Hướng dẫn kỹ thuật làm chuồng nuôi chồn hương

Là một loài động vật hoang dã nhưng nhờ có giá trị cao về dược liệu và thực phẩm nên hiện nay việc nuôi chồn hương ngày càng phổ biến. Dưới đây là một số hướng dẫn và kinh nghiệm nuôi chồn hương để bạn đọc tham khảo.

Chồn hương là một loài động vật hoang dã, được sử dụng như một loại dược liệu quý hiếm. Không chỉ vậy chồn hương còn được biết đến là món đặc sản thơm ngon, thịt ngọt và mềm nên rất được ưa chuộng trong các nhà hàng.

Chồn hương có dáng dài thon, lông ngắn xám đen và có khoang màu trên thân, dọc sống lưng có các vết sọc dưa xám đen thành hàng chạy từ vai xuống đến mông, đầu mõm nhọn, chân ngắn, đuôi dài với 7 vòng trắng xen kẽ 7 vòng đen. Có nguồn gốc tự nhiên nhưng do nhu cầu sử dụng lớn và có giá trị về kinh tế cao nên hiện nay nghề nuôi chồn hương ngày càng phổ biến tại nhiều địa phương.

1. Kỹ thuật xây chuồng và phòng bệnh

Yếu tố đầu tiên cần chú ý trong kỹ thuật nuôi chồn hương là chuồng trại. Chuồng nuôi chồn nên làm theo hướng đông nam, mái lợp ngói hoặc lá, đảm bảo thoáng mát, cao ráo, có hệ thống cửa sổ đóng – mở thuận tiện cho đông ấm, hè mát phù hợp với khí hậu Việt Nam.

Tùy theo số lượng chồn mà có thể thiết kế các kiểu chuồng nuôi khác nhau, nếu nuôi nhiều thì xây chuồng thành các tầng (khoảng từ 2 đến 3 tầng), mỗi tầng cao từ 0,7 đến 0,8m bằng bê tông, gỗ hay tre thật chắc chắn để đặt các lồng nuôi nhốt chồn.

Chú ý nền chuồng cần làm dốc thoải để dễ dàng thoát nước tiểu. Trên cùng một tầng, giữa các lồng nên ngăn kín để chồn không nhìn thấy nhau, có thể gây nên tình trạng bị stress.

Lồng nuôi nhốt chồn hương thường được làm kiên cố bao quanh bằng lưới sắt B40 hoặc có thể đan bằng gỗ, tre nhưng phải có then cài thật chắc chắn để chồn không chui ra ngoài được.

Kích thước chuồng nuôi

Kích thước lồng tham khảo: Chiều cao 0,7 – 1m, rộng từ 0,8 – 1 m, dài 1,2m. Khi làm chuồng bằng gỗ, tre thì cần tạo các khe hở để phân lọt xuống dưới nền. Nếu lồng nuôi chồn đẻ thì phần đáy lại càng phải quan tâm hơn, nên làm đáy bằng gỗ nhẵn, các tấm gỗ rộng 3cm và có độ dày khoảng 1cm, chỉ để khe hở khoảng 1cm giữa các tấm để chồn con không bị lọt chân, đồng thời giữ cho khu vực lồng nuôi chồn đẻ thật yên tĩnh.

Vệ sinh chuồng trại: Đây cũng là vấn đề rất cần quan tâm, bạn phải giữ cho môi trường nuôi chồn không bị ô nhiễm, luôn khô ráo sạch sẽ vì vậy mỗi ngày đều phải quét dọn khu chuồng trại, cho phân và nước tiểu thoát ra ngoài thông qua hệ thống rãnh để tránh ô nhiễm môi trường.

2 Chọn giống nuôi

Để có những con chồn nuôi chất lượng bạn nên chọn nuôi những con nhanh nhẹn, không dị tật, lông mượt mà, mắt mũi tinh anh, không bị thương… còn nếu chọn con làm giống thì tốt nhất lấy những con nuôi từ nhỏ lên vì chúng đã có thời gian thích nghi với môi trường nuôi nhốt.

Chồn sinh sản phải từ 8 tháng tuổi trở lên. Chồn cái đến giai đoạn động đực thường phát ra tiếng kêu lạ, bỏ ăn phá chuồng còn con đực tiết ra xạ hương thơm để quyến rũ con cái. Khi đó bạn thả con đực vào để chúng giao phối, nên thực hiện ngay khi chồn động đực để có chất lượng và hiệu quả cao nhất.

Khi chồn giao phối xong, bạn lại tách con cái và đực ra để nuôi riêng. Nếu sau 1 tháng không thấy chồn cái có thai thì cần tiếp tục quan sát và cho giao phối lại.

Chồn mang thai trong vòng 90 ngày, sau khi sinh chồn con sẽ mở mắt sau 7 đến 10 ngày. Thời gian đầu chồn con sẽ bú sữa mẹ, đến khi được 35 ngày tuổi chồn sẽ tập ăn thức ăn của mẹ, khi được 60 ngày tuổi thì cho tách bầy.

Khi ở ngoài tự nhiên, mỗi năm chồn hương đẻ 1 lứa, khi được thuần hóa thì có thể đẻ 2 lứa, mỗi lứa đẻ từ 3 đến 6 con. Thời gian sinh sản thường từ tháng 2 đến tháng 10 âm lịch.

3 Thức ăn

Chú ý tới thức ăn của chồn hương cũng là một yêu cầu trong kỹ thuật nuôi chồn hương
Thức ăn yêu thích của chồn hương là côn trùng như kiến, mối, chim, chuột hay các loại bò sát như rắn, nhông và một số loại quả: đu đủ, chuối, cafe, mít, rễ cây… Còn đối với chồn nuôi, bạn cần cho ăn cơm với thức ăn có cá, thịt đã được chế biến. Chồn bắt từ ngoài tự nhiên về nuôi thường rất nhát nên bạn cần kiên trì tập cho chúng ăn.

Bữa ăn chính của chồn nên thực hiện vào buổi tối, bữa sáng chỉ là phụ. Bạn cần cho chồn ăn đầy đủ thức ăn và nước uống, ngoài ra để đảm bảo sự phát triển của chồn thì sẽ không thể thiếu các chất dinh dưỡng như B.complex, cám gà đậm đặc (concentrat)…

4 Phòng và trị bệnh

Việc phòng và trị bệnh là khâu quan trọng trong kỹ thuật nuôi chồn hương. Trong điều kiện nuôi nhốt, chồn hương rất dễ bị mẫn cảm với những loại thức ăn mới lạ. Chúng rất dễ bị mắc bệnh tiêu chảy, bạn nên phòng bệnh này cho chồn bằng cách trộn thuốc kháng sinh vào trong thức ăn mới.

Ngoài ra chồn hương cũng dễ mắc bệnh cầu trùng tức bệnh phân lẫn máu hoặc bị bệnh thương hàn giống như nhiều loại gia súc, gia cầm khác với biểu hiện sốt cao, phân lỏng màu vàng. Bạn có thể mua các loại thuốc thú y đặc trị, sử dụng theo hướng dẫn liều lượng thuốc/kg thể trọng trên bao bì.

Nguồn: Tổng hợp bởi Farmtech VietNam.

Khởi nghiệp từ nuôi chồn hương đến làm cà phê chồn,

Khởi nghiệp với đủ thứ nghề như bỏ mối hải sản, nuôi rắn, môi giới thị trường chứng khoán, cuối cùng anh Nguyễn Văn Cừ (37 tuổi) ở thôn Tân Phú, xã Thuận Phú, huyện Đồng Phú (Bình Phước) đã tìm cho mình được hướng đi mới.

Năm 2014, anh Cừ bắt đầu nuôi dưỡng, phát triển đàn chồn hương và cho ra “lò” một loại thương phẩm, dân gian quen gọi là cà phê Chồn.

Từ chồn thương phẩm

Chúng tôi tìm đến nhà anh Nguyễn Bá Cừ vào một buổi trưa tháng Mười. Nắng ngoài trời đang lên giữa đỉnh đầu. Anh Cừ đang nhanh tay đảo đều các phên cà phê phơi ngay trước thềm, cười bảo: “Tranh thủ những ngày nắng đẹp, mình hong cà phê. Nắng đẹp thế này, chất lượng cà sẽ rất tốt, hương thơm, vị đậm đà hơn.”

Chồn hương giúp anh Cừ có thu nhập ổn định kinh tế hộ

Anh Cừ bắt đầu câu chuyện về trại chồn và hương và hướng đi của mình bằng một ly cà phê đặc biệt mời khách. Ly cà phê này được anh lấy máy xay và pha trực tiếp tại bàn. Bột cà phê có màu nâu cánh dán mịn màng, tỏa ra một mùi thơm dịu nhẹ. Khi nhấp chút cà phê vô miệng, nghe vị chát nơi đầu lưỡi. Một chút sau vị hậu ngọt kéo dài, đậm đà tới tận trong cuống họng. Anh Cừ cho biết, cà phê Robota khi được thải ra từ chồn sẽ có vị chát mạnh. Sau đó, vị hậu ngọt sẽ kéo dài rất dễ chịu. Đây chính là một trong những giá trị làm lên thương hiệu cà phê Chồn từ trước đến nay.

Để nuôi chồn hương thành công, anh Cừ đã phải quan sát rất kỹ, hiểu được tập quán, tính cách của từng con. Nhất là mùa sinh sản, chồn cái rất chảnh. Khi không chấp nhận chồn đực, anh Cừ phải đổi bạn tình cho chúng. Cừ quan tâm bầy chồn hương như chính con mọn của mình. Với 30 con chồn sinh trưởng hiện tại, mỗi năm trại chồn của anh có có ít nhất 50 lứa chồn non. Mỗi lần chồn cái đẻ được 2-4 chồn con. Giá chồn con khoảng 6 triệu động/cặp. Chồn thương phẩm từ 1,5 đến 1,8 triệu đồng/kg. Mỗi năm từ chồn con và chồn thương phẩm gia đình anh thu lời ít nhất 100 triệu đồng.

Thức ăn của chồn rất đa dạng. Chồn là thứ ăn tạp, vừa chay vừa thịt. Ngoài các loại trái cây như chuối, mít, chôm chôm…chồn còn ăn thịt heo luộc, cháo thịt bằm. Chính vì vậy, việc nuôi chồn được anh Cừ ví như nuôi con mọn. Đặc biệt chồn rất khoái ăn cà phê. Khứu giác lại đặc biệt thính nên nếu cà phê hay trái cây có thuốc, nó sẽ không ăn. Để bảo vệ sức khỏe đàn chồn, anh Cừ đã tiêm thuốc phòng trừ các dịch cúm, vi rút cho chúng. Nhờ vậy đàn chồn của anh Cừ luôn phát triển khỏe mạnh, giúp anh tạo nên một thương hiệu của riêng mình.

Đến cà phê Chồn

Trước đây, anh Cừ từng nuôi rắn ráo trâu. Một đêm, khi đang đi kiếm nhái làm mồi cho rắn, anh Cừ thấy một con chồn chạy trong lô cao su. Trong đầu anh khởi lên ý định sẽ nuôi chồn, kinh doanh chồn thay cho rắn. Thế rồi, anh tìm mua một cặp chồn giống. Chẳng bao lâu, anh đã có bầy chồn hương với 30 chuồng. Bầy chồn này cho anh 100kg cà phê thành phẩm. Số lượng còn hạn chế, nhưng đó là sự khởi đầu đầy hân hoan với anh Cừ và gia đình.

Sản phẩm chê Chồn được hong phơi trong nắng

Hiện đang vào đầu mùa cà phê, anh Cừ liên hệ với các nông dân ở các vùng lân cận để tìm nguồn cà phê sạch làm thức ăn cho bầy chồn. Chồn rất thích ăn trái cà phê, đặc biệt là những trái chín mọng, thơm ngon. Sau khi tiêu hóa xong phần cùi, chồn sẽ thải ra những hạt cà phê còn lại. Người nuôi lấy những hạt này đem phơi nắng. Nếu được nắng đẹp, cà phê có vị rất đặc trưng, ít vị đắng, vị hậu ngọt khéo dài. Hiện tại anh Cừ đã tìm được một số nguồn mua cà phê nguyên liệu. Điều ấp ủ nhất của anh lúc này là tạo ra được thương hiệu của chính mình.

Chia sẻ về bước đi sắp tới, anh Cừ cho biết mình sẽ xây dựng thương hiệu, đăng ký bản quyền thương hiệu. Từ đây, anh Cừ hy vọng cà phê chồn Bình Phước sẽ có hướng đi mới, trở thành món quà kỷ niệm của quê hương Bình Phước cho du khách tới công tác, du lịch.

Mô hình nuôi chồn hương và sản xuất cà phê chồn của anh Cừ đã đem lại thu nhập gần cho gia đình với trên 500 triệu đồng mỗi năm.

Ông Hoàng Phú Quốc, Phó chủ tịch Hội nông dân xã Thuận Phú nhận xét: Mô hình nuôi chồn hương, sản xuất cà phê Chồn của anh Cừ là là một trong những điển hình sản xuất ít đất mà hiệu quả kinh tế cao nhất ở xã Thuận Phú hiện nay.

Anh Cừ tự tay xay, chế và giời thiệu về loại đặc biệt của gia đình mình

Nguồn: Nông nghiệp Việt Nam được kiểm duyệt bởi Farmtech VietNam.

Nuôi chồn hương lãi hàng trăm triệu mỗi năm

Trang trại của bà Nguyễn Thị Cậy ở khu vực 1, phường Hưng Phú, quận Cái Răng, TP Cần Thơ nuôi gần 40 con chồn hương, hàng năm bán con giống và chồn thương phẩm có lãi 280 triệu đồng.

Bà Nguyễn Thị Cậy chăm sóc chồn hương 1,5 tháng tuổi

Trước kia, bà Cậy từng có thâm niên công tác trong ngành chế biến nông sản. Năm 2011, bà nghỉ hưu. Dịp tình cờ, thăm nhà người bạn, bà biết đến mô hình nuôi chồn hương. Bà bàn bạc với gia đình và lên kế hoạch mua 5 cặp chồn giống về nuôi thử. Ban đầu nuôi không có kinh nghiệm nuôi nên thất bại.

Không nản lòng, bà tiếp tục đến tỉnh Bình Dương mua con giống và lặn lội đến các tỉnh miền Đông và ĐBSCL để học hỏi kinh nghiệm nuôi chồn. Sau 2 năm thực hiện, mô hình của bà đã phát huy hiệu quả. Hiện nay trang trại có hàng chục con chồn bố mẹ và chồn con.

Bà Cậy cho biết, chồn hương còn gọi là cầy hương, cầy xạ, chồn mướp (tên khoa học là Viverricuola indica). Mỗi năm chồn cái đẻ tối đa 3 đợt, khoảng 1 – 3 chồn con/đợt. Bình quân mỗi năm, 17 chồn cái sinh sản sinh được khoảng 112 chồn con, tương đương gần 60 cặp. Với giá bán dao động chồn giống 1,5 tháng tuổi từ 5 – 5,5 triệu đồng/cặp, chồn thịt nuôi 2 – 3 năm đạt từ 3,5 – 4,5kg/con bán giá 1,3 triệu đồng/kg, sau khi trừ hết chi phí còn lãi khoảng 280 triệu đồng.

Để đảm bảo chồn phát triển nhanh, hạn chế bệnh, bà Cậy luôn vệ sinh chuồng trại sạch sẽ và thoáng mát. Cho ăn mỗi ngày một lần vào buổi chiều gồm chuối xiêm, cua, cá, hột vịt lộn, thỉnh thoảng bổ sung phổi heo được nấu chín. Bồi dưỡng chồn đang mang thai bằng thức ăn giàu canxi như cua, ốc, hột vịt lộn, thịt heo luộc… Với những chú chồn con chưa thể bú mẹ, bà cho bú sữa bò bằng bình, sau gần 2 tháng chăm sóc có thể xuất bán mỗi cặp giá 5 triệu đồng.

Bà Cậy phấn khởi cho biết, mới đây vừa xuất chuồng hơn 10 cặp chồn giống, thu 50 triệu đồng. Ngoài việc bán con giống, bà sẵn sàng hướng dẫn kỹ thuật chăn nuôi cho người có nhu cầu. Nhiều người liên hệ đặt hàng nên đầu ra luôn ổn định và thậm chí không đủ hàng để cung cấp. Ngoài bán chồn giống, bà dự định mở rộng trang trại và nâng tổng đàn lên hàng trăm con.

Nguồn: Nông nghiệp Việt Nam được kiểm duyệt bởi Farmtech VietNam.

Mô hình nuôi cầy hương hiệu quả bất ngờ

Tình cờ biết được mô hình nuôi chồn hương ở Quảng Ngãi, anh Tuấn mua giống về phát triển mô hình. Sau 5 năm theo đuổi nghề nuôi đã đem lại thành công hơn mong đợi. Đến nay anh nuôi 22 con chồn hương giống, trong đó có 18 con chồn cái và 4 con đực giống và 30 chồn con, mỗi ngày cho ăn thức ăn khoảng 70.000 đồng.

Đến tham quan trang trại nuôi chồn hương của gia đình anh Nguyễn Phước Tuấn (45 tuổi ở thôn Châu Lâm, xã Bình Trị, huyện Thăng Bình, Quảng Nam), chúng tôi không khỏi ngạc nhiên khi anh xây dựng được mô hình nuôi chồn khép kín ngay tại khu dân cư. Khu vực nuôi chồn hương nằm phía sau căn nhà được anh Tuấn thiết kế thoáng mát.

Trang trại chăn nuôi chồn hương của anh Nguyễn Phước Tuấn

Anh Tuấn kể, năm 2011 anh biết một người dân ở tỉnh Quảng Ngãi nuôi chồn hương. Qua tìm hiểu, anh thấy mô hình đầu tư ít vốn lại phù hợp với vùng bán sơn địa xã Bình Trị. Anh mua 4 con chồn cái và hai con chồn đực với giá 20 triệu đồng và đến cơ quan chức năng đăng ký nuôi.
Sau 2 năm chăm sóc, đàn chồn sinh sản lứa đầu được 14 con. Tuy nhiên kinh nghiệm chưa có nhiều, chồn mẹ cắn chết 8 con. “Ban đầu nên tôi không biết để tách chồn còn khỏi chồn mẹ khi sinh nên nhận phải “trái đắng”. Sau đó mỗi lần sinh sản, tôi đều tách ra nên không bị chết”, anh Tuấn cho hay.
Theo anh, chồn có đặc tính dễ nuôi, dễ chăm sóc, nó có thể ăn tất cả các loại thức ăn kể cả thực vật lẫn động vật (trừ chuột dú, cóc). Nó thường ăn cháo trắng và chuối vào ban đêm. Quen dần được tập tính của chồn, anh Tuấn tiếp tục mở rộng chuồng trại.
Đến nay anh nuôi 22 con chồn hương giống, trong đó có 18 con chồn cái và 4 con đực giống và 30 chồn con, mỗi ngày cho ăn thức ăn khoảng 70.000 đồng. “Khoảng 10 tháng nuôi chồn thương phẩm sẽ đạt trọng lượng hơn 3kg. Với giá bán là 1,3 triệu đồng/kg, mỗi năm tôi thu lãi hơn 100 triệu đồng. Nuôi chồn chi phí thấp nhưng lợi nhuận cao, lại nhàn nhã”, anh Tuấn tâm sự.

Mỗi ngày chi phí thứ ăn cho chồn khoảng 70.000 đồng

Theo anh Tuấn, loài chồn này chưa thể thuần chủng được nên vẫn giữ bản tính hoang dã rất dữ, nếu nhốt chung thường cắn nhau đến chết, vì vậy phải thiết kế những ô để nuôi riêng. Khu vực chuồng trại phải được thiết kế phù hợp với từng thời kỳ phát triển của chồn.
Đặc biệt, muốn nuôi được một con chồn cái sinh sản thì phải chú ý không để chồn quá mập. Chuồng trại phải được xây dựng rộng rãi, sạch sẽ để chồn có không gian vận động, có như vậy chồn mới sinh sản nhanh.
“Thường người nuôi không để ý đến những điều này nên nuôi không đạt hiệu quả, chồn cũng không sinh sản được. Ngoài ra chồn hương là loài ưa sạch sẽ, không thích chỗ ẩm ướt, hôi hám. Trong quá trình nuôi phải vệ sinh chuồng trại sạch sẽ để chồn không bị bệnh, thay nước uống thường xuyên, định kỳ mỗi tháng xổ giun một lần để chồn háu ăn, mau lớn”, anh Tuấn chia sẻ.
Người nông dân này cho biết thêm, vào mùa nắng phải tưới nước làm mát mái chuồng nuôi, vì chồn chịu được lạnh chứ không chịu được nóng. Khi chồn đẻ con thì phải chú ý quan sát kỹ lưỡng nếu không con lớn sẽ cắn chết con nhỏ. Nuôi được một tháng thì phải tách chồn con ra riêng, để giảm chồn con bị cắn, chồn mẹ mới tiếp tục sinh sản lứa thứ 2.

Tổng hợp bởi Farmtech Vietnam