Tắm chó: Cách tắm cho chó đúng

Nghe qua, ai cũng nghĩ việc này rất đơn giản, nhưng thực ra việc tắm như thế nào mới là đúng và tốt cho con vật của bạn thì không phải ai cũng biết.

Đối với những thú cưng có bộ lông da khỏe mạnh bình thường thì việc tắm thường xuyên là không cần thiết vì việc tắm rửa thường xuyên có thể làm cho con vật mất đi độ bóng mượt của lông, khô da và thậm chí tổn thương da nếu ta tắm quá nhiều.

Đặc biệt đối với loài mèo, ta nên hạn chế tắm nếu như bộ lông da của mèo không có gì bất thường vì mèo rất ghét tắm. Bởi vậy, việc xác định thời điểm tắm cho thú cưng là rất quan trọng và nên được xác định 1 cách hợp lý. Ta thường tắm cho thú cưng khi:

  • Có quá nhiều bụi bẩn, dịch nhầy, hay các chất lạ khác bám trên da và lông.
  • Đến lúc cần loại bỏ bớt lớp lông chết đã đến thời điểm rụng trên bộ lông của con vật.
  • Sự tăng tiết bã nhờn làm cho con vật bốc mùi.
  • Lớp da chết tích lũy nhiều trên da tạo thành đám, vảy.
  • Da bị nhiễm trùng.

Ngoài ra, ta nên chọn những ngày thời tiết ấm áp để tắm cho vật và không nên tắm quá muộn vào cuối ngày làm cho bộ lông của vật khó khô hoàn toàn, có thể dẫn đến các trường hợp bệnh lý không đáng có về sau.

Lưu ý, không nên tắm cho thú cưng khi:

  • Sau khi ăn 2h.
  • Thời tiết quá lạnh (nhất là đổi gió mùa ở miền Bắc, khi nhiệt độ ngoài trời xuống tới dưới 18oC).
  • Những con non đang bú mẹ hoặc mới tách mẹ.
  • Con ốm hoặc có dấu hiệu nghi ốm.
  • Những con đực đang kỳ động dục chuẩn bị phối giống, nếu tắm sẽ giảm mùi “đặc trưng hấp dẫn ” làm giảm hưng phấn tính dục khi giao phối.
  • Thú cưng sau giao phối trong vòng 15 ngày.
  • Thú cưng mới sinh con.
  • Những con mới mua về nuôi.
  • Những con mới tiêm chích ngừa dịch bệnh.

Sau khi xác định được thời điểm tắm hợp lý, ta tiến hành chọn loại sữa tắm phù hợp với thú cưng của mình. Sữa tắm tốt thường không gây kích ứng da và có PH=7-7,14. Bạn có thể mua chúng ở bất cứ của hàng thú y nào. Chúng ta không nên dùng loại sữa tắm của người để tắm cho thú cưng vì đa phần sữa tắm của người có tính axit sẽ không tốt cho da của con vật.

Đối với những con bị viêm da, ta nên chọn loại sữa tắm đặc biệt theo chỉ định của bác sỹ thú y. Nếu chọn sai, rất có thể sẽ làm cho bệnh của con vật nghiêm trọng hơn.

Tiếp đến, ta tiến hành loại bỏ lớp da chết đã đóng thành vảy, thảm và các đám lông dính bết cứng lại với nhau. Việc làm này không chỉ giúp chúng ta tắm cho con vật dễ dàng và nhanh chóng hơn mà còn giúp ngăn chặn việc phát sinh các mầm bệnh về sau.

Ngoài ra, trước khi tắm chó ta cũng nên tiến hành các thao tác chuẩn bị cho quá trình tắm như:

  • Dùng 2 cục bông nhét vào 2 tai để tránh nước chảy vào tai con vật gây nhiễm trùng.
    Chuẩn bị 1 tấm thảm cao su trong phòng tắm để tránh cho con vật khỏi bị ngã (làm con vật có thể hoảng loạn và stress).
  • Nếu móng chân đã quá dài ta cũng nên cắt trước khi tắm.
  • Ngoài ra bạn nên chuẩn bị 1 lọ thuốc mỡ tra mắt chuyên dùng trong thú y phòng trường hợp sữa tắm dây vào mắt con vật.
  • Trừ trường hợp những ngày nắng ấm, còn lại ta nên tắm cho vật tại phòng tắm trong nhà. Thêm một ít nước ấm vào bồn tắm, sau đó đặt con vật vào trong bồn.
  • Bắt đầu từ việc lau rửa mặt cho con vật bằng một miếng vải ẩm, sau đó lau nhẹ qua vành tai cho sạch bụi bẩn và da chết.
  • Nhẹ nhàng thấm nước dần dần cho đều khắp cơ thể, vừa đổ vừa dùng tay xoa sữa tắm đã pha loãng lên cơ thể con vật bắt đầu từ phần cổ xuống phần thân. Tiếp tục dùng tay gãi nhẹ cho sữa tắm thấm đều khắp cơ thể và đi hết bụi bẩn, sau đó rửa sạch lại nhẹ nhàng bằng nước.
  • Nếu chưa sạch, ta tiếp tục lặp lại quá trình tắm một lần nữa. Tuy nhiên bạn cũng cần lưu ý là thời gian tắm cho con vật không nên quá lâu sẽ không tốt cho sức khỏe của vật.

Tắm chó giúp chó cưng thư giãn

Nếu bạn đang sử dụng sữa tắm dược liệu để điều trị cho con vật thì sau khi bôi đều sữa tắm lên cơ thể nên để yên 10 phút cho ngấm vào da.

Khi đã hoàn tất quá trình tắm, bạn dùng 1 chiếc khăn bông khô lau sạch nước cho con vật. Đối với những con có bộ lông không quá dài và dày, ta nên để nó khô tự nhiên.

Đối với những con có bộ lông lâu khô hơn, ta có thể dùng máy sấy để sấy cho con vật nhưng lưu ý, nên chọn chế độ quạt mát (cool) dù nó mất nhiều thời gian hơn vì như vậy sẽ tráng làm cho da của thú cưng bị khô, tổn thương.

Ngoài ra, nếu con vật không quen nghe tiếng kêu của máy sấy và có phản ứng dữ dội thì ta cũng không nên quá ép buộc.

Cuối cùng, sau khi tắm chó nếu con vật có bất kỳ biểu hiện bất thường nào như sốt cao, bỏ ăn, run rẩy…ta nên đưa ngay nó đến bác sỹ thú y để khám.

Như vậy, việc nắm rõ cách tắm cho thú cưng như thế nào là hợp lý sẽ giúp cho chúng ta vừa đảm bảo con vật luôn sạch sẽ mà lại vừa chăm sóc tốt cho sức khỏe của vật.

Từ đó, có thể phòng tránh được các nguy cơ về bệnh tật cũng như giúp nó kéo dài tuổi thọ để nó có thể sống cùng chúng ta lâu hơn.

Nguồn: Tổng hợp bởi Farmtech VietNam.

Kỹ thuật nuôi Chó con sau cai sữa

Căn cứ vào đặc điểm sinh lý tiết sữa của chó mẹ và sự phát triển của chó con, việc cai sữa chó con là cần thiết.

Chó mẹ sau khi sinh được 30 ngày trở lên lượng sữa cạn dần, không đủ cung cấp cho chó con, trong khi đó nhu cầu chất dinh dưỡng cho chó con ngày một tăng. Nếu chó mẹ sinh lần đầu lượng sữa càng ít, và tốc độ cạn sữa càng sớm, lúc này nên cho chó con ăn thêm cháo sữa từ lúc 5 ngày tuổi và từ 15 – 21 ngày tuổi. Việc cho ăn thêm cháo sữa có thịt băm là cần thiết và hợp lý.

Cai sữa chó con tiến hành dần dần trong khoảng 5 – 6 ngày, trong 2 ngày đầu tách mẹ khỏi chó con khoảng 2 giờ. Sau đó thời gian tách dài hơn khoảng 4 – 6 giờ, tiếp theo tách cả ngày, chỉ cho mẹ gặp con vào buổi tối.

Trong thời gian này giờ chó ăn phải ổn định, cho ăn thức ăn nó đã quen. Đặc biệt chăm sóc phải chu đáo, giúp chó tránh những bất lợi do ngoại cảnh đem lại. Chăm sóc nuôi dưỡng chó con phải thực hiện một cách nghiêm túc. Việc cho ăn, dạo chơi, chải lông cần đúng giờ qui định.

Nuôi chó con sau cai sữa, cần căn cứ vào mức độ tuổi của nó, để tăng khẩu phần ăn hợp lý và tập cho ăn một số loại thức ăn của chó lớn.

Vào những ngày thời tiết xấu (giá rét, mưa bão, hoặc u ám) buổi tối phải cho chó ngủ trong nhà ấm, khô ráo, sạch sẽ, đặc biệt tránh ẩm ướt lạnh đột ngột, ban ngày vẫn có thể nuôi chó bình thường. Ban đêm mùa đông cần sưởi cho chó con.

Trong thời gian này chó con rất thích hoạt động, tiếp xúc với ngoại cảnh, chó thường liếp láp các chất bẩn nên dễ mắc bệnh nhất là bệnh đường ruột như : giun sán, ỉa chảy…

Hàng ngày dọn chuồng chó con sạch sẽ, và mỗi tháng tắm ít nhất là 2 lần (chú ý mùa đông phải chọn ngày nắng ấm, tắm xong phải dùng khăn vải sạch lau khô lông).

Nhu cầu các chất dinh dưỡng đối với chó con sau cai sữa là rất lớn, phải tăng dần, chú ý bổ sung đầy đủ chất đạm, vitamin đặc biệt chất khoáng đa lượng và vi lượng.

Trong thời kỳ này, cần quan tâm kiểm tra chó hàng ngày, định kỳ tẩy giun sán, đề phòng bệnh giun móc và giun đũa ngay từ ngày thứ 21 trở đi. Chú ý diệt trừ ve, rận, bọ chó hút máu gây bệnh cho chó.

Nguồn: Tổng hợp bởi Farmtech VietNam.

Kỹ thuật nuôi chó con đang bú sữa

Chó con giai đoạn bú sữa có sức đề kháng rất thấp, nếu bạn không nuôi dưỡng, chăm sóc tốt, cún rất dễ mắc bệnh hay rất khó tăng cân như bình thường.

Bởi vậy, đây là giai đoạn tiền đề để cún phát triển về sau. Bài viết dưới đây chúng tôi sẽ giúp bạn nắm được các công việc, các kỹ thuật cơ bản để bạn có thể chăm sóc cún tốt nhất trong giai đoạn này

1. Bạn cần chuẩn bị cho cún những gì:

Chỗ ở:

– Thoáng mát vào mùa hè, ấm và kín gió vào mùa đông, đủ ánh sáng. Có chỗ ngủ, vệ sinh cố định .
– Tránh xa: dây điện và các đồ dùng điện, bếp lửa ga, vật dụng cháy nổ, hóa chất và cây cỏ độc.
– Tránh vị trí cao như cửa sổ, cầu thang… để đề phòng cún rơi từ trên cao xuống.
– Tránh xa điều hòa, quạt.

Một chiếc “giường” lý tưởng của cún

Dụng cụ: ngoài những đồ dùng cơ bản, bạn nên chuẩn bị thêm cho cún 1 số vật dụng cần thiết như bình sữa hay bát ăn, bát uống nước…

2. Chế độ ăn uống và chỉ tiêu cân nặng:

Cún đang bú sữa thì thức ăn chủ yếu là sữa mẹ, ngoài ra để cún không bị thiếu chất và chậm lớn chúng ta nên bổ sung thêm cho cún sữa bò tươi và cháo gạo bắt đầu từ khi cún khoảng 5 ngày tuổi trở lên.

Dưới đây là chế độ ăn điển hình cũng như các chỉ tiêu cân nặng của cún theo độ tuổi, nắm được chế độ ăn cũng như những chỉ tiêu này sẽ giúp bạn đánh giá chính xác hơn về việc cún nhà mình đã được chăm sóc tốt hay chưa?

Chế độ ăn cũng như các chỉ tiêu cân nặng của cún theo độ tuổi

Tuổi Thức ăn Số lần ăn/ngày Thuốc Chỉ tiêu cân nặng
12 tiếng sau sinh  Sữa đầu  Không giới hạn   Tùy giống
1-5 ngày tuổi  Sữa mẹ  Không giới hạn    
5-14 ngày tuổi  Sữa mẹ + 2 thìa sữa bò tươi/con/ngày  Sữa bò: 1 lần   8-9 ngày cân nặng tăng gấp đôi bạn đầu
14-21 ngày tuổi Sữa mẹ + 200-300g sữa bò tươi/con/ngày + cháo gạo thịt xay 20g/con Cháo gạo: 1-2 lần/con/ngày 2 ống canxi clorua/con/ngày từ 14-21 ngày tuổi. 18 ngày tăng gấp 3,5-4 lần ban đầu.
21-30 ngày tuổi Sữa mẹ + Cháo gạo thịt xay 2 lần/con/ngày 1-2 giọt kháng sinh tổng hợp (Tetracillin…) trong vòng 3-4 ngày liền Tăng 5-7 lần

Trên thực tế, tùy thuộc từng trường hợp cụ thể mà chúng ta có những chế độ chăm sóc cho cún khác nhau, tuy nhiên dù bạn chọn khẩu phần ăn gì thì cũng phải đảm bảo đầy đủ chất dinh dưỡng cho cún.

Thức ăn chủ yếu của cún giai đoạn này là sữa mẹ

Trong giai đoạn này, bạn cũng đừng quên chăm sóc chó mẹ đầy đủ, chu đáo để nó có đủ sức khỏe, dinh dưỡng nuôi con. Lưu ý nhỏ nữa là đối với sữa bò, bạn nên hâm nóng đến nhiệt độ cơ thể cún rồi mới cho cún ăn để tránh gây tiêu chảy cho cún vì hệ tiêu hóa của nó vẫn chưa phát triển hoàn thiện.

3. Phòng bệnh

Bên cạnh việc chăm sóc vệ sinh, chỗ ở, ăn uống…thì việc phòng bệnh cho cún cũng vô cùng quan trọng.

Ngoài việc cho cún bú sữa đầu để tăng cao sức đề kháng, chúng ta cũng cần có những tác động để giúp cún phòng các bệnh nguy hiểm vì ở tuổi này, cơ thể cún còn rất yếu và dễ mắc bệnh. Nếu cún không được bú sữa đầu, ta nên bố trí tiêm phòng vaccine sớm cho cún 1 số bệnh truyền nhiễm nguy hiểm.

Việc phòng bệnh cho cún giai đoạn này là vô cùng quan trọng

Song song với các bệnh truyền nhiễm thì ta cần giúp cún phòng các bệnh ký sinh trùng như ve,ghẻ, giun, rận…Dưới đây là liệu trình tẩy giun cho cún các bạn có thể tham khảo thêm:

Lịch tẩy giun cho cún

Tuổi Lần tẩy giun
2 tuần tuổi Lần 1
4 tuần tuổi Lần 2
6 tuần tuổi Lần 3
8 tuần tuổi Lần 4

4. Chăm sóc khác

Bên cạnh các vấn đề chính như ăn uống, bệnh tật, vệ sinh thì bạn cũng nên để ý tới việc giúp cún hòa nhập với môi trường sống.

Cho cún làm quen với con người và các “bạn cún” khác trong nhà từ tiếng động, cách vuốt ve, ôm ấp chúng…cho đến việc cho chúng tiếp xúc với các vật nuôi khác trong nhà. Cho hòa nhập sớm, giúp chúng có cảm giác an toàn trong môi trường sống và giúp ngăn ngừa nhiều vấn đề phát sinh sau này. Như trên chúng tôi đã nói, dù việc cho cún làm quen môi trường mới, “bạn” mới là rất tốt nhưng không được quá đột ngột, sẽ làm cho cún dễ bị stress.

Hòa nhập sớm, giúp chúng có cảm giác an toàn trong môi trường sống

Như vậy, cún con giai đoạn bú sữa rất yếu nên rất cần được chăm sóc cẩn thận. Sự quan tâm đúng mực cùng với 1 chút kinh nghiệm, kỹ thuật sẽ giúp bạn tự tin hơn nhiều trong việc chăm sóc cún khỏe mạnh, tạo nền tảng cho sự phát triển khỏe mạnh của chúng sau này.

Nguồn: Tổng hợp bởi Farmtech VietNam.

Kỹ thuật nuôi chó cảnh

Nuôi thú cưng là trào lưu làm giàu mới nổi, khi mà xu hướng chơi thú cưng ngày càng phổ biến trong giới trẻ hiện nay, đặc biệt là nuôi chó, mèo cảnh.

Tuy nhiên, để đạt được thành công đòi hỏi người kinh doanh cần có kỹ thuật chăm sóc, thuần dưỡng đảm bảo chó cảnh khỏe mạnh khi sang tay cho chủ mới. Dưới đây là một số kỹ thuật chăm sóc chó cảnh quan trọng nhất cần có khi nhắc đến kinh nghiệm kinh doanh thú cưng.

1. Chế độ ăn dành cho chó cảnh

Đầu tiên bạn cần hiểu rõ những đặc điểm riêng biệt , những giai đoạn phát triển của mỗi loài từ đó tìm ra những phương pháp chăm sóc khác nhau.

 

Tuy nhiên vẫn có những nguyên tắc chung dành cho các loài chó cảnh. Nguyên tắc này được thực hiện như sau:

  • Bữa ăn: Chó con 2- 4 tháng tuổi cần cho ăn 3 bữa, từ 4-10 tháng tuổi 2 bữa, trên 10 tháng tuổi thì 1 bữa 1 ngày.
  • Giờ ăn: Vì còn nhỏ nên cần cố định giờ ăn chính xác hàng ngày.
  • Thức ăn: Dinh dưỡng cho thú cưng cần phải đảm bảo đủ cơm, thịt, xương, rau, trứng, gan, cà chua, khoai tây. ( Riêng chó dưới 7 tháng tuổi cần chú ý tránh xương ống gà vì rất dễ bị hóc và cả hỏng đường ruột nữa, còn khi đã trưởng thành, đặc biệt là với những giống chó to khác như béc giê, Rottweiler thì ngược lại việc ăn xương ống gà và cá lại cực kỳ tốt cho hệ tiêu hóa).
  • Lưu ý: có thể sử dụng thức ăn công nghiệp dành cho chó cảnh nhưng vẫn cần bổ sung thức ăn mặn cho chúng.

Thức ăn công nghiệp khô nhập khẩu dành cho chó

Một số lưu ý

  • Không nên cho ăn quá nhiều chất bột vì nhiều tinh bột sẽ khiến chó bị béo phì, vì vậy cần tính toán lượng tinh bột vừa đủ.
  • Khi trưởng thành, có thể cho chó ăn thức ăn sống như gan, thịt bò sống không những giúp chó khỏe mạnh, lớn nhanh mà còn tăng sức đề kháng kháng cự lại bệnh tật nữa.
  • Với những giống chó to thì lượng thức ăn chúng cần hàng ngày cực nhiều, nên tận dụng thức ăn thừa từ các hàng cơm, phở, nên mua những thực phẩm rẻ để tiết kiệm chi phí. Thức ăn thừa, rẻ chứ không phải là thức ăn ôi thiu, thức ăn bẩn dễ khiến chó bị bệnh.

2. Cách cho cho ăn đúng kỹ thuật

Chó cảnh dù là động vật nhưng cũng là một sinh vật sống phải được chăm sóc đúng cách mới phát triển khỏe mạnh, không bệnh tật được. Ăn no và đầy đủ dinh dưỡng thôi không vẫn chưa đủ. Phải ăn đúng kỹ thuật, phù hợp với từng đặc điểm riêng từng loài.

  • Khẩu phần ăn cho thú cưng hàng ngày ngoài thức ăn, phải có rau thái nhỏ trộn vào cơm nóng để vào bát nhôm.
  • Trước khi cho chó ăn bát phải rửa sạch, khô ráo.
  • Lưu ý là cơm cho chó phải là cơm nóng, nếu là cơm thừa, cơm nguội cần hâm ấm để đảm bảo hệ tiêu hóa chó không bị ảnh hưởng.

3. Tiêm phòng bệnh và chăm sóc

Cần tiêm phòng bệnh cho chó để đảm bảo sức khỏe của vật nuôi hơn nữa cũng chính là bảo vệ sức khỏe của những người xung quanh chúng.

Chó con mới sinh sức đề kháng cực yếu, cần được tiêm phòng vaccine đầy đủ 5 bệnh cơ bản như Care virus, Parvo virus, Viêm gan truyền nhiễm, Ho cũi chó và Phó cúm để tránh chó bị nhiễm bệnh và nguy cơ lây lan ra cả đàn.

Cần tắm rửa và chăm sóc lông chó thường xuyên để đảm bảo vệ sinh và phòng tránh bệnh cho chó.

Một số lưu ý để tiêm phòng cho chó đúng cách:

  • Chó con 3 tuần tuổi nên tiêm ngay mũi vaccine đầu tiên, vì đây là thời điểm chó con tập ăn nên nguy cơ nhiễm bệnh cao đúng lúc kháng thể từ chó mẹ truyền sang lại giảm đi nên chó rất dễ bị bệnh.
  • Vaccine có thể dễ dàng tìm mua ở các cửa hàng bán thuốc thú y hoặc viện thú y.
  • Định kỳ cứ 6 tháng tới 1 năm chó cần được tiêm phòng đầy đủ.

4. Vệ sinh chuồng và nơi xích chó

Không gian cho chó vui chơi cần rộng rãi và thông thoáng

Vệ sinh chuồng và nơi xích hằng ngày giúp chó yêu phát triển khỏe mạnh nhất, nếu không may bị bệnh sẽ giúp khống chế lây lan, giúp thú cưng hồi phục nhanh hơn, bảo vệ sức khỏe cộng đồng và môi trường an toàn nhất.

Chuồng nhốt chó phải rộng rãi, thông thoáng có ánh sáng chiếu để tiêu diệt những vi khuẩn gây bệnh. Nếu chuồng chật hẹp, ẩm thấp lại không được vệ sinh thường xuyên thì đây chính là môi trường lý tưởng cho các mầm bệnh phát triển. Chuồng sạch sẽ, lại được tiêm phòng đầy đủ, thức ăn đảm bảo đầy đủ dinh dưỡng, hợp với từng giai đoạn thì chắc chắn chú chó cưng của bạn sẽ phát triển toàn diện nhất, mọi bệnh tật đều phải tránh xa.

Tủ đựng thuốc dành cho chó

Nếu thú cưng bị ghẻ hay rận, ve cũng có thể mua sữa tắm dành riêng cho chó bị ghẻ để điều trị, hoặc cẩn thận hơn vẫn là mang tới bệnh viện thú y để được chữa trị kịp thời. Trong thời gian này, chuồng và nơi xích chó nhất thiết phải được vệ sinh bằng thuốc sát trùng theo sự hướng dẫn của bác sĩ thú y.

Khi chó con đủ 2 tháng tuổi  phải tẩy giun sán, sau đó cứ định kỳ 6 tháng tẩy 1 lần. Tuy nhiên, thực tế người nuôi chó chỉ thường tẩy giun khi thấy chúng xuất hiện trong phân vì thuốc giun cực hại cho hệ tiêu hóa.

Nguồn: Tổng hợp bởi Farmtech VietNam