Sản xuất nông nghiệp thích ứng biến đổi khí hậu

Tỉnh An Giang đang tập trung phát triển kinh tế nông nghiệp thích ứng với biến đổi khí hậu bền vững dựa trên thế mạnh về lúa và cá tra, đồng thời phát triển ngành du lịch xanh…

An Giang đang tập trung phát triển kinh tế nông nghiệp thích ứng với biến đổi khí hậu

Ông Thiều Vĩnh An, Cục trưởng Cục Thống kê tỉnh An Giang cho biết, ước tính tổng diện tích trồng lúa năm 2017 của tỉnh đạt gần 649.200ha, giảm gần 20.000ha, trong đó các  vụ ĐX, HT và TĐ đều giảm diện tích. Đồng thời diện tích hoa màu gieo trồng được hơn 60.000ha, tăng nhẹ so cùng kỳ. Ông Trần Anh Thư, GĐ Sở NN-PTNT An Giang cho biết, diện tích gieo trồng cây lúa giảm do chuyển dịch sang cây trồng và nuôi thủy sản khác mang lại hiệu quả kinh tế cao hơn. Tổng sản lượng lúa cả năm đạt xấp xỉ 4 triệu tấn, giảm gần 40.000 tấn, nhưng giá trị SX tăng, ước tính giá trị SX nông nghiệp bình quân đạt mức 160 triệu đồng/ha.

Nông nghiệp An Giang đang hướng tới SX bền vững. Ngoài kế hoạch SX lúa hàng năm để đảm bảo kế hoạch lương thực, xu hướng chuyển dịch sang các cây trồng khác mang lại hiệu quả kinh tế cao đang được nông dân áp dụng.

Tỉnh chú trọng SX lúa gạo an toàn, nâng cao chất lượng, tăng diện tích lúa nếp để đáp ứng nhu cầu thị trường. Năm 2017, riêng sản lượng lúa nếp đã đạt gần 1,1 triệu tấn, tăng 271.500 tấn so năm trước. Tuy nhiên để đảm bảo SX bền vững, tỉnh đã quy hoạch vùng SX lúa nếp tại huyện Phú Tân, và thường xuyên kiểm soát các địa phương “xé rào” SX do sức hút của thị trường.

Trong SX cây lúa hàng năm, xu hướng hình thành chuỗi liên kết SX từ khâu cung cấp giống chất lượng cao đến khâu thu hoạch, tiêu thụ sản phẩm, chế biến xay xát và xuất khẩu đang được nhiều nông dân lựa chọn. Theo thống kê mỗi năm trên địa bàn tỉnh có  trên 35.400ha đất SX 2 vụ thực hiện chuỗi liên kết SX mang lại hiệu quả cao cho nông dân.

Ngành nông nghiệp An Giang đang tổ chức thực hiện liên kết với Tập đoàn Lộc Trời để xây dựng thương hiệu lúa gạo của tỉnh, nhằm đáp ứng yêu cầu xuất khẩu sản phẩm lúa gạo ra thị trường ngoài nước.  Trong nhiều năm qua tại tỉnh An Giang, Tập đoàn Lộc Trời đã xây dựng và vận hành hai nhà máy chế biến xay xát gạo với công suất là 200.000 tấn/năm/nhà máy.

Các nhà máy gắn liền với vùng nguyên liệu tại xã Vĩnh Bình, huyện Châu Thành và xã Vọng Đông, huyện Thoại Sơn cùng các địa phương khác gần nhà máy với phương thức: Tập đoàn Lộc Trời liên kết SX với hộ nông dân để cung cấp sản phẩm cho nhà máy. Tập đoàn cung cấp cho nông dân giống lúa tốt để áp dụng quy trình SX an toàn cho sản phẩm gạo sạch…

Trong các năm qua, nông nghiệp An Giang đánh dấu bước chuyển biến từ chuyển dịch diện tích trồng lúa sang trồng cây ăn trái, mang lại nhiều hiệu quả tích cực. Năm 2017 tổng diện tích cây ăn trái trên 15.800ha, tăng 19,2% (tương đương tăng 2.552ha so cùng kỳ), trong đó diện tích cây ăn trái tăng chủ yếu trên địa bàn huyện Chợ Mới. Diện tích cây ăn trái đã cho thu hoạch sản phẩm trên 11.700ha.

Ông Nguyễn Thanh Phong, Bí thư Huyện ủy Chợ Mới cho rằng, việc chuyển dịch cơ cấu cây trồng từ trồng lúa sang hình thành vùng cây ăn trái kết hợp với du lịch sinh thái là hướng đi đúng của huyện. Chợ Mới đang hướng tới mục tiêu phát triển kinh tế bền vững bằng hình thành các HTX  trồng xoài đạt tiêu chuẩn VietGAP, ứng dụng tiến bộ kỹ thuật tưới nhỏ giọt. Hiện toàn huyện đã hình thành các vùng trồng xoài tập trung, với các giống chất lượng cao như xoài Đài Loan, xoài Cát Hòa Lộc. Kế hoạch nâng diện tích xoài đạt tiêu chuẩn VietGAP đến năm 2018 là 500ha.

Tri Tôn là huyện miền núi có đông bà con dân tộc Khmer sinh sống, với điều kiện đất đai khí hậu có 6 tháng mùa mưa và 6 tháng là mùa nắng nóng. Kinh tế của huyện trước đây chỉ trông chờ vào trồng lúa, nuôi bò với quy mô nhỏ lẻ, bấp bênh. Năm 2017 đánh dấu bước chuyển tích cực của huyện, khi có nhiều DN đầu tư chăn nuôi gia súc với quy mô lớn bằng công nghệ tiên tiến. Đây cũng là điều kiện thuận lợi cho huyện Tri Tôn trong phát triển nền kinh tế bền vững, thân thiện với môi trường, mang lại lợi ích tích cực cho bà con.

Theo nongnghiep.vn được kiểm duyệt bởi Farmtech Vietnam.

Trồng củ đậu thu đông

Giống và thời vụ: Dùng các giống củ đậu lai F1 có thời gian sinh trưởng ngắn 95-110 ngày, năng suất cao 15-20 tạ/sào. Vụ thu đông trồng tháng 8-9, đầu tháng 10; thu hoạch tháng 12 đến tháng 1 năm sau, vụ này cũng cho năng suất, chất lượng khá.

Cách trồng: Chọn đất cát pha, thịt nhẹ thoát nước, độ pH: 5,5-7,0, nếu đất chua cần bón 20-25kg vôi bột/sào khi cày bừa, để hả đất 7-10 ngày sau mới trồng.

Lượng phân bón cho 1 sào: Phân chuồng hoai mục 5-6 tạ; rơm, rạ 2-3 tạ. Phân khoáng: tốt nhất dùng phân tổng hợp NPK (5:10:3) Lâm Thao 40-50kg; đạm urê 2-3kg; kali clorua 5-6kg.

Cày sâu, bừa kỹ, nhặt sạch cỏ dại, cày định luống, rộng 1,5-1,8m theo hướng đông – tây hay theo chiều thoát nước của ruộng. Bón lót toàn bộ rơm, rạ xuống dưới cùng cho xốp đất, phân chuồng hoai mục, phân tổng hợp NPK và 1/2 lượng kali trộn đều rắc lên trên, sau đó dùng cuốc vét đất lấp phân dày 4-5cm, luống cao 60-70cm, mặt luống khum hình mai rùa.

Tra hạt: Hạt củ đậu nếu gieo xen với hạt cải củ cho hiệu quả kinh tế cao. Sau khi vun luống xong thì rắc đều một lớp hạt cải củ lên trên bề mặt và hai bên luống rồi mới gieo hạt củ đậu. Hạt củ đậu được rắc thành 6-7 hàng theo chiều dọc luống, hàng nọ cách hàng kia 8-10cm, hạt nọ cách hàng kia 6-8cm, hạt chỉ ấn nhẹ vào luống, không cần lấp sâu. Gieo hạt xong thì tiến hành đậy rạ. Rạ được vuốt thẳng theo chiều từ trên đỉnh xuống chân luống, một lớp mỏng vừa phải để chống cỏ dại mọc, giữ ẩm và chống xói, lở trôi hạt giống khi gặp mưa to.

Sau khoảng 7-10 ngày hạt cải, hạt củ đậu đều mọc. Khi hạt mọc được 15-20 ngày, tỉa bớt rau cải củ đem bán, tưới thúc 2-3kg đạm cho cải củ và củ đậu phát triển nhanh thân lá.

Khi mọc được 40-45 ngày nhổ bán hết cải củ, tưới thúc nốt lượng kali còn lại cho củ đậu phát triển nhanh.

Lúc củ đậu bói hoa, dùng dao, kéo cắt hết hoa, nụ và lộc non vươn dài, tạo điều kiện cho các chất vận chuyển từ thân lá vào củ thuận lợi.

Tưới đủ ẩm cho củ đậu phát triển thuận lợi, năng suất cao.

Thu hoạch: Sau khi mọc được 95-110 ngày, có khoảng 50-70% số lá ngả màu vàng là lúc cần phải thu hoạch.

Tổng hợp bởi Farmtech Vietnam

Công nghệ sinh học nâng sức cạnh tranh cho hàng nông sản

Mở rộng ứng dụng và phát triển công nghệ sinh học (CNSH) nhằm nâng cao khả năng cạnh tranh của hàng hóa là một trong những mục tiêu trọng tâm của tỉnh Vĩnh Long. Giai đoạn từ nay đến năm 2015, Vĩnh Long tập trung xây dựng đề án phát triển CNSH thành một ngành kinh tế kỹ thuật phục vụ cho sản xuất nông nghiệp và công nghiệp chế biến các sản phẩm chủ lực, đóng góp quan trọng cho tăng trưởng kinh tế của tỉnh.

Tỉnh Vĩnh Long hiện có 60 tổ chức khoa học và công nghệ. Trong đó, có trên 10 tổ chức hoạt động nghiên cứu, ứng dụng CNSH cùng với mạng lưới 4 hợp tác xã nông nghiệp, 59 tổ hợp tác và trên 5.800 hộ tham gia sản xuất giống lúa, 1 trại giống cây ăn trái và 128 cơ sở sản xuất giống cây ăn trái trong dân quy mô 1,73 triệu cây/năm; 119 cửa hàng giống rau màu, trung tâm cung cấp giống lợn, bò, gia cầm; trên 210 cơ sở ươm cá giống, nhân giống tôm càng xanh. Các cơ sở đã thực hiện 18 đề tài liên quan đến ứng dụng CNSH tập trung vào lĩnh vực sản xuất nông nghiệp, tuyển chọn và đưa vào sản xuất 10 giống lúa mới ngắn ngày, 5 giống rau màu mới, 11 giống cây ăn trái và các giống gia súc lai tạo góp phần cải thiện chất lượng con giống địa phương.

Tuy nhiên, điểm hạn chế trong nghiên cứu, ứng dụng CNSH của Vĩnh Long thời gian qua là chưa tạo ra bước đột phá về năng suất, chất lượng sản phẩm và hiệu quả đầu tư. Nhiều đề tài, dự án về CNSH chỉ mang tính nghiên cứu, thử nghiệm, chưa ứng dụng vào sản xuất đại trà mang lại hiệu quả cao. Mạng lưới nhân giống quy mô nhỏ, phát triển chưa ổn định, chưa đáp ứng nhu cầu sản xuất của việc phát triển sản xuất nông nghiệp theo hướng hàng hóa.

Từ nay đến năm 2015, Vĩnh Long sẽ mở rộng khai thác, đa dạng nguồn vốn để tạo sự chuyển biến rõ nét trong đầu tư phát triển CNSH, tạo ra những sản phẩm thiết yếu thúc đẩy kinh tế phát triển. Tỉnh đã xây dựng cơ cấu vốn đầu tư phát triển CNSH trong đó vốn Nhà nước (Trung ương và địa phương) chiếm tỷ lệ 70%, vốn tài trợ thông qua các tổ chức quốc tế 10% và vốn mời gọi đầu tư qua doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân chiếm tỷ lệ 20%; thu hút các nguồn vốn đầu tư trang thiết bị theo hướng hiện đại, xây dựng cơ sở vật chất phục vụ nghiên cứu, ứng dụng CNSH.

Từ nay đến năm 2010, Vĩnh Long tăng cường phân bổ kinh phí cho hoạt động nghiên cứu, triển khai các đề tài, dự án về CNSH chiếm tỷ lệ từ 25-35% tổng kinh phí sự nghiệp khoa học hàng năm; bố trí ưu tiên cho các dự án sản xuất giống cây trồng, giống vật nuôi, thủy sản năng suất, chất lượng cao và kháng sâu bệnh, sản xuất chế pham sinh học dùng trong nông nghiệp, môi trường và sản xuất các sản phẩm chế biến từ nông sản, thực phẩm bằng CNSH. Bằng các chính sách ưu đãi về đất đai, thuế, tài chính, môi trường đầu tư…, tỉnh khuyến khích thành lập các đơn vị ứng dụng kết quả nghiên cứu vào sản xuất tạo ra sản phẩm.

Trong đề án phát triển CNSH giai đoạn 2007-2015, Vĩnh Long tập trung phát triển tiềm lực CNSH. Trong đó, thành lập Trung tâm CNSH; đầu tư nâng cấp các phòng thí nghiệm của Trung tâm giống thuộc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, phòng thí nghiệm của Trung tâm ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật thuộc Sở Khoa học- Công nghệ, Trung tâm Kiểm nghiệm Thuốc-mỹ phẩm-thực phẩm… Hai lĩnh vực được tỉnh tập trung ứng dụng CNSH là: chọn, tạo giống cây trồng, vật nuôi có năng suất, chất lượng phục vụ sản xuất nông nghiệp và trong công nghệ chế biến, bảo quản nông sản thực phẩm như: gạo, trái cây, thủy sản.

Hiện nay, tỉnh Vĩnh Long có trên 50 cán bộ có trình độ thạc sĩ hoạt động trong các lĩnh vực liên quan đến CNSH, trong đó chủ yếu được bố trí công tác tại các cơ quan quản lý nhà nước nên chưa phát huy hiệu quả chuyên môn. Từ năm 2007, tỉnh thực hiện quy hoạch đào tạo, bồi dưỡng cán bộ khoa học theo 2 hướng: đào tạo đội ngũ cán bộ đầu đàn chuyên ngành có trình độ tiến sĩ và đào tạo đội ngũ nhân lực cần thiết 100 người có trình độ thạc sĩ, đại học và kỹ thuật viên chuyên ngành ở 3 lĩnh vực: CNSH nông nghiệp, công nghệ thực phẩm, môi trường. UBND tỉnh giao cho các Sở, ngành như: nông nghiệp, công nghiệp, y tế xây dựng chương trình, dự án về CNSH ứng dụng cho ngành mình, đẩy mạnh đưa CNSH vào thực tiễn và phát triển thành một ngành kinh tế-kỹ thuật phục vụ sản xuất các sản phẩm chủ lực để thúc đẩy tăng trưởng kinh tế của Vĩnh Long.

Tổng hợp bởi Farmtech Vietnam

Ứng dụng khoa học công nghệ tạo sức bật cho sản xuất nông nghiệp

Theo thống kê của Viện Nghiên cứu Hợp tác Khoa học kỹ thuật Châu Á- Thái Bình Dương (IAP), từ năm 2001 đến năm 2005, tổng sản phẩm (GDP) của ngành nông- lâm- thủy sản TP Cần Thơ tăng từ trên 1.300 tỉ đồng lên gần 2.700 tỉ đồng; giá trị sản xuất tăng từ 2.055 tỉ đồng lên 3.800 tỉ đồng. Một trong những yếu tố quan trọng để có được kết quả trên là ngành nông nghiệp đã tích cực đẩy mạnh chuyển giao và ứng dụng khoa học công nghệ (KHCN) vào sản xuất.

               Ứng dụng khoa học công nghệ tạo sức bật cho sản xuất nông nghiệp

Sức bật cho sản xuất nông nghiệp

Hiện nay, phương thức chuyển giao KHCN đến nông dân được áp dụng phổ biến là tổ chức điều tra mô hình sản xuất có hiệu quả trên địa bàn thành phố để nhân rộng những mô hình này. Đồng thời, xây dựng mô hình trình diễn ứng dụng KHCN tiến bộ để phổ biến cho người dân học hỏi, làm theo. Đây cũng là con đường ngắn nhất đưa kết quả nghiên cứu từ các cơ sở nghiên cứu đến đồng ruộng.

Ở lĩnh vực trồng trọt, các cơ quan khuyến nông từ thành phố đến cơ sở đã triển khai 21 loại mô hình kỹ thuật tiến bộ với trên 4.300 điểm trình diễn. Trong đó, mô hình nhân giống lúa chất lượng cao được thực hiện liên tục qua các năm, góp phần cung cấp giống lúa chất lượng cao cho sản xuất đại trà. Mô hình trồng cây ăn quả như xoài cát Hòa Lộc, cây có múi sạch bệnh, góp phần mở rộng diện tích cây ăn quả trong thành phố. Mô hình luân canh lúa- màu hoặc lúa- màu- thủy sản ngày càng phổ biến, giúp nông dân thay đổi tập quán độc canh cây lúa, nâng cao hiệu quả kinh tế.

Với sự tác động từ cán bộ khuyến nông và hiệu quả kinh tế của những mô hình luân canh lúa- màu, gia đình ông Nguyễn Văn Chiến, ở phường Thới An Đông, quận Bình Thủy, đã mạnh dạn chuyển đổi thói quen chuyên canh 3 vụ lúa/ năm sang trồng 1 vụ lúa- 2 vụ màu. Năm 2005, ông trồng 1 vụ lúa, 2 vụ dưa hấu và sử dụng màng phủ nông nghiệp. Tổng lợi nhuận mà ông Chiến thu được là 12,6 triệu đồng, tăng gần gấp đôi so với trồng 3 vụ lúa. Riêng vụ xuân hè 2006, ngoài diện tích 3.900m2 đất nhà, gia đình ông thuê thêm 2.600m2 để trồng dưa hấu và đạt lợi nhuận gần 20 triệu đồng.

Không chỉ nhân rộng những mô hình hiệu quả, ngành trồng trọt còn triển khai đồng bộ các kỹ thuật tiến bộ về giống, dinh dưỡng, kỹ thuật bảo vệ cây trồng… Trong đó, chương trình “3 giảm, 3 tăng” đã giúp nông dân thay đổi tập quán sản xuất lúa: giảm lượng giống gieo sạ, phân bón hóa học và thuốc bảo vệ thực vật; sản xuất lúa theo hướng bền vững, ổn định và khoa học. Theo thống kê của Chi cục Bảo vệ Thực vật TP Cần Thơ, đến nay, khoảng 30% nông dân ứng dụng qui trình phòng trừ tổng hợp (IPM) trong sản xuất cây có múi. Thành phố đã xây dựng 3 vùng sản xuất rau an toàn từ năm 2003 với tổng diện tích 200 ha và hiện nay, diện tích trồng rau an toàn lên đến khoảng 500 ha.

Trong lĩnh vực chăn nuôi, KHCN được ứng dụng để tạo nguồn giống gia súc, gia cầm cho năng suất cao, chất lượng tốt; áp dụng công nghệ lên men sinh học để ủ chua thức ăn, tăng giá trị dinh dưỡng; phòng trừ dịch bệnh gia súc, gia cầm… Chương trình Sind hóa đàn bò là một trong những chương trình tiêu biểu. Từ năm 2001-2005, chương trình được đầu tư trên 140 tỉ đồng. Nhờ ứng dụng tiến bộ kỹ thuật trong chăn nuôi, trọng lượng của bò thịt lai Sind tăng cao, lợi nhuận cao hơn bò ta từ 1-2 triệu đồng/con, bê con của bò lai Sind cũng có giá bán cao hơn từ 1-2 triệu đồng/con so với bê ta. Ngoài ra, số lượng bò sữa ngày càng phát triển, tạo nguồn sữa ổn định cung cấp cho thị trường và giúp người nuôi cải thiện thu nhập, nâng cao đời sống.

Bên cạnh trồng trọt và chăn nuôi, ngành thủy sản của thành phố cũng có những bước phát triển vượt bậc. Trong 5 năm qua, mỗi năm, tốc độ phát triển của thủy sản luôn tăng trên 10%. Trong các mô hình nuôi thủy sản tại Cần Thơ, mô hình nuôi tôm càng xanh đang phát triển rất mạnh với diện tích nuôi trên 300 ha. Để đáp ứng nhu cầu con giống ngày càng cao trong khi nguồn tôm giống tự nhiên ngày càng khan hiếm, Trung tâm Giống Nông nghiệp Cần Thơ đã tổ chức chuyển giao qui trình sản xuất giống tôm càng xanh theo qui trình “nước trong- hệ hở” cho 20 hộ dân sản xuất giống tôm càng xanh. Qua đó, xây dựng 10 trại tư nhân để sản xuất tôm giống, với vốn đầu tư trang thiết bị và nguyên liệu là 30 triệu đồng/trại. 40 kỹ thuật viên được đào tạo để phục vụ cho hoạt động sản xuất của các trại. Kết quả, 10 trại đã tiến hành sản xuất giống tôm càng xanh đạt tiêu chuẩn, cung cấp con giong có chất lượng cho người nuôi trong thành phố và các tỉnh lân cận.

Những thách thức

Bên cạnh những kết quả khả quan, ngành nông nghiệp thành phố vẫn còn phải đối mặt với không ít khó khăn, hạn chế. Theo kết quả nghiên cứu của Viện Nghiên cứu Hợp tác Khoa học kỹ thuật Châu Á- Thái Bình Dương (IAP), đơn vị hợp tác với Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn TP Cần Thơ, trong quá trình chuyển giao, ứng dụng KHCN vào sản xuất nông nghiệp, chính sách đầu tư cho nông nghiệp chưa thỏa đáng. Năm 2000, vốn đầu tư phát triển ngành nông- lâm nghiệp trên 167 tỉ đồng nhưng đến năm 2005, giảm xuống còn trên 45 tỉ đồng.

Hỗ trợ của Trung ương đối với chương trình phát triển nông nghiệp công nghệ cao còn rất hạn chế, chưa thúc đẩy việc phổ biến và áp dụng phương thức canh tác tiến bộ trên diện rộng trong khi cạnh tranh trên thị trường ngày càng gay gắt. Mặt khác, qui mô sản xuất nông hộ nhỏ lẻ, chưa đáp ứng yêu cầu của nền sản xuất hàng hóa lớn, ảnh hưởng đến quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa. Chất lượng nước mặt ngày càng bị ô nhiễm, hạn chế phát huy thế mạnh về nuôi trồng thủy sản. Việc liên kết giữa 4 nhà (Nhà nước, khoa học, doanh nghiệp, nông dân) phục vụ, nghiên cứu sản xuất chưa đồng bộ và hiệu quả chưa cao…

Ông Hà Anh Dũng, Giám đốc Trung tâm Khuyến nông Cần Thơ, cho rằng: “Tầm nhìn của nông dân còn hạn hẹp, còn trông chờ vào sự hỗ trợ kinh phí của Nhà nước. Lực lượng cán bộ khuyến nông tại các xã còn mỏng, trình độ chưa cao nhưng đảm nhiệm quá nhiều việc. Việc bao tiêu sản phẩm còn hạn chế khiến nông dân khó tìm đầu ra khi sản xuất nông sản với khối lượng lớn”. Còn theo thạc sĩ Bùi Phương Mai, cán bộ Phòng Quản lý khoa học, Sở Khoa học và Công nghệ TP Cần Thơ, thời gian qua, có những mô hình áp dụng tiến bộ KHCN rất thành công nhưng khó mở rộng ra sản xuất đại trà do hạn chế nguồn vốn. Do đó, Nhà nước cần hỗ trợ chuyển giao kết quả của các dự án đã kết thúc vào sản xuất nông nghiệp trên diện rộng.

Các cơ quan chức năng đều cho rằng: Trong giai đoạn phát triển mới, cần tiếp tục đẩy mạnh ứng dụng KHCN vào sản xuất nông nghiệp. Tăng cường nguồn vốn đầu tư cho các chương trình khuyến nông, chuyển giao ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật; khuyến khích, tạo điều kiện gắn kết giữa nông dân và doanh nghiệp, đảm bảo đầu ra cho sản phẩm… Mặt khác, thành phố nên có chiến lược đào tạo, nâng cao trình độ và phân bổ biên chế hợp lý cho cán bộ khuyến nông ở các địa phương, nhất là mạng lưới cán bộ khuyến nông ở các xã, góp phần nâng cao chất lượng và hiệu quả của quá trình chuyển giao, ứng dụng KHCN vào sản xuất nông nghiệp.

Tổng hợp bởi Farmtech Vietnam