Diễn đàn có sự tham gia của các nhà khoa học, đại diện ngành chăn nuôi các tỉnh, thành phố phía Nam.
Hiện sản lượng thịt lợn, bò, gà… ở Việt Nam là 4 triệu tấn/năm, trong đó thịt lợn chiếm 3 triệu tấn. Thời gian qua, người chăn nuôi đang đối mặt với nhiều khó khăn như giá thức ăn và thuốc thú y tăng cao, nhiều loại dịch bệnh và ô nhiễm môi trường xung quanh.
Bên cạnh đó, việc lạm dụng các chất tăng trọng, tạo nạc và thuốc kháng sinh làm tồn dư các hóa chất này trong sản phẩm thịt, trứng, gây ảnh hưởng đến sức khỏe con người. Thực tế, việc người tiêu dùng quay lưng với các sản phẩm thịt lợn đã gây thiệt hại hơn 2.000 tỷ đồng cho người nuôi.
Ngoài ra, mỗi ngày tại các trại chăn nuôi lợn thải ra khoảng 5 tấn phân và nước thải. Lượng phân này hiện đang được dùng vào việc trồng trọt, tuy nhiên việc xử lý không đúng cách làm rau màu nhiễm trứng giun và vi sinh vật có hại, ảnh hưởng đến sức khỏe người sử dụng.
Lợi ích của dùng chế phẩm sinh học trong chăn nuôi
Trên thị trường hiện nay có hơn 200 chế phẩm sinh học dùng trong chăn nuôi nhằm cân bằng hệ vi sinh đường ruột, giúp tiêu hóa tốt, giảm tỷ lệ các sinh vật gây bệnh, kích thích hệ miễn dịch, nhờ đó khống chế các bệnh lây nhiễm và giảm ô nhiễm môi trường.
Theo phó giáo sư, tiến sỹ Lâm Minh Thuận (Đại học nông lâm Thành phố Hồ Chí Minh), việc sử dụng chế phẩm tự nhiên như gừng, nghệ, tỏi thay thế kháng sinh trong chăn nuôi gà giúp loại gia cầm này chuyển hóa trao đổi chất, đồng thời nâng cao sức đề kháng bệnh, tạo ra thịt sạch, an toàn cho người sử dụng và đem lại hiệu quả kinh tế cao trong chăn nuôi.
Trong chăn nuôi lợn, việc sử dụng tỏi, nghệ theo các nhà khoa học, giúp cải thiện tăng trưởng cũng như hệ số chuyển hóa thức ăn, giảm chi phí trên 1kg tăng trọng so với lợn sử dụng kháng sinh. Với việc sử dụng thức ăn, nhiều nhà khoa học đánh giá, nếu người chăn nuôi sử dụng thức ăn lên men bằng “Men vi sinh hoạt tính” sẽ giúp gia súc, gia cầm phát triển tốt, tăng trọng nhanh; giảm tiêu tốn và chi phí thức ăn; giảm tỷ lệ mắc bệnh; tạo môi trường sạch.
Thực tế tại tỉnh Đồng Tháp, những năm qua nhờ dùng chế phẩm sinh học Balasa N01 nên ngành chăn nuôi của tỉnh này đã hạn chế chất thải độc hại ra môi trường.
Bà Ngô Xuân Hương (Trung tâm Khuyến nông – Khuyến ngư Đồng Tháp) cho biết việc sử dụng men Balasa N01 đem lại nhiều lợi ích như phân giải được nước tiểu do vật nuôi thải ra, hạn chế mùi hôi thối, ức chế và tiêu diệt sự phát triển của hệ sinh vật có hại, bảo vệ sức khỏe vật nuôi; tiết kiệm khoảng 80% nước trong chăn nuôi do không phải sử dụng nước rửa chuồng hay tắm cho vật nuôi; tiết kiệm 50% nhân công do không cần dọn, tắm cho vật nuôi hàng ngày. Đặc biệt, người chăn nuôi khi sử dụng men Balasa N01 đã cho ra sản phẩm thịt đảm bảo vệ sinh về màu, mùi, vị.
Tại Đồng Nai, hiện gần 100% trang trại chăn nuôi lợn, gà đã ứng dụng chế phẩm sinh học. Trên địa bàn tỉnh đã xuất hiện nhiều mô hình hay về sử dụng chế phẩm sinh học trong chăn nuôi, điển hình như việc nuôi gà bằng thảo dược của chị Cao Thị Len ở xã Phú Ngọc, huyện Định Quán.
Sau hơn một năm thực hiện, chị Len đã nuôi được nhiều lứa gà bằng thảo dược. Với giá bán 50.000 đồng/kg, gà thảo dược của chị Len được người tiêu dùng đón nhận bởi chất lượng thịt cao hơn so với gà nuôi theo phương pháp thông thường. Hiện trang trại của chị có hai chuồng gà thảo dược, với hơn 5.000 con.
Theo Trung tâm Khuyến nông Quốc gia, việc sử dụng chế phẩm sinh học trong chăn nuôi đã được chấp nhận rộng rãi trên thế giới.
Tại Việt Nam, các chế phẩm sinh học cũng đã được áp dụng tại nhiều trang trại. Tuy nhiên, với các hộ chăn nuôi nhỏ lẻ, chăn nuôi bằng chế phẩm sinh học vẫn là một điều xa lạ.
Tổng hợp bởi Farmtech Vietnam