Công nghệ sinh học nâng sức cạnh tranh cho hàng nông sản

Mở rộng ứng dụng và phát triển công nghệ sinh học (CNSH) nhằm nâng cao khả năng cạnh tranh của hàng hóa là một trong những mục tiêu trọng tâm của tỉnh Vĩnh Long. Giai đoạn từ nay đến năm 2015, Vĩnh Long tập trung xây dựng đề án phát triển CNSH thành một ngành kinh tế kỹ thuật phục vụ cho sản xuất nông nghiệp và công nghiệp chế biến các sản phẩm chủ lực, đóng góp quan trọng cho tăng trưởng kinh tế của tỉnh.

Tỉnh Vĩnh Long hiện có 60 tổ chức khoa học và công nghệ. Trong đó, có trên 10 tổ chức hoạt động nghiên cứu, ứng dụng CNSH cùng với mạng lưới 4 hợp tác xã nông nghiệp, 59 tổ hợp tác và trên 5.800 hộ tham gia sản xuất giống lúa, 1 trại giống cây ăn trái và 128 cơ sở sản xuất giống cây ăn trái trong dân quy mô 1,73 triệu cây/năm; 119 cửa hàng giống rau màu, trung tâm cung cấp giống lợn, bò, gia cầm; trên 210 cơ sở ươm cá giống, nhân giống tôm càng xanh. Các cơ sở đã thực hiện 18 đề tài liên quan đến ứng dụng CNSH tập trung vào lĩnh vực sản xuất nông nghiệp, tuyển chọn và đưa vào sản xuất 10 giống lúa mới ngắn ngày, 5 giống rau màu mới, 11 giống cây ăn trái và các giống gia súc lai tạo góp phần cải thiện chất lượng con giống địa phương.

Tuy nhiên, điểm hạn chế trong nghiên cứu, ứng dụng CNSH của Vĩnh Long thời gian qua là chưa tạo ra bước đột phá về năng suất, chất lượng sản phẩm và hiệu quả đầu tư. Nhiều đề tài, dự án về CNSH chỉ mang tính nghiên cứu, thử nghiệm, chưa ứng dụng vào sản xuất đại trà mang lại hiệu quả cao. Mạng lưới nhân giống quy mô nhỏ, phát triển chưa ổn định, chưa đáp ứng nhu cầu sản xuất của việc phát triển sản xuất nông nghiệp theo hướng hàng hóa.

Từ nay đến năm 2015, Vĩnh Long sẽ mở rộng khai thác, đa dạng nguồn vốn để tạo sự chuyển biến rõ nét trong đầu tư phát triển CNSH, tạo ra những sản phẩm thiết yếu thúc đẩy kinh tế phát triển. Tỉnh đã xây dựng cơ cấu vốn đầu tư phát triển CNSH trong đó vốn Nhà nước (Trung ương và địa phương) chiếm tỷ lệ 70%, vốn tài trợ thông qua các tổ chức quốc tế 10% và vốn mời gọi đầu tư qua doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân chiếm tỷ lệ 20%; thu hút các nguồn vốn đầu tư trang thiết bị theo hướng hiện đại, xây dựng cơ sở vật chất phục vụ nghiên cứu, ứng dụng CNSH.

Từ nay đến năm 2010, Vĩnh Long tăng cường phân bổ kinh phí cho hoạt động nghiên cứu, triển khai các đề tài, dự án về CNSH chiếm tỷ lệ từ 25-35% tổng kinh phí sự nghiệp khoa học hàng năm; bố trí ưu tiên cho các dự án sản xuất giống cây trồng, giống vật nuôi, thủy sản năng suất, chất lượng cao và kháng sâu bệnh, sản xuất chế pham sinh học dùng trong nông nghiệp, môi trường và sản xuất các sản phẩm chế biến từ nông sản, thực phẩm bằng CNSH. Bằng các chính sách ưu đãi về đất đai, thuế, tài chính, môi trường đầu tư…, tỉnh khuyến khích thành lập các đơn vị ứng dụng kết quả nghiên cứu vào sản xuất tạo ra sản phẩm.

Trong đề án phát triển CNSH giai đoạn 2007-2015, Vĩnh Long tập trung phát triển tiềm lực CNSH. Trong đó, thành lập Trung tâm CNSH; đầu tư nâng cấp các phòng thí nghiệm của Trung tâm giống thuộc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, phòng thí nghiệm của Trung tâm ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật thuộc Sở Khoa học- Công nghệ, Trung tâm Kiểm nghiệm Thuốc-mỹ phẩm-thực phẩm… Hai lĩnh vực được tỉnh tập trung ứng dụng CNSH là: chọn, tạo giống cây trồng, vật nuôi có năng suất, chất lượng phục vụ sản xuất nông nghiệp và trong công nghệ chế biến, bảo quản nông sản thực phẩm như: gạo, trái cây, thủy sản.

Hiện nay, tỉnh Vĩnh Long có trên 50 cán bộ có trình độ thạc sĩ hoạt động trong các lĩnh vực liên quan đến CNSH, trong đó chủ yếu được bố trí công tác tại các cơ quan quản lý nhà nước nên chưa phát huy hiệu quả chuyên môn. Từ năm 2007, tỉnh thực hiện quy hoạch đào tạo, bồi dưỡng cán bộ khoa học theo 2 hướng: đào tạo đội ngũ cán bộ đầu đàn chuyên ngành có trình độ tiến sĩ và đào tạo đội ngũ nhân lực cần thiết 100 người có trình độ thạc sĩ, đại học và kỹ thuật viên chuyên ngành ở 3 lĩnh vực: CNSH nông nghiệp, công nghệ thực phẩm, môi trường. UBND tỉnh giao cho các Sở, ngành như: nông nghiệp, công nghiệp, y tế xây dựng chương trình, dự án về CNSH ứng dụng cho ngành mình, đẩy mạnh đưa CNSH vào thực tiễn và phát triển thành một ngành kinh tế-kỹ thuật phục vụ sản xuất các sản phẩm chủ lực để thúc đẩy tăng trưởng kinh tế của Vĩnh Long.

Tổng hợp bởi Farmtech Vietnam

Ứng dụng công nghệ sinh học trong nông nghiệp

Ứng dụng công nghệ sinh học (CNSH) trong lĩnh vực nông nghiệp được coi là giải pháp đột phá xây dựng nền nông nghiệp nước ta phát triển toàn diện theo hướng hiện đại. Tuy nhiên, việc đầu tư nghiên cứu ứng dụng CNSH vẫn chưa tương xứng với tiềm năng và đáp ứng nhu cầu phục vụ sản xuất nông nghiệp trong giai đoạn hiện nay.

Ứng dụng công nghệ sinh học trong nông nghiệp

Theo báo cáo của Bộ NN&PTNT, đến hết năm 2010, Chương trình trọng điểm phát triển và ứng dụng CNSH trong lĩnh vực nông nông nghiệp và phát triển nông thôn giai đoạn 2006-2010 đã phê duyệt đưa vào thực hiện được 90 nhiệm vụ khoa học công nghệ (78 đề tài và 12 dự án sản xuất thử nghiệm), trong đó có 35 đề tài kết thúc năm 2010.
Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Cao Đức Phát khẳng định, các kết quả nghiên cứu đã tạo ra hoặc tiếp nhận và làm chủ được một số CNSH hiện đại đưa vào ứng dụng hiệu quả chủ yếu tập trung ở những lĩnh vực chính như chuyển gen mang tính trạng tốt vào giống cây trồng, vật nuôi nhằm tạo ra những giống có năng suất cao, thích nghi với điều kiện thời tiết khắc nghiệt, có khả năng chống chịu dịch bệnh hoặc tạo ra các chế phẩm sinh học bảo vệ cây trồng, vật nuôi.

Nhiều địa phương đã ứng dụng CNSH vào trồng trọt, chăn nuôi đạt hiệu quả kinh tế cao. Đơn cử như việc triển khai 14 đề tài chọn tạo giống cây trồng nông, lâm nghiệp bằng phương pháp chỉ thị phân tử đã chọn tạo được 7 giống lúa chịu hạn, 2 giống lúa kháng đạo ôn, 4 giống lúa kháng rầy nâu, 2 giống lúa thơm chất lượng cao, 2 giống chè có triển vọng về năng suất, chất lượng, 8 giống bông kháng bệnh xanh lùn… Trong lĩnh vực chăn nuôi, các kết quả nghiên cứu đã lựa chọn được môi trường bảo quản tinh dịch dài ngày, cải tiến được các quy trình công nghệ tạo phôi, cấy truyền phôi, đông lạnh phôi lợn và bò trong ống nghiệm. Việc sử dụng tinh nhân tạo giúp bò trưởng thành tăng từ 180kg/con lên 250-300kg/con, tỷ lệ xẻ thịt tăng 1,5 lần. Nông dân ở nhiều địa phương còn ứng dụng CNSH trong ủ, chế biến thức ăn chăn nuôi cho gia súc, gia cầm để tận dụng các phế phẩm nông nghiệp, giảm chi phí đầu vào…

Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả nghiên cứu CNSH đã được ứng dụng vào sản xuất thì vẫn còn một số đề tài CNSH vẫn chỉ là thí nghiệm, nhiều nhiệm vụ chậm triển khai thậm chí không ít đề tài đang nằm lưu cữu trong phòng thí nghiệm.

Theo các chuyên ngành nông nghiệp, nguyên nhân chậm triển khai đưa các ứng dụng CNSH vào sản xuất nông nghiệp, vẫn là lực lượng nghiên cứu CNSH còn mỏng, kinh phí đầu tư quá thấp… Trong khi đó, một số nội dung nghiên cứu thì rộng bao gồm tất cả các lĩnh vực sản xuất của ngành nông nghiệp.Đó là chưa kể đến các nghiên cứu có sự trùng lắp về nội dung với chương trình khoa học công nghệ cấp nhà nước về CNSH và chương trình bảo tồn quỹ gen do Bộ Khoa học & Công nghệ quản lý…

Theo Bộ trưởng Cao Đức Phát o đặc điểm của một đất nước chủ yếu người dân sinh sống bằng nghề nông, vì vậy, chính phủ chỉ đạo tiếp tục thực hiện Chương trình trọng điểm phát triển và ứng dụng CNSH trong lĩnh vực NN&PTNT giai đoạn 2011-2015 là hết sức cần thiết, nhưng phải có bước đi và cách làm phù hợp. Công tác nghiên cứu nên tập trung vào việc chọn tạo, nhân giống cây trồng, vật nuôi, giống thuỷ sản cho năng suất, chất lượng cao; phòng, trừ dịch bệnh cây trồng, vật nuôi, thuỷ sản; nghiên cứu phát triển các quy trình công nghệ trong sản xuất, bảo quản, chế biến sản phẩm nông nghiệp; phát triển các vùng sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao…

Ðể các thành tựu nghiên cứu sớm ứng dụng thành công vào đồng ruộng, tránh tình trạng nghiên cứu xong rồi để lại “ngâm cứu“, Bộ NN&PTNT khuyến khích sự tham gia của các tổ chức, cá nhân thuộc mọi thành phần kinh tế, địa phương tham gia vào hoạt động nghiên cứu và phát triển CNSH trong khuôn khổ chương trình; phối hợp với các đơn vị quản lý từ Trung ương đến địa phương và doanh nghiệp tổ chức kiểm tra, giám sát, đánh giá các kết quả nghiên cứu và ứng dụng vào sản xuất… Cùng với đó, tạo điều kiện cho các cơ sở khoa học mở rộng liên kết, tổ chức đào tạo và nhập khẩu công nghệ, thiết bị của nước ngoài mà trong nước chưa triển khai thực hiện các dự án nghiên cứu ứng dụng.

Các chuyên gia ngành này cho rằng cần có chế độ ưu đãi, hỗ trợ với mức cao cho công tác nghiên cứu khoa học, có như vậy mới kích thích được “chất xám” của đội ngũ cán bộ có trình độ giỏi, tâm huyết gắn bó với nghề nông.

Tổng hợp bởi Farmtech Vietnam