Khảo sát lượng chim yến trước khi xây dựng nhà nuôi yến

Trước khi xác định nuôi yến cần phải tìm hiểu xem vùng xây dựng nhà yến có nhiều chim yến sinh sống hay không. Nhiều nhà yến được thiết kế cũng như xây dựng rất tốt nhưng lại thất bại vì nguyên nhân rất cơ bản trong bước đầu tiên xây dựng nhà yến, đó là lượng chim của vùng đó quá ít mà vẫn xây dựng nhà yến. Do đó việc khảo sát và đánh giá lượng chim ở nơi sắp sửa xây dựng nhà yến là một điều rất quan trọng trong việc đầu tư nhà yến ở những nơi chưa có căn nhà yến nào hoạt động hoặc thành công rực rỡ.

Một số thời điểm thích hợp nhất cũng như sự chuẩn bị cho việc khảo sát thử chim của nơi muốn làm nhà yến như sau :
* Vị trí:
– Đó là nơi có nhiều ao hồ, sông, cánh đồng lúa rộng, rừng cây lá thấp…
– Có thể cách xa biển nhưng với điều kiện đã thấy một số cá thể yến hàng ( Chứ ko phải yến cỏ hay én) bay lượn tại vị trí đó.
* Phương thức thử:
– Sử dụng âm thanh chuyên dụng cho thử chim nhưng chỉ mở trong thời gian 30′ trở lại.
– Sử dụng loại loa có khả năng phóng càng xa thì càng tốt ( Tối thiểu 1 loa phóng và 2 loa tập trung)

Bộ loa thử chim yến

– Tiến hành thử trong vòng 1~2 ngày, có thể cách nhau một vài ngày

– Đặt máy theo nhiều hướng để xác định hướng chim yến bay. Thông tin này để bạn xác định hướng cửa ra vào chim cho nhà mình sau này.


* Thời điểm thử:
– Vào mùa chim ở miền Trung từ tháng 3-4 âm lịch hoặc tháng 6-8 âm lịch.
– Buổi sáng tầm 8-9h sáng hoặc chiều từ 4-5h chiều.
– Tốt nhất nên thử 2 lần vào 2 thời điểm khác nhau để đánh giá lượng chim.
– Tránh thử vào lúc trời mưa kéo dài 1-2 ngày trước đó hoặc vào mùa đông thì kết quả sẽ ko được chính xác.
* Kết quả:
– Tối thiểu phải đạt lượng chim từ 50-100 chim vào thời điểm thử còn nếu nhiều hơn thì càng tốt.
– Xác định đường bay chuẩn của chim để thuận lợi cho sau này.

 Tổng hợp bởi Farmtech Vietnam

Những vùng có thể quy hoạch nuôi chim yến ở miền Trung

Lãnh thổ của vùng Bắc Trung Bộ kéo dài, hành lang hẹp, địa hình phân dị phức tạp, thời tiết khắc nghiệt, nhiều biến động, cần phải vận dụng hợp lí. Còn Nam Trung Bộ, qua khảo sát số lượng các nhà yến chiếm 1/3 trên toàn quốc.

Bản đồ phân bố chim yến ở Việt Nam

Thanh Hóa: Ở Thanh Hóa có đàn chim hơn 4.700 con, phân bố nhiều ở khu vực giáp biển, nhiều nhất là Quảng Xương, giáp với biển Sầm Sơn (huyện này có 26/28 nhà yến của Thanh Hóa). Các nhà yến chủ yếu do tự phát. Huyện Quảng Xương với đồng bằng trồng lúa rộng lớn, hai mặt giáp Sông Mã và Sông Yên, nguồn thức ăn dồi dào phong phú, vùng sinh cảnh thích hợp. Huyện này tiếp giáp với các huyện có diện tích ruộng lúa lớn như Hoằng Hóa, Nông Cống, Đông Sơn… là những vùng kiếm ăn quanh năm cho chim yến. Vì vậy có thể tập trung quy hoạch vùng nuôi chim yến tại khu vực của huyện Quảng Xương, Hoằng Hóa, Nông Cống, Đông Sơn.

Nghệ An: Vùng thức ăn cho chim yến là 1.475.161,62 ha, chiếm 89,44% trên tổng diện tích đất tự nhiên của tỉnh, đây là vùng thức ăn rộng lớn. Trong đó huyện Hưng Nguyên và Nam Đàn là 2 vùng có đồng lúa rộng, có sông Lam chảy qua, cây cối xanh tốt, tiếp giáp vùng thức ăn dồi dào như huyện Thanh Chương, Đô Lương, Nghi Lộc, Diễn Châu… Hai huyện này nằm bao quanh thành phố Vinh, nơi có nhà yến hơn 120 con, cách đàn chim yến hơn 1.000 con của tỉnh Hà Tỉnh khoảng 45km đường chim bay, thuận lợi cho nghề nuôi chim yến phát triển.

Hà Tĩnh: Huyện Thạch Hà và Cẩm Xuyên là 2 vùng có đồng lúa rộng lớn, đồi núi cây bụi thấp, giáp ranh với biển, có hệ thống sông ngòi phong phú như Cầu Nậy, Gia Hội, Sông Rác… chảy qua, có hồ Kẻ Gỗ diện tích mặt nước rộng. Hai huyện này nằm bao quanh TP Hà Tĩnh, nơi có nhà yến với đàn chim hơn 1.000 con, điều kiện thuận lợi cho chim yến sinh sống và phát triển.

Quảng Bình: Vùng thức ăn cho chim yến trên toàn tỉnh là 725.616.66 ha, chiếm 89,97% trên tổng diện tích đất tự nhiên của tỉnh. Huyện Lệ Thủy có đồng lúa 2 vụ, đồi núi cây bụi thấp, có sông Kiến Giang chảy qua, thuận lợi cho việc phát triển nghề nuôi chim yến. Từ Lệ Thủy đến đàn chim yến hơn 3.500 con của tỉnh Thừa Thiên Huế khoảng 100 km đường chim bay, nên có khả năng nhân đàn tại vùng này.

Quảng Trị: Vùng thức ăn cho chim yến trên toàn tỉnh là 419.270 ha, chiếm 88,46% trên tổng diện tích đất tự nhiên của tỉnh. Huyện Hải Lăng có đồng bằng trồng lúa nước rộng lớn, đồi núi cây bụi thấp, có sông Bến Đá và Ô Lâu chảy qua, đây là vùng kiếm ăn quanh năm cho chim yến, thuận lợi cho việc phát triển. Từ Hải Lăng đến đàn chim yến hơn 3.500 con của tỉnh Thừa Thiên Huế là khoảng 40 km đường chim bay, nên khả năng nhân đàn, phát triển đàn tại vùng này là có cơ sở.

Thừa Thiên Huế: Qua điều tra thấy chim yến ở Huế phân bố ở khu vực TP và vùng biển Thuận An. Hiện nay toàn tỉnh chỉ có 9 nhà yến nhưng số lượng chim yến rất ổn định, 6/9 nhà có từ 300 đến trên 1.000 cá thể/1 nhà. Ở tỉnh này có thể quy hoạch phát triển nhà yến khu vực từ Phú Dương, Phú An đến bãi biển Thuận An.

TP Đà Nẵng: Huyện Hòa Vang có nhiều ruộng lúa, cây trồng hàng năm, có sông Cẩm Lệ, Cu Đê, sông Yên chảy qua, đặc biệt có diện tích rừng và đồi núi lớn như Sơn Gà, Hồn Áng, Khe Đương, Khe Trai… các vùng nằm trong bán kính 30 km nên chim yến dễ kiếm ăn. Là khu vực lân cận các nhà yến 4.500 con đang phát triển ổn định tại Đà Nẵng. Đây là cơ sở để quy hoạch vùng nuôi chim yến dần chuyển dịch ra khỏi nội đô đông dân cư.

Quảng Nam: Xã Điện Nam Đông có khả năng phát triển nhà yến vì có vùng đồng lúa rộng lớn, cây bụi tầng thấp, tạo được nguồn thức ăn phong phú. Phạm vi bán kính 20 km là các ruộng lúa rộng của các huyện Điện Bàn, Thăng Bình, Duy Xuyên, chim yến có thể kiếm ăn thường xuyên quanh năm. Khu vực này nằm gần đàn chim yến của tỉnh hơn 7.000 con, nằm trong phạm vi 15 km, nơi xa nhất là 40 km so với khu vực quy hoạch.

Quảng Ngãi: Hiện tại đàn chim yến trên toàn tỉnh khoảng hơn 17.000 con. Huyện Tư Nghĩa nằm bao quanh TP Quảng Ngãi nơi có số lượng nhà yến và đàn chim nhiều nhất tỉnh, khoảng cách trong phạm vi 20 km. Khu vực sinh thái đa dạng, có cánh đồng lúa rộng, gần sông Trà Khúc, sông Vệ, Phước Giang, cách biển không xa, có đồi núi và rừng cây thấp, nên cung cấp nguồn thức ăn dồi dào cho chim yến, cò thể quy hoạch nuôi chim yến tại đây.

Bình Định: Hiện toàn tỉnh có quần thể đàn chim yến nhà khoảng hơn 16.000 con, đây là điều kiện thuận lợi cho phát triển nghề nuôi chim yến trong nhà. Từ Tuy Phước kéo dài ra phía biển đến Nhơn Bình, ngoại ô TP Quy Nhơn là vùng cần quy hoạch. Khu vực này có quần thể chim yến tập trung đông, sinh thái đa dạng, xung quanh có sông Hà Thanh, sông Kôn chảy qua, gần Đầm Thị Nại, gần khu vực nuôi thủy sản có diện tích rừng cây thấp rộng, ruộng lúa của huyện Tuy Phước, An Nhơn bao quanh, đảm bảo nguồn thức ăn quanh năm cho chim yến.

Phú Yên: Đồng lúa Tuy Hòa rộng nhất miền trung, thuận lợi cho chim yến kiếm ăn. Hiện tỉnh có đàn chim yến tương đối đông khoảng hơn 15.000 con. Ngoại ô phía nam TP Tuy Hòa, huyện Đông Hòa, huyện Phú Hòa có nhiều chim sinh sống, TP Tuy Hòa nhiều nhất. Nên quy hoạch huyện Đông Hòa, Phú Hòa kéo dài ra ngoại ô TP Tuy Hòa và về các huyện ven biển. Từ vùng quy hoạch này đến đàn chim yến trong phạm vi 25 km, có đồng lúa lớn bậc nhất của miền trung, có sông Đà Rằng chảy qua, đây là nguồn thức ăn quanh năm cho chim yến, thích hợp cho quy hoạch nuôi chim yến trong nhà.

Khánh Hòa: Vùng nuôi chim yến tại Khánh Hòa đến năm 2020 như sau:

Thành phố Nha Trang: Xã Vĩnh Trung, Vĩnh Thạnh, Vĩnh Thái, Vĩnh Ngọc, Vĩnh Phương, Vĩnh Hiệp, Phước Đồng và Phường Ngọc Hiệp.

Huyện Vạn Ninh: Xã Vạn Hưng, Vạn Lương, Vạn Phú và Vạn Phước.

Thị Xã Ninh Hòa: Xã Ninh Ích, Ninh Lộc, phường Ninh Hà, phường Ninh Giang, xã Ninh Xuân, Ninh Phụng, Ninh Thọ, Ninh Hải, Ninh Bình và Ninh Hưng.

Huyện Diên Khánh: Xã Suối Tiên, Diên Tân, Diên Thạnh, Diên Lâm, Diên Phước, Diên Đồng, Diên Xuân và Diên Điền.

Huyện Cam Lâm: Xã Cam Phước Tây, Cam Hiệp Nam, Cam Hiệp Bắc, Cam Hòa, Cam Hải Tây, Cam Tân, Suối Tân, Suối Cát và Cam Hải Đông.

Thành phố Cam Ranh: Xã Cam Thịnh Đông, Cam Phước Đông.

Huyện Khánh Vĩnh: Xã Khánh Phú, Sông Cầu, Cầu Bà, Khánh Thượng, Khánh Nam và Khánh Bình.

Huyện Khánh Sơn: Xã Sơn Hiệp.

Ninh Thuận: Việc quy hoạch các vùng nuôi chim yến tại Ninh Thuận tới năm 2020, UBND tỉnh đã phê duyệt ban hành. Quy hoạch các vùng nuôi chim yến đến năm 2020 như sau:

Vùng Nam sông Dinh: Phần lớn là diện tích đất nông nghiệp, khí hậu tương đối ôn hòa, môi trường sinh thái tự nhiên phù hợp, chủ yếu đất trồng lúa 2 vụ, nho, nhãn, ổi.. tốt cho sự phát triển của chim yến. Chim yến thường xuyên tập trung kiếm ăn hàng ngày với số lượng lớn, diện tích đất tự nhiên tại nơi đây còn khá nhiều, nên ưu tiên quy hoạch. Dự tính đến năm 2020 có khoảng 65-70 nhà yến xây dựng trong khu vực này với tổng diện tích sàn 14.300 m2 (chiếm 60% tổng diện tích toàn tỉnh có thể xây thêm), diện tích mỗi khu 15-20 ha. Từ nay đến 2015 cho phát triển khoảng 10-15 nhà yến đơn lẻ, với tổng diện tích sàn xây dựng 1.500 – 2.000 m2.

Vùng Bắc sông Dinh: Đất nông nghiệp trồng lúa nước 2 vụ, hệ thống kênh mương thủy lợi xây dựng kiên cố, hoa màu tươi tốt là nơi kiếm ăn, môi trường thích hợp của chim yến. Theo khảo sát, nơi đây còn rất ít vùng đất có thể quy hoạch cho nuôi yến. Dự tính từ nay đến năm 2020, tại đây có thể xây dựng khoảng 40-45 nhà yến, tổng diện tích sàn xây dựng 9.500 m2, diện tích 10-15 ha. Từ nay đến 2015 quy hoạch bán tập trung với số lượng 6-9 nhà yến, tổng diện tích sàn 1.000-1.500m2.

Khu vực nuôi chim yến phường Tấn Tài: Hiện có mật độ các nhà yến tự phát của các năm trước rất dày đặc, cần quản lý giám sát, cho tồn tại theo như hiện trạng đã có, nhưng phải giám sát, theo dõi đúng các quy định nhà nước. Khu vực này có mật độ dân cư cao, quy hoạch làng nghề là khó khăn, vấp phải các mục tiêu phát triển kinh tế xã hội của tỉnh đã phê duyệt. Từ nay đến 2020 nên dứt khoát không cho phép xây thêm nhà yến tại khu vực này. Vừa đảm bảo về môi trường, an ninh khu vực, và quản lý thú ý.

Khu vực nội đô TP Phan Rang-Tháp Chàm: Hiện tại nhà yến tập trung trên các đường Thống Nhất, Lê Duẩn, Phạm Ngũ Lão, Ngô Quyền… trước đó có những tác động không tốt về an ninh, an toàn cho dân cư sinh sống xung quanh. Vì vậy, cần kiểm tra, giám sát quản lý đúng theo quy định của nhà nước, vẫn cho tồn tại đến năm 2020, nhưng không cho phát triển mới.

Bình Thuận: Vùng thức ăn cho chim yến trên toàn tỉnh là 668.783 ha, chiếm 85,6% trên tổng diện tích đất tự nhiên của tỉnh. Hiên có đàn chim yến khoảng 14.000 con.

Hàm Thuận Bắc là huyện có địa hình đồi núi, đồng bằng phù sa ven sông, cồn cát biển phía nam và phía đông, tiếp giáp với huyện Bắc Bình, nơi có diện tích rộng trồng cây lâu năm và ruộng lúa, có sông Quao chảy qua, nhiều hồ như: Hồ Hàm Trí, Suối Đá, Hàm Thuận, Đa Mi. Hiện đã có nhà yến và có chim yến về ở, quần đàn chim yến ở đây khá đông đúc. Để có nguồn thức ăn và vùng sinh thái đảm bảo cho chim yến có thể chọn Hàm Thuận Bắc, Hàm Thuận Nam, Bắc Bình, ngoại ô TP Phan Thiết quy hoạch nuôi chim yến

Những lưu ý quan trọng trong nghề nuôi yến

Nghề nuôi yến đang đem lại lợi nhuận rõ rệt cho cá nhân và doanh nghiệp nhưng để đạt thành công ta cần phải nắm rõ kỹ thuật nuôi yến. Quá trình nuôi cần tuân thủ nghiêm ngặt các yếu tố và quy trình kỹ thuật từ việc thiết kế nhà nuôi yến, dẫn dụ chim vào ở đến cách chăm sóc, lắp đặt các trang thiết bị cần thiết, bảo vệ yến khỏi các yếu tố xâm hại, dịch hại, kỹ thuật quản lý, thu hoạch tổ…Trong đó quan trọng nhất là kỹ thuật về nhà yến đặc biệt là 4 nhân tố sau đây quyết định đến sự thành công của nhà yến mà chúng tôi đã đúc kết được sau nhiều năm hoạt động trong lĩnh vực này tại Việt Nam đồng thời kết hợp nhiều ý kiến về kỹ thuật nuôi yến trong nhà tốt nhất từ các chuyên gia có nhiều kinh nghiệm trong nghành.

Vị trí nhà trong kỹ thuật nuôi yến

Đây là yếu tố quan trọng nhất trong 4 nhân tố để xây dựng nhà yên đạt hiệu quả.Bạn cần xem xét lượng chim có đủ lớn hay không để chọn vị trí nhà thích hợp.. Thông thường mỗi ngày khoảng 5h chiều, chim yến sẽ bay về tổ lúc đó bạn có thể xem số lượng chim ở khu vực đó. Theo phân tích nếu số lượng này phải trên 250 con thì việc đầu tư vào kỹ thuật nuôi yến sẽ mang lại hiệu quả cao. Việc này có thể dùng máy thử chim chuyên dụng để thử cho kết quả sớm hơn nhưng phải được sự đánh giá của chuyên gia hoặc người có kinh nghiệm để có thể đánh giá được lượng chim đảm bảo cho thành công và một số yếu tố để thiết kế xây dựng nhà yến đúng kĩ thuật sau này. Điều này rất quan trọng cho một dự án nhà yến

Bạn cũng cần xem hướng bay của chim mỗi khi chiều về. Đảm bảo nhà nuôi yến của bạn phải nằm ngay trên đường bay và các lỗ thu chim phải đặt hợp lí với đường bay. Ngoài ra bạn cũng nên xem xét xung quanh nơi bạn định xây nhà nuôi có ao, hồ, sông, suối gì không để chim yến có thể tìm được nguồn thức ăn và nước uống ở đó. Nhà yến phải được xây dựng tại các vùng không cách xa chỗ yến trú ngụ quá 5 – 8 km, dưới đường chim bay, vùng chim kiếm mồi, không cao quá 800 m so với mặt biển

Nhà yến của bạn cũng cần phải tránh hướng mặt trời mọc chiếu thẳng vào hai vách bên hông nhà vì như vậy sẽ rất nóng, không đảm bảo được nhiệt độ lý tưởng cho nhà yến.

Nhà xây tốt nhất theo hướng Tây Bắc hoặc Đông Nam

Thiết kế nhà nuôi yến đúng kỹ thuật

Một nhà nuôi yến có không gian vừa phải, tối thiểu là 100m2 sàn và có nhiều tầng , sàn của mỗi tầng càng lớn lý tưởng chim yến có thể lượn dễ dàng và mang lại cho ta năng suất tổ yến rất cao, trung bình 10m2/1kg/tháng. Mỗi tầng có chiều cao trung bình là 3m – 4,5m. Tùy thuộc vào biên độ nhiệt của mỗi vùng mà chiều cao mỗi tầng có thể thay đổi khác nhau. Nhiệt độ vùng từ Bắc Đèo Hải Vân trở ra sẽ có thiết kế khác so với từ Đà Nẵng trở vào trong Nam. Đặc biệt là nhà nuôi yến phải cao hơn cây cối xung quanh nhà để tránh việc chắn đường chim bay về.

Một điều cần chú ý nữa là nhà yến cần phải thiết kế phòng bay dạo cho chim và phòng làm tổ. Những trong phòng làm tổ thì cần có phòng đặc biệt trong nhà. Phòng đặc biệt sẽ là nơi được trang bị thiết bị dẫn dụ tốt nhất cho những con chim đầu tiên làm tổ và đặt biệt phải đảm bảo môi trường giống như tự nhiên nhất.Ngoài ra còn có các yếu tố thêm như:

Các vách ngăn trong nhà yến cũng cần thiết để sau khi chim yến bị dẫn dụ bởi âm thanh bên trong nhà nuôi mà nó muốn bỏ đi thì cũng khó tìm được lối ra ngoài.
Bên ngoài nhà nuôi chim yến cần phải thoáng rộng, nên gần vùng có nhiều cây, đầm, ao hồ, không có cây cao quá lỗ chim vào nơi ở của yến phải có ánh sáng đảm bảo từ mờ tối đến tối, nhiệt độ không khí 27-31 độ C (tối ưu là 28 độ C), độ ẩm 70-95% (tối ưu là 80%).
Khoảng cách của lỗ thông hơi cách tấm sàn trên và dưới 50cm là khoảng cách lý tưởng.
Khoảng cách lỗ ra vào cần dựa vào từng ngôi nhà được xây dựng lớn nhỏ để biết cách chừa lỗ cho chim vào. Có thể 20×30 cm, 40×60 cm, 40×80 cm tùy theo số lượng bầy đàn trong tương lai, hoặc trong từng giai đoạn để chúng ta thiết kế sao cho phù hợp,…

Âm thanh là yếu tố quan trọng thứ 3 trong kỹ thuật nuôi yến

Một âm thanh dẫn dụ hiệu quả là âm thanh thu hút được lượng đông đảo yến kéo đến xung quanh nhà và lôi kéo chúng bay vào bên trong nhà nuôi. Mỗi nơi thích hơp với một số loại âm thanh dẫn dụ riêng dựa theo vùng miền và vị trí nhà ở trong khu vực cạnh tranh nhiều nhà yến hay là căn nhà đầu tiên của vùng đó.Để biết được âm thanh nào phù hợp với nhà nuôi yến của bạn thì phải thử âm. Có rất nhiều âm thanh để bạn thử như: Super 208, Black Cloud, Super Intan, SuperBabyKing, Baby King…

Lắp đặt kĩ thuật và Kiểm soát môi trường bên trong nhà yến

Thanh ván làm tổ: Ván làm tổ yến cần phải bền, chống ẩm mốc và độ bám cao để tổ chim bám được vào gỗ. Thanh làm tổ cho chim rất quan trọng, phải mềm và tuyệt đối không có mùi khác thường, không nên sử dụng gỗ chưa được nghiên cứu như: gỗ xoài, ổi, bạch đàn, cừ tràm,… Một số hộ tự nghiên cứu mày mò và đóng những loại gỗ mà gia đình có sẵn hoặc mua những loại gỗ không phù hợp với đặc điểm của nhà yến dẫn đến việc chim không những ít vào ở mà còn tốn kém chi phí rất cao khi phải khắc phục lại để đạt hiệu quả như mong muốn.Hiện nay một số loại gỗ được sử dụng trong nhà yến thành công ở Việt Nam: Bạch Tùng, Mít Nài, Meranti… Chính vì thế chúng ta phải lưu ý và sử dụng thanh làm tổ chuyên dụng. Khoảng cách của thanh làm tổ và cách đóng tùy vào khổ ván (theo chiều rộng).


Tổ giả: tùy vào từng điều kiện, môi trường đầu tư hoặc căn cứ vào mùa bắt đầu đầu tư để cân nhắc nên hay không nên đóng một số ít tổ giả xung quanh một số loa được gắn bên trong nhà. Chúng ta không nên lạm dụng sử dụng tổ giả nếu chúng ta chưa hiểu hết tác dụng của nó đối với bản chất sinh sống của loài chim yến, yến sẽ có cảm giác khó chịu, giảm hiệu quả bầy đàn cũng như năng suất làm tổ…
Loa trong nhà: Việc thiết kế và bố trí hệ thống loa trong nhà là rất quan trọng. Hệ thống phải được thiết kế làm sao sử dụng được nhiều chế độ tiếng khác nhau trong từng thời điểm trong ngày và đêm. Đặc biệt việc bố trí hợp lý để tạo hiệu ứng bầy đàn hiệu quả nhưng phải tiết kiệm tối đa khi chúng ta đầu tư. Tránh việc chúng ta tìm hiểu qua loa và suy diễn, tự đầu tư, tự gắn, tự điều chỉnh công suất làm giảm độ bền của loa dẫn đến việc tốn kém chi phí (vì phải thay loa thường xuyên) không những ảnh hưởng đến việc đầu tư mà còn ảnh hưởng đến việc duy trì bầy đàn của yến.
Khử mùi: căn cứ vào từng vùng và mật độ yến cũng như khả năng đầu tư ban đầu để sử dụng đúng loại mùi kích thích, tạo mùi bầy đàn hợp lý để tạo môi trường thân thiện và làm cho yến tưởng có “bạn” đã ở sẵn. Sử dụng chất lỏng phun xung quanh tường, bột khô rải sàn nhà,…Mùi trong nhà yến cũng là một yếu tố quan trọng vì chim yến có khướu giác rất tốt. Các hương tạo mùi được sử dụng thường xuyên trong nhà yến.
Loa ngoài : dùng tiếng kêu bên ngoài và trong nhà để dẫn dụ chim, có nhiều cách sử dụng giàn máy tự động và cài đặt các chế độ hợp lý theo từng chương trình hẹn giờ để thu hút chim được hiệu quả. Mặt khác, nhằm hạn chế tối đa về việc ảnh hưởng từ tiếng thu hút chim đến các gia đình bên cạnh và môi trường xung quanh. Căn cứ vào các vùng miền và mức độ, điều kiện thuận lợi của những bầy đàn hoặc khu vực mà chúng ta đầu tư để thiết kế công suất máy phát hợp lý, đạt hiệu quả thu hút và dẫn dụ chim về.
Tạo ẩm và giữ nhiệt độ ổn định: nhằm giữ nhiệt độ và độ ẩm bên trong nhà chim (60-95% / 26 – 31 độ C)
Độ ẩm trong nhà nuôi yến cần duy trì ở mức cao từ 85 đến 95% . Cần phải sử dụng cảm biến để có thể duy trì được độ ẩm trong nhà yến.

Cảm biến Nhà Yến 3in1 của Farmtech Vietnam, kiểm soát được 3 yếu tố môi trường qua trọng nhất trong nhà yến  là nhiệt độ, độ ẩm và ánh sáng.

Nhiệt độ trong nhà yến cần phải duy trì ở mức dưới 31 độ. Đồng thời nhiệt độ cũng cần phải cao hơn 26 độ. Có nhiều cách để kiểm soát nhiệt độ trong đó có dùng máy móc, hệ thống làm mát, phun nước lên tường và mái nhà,… Cũng cần dụng tường đôi để có thể cách nhiệt tốt nhất.
Cây tạo côn trùng: Một vấn đề cần lưu tâm là số lượng đàn chim tăng lên phải được cân bằng với môi trường sống vĩ mô của chim. Để tránh các khuynh hướng giảm sút của đàn yến tự nhiên, gây cạnh tranh thức ăn trong thiên nhiên, nên trồng thêm xung quanh nhà yến những loại cây mà yến ưa thích (như cây keo dậu – Leucaena glauca), gây nuôi các loại côn trùng làm thức ăn cho chim và nhất là bảo vệ môi trường thiên nhiên ven biển. Làm như thế sẽ thu hút được yến về rất đông (ngoài ra chúng ta cũng có thể dùng bột tạo côn trùng nếu cần).
Nếu môi trường thiên nhiên bị phá hủy do đô thị hóa, chim yến có thể sống trong “khách sạn 5 sao” giữa các thành phố (như ở Malaysia, Thái Lan) nhưng phải đi xa kiếm ăn, sự tiêu tốn năng lượng và thiếu thốn thức ăn sẽ làm số lượng quần đàn giảm xuống. Vì vậy, vấn đề bảo vệ môi trường thiên nhiên ven biển phải được đặt lên hàng đầu. Thái Lan đã bảo tồn được khu rừng ngập mặn nên đàn chim yến của Thái Lan phát triển rất nhanh, đây là một điển hình mà Việt Nam cần học tập.Ngoài ra chúng ta cũng có thể dùng bột tạo côn trùng nếu cần.

Nghề nuôi yến đã đem lại thành công cho nhiều cá nhân và doanh nghiệp nhưng để làm được cần có quyết tâm , say mê với nghề và nắm vững kỹ thuật nuôi yến.Những yếu tố cơ bản về kỹ thuật nuôi yến trong nhà mà chúng tôi giới thiệu sẽ giúp cho mọi người có cái nhìn tổng thể hơn về nghề có rất nhiều cơ hội , tiềm năng để phát triển tại Việt Nam hiện nay. Chúng tôi, những người nhiều năm gắn bó nghiên cứu và đầu tư cũng như chuyển giao kĩ thuật nhà yến chuyên nghiệp tại Việt Nam rất mong muốn các bạn sẽ có được những căn nhà yến thành công và giúp cho các bạn tạo nên kho vàng trắng từ thiên nhiên cho chính mình. Chúc mọi người đạt được kết quả tốt nhất cho sự lựa chọn đầu tư của mình.

Nguồn : kythuatnhayen.vn, được kiểm duyệt bởi Farmtech Vietnam

Thức ăn của chim yến

Mỗi chúng ta đều không còn gì xa lạ với tổ yến, hoặc ít nhất cũng được nghe nhắc đến tổ yến và công dụng của nó đôi ba lần. Tuy nhiên, không phải ai cũng biết thức ăn của chim yến là gì? Với một loài chim “khó tính” như vậy thì chúng có ăn cào cào, châu chấu, giun, dế như đa số loài khác? Hãy cùng chúng tôi tìm hiểu về chúng.

Chim yến chỉ có thể đớp mồi trên không trung mà không thể mổ hay nhặt mồi trên mặt đất như một số loài chim khác. Chúng thường sống bầy đàn lên đến hàng trăm con nhưng lại thích làm tổ từng cặp riêng rẽ, thích sống ở chỗ gần nước (sông, hồ, biển), có đồng ruộng, rừng cây thấp, và ít đến các khu rừng rậm. Đây được coi là môi trường lý tưởng tập hợp đa dạng các loại côn trùng, là nguồn thức ăn phong phú cho chim yến. Chính vì vậy việc khảo sát điều kiện nuôi yến ban đầu là bước rất quan trọng, đặt nền móng đầu tiên cho quá trình nuôi yến dài lâu sau này.

Vì kích thước cơ thể chim yến cũng khá nhỏ bé, chỉ nặng trung bình khoảng 13 gram nên thức ăn của chim yến là các loài côn trùng khá nhỏ bay trong không trung hoặc bị gió cuốn lên từ các đầm lầy, ao hồ, sông suối, các thảm cỏ hoang dã, từ cánh đồng, ruộng vườn, từ các kiểu rừng trong đó có rừng ngập mặn, từ chợ búa, bãi rác, trại chăn nuôi,…vv

Thức ăn của chim yến trưởng thành:

Chim yến trưởng thành ăn côn trùng có kích thước nhỏ bay trong không khí như kiến cánh, ong nhỏ, phù du, ruồi, muỗi, nhện, các con bọ nhỏ như rầy nâu, rầy xanh,… Kiến cánh là loài được tìm thấy trong thức ăn của chim yến chiếm tỷ lệ cao nhất, các loài khác còn lại có tỷ lệ thấp. Vào mùa mưa thì thức ăn chính của chim yến là mối. Chim yến bắt côn trùng và ăn trong khi đang bay. Khi tìm kiếm thức ăn ở những nơi khan hiếm, do mật độ côn trùng bay trong không khí giảm dần theo độ cao nên chim thường bay vòng quanh khu vực đó và là là hạ xuống thấp. Chim cũng kiếm mồi tại những nơi có nhiều cây cao có nhiều hoa, trái là nơi tập trung các loài côn trùng nhỏ và thường ở độ cao dưới 30m.

Thức ăn cho chim con:

Cũng giống như con người, trong suốt quá trình được sinh ra đến lúc có thể rời tổ đi kiếm ăn được thì chim con rất cần bố mẹ chăm sóc. Thời gian này hoạt động chủ yếu của chim con là ăn và ngủ.

Chim bố mẹ sau khi kiếm được thức ăn về sẽ trộn thêm enzym và các kháng thể trong nước bọt vào cục mồi rồi mớm cho chim con. Nhìn chung chim yến non ăn thức ăn có vỏ kitin mỏng hơn chim trưởng thành do hệ tiêu hóa còn yếu và chưa hoàn chỉnh. Việc ăn loại thức ăn vỏ kitin mỏng nhằm giúp chim con tiêu hóa thức ăn một cách dễ dàng hơn. Tỷ lệ bọ rầy (nâu, xanh) – chiếm 50% và ruồi muỗi chiếm 20%, ong kiến chiếm khoảng 7%. Có nghiên cứu đã chỉ ra rằng, khi giải phẫu một con chim non, người ta thấy trong cục mồi có từ 250-350 con côn trùng nhỏ.

Thông thường chim con ăn khoảng 4 lần/ngày, 3 lần vào ban ngày, 1 lần vào ban đêm (khoảng 8 giờ tối), tuy nhiên số bữa ăn của chim yến trong ngày còn phụ thuộc vào điều kiện khí hậu và tập tục sống của từng đàn chim. Vì vậy số lần ăn trong ngày của chim yến có thể thay đổi tùy vào môi trường sống.

Chim non rời tổ sau khi nở 40 – 45 ngày, trọng lượng cơ thể trung bình khoảng 13 gram. Khi này chúng có thể tự đi kiếm mồi như bố mẹ của chúng vẫn thường làm.

Hiện nay, tại một số mô hình nuôi chim yến có tình trạng yến tăng đàn rất nhanh dẫn đến nhu cầu nguồn thức ăn của chim cũng tăng cao theo. Khi đàn chim yến tăng nhanh từ vài chục con nay lên đến vài trăm, thậm chí vài ngàn con thì nguồn thức ăn trở thành vấn đề cấp thiết cần được giải quyết và phải đảm bảo ổn định lâu dài. Chỉ có rừng nhiệt đới ẩm ướt, rừng ngập mặn và thảm cỏ đất ngập nước mới là nơi có nhiều côn trùng quanh năm. Các khu vực khác chỉ sản sinh côn trùng trong một số thời điểm, với một số điều kiện nhất định. Do vậy, để chủ động nguồn thức ăn cho chim yến, chúng ta cần nuôi trên quy mô lớn một số loài côn trùng.

Giải pháp tốt nhất cho vấn đề này đó chính là chủ động tạo ra nguồn thức ăn cho yến. Thị trường thiết bị hỗ trợ nuôi yến hiện nay có rất nhiều các loại bột tạo côn trùng làm nguyên liệu tạo thêm nguồn thức ăn phong phú cho chim yến. Tuy nhiên có nhiều ý kiến trái chiều nhau về việc sử dụng các loại bột này sẽ ảnh hưởng tốt hay không tốt đến chất lượng tổ của chim yến. Đây là vấn đề gây nhiều tranh cãi vẫn chưa có đáp án chính thức từ các công trình nghiên cứu khoa học. Vì vậy tạo ra nguồn thức ăn từ tự nhiên vẫn là phương pháp an toàn và đảm bảo hơn cả.

Có thể trồng nhiều cây thu hút côn trùng quanh khu vực nhà yến như: sung, keo dậu (táo nhơn), ômôi, dừa nước, … Đây là những loài thích hợp trồng ở vùng nuôi yến, tạo môi trường cho yến sinh hoạt đồng thời cũng là tạo môi trường sinh thái xanh, sạch, trong lành cho con người.

Ngoài ra có thể tạo ruồi giấm bằng phương pháp tự nhiên để tạo thêm nguồn thức ăn cho chim yến. Cách tạo ruồi giấm cũng vô cùng đơn giản.

Ruồi giấm

Ruồi giấm

Là đối tượng ăn côn trùng trên không, chim yến đã, đang và sẽ tiếp tục góp phần quan trọng trong việc khống chế số lượng các côn trùng gây hại cho hoa màu, giúp cân bằng hệ sinh thái. Qua đó cho thấy, việc nuôi chim yến không chỉ mang lại lợi ích cho người nuôi mà còn mang lại rất nhiều các lợi ích xã hội khác.

Nguồn: TamcaoViet được kiểm duyệt lại bởi Farmtech VietNam.