn đáy nên lớp bùn này có màu sáng. Lớp bùn sáng này tuy mỏng nhưng có tác dụng như lớp màng ngăn, hạn chế khí độc thoát ra ngoài môi trường nước.

Khí độc H2S có mùi trứng thối, càng nhiều bùn đen thì càng nhiều khis độc H2S. Nó được gọi là “sát thủ” vì độ độc H2S cao gấp nhiều lần so với NH3 và NO2, chỉ cần 0,01 ppm là có thể giết chết tôm. Còn “giấu mặt” vì cho đến nay, vẫn chưa có dụng cụ kiểm tra hàm lượng khí độc H2S trong ao nuôi.

Khí  H2S nguy hiểm với tôm như thế nào?

Khí độc H2S sẽ kết hợp với Hemoglobin ngăn cản việc vận chuyển ôxy trong máu, ngăn không cho tôm lấy ôxy, gây stress và giảm sức đề kháng. Nó cũng có thể gây phá hủy mô, tổn thương các cơ quan mềm như mang, ruột, thành dạ dày và gan tụy. Nếu tiếp xúc H2S trong thời gian ngắn, tôm yếu dần, bơi chậm chạp, dễ tổn thương và nhiễm bệnh. Trường hợp tiếp xúc với lượng lớn H2S, tôm sẽ chết nhanh hàng loạt.

Các triệu chứng tôm bị ảnh hưởng bởi độc tính H2S

Tôm sú bị mềm vỏ khi tiếp xúc lâu với H2S, dẫn đến stress và giảm ăn

Miệng và mang tôm thẻ bị đen do tiếp xúc với H2S khi tìm kiếm thức ăn ở khu vực đáy ao

Những điều kiện thuận lợi sinh ra H2S

  • Ao nước trong trước khi thả giống, ánh sáng chiếu xuống làm cho rêu đáy phát triển. Sau một thời gian, tảo phát triển và ngăn ánh sáng chiếu xuống đáy ao làm cho rêu đáy chết, gây ô nhiễm đáy ao
  • Ao đáy cát và đất xốp, chất thải rút sâu vào lòng đáy, tạo môi trường yếm khí sinh ra H2S
    Đối với ao lót bạt, bên dưới lớp bạt là môi trường thiếu ôxy, H2S được sinh ra khi chất hữu cơ thấm xuống bên dưới lớp bạt theo vết rò rỉ
  • Ao có mực nước sâu, thiếu oxy sẽ tạo điều kiện cho H2S sản sinh
  • Ao bị tảo tàn và nhiều thức ăn thừa, cũng như ao phèn có pH thấp và nhiều chất thải rất thuận lợi tạo ra H2S
  • Ao chứa các chất hữu cơ lơ lửng, khi các chất này lắng lại ở đáy ao sẽ tạo điều kiện thuận lợi sinh ra H2S

Một số trường hợp và cách khắc phục

  • Mưa lớn

Trong cơn mưa lớn, các thông số nước sẽ thay đổi, thúc đẩy việc tạo ra H2S. Mưa làm giảm nhiệt độ, ôxy hòa tan và pH. Mưa còn làm giảm khoáng chất và độ kiềm trong nước. Âm thanh và sóng tạo ra bởi gió cũng khiến tôm stress và phải di chuyển xuống đáy và khu vực chất thải. Các yếu tố này làm tôm chết.

Người nuôi nên xử lý như sau: Ngưng cho ăn khi có mưa

– Kiểm tra pH nước và tạt vôi để duy trì điều kiện tối ưu

– Bật quạt nước chạy xuyên suốt

– Bổ sung khoáng vào nước và trộn khoáng với thức ăn sau những cơn mưa

– Sử dụng vi khuẩn tiêu thụ H2S để kiểm soát H2S

  • Tảo tàn

Khi tảo tàn, pH ngay lập tức hạ thấp, lượng chất hữu cơ tăng lên đột ngột tiêu thụ một lượng lớn ôxy hòa tan. Khí độc sản sinh và vi khuẩn tăng lên nhanh chóng. Người nuôi phải xử lý theo các bước sau đây:

– Cắt giảm 50 – 60% thức ăn

– Tạt vôi để duy trì độ pH

– Chạy quạt để gom chất hữu cơ về khu vực giữa đáy ao

– Si-phông bùn đáy giữa ao, thay nước mới

– Sử dụng các chế phẩm phân hủy chất hữu cơ để làm sạch nước ao

– Sử dụng vi khuẩn tiêu thụ H2S để kiểm soát H2S

  • Thời tiết lạnh

Khi thời tiết trở lạnh, tôm khỏe có khả năng chống chịu tốt hơn và tránh xa khu vực chất thải. Trong khi đó, tôm yếu chịu lạnh kém sẽ tiến đến khu vực chất thải (nhiệt độ ấm hơn) và bắt đầu nhiễm độc bởi khí H2S. Khi thời tiết ấm trở lại, vi khuẩn phân hủy chất thải với tốc độ nhanh hơn và tiêu thụ một lượng lớn ôxy. Hàm lượng ôxy thấp sẽ làm cho tôm sống ở khu vực này bị nhiễm độc bởi khí H2S. Cách khắc phục:

– Khi thời tiết trở lạnh (25 – 26oC), lượng thức ăn nên được giảm 20 – 30%.

– Tăng cường quạt nước để cung cấp đầy đủ ôxy trong cả ngày.

– Trộn vitamin, khoáng vào thức ăn để hỗ trợ tôm khỏe hơn.

– Rải vôi quanh vùng rìa đống chất thải.

Đáy ao bị xáo trộn

Bình thường bề mặt của đống chất thải được tiếp xúc đủ ôxy nên tạo ra lớp bùn sạch. Lớp này rất mỏng, có màu tương đối sáng, bao phủ bùn đen thiếu ôxy bên dưới và hạn chế khí độc H2S ở bùn đen thoát lên. Nhưng khi lớp bề mặt này bị trốc ra, một lượng lớn khí độc H2S đột ngột thoát vào nước. Những con tôm ở gần đó sẽ chết do bị nhiễm bởi khí độc này. Để hạn chế trường hợp này cầ chú ý:

– Không nên khuấy động đống chất thải ở đáy ao

– Cố gắng kiểm soát pH nước (bón vôi)

– Cắt giảm thức ăn (60 – 70%)

– Tăng cường quạt nước tối đa để cung cấp ôxy và ngay lập tức đưa vi sinh PondDtox® 2 kg/ 10.000 m2 xuống ao.

Ngăn ngừa khí độc H2S

  • Duy trì ôxy hòa tan ở đáy ao cao hơn 3 ppm có thể giúp ngăn cản việc sinh ra H2S
  • Kiểm soát chặt chẽ lượng thức ăn
  • Không nên nuôi ở vùng đất xốp, đáy cát và khu vực xì phèn nặng
  • Khu vực miền Tây cần lưu ý đáy ao phần lớn nằm trong vùng xì phèn, người nuôi cần xử lý đáy bằng vi sinh định kỳ để kìm hãm sự phát triển của H2S
  • Giữ pH trong khoảng 7,8 – 8,3 trong suốt vụ nuôi. Khoảng dao động pH trong ngày phải nhỏ hơn 0,4. Vùng đất xì phèn, pH khu vực giữa ao luôn thấp hơn so với ven bờ
  • Người nuôi nên cẩn thận và phải có hành động kịp thời khi mưa lớn, tảo tàn và lột xác

Nguồn: Tổng hợp bởi Farmtech VietNam

Giải pháp quản lý chất thải hữu cơ mô hình nuôi tôm trên ao đáy đất

Việc loại bỏ chất thải hữu cơ (phân tôm, thức ăn thừa, xác tảo chết) ra khỏi ao nuôi tôm có trải bạt đã quen thuộc với người nuôi tôm. Ở hệ thống ao nuôi này, toàn bộ ao được trải bạt, thiết kế một hố ở giữa ao để quy tụ chất thải và ống PVC chạy ngầm dưới đáy ao đưa chất thải ra ngoài mỗi khi mở van xả.

Đồng bằng sông Cửu Long chiếm phần lớn là mô hình nuôi tôm trên ao đáy đất, nuôi với mật độ thưa dưới 100 con/m2. Ở mô hình này, người nuôi tôm thường không thiết kế hệ thống xi phông đáy ao như hệ thống ao bạt nên không đưa được chất thải ra ngoài. Điều này khiến nguồn chất thải tích tụ dưới ao và sinh ra các loại khí độc; môi trường giàu dinh dưỡng làm vi khuẩn gây bệnh phát triển lên rất nhanh và thường thì tảo phát triển quá mức làm dao động pH, thiếu ôxy vào ban đêm…

Thông thường người nuôi tôm dùng nhiều vi sinh với hy vọng rằng chúng sẽ giúp phân hủy và chuyển hóa chất thải, duy trì được chất lượng nước; nhưng thực tế, vi sinh bán tràn lan hiện nay không phải lúc nào cũng hữu hiệu và rất tốn kém.

Qua khảo sát, một số người nuôi tôm đã cải tiến ao nuôi tôm đáy đất và thiết kế cách đưa chất thải ra ngoài rất đơn giản, không tốn kém và đem lại hiệu quả rất tốt. Mô hình này nên được nhân rộng đến người nuôi tôm.

Thiết kế ao

Sau khi hút cạn ao, người nuôi tôm nên quan sát đáy ao khu vực nào giữa ao tích tụ nhiều chất thải hữu cơ do quá trình chạy quạt gom lại, đánh dấu khu vực đó, đồng thời đánh dấu vị trí lắp quạt để khi chạy quạt vụ sau, chất thải vẫn gom đúng chỗ cũ.

Đào một hố sâu khoảng 80 cm toàn bộ khu vực chất thải gom lại, sau đó lấy bạt trải hết đáy hố và thành hố. Phần mép bạt được cuộn vào thanh tre và chôn sâu khoảng 20 cm. Việc chỉ trải bạt hố xi phông không quá tốn kém mà vẫn hút sạch hoàn toàn chất thải nên công dụng không kém hố xi phông của ao trải toàn bộ bạt đáy.

Để hiệu quả hơn, dàn quạt nên được lắp sao cho hiệu quả gom chất thải càng tập trung vào một điểm giữa ao càng tốt, khi đó hố xi phông không cần quá lớn mà vẫn hiệu quả lại dễ vận hành, tốn ít thời gian cho quá trình xi phông hơn.

Đặt một mô tơ khoảng 2 – 3 HP trên bờ, lắp một ống PVC hoặc ống gân đường kính 60 nối từ mô tơ đến giữa ao để giúp bơm chất thải ra ngoài. Ống này nên đặt nổi cách mặt nước 20 – 30 cm, dùng tầm vông để đỡ ống. Phần đầu hút xi phông gắn vào ống gân mềm để dễ vận hành di chuyển toàn bộ khu vực hố. Phần chất thải đi từ mô tơ đến ao thải có thể dùng ống mềm (ống vải) để dễ cuộn lại, sử dụng cho nhiều ao. Nếu 2 ao tôm cạnh nhau có thể thiết kế chung một mô tơ đặt trên bờ chung để sử dụng cho 2 ao.

Vận hành

Khi bơm nước vào ao, nên bơm đầy hố xi phông ở giữa ao trước, sau khi bơm đầy hố, áp lực nước từ trên xuống sẽ ép bạt dính chặt xuống đáy và xung quanh hố khiến bạt không bị phồng lên

Có thể tiến hành hành xi phông cho ao khi tôm đạt kích cỡ từ 2 g trở lên. Dùng thuyền hoặc phao ngồi trên để di chuyển đầu xi phông toàn bộ hố. Nếu tiến hành xi phông hằng ngày, đáy ao sẽ không bẩn thì hoàn toàn có thể lội xuống đứng dưới ao xi phông mà không ảnh hưởng gì và cũng dễ kiểm tra mức độ sạch bẩn của đáy ao. Theo kinh nghiệm, nên xi phông mỗi buổi sáng, thời gian xi phông chỉ khoảng 30 phút đến 1 giờ mỗi hố, điều này sẽ hạn chế được rất nhiều chất thải lắng tụ ở đáy ao, giúp duy trì chất lượng nước và đặc biệt giảm được lượng vi sinh cần thiết; hoặc cũng với lượng vi sinh tương tự, nhưng hiệu quả của vi sinh được tốt hơn vì lượng chất thải trong ao ít hơn. Phần nước hao hụt mỗi lần xi phông khoảng 2% nước sẽ được bơm bù lại từ ao chứa đã được xử lý.

Chất thải đưa ra ngoài ao chứa thải nuôi cá rô phi để chúng sử dụng làm thức ăn, và sẽ được tảo và hệ vi sinh tại ao chứa thải hấp thụ. Nếu kiểm tra chất lượng nước ao chứa thải tốt thì hoàn toàn có thể tái sử dụng lại ao nuôi.

Nguồn: tổng hợp bởi Farmtech VietNam