Thất vọng vì chuối Nam Mỹ ở Đắk Lắk không được xuất khẩu

Việc chưa áp dụng đúng và đủ quy trình kỹ thuật đã khiến lứa chuối Nam Mỹ thu hoạch đầu tiên ở Buôn Đôn, tỉnh Đắk Lắk không đạt giá trị như mong đợi.

Cách đây gần 1 năm, cây chuối Nam Mỹ được đưa vào trồng ở huyện Buôn Đôn, tỉnh Đắk Lắk theo đề án chuyển đổi cơ cấu cây trồng ở địa phương với mục tiêu chủ yếu là xuất khẩu. Tuy nhiên, ngay vụ  thu hoạch đầu tiên, sản phẩm chuối buồng chỉ có thể tiêu thụ nội địa chứ không đủ tiêu chuẩn xuất khẩu dù doanh nghiệp sẵn sàng bao tiêu sản phẩm.

Gia đình ông Nguyễn Đức Buông, ở buôn Ea Mar, xã Krông Na, huyện Buôn Đôn, tỉnh Đắk Lắk là một trong những hộ đầu tiên ký hợp đồng với Công ty Cổ phần đầu tư Chuối Việt (thành phố Hồ Chí Minh) trồng 1,3 hachuối Nam Mỹ xuất khẩu.

Ông Buông cho biết, ông được Phòng Nông nghiệp huyện Buôn Đôn hỗ trợ một nửa giá cây giống, cán bộ chuyển giao kỹ thuật công ty thường xuyên thăm vườn và hướng dẫn chăm sóc theo quy trình.

Sau gần 1 năm chăm bón, chuối đã cho thu hoạch lứa đầu tiên. Tuy nhiên, theo đánh giá, thành phẩm chuối của ông Buông chỉ đạt loại B, nghĩa là chỉ tiêu thụ nội địa chứ không đủ tiêu chuẩn xuất khẩu, do có những đốm nâu trên quả.

Cũng như gia đình ông Buông, gia đình ông Nguyễn Trung Thành, ở buôn Ea Mar, xã Krông Na, huyện Buôn Đôn hợp đồng với công ty Chuối Việt trồng 1 ha chuối Nam Mỹ. Sau những háo hức mong đợi thì ngay lứa thu hoạch đầu tiên, chuối chỉ được thu mua theo giá loại B khiến ông cảm thấy chán nản và có ý định từ bỏ cây chuối mặc dù theo hợp đồng thì thời gian trồng và thu hoạch chuối lên tới 5 năm.

Theo hợp đồng, khi trồng đúng theo quy trình thì các vườn có thể đạt 90% chuối loại A trở lên (giá thu mua là 5.000 đồng/kg); chỉ có khoảng 10% chuối loại B (giá 3.000 đồng/kg). Tuy nhiên thực tế tại huyện Buôn Đôn, trong số gần 30 ha chuối đã cho thu hoạch thì không có vườn nào đạt được loại A.

Ông Hoàng Thế Hiền, cán bộ chuyển giao kỹ thuật công ty cổ phần đầu tư Chuối Việt cho biết, dù đã được hướng dẫn chặt chẽ từng giai đoạn, nhưng người dân chưa thực sự làm đủ và đúng theo quy trình hướng dẫn. Do đó, thành phẩm chuối không đạt tiêu chuẩn như quy định, nhìn bằng mắt thường cũng có thể thấy được. Trong khi đây là sản phẩm xuất khẩu nên yêu cầu về chất lượng  rất ngặt nghèo.

Theo ông Hiền, người dân chưa áp dụng theo quy trình, chưa đầu tư sâu vào cây chuối nên tính chuyên nghiệp chưa cao. Vì thế, chuối không xuất khẩu được do làm sai quy trình, chưa đáp ứng đủ tiêu chuẩn kỹ thuật.

Mặc dù chuối đã thu hoạch chỉ đạt loại B nhưng theo hợp đồng, công ty vẫn đảm bảo thu mua toàn bộ sản lượng chuối. Và với mức giá và năng suất như hiện tại thì người trồng chuối vẫn có thể thu lãi từ 50 – 60 triệu đồng/ha.

Tuy nhiên cần thẳng thắn nhìn nhận, việc chưa áp dụng đúng và đủ quy trình kỹ thuật theo hướng dẫn đã khiến lứa chuối thu hoạch đầu tiên ở huyện Buôn Đôn không đạt giá trị như mong đợi. Đây cũng là bài học kinh nghiệm với nông dân trong việc áp dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất, làm sao đem lại hiệu quả, đáp ứng được yêu cầu của thị trường.

Nguồn: VOV được kiểm duyệt lại bởi Farmtech VietNam.

Quy trình kỹ thuật trồng và chăm sóc chuối già – Phần 1

Chuối là cây trồng ít kén đất, có thể sống trong điều kiện pH= 4,5 – 8, nhưng thích hợp nhất trong khoảng 6 – 7. Chuối già hiện nay có nhiều loại: già lùn, già hương, già cui, già Nam Mỹ, tiêu hồng, …

Chuối già Nam Mỹ

Chuối già có chiều cao thân (tính từ cổ rễ đến điểm giao nhau 2 bẹ lá trên cùng) khoảng 2 – 3m. Đặc biệt ở giống chuối già Nam Mỹ, chuối tiêu hồng ngay từ nhỏ trên lá xuất hiện những vết loang màu tím đặc trưng, khi cây lớn những vết này mất dần và chuyển sang màu xanh đậm, thời gian trổ quày khoảng 7 – 8 tháng (trồng từ cây giống nuôi cấy mô), từ trổ quày đến thu hoạch khoảng 3 – 4 tháng, mỗi quày có thể nặng 30 – 50 kg, trái thon, dài, vỏ trái khi chín có màu vàng tươi, ruột vàng, ăn có vị thanh ngọt, thơm, dẻo.

KỸ THUẬT TRỒNG VÀ CHĂM SÓC CHUỐI GIÀ NAM MỸ

  1. Chuẩn bị đất trồng

Tùy theo địa hình cao thấp mà có thể lên liếp hoặc không. Vùng ĐBSCL là  vùng đất thấp, trồng chuối phải đào mương, lên liếp, lập hệ thống bờ bao để ngăn lũ trong mùa mưa. Mặt liếp phải cao hơn mực nước trong mương tối thiểu là 60cm. Khi đào mương lên liếp, chú ý không đưa tầng sinh phèn hoặc vật liệu sinh phèn lên mặt liếp, mương đào phải đủ rộng để dễ vận chuyển sản phẩm, vật tư và tưới nước trong mùa nắng cho vườn. Chiều rộng mương thường bằng 1/2 hay 1/3 chiều rộng liếp.

Lên liếp vào đầu hay giữa mùa nắng để đất có thời gian khô, khi mưa xuống đất bong ra là bắt đầu trồng cây được. Chuối trồng 2 hàng theo hình nanh sấu có bề ngang mặt liếp khoảng 5m. Nếu trồng 3 hàng xen kẽ thì mặt liếp rộng khoảng 7m.

  1. Thời vụ trồng

Nên trồng chuối vào đầu mùa mưa để cây có đủ nước và đỡ mất công tưới, nhưng cần lưu ý cho đất thoát nước tốt. Nếu đảm bảo đủ nước tưới, có thể trồng chuối bất cứ lúc nào trong năm. Tuy nhiên, nên trồng ở những tháng có nhiệt độ thấp, ẩm độ cao để thân giả ít bị mất nước.

  1. Chọn cây giống

Sử dụng cây giống sản xuất bằng phương pháp nuôi cấy mô để trồng.

Ưu điểm của loại cây giống này là đồng đều về kích cỡ, tuổi cây nên rất thuận lợi cho trồng thâm canh, áp dụng đồng bộ quy trình kỹ thuật canh tác chung cho toàn vườn; thời gian thu hoạch đồng loạt, nên thuận lợi cho việc tiêu thụ sản phẩm; có hệ thống rễ hoàn chỉnh nên cho tỷ lệ sống cao; hơn nữa đây là nguồn cây giống tương đối sạch bệnh, tương đồng về di truyền và độ thuần giống nên khả năng cho năng suất và chất lượng cao hơn.

Chọn cây giống có chiều cao thân (đo từ mặt bầu đến điểm giao nhau 2 bẹ lá trên cùng) ≥ 20cm, đường kính thân (đo cách gốc 2 cm) ≥ 2 cm, có trên 5 lá, cây phát triển tốt. Nên chọn cây giống có nguồn gốc rõ ràng và đã được kiểm định chất lượng.

  1. Khoảng cách và mật độ trồng

Mật độ trồng thay đổi tùy theo khí hậu và đất đai, hoặc tùy theo số lượng con chuối cần chừa lại ở mỗi bụi mà quyết định khoảng cách trồng. Khoảng cách trồng giữa các hàng thường khoảng 2,0 – 2,5m và khoảng cách giữa các cây trung bình khoảng 2m. Mật độ cây trung bình cho 1 ha (có lên liếp) thường khoảng 1.000 – 1.500 cây (tùy kích thước và tỷ lệ mương/liếp).

  1. Phương pháp trồng

Đào hố sâu 50 cm và rộng 40 – 50 cm, bón lót cho mỗi hố 10 – 15 kg phân hữu cơ, 0,1 kg phân NPK 16-16-8. Trộn phân với đất cho vào khoảng nửa hố, tháo bỏ bầu nylon, đặt cây chuối giống vào giữa hố trồng sao cho mặt bầu ngang bằng mặt đất, lấp đất vào đầy hố, lấp vừa quá cổ gốc chuối, ém đất chung quanh gốc, tưới đẫm.

Các bước trồng chuối từ cây con nuôi cấy mô

Cây con sau khi trồng

  1. Bón phân

* Phân hữu cơ: gồm phân gia súc gia cầm, tro, trấu đã hoai mục, bùn sông và bùn ao, chứa chất dinh dưỡng cao. Bón phân hữu cơ tạo môi trường tốt cho vi sinh vật có lợi hoạt động phân hủy vật chất hữu cơ tạo thành chất mùn cung cấp cho cây trồng và cải tạo đất giúp đất tơi xốp, giàu dinh dưỡng, không bị cằn cỗi trong quá trình canh tác. Trung bình, một cây chuối cần khoảng 20 – 25 kg phân hữu cơ /năm, bón vào đầu mùa mưa hàng năm, cuốc xung quanh gốc tạo thành rãnh cách gốc 1,5 – 1,7m, phân được rải đều bên trong rãnh.

* Phân vô cơ:

– Lượng phân bón cho 1 bụi chuối trong năm đầu mới trồng:

Cách bón: Đào 4 hốc xung quanh gốc, sâu 10 – 15 cm , lần 1 cách gốc 40 – 50cm, lần 2 cách gốc 50 – 70cm, lần 3 cách gốc 1m, lần 4 cách gốc 1,5 – 1,7m, bón phân vào hốc và lấp đất lại.

– Lượng phân bón cho 1 bụi trong các năm tiếp theo:

Cách bón: Nếu có điều kiện tưới nước thì chia đều lượng phân trên thành 3 lần bón: lần 1 sau khi thu hoạch, lần 2 sau đó 2 – 3 tháng và lần 3 sau 2 – 3 tháng tiếp theo sao cho bón phân dứt điểm trước khi trổ buồng. Trường hợp không có điều kiện tưới nước, lượng phân được chia đều cho 2 lần bón, vào đầu và cuối mùa mưa. Đào 4 hốc xung quanh gốc, sâu 10 – 15 cm , cách gốc 1,5 – 1,7m, bón phân vào hốc và lấp đất lại.

Lưu ý: Tùy thuộc vào tình trạng sinh trưởng và năng suất của cây ở những thời điểm khác nhau hoặc cây trồng trên những vùng đất khác nhau, có thể điều chỉnh lượng phân bón so với công thức trên. Tùy thuộc vào mức độ nhiễm phèn của đất trồng, có thể bón thêm 1 – 3kg vôi/cây/năm.

Nguồn:  TRUNG TÂM GIỐNG NLNN KIÊN GIANG được kiểm duyệt lại bởi Farmtech VietNam.

Đua nhau tự phát trồng chuối già nam mỹ xuất khẩu, lĩnh ‘quả đắng’!

Đua nhau tự phát trồng chuối già Nam Mỹ xuất khẩu, lĩnh ‘quả đắng’!

Sự việc chuối cấy mô giống Nam Mỹ ở tỉnh Đồng Nai không ai mua, người dân TP.HCM phải chung tay “giải cứu” mua với giá 2.000-3.000 đồng/kg thì tại tỉnh Tây Ninh cũng đang xảy ra tương tự. Tổng diện tích trồng chuối già Nam Mỹ xuất khẩu của địa phương hiện có trên 371 ha, trong đó có khoảng 50% diện tích là người dân trồng tự phát không theo quy hoạch……

Theo Sở NN-PTNT tỉnh Tây Ninh, tổng diện tích trồng chuối già Nam Mỹ xuất khẩu của địa phương hiện có trên 371 ha, trong đó có khoảng 50% diện tích là người dân trồng tự phát không theo quy hoạch và không có hợp đồng bao tiêu sản phẩm. Đây cũng là một trong những lý do chính kéo giá bán chuối già Nam Mỹ xuống cực thấp trong thời gian qua, khiến sản phẩm này bị ứ đọng không thể tiêu thụ do cung vượt cầu. Người dân TP.HCM chung tay “giải cứu” chuối già Nam Mỹ vì không xuất khẩu được   Thậm chí, ngay cả diện tích có hợp đồng bao tiêu sản phẩm cũng không tiêu thụ được. Trường hợp nông dân trồng chuối ký hợp đồng bao tiêu sản phẩm với Cty TNHH TM DV Nông sản Ngọc Đĩnh (ấp 2, xã Vĩnh Lộc B, huyện Bình Chánh, TP.HCM) là một ví dụ. Kết quả khảo sát của Sở NN-PTNT cho thấy, Cty Ngọc Đỉnh ký kết bao tiêu sản phẩm toàn phần với 5 hộ nông dân trồng chuối già Nam Mỹ của huyện Tân Châu với diện tích hơn 10 ha. Theo hợp đồng, Cty Ngọc Đỉnh có trách nhiệm cung cấp giống chuối cấy mô Nam Mỹ với giá 14.000 đồng/cây giống F1, bảo đảm chất lượng và bao tiêu sản phẩm đầu ra. Trong quá trình trồng, chăm sóc, sản lượng chuối thành phẩm của người dân địa phương đạt năng suất khá cao, ước tính gần 80 tấn/ha. Tuy nhiên, từ đầu năm 2017 đến nay, chuối già Nam Mỹ chín rục đầy đồng nhưng Cty Ngọc Đĩnh vẫn không chịu thu mua do đơn vị này đến nay vẫn chưa ký được hợp đồng xuất khẩu. Ông Nguyễn Văn Sơn ở ấp Đông Thành, xã Tân Đông, huyện Tân Châu, trồng 3 ha chuối Nam Mỹ từ năm 2016 có hợp đồng bao tiêu sản phẩm với Cty Ngọc Đĩnh cho biết, có lúc ông phải kêu thương lái vào bán chuối giá 2.000 đồng/kg nhưng thương lái cũng chỉ chọn chuối chưa có dấu hiệu chín, trái đẹp, còn những quày chuối đã có vài trái chín thì không mua. Ông Nguyễn Văn Sơn đành phải để chuối chín rục ngoài đồng vì không tiêu thụ được   “Tôi trồng chuối bằng giống cấy mô, hiện nay mỗi ngày chín cả tấn, nếu không tiêu thụ kịp thì chỉ có vứt bỏ”, ông Sơn bức xúc nói. Theo ông Nguyễn Duy Ân (PGĐ Sở NN-PTNT), Cty Ngọc Đĩnh ký hợp đồng bao tiêu sản phẩm với người trồng chuối nhưng đã không thực hiện cam kết theo hợp đồng. Trước đó, do khi ký kết hợp đồng bao tiêu sản phẩm đầu ra nông sản, người nông dân và doanh nghiệp không thống nhất ký quỹ tại ngân hàng nên không có cơ sở để ràng buộc trách nhiệm lẫn nhau. “Vì vậy, người dân trước khi chọn ký hợp đồng bao tiêu sản phẩm cần phải cân nhắc, kiểm tra năng lực của doanh nghiệp đối tác, nếu doanh nghiệp không đồng ý ký quỹ thì người dân cần phải cân nhắc. Đặc biệt, nếu gặp khó khăn nên báo ngay cho ngành chức năng làm trung gian để giải quyết”, ông Ân khuyến cáo. Vấn đề đặt ra, hiện nay vẫn còn nhiều vườn chuối già Nam Mỹ với diện tích rất lớn đang chuẩn bị thu hoạch, cụ thể như trên địa bàn xã Tân Đông, theo ông Bùi Quốc Trung, Chủ tịch Hội nông dân xã thì diện tích lên gần 50 ha. Vì vậy, nếu vẫn tiếp tục tình trạng không có đầu ra và giá chuối xuống thấp, thì người trồng chuối có nguy cơ phá sản! Theo ông Võ Đức Trong (GĐ Sở NN-PTNT), thời gian qua, nhất là trong dịp tết vừa qua sức tiêu thụ chuối (các loại chuối không dùng để chưng mâm ngũ quả – PV) không mạnh, dẫn đến tình trạng giá chuối giảm xuống, thương lái ép giá người trồng. Đối với những người trồng chuối ký hợp đồng với các doanh nghiệp có uy tín, được bao tiêu sản phẩm, bảo đảm giá cả ổn định thì không có vấn đề gì. “Có thể nói, trong thực tế đang có một số doanh nghiệp hoạt động mập mờ, không minh bạch. Không riêng gì chuối, mà bất cứ giống cây trồng nào khác cũng thế. Nếu có ký hợp đồng cung cấp giống, bao tiêu sản phẩm đầu ra với các Cty, doanh nghiệp, người dân cần phải thông qua chính quyền địa phương cũng như cơ quan chuyên môn trước khi đặt bút ký kết, như thế mới có cơ sở đảm bảo quyền lợi sau này”, ông Trong chia sẻ.

“Việc không tiêu thụ chuối già Nam Mỹ theo hợp đồng là ngoài ý muốn của doanh nghiệp do không có thị trường tiêu thụ. Nguyên nhân một phần khác là do nông dân tự ý trồng chuối quá sớm, không nghe theo khuyến cáo của Cty. Hiện nay, chúng tôi đang tích cực ráo riết tìm đối tác xuất khẩu để phần nào giảm thiệt hại cho bà con nông dân” – ông Trần Quốc Toàn, GĐ Cty Ngọc Đĩnh….

Tổng hợp bởi Farmtech Vietnam