Kỹ thuật trồng cây Đinh lăng đơn giản và cho năng suất cao

Cây Đinh lăng có tên khoa học là polyscias fruticosa, là cây thuộc họa ngũ gia bì, cây trồng khá dễ, cây thường được trồng để lấy lá, rể, thân, lá cây có thể được dùng làm thuốc trị bệnh hoặc làm gia vị các món ăn gỏi cá, thịt chó và nhiều món ăn khác.
Ngoài giá trị kinh tế cao cây Đinh lăng còn được biết đến là một loài cây thuốc chữa bệnh cực kỳ hiệu quả và được ví như nhân sâm Việt. Chính vì như vậy mà cây Đinh lăng hiện nay được rất nhiều bà con áp dụng và nhân rộng thành nhiều mô hình trang trại vô cùng hiệu quả.
Thực tế, trồng cây Đinh lăng không phải khó nhưng cũng không dễ nếu không biết cách áp dụng các bước kỹ thuật trồng cây khoa học như phải đảm bảo về mọi mặt từ giống, thời vụ trồng và nhất là hiểu đặc điểm của cây để tìm ra hướng chăm sóc sao cho phù hợp nhất.

Kỹ thuật trồng cây Đinh lăng cho năng suất cao không phải dễ. Ảnh minh họa
Cách chọn giống
Đinh lăng có 2 loại chính là Đinh lăng tẻ và Đinh lăng nếp. Cây Đinh lăng tẻ là loại có lá to, vỏ sần, củ nhỏ, rễ ra ít, cứng và có vỏ bì mỏng nên khả năng phát triển không cao. Ngược lại, Đinh lăng nếp có lả nhỏ và xoăn, vỏ cây nhẵn, củ to, rễ mềm, vỏ bì dày và phát triển mạnh nên cho chất lượng và năng xuất cao. Đây là loại Đinh lăng tốt, mạnh nên lựa chọn trong việc gieo trồng. Vì vậy khi chọn giống Đinh lăng không nên chọn cây quá già hoặc quá non. Để có được nhiều giống và dễ chăm sóc sau này, nên chặt cành ra thành nhiều đoạn, có độ dài khoảng 25-30cm, tránh làm dập 2 đầu của các đoạn.
Chọn đất
Đinh lăng là loài cây ưa ẩm không chịu được khô hạn nên chọn đất trồng phải tơi xốp, thoáng và giữ ẩm tốt. Vì vậy phải đảm bảo được yếu tố này cây mới thực sự phát triển nhanh.
Kỹ thuật trồng cây Đinh lăng
Kỹ thuật trồng cây Đinh lăng có thể áp dụng bằng cách giâm trực tiếp vào các bầu đất nilong hoặc cấy trên đất cát vàng đều có thể sinh trưởng được. Trước khi tiến hành trồng cần loại bỏ hết các tạp chất như đá, hạt cỏ, trộn chung với 9% phân chuồng u hoai cùng 1% supe lân tính theo trọng lượng của bầu.

Để có được những cây Đinh lăng tươi, tốt nhiều nhánh cần áp dụng đúng kỹ thuật trồng cây và chăm sóc. Ảnh minh họa
Bầu cần đóng đầy đất, chặt đất rồi xếp bầu vào luống rộng khoảng 0,8 đến 1 m. Trong trường hợp trồng cây Đinh lăng với số lượng lớn, thì nên cày cho đất tơi xốp, luống cao 20-50 cm và rạch sâu 15 cm, khoảng cách giữa các hố trồng là 50 cm, đặt hom giống theo chiều luống, nên bón lót bằng phân chuồng (4kg/sào), phân NPK (20kg), sau đó lấp hom và cho đầu hom hở khoàng 5 cm.
Chăm sóc
Sau khi trồng được một thời gian dài thì bạn nên chú ý khi cây bắt đầu xuất hiện một số bệnh và sâu hại cây. Do đó cần thường xuyên cắt tỉa những cành già và bỏ đi để cho cây thông thoáng hơn. Khi trồng được 6 tháng tuổi, tiến hành bón thúc bằng phân Ure (8kg/sào). Trồng được 2 năm tuổi trở đi, nên cắt bỏ bớt cành và lá thừa vào khoảng tháng 4 và tháng 9 hằng năm. Sau tỉa lần đầu, bón thêm 15kg phân NPK, 4kg phần Kali và bón thêm phân chuồng (300 kg/sào).
Thu hoạch
Trồng cây Đinh lăng phải sau 3 năm gieo trồng mới có thể thu hoạch. Nhìn chung, hầu hết các bộ phận của cây dược liệu Đinh lăng đều có tác dụng y học. Thân, lá và rễ có tác dụng tăng lực. Khi thu vỏ rễ, vỏ thân, người thu nên thu hoạch lá trước. Lá thu được đem hong gió cho khô là tốt nhất, cuối cùng sấy cho thật khô và đem bảo quản.
Thân và lá dùng làm thuốc bổ tăng cân, tăng co bóp tử cung và tăng tiết niệu có tác dụng an thần, ít độc. Nước sắc Đinh lăng có tác dụng đối kháng với trùng roi, trị lỵ amip cấp. Rễ dùng làm thuốc bổ tăng lực, gầy yếu mệt mỏi, tiêu hóa kém, phụ nữ sau sinh ít sữa, chữa ho ra máu, kiết lỵ, đau tử cung, giúp lợi tiểu. Lá của cây Đinh lăng chữa cảm sốt, mụn nhọt sưng tấy, sưng vú, dị ứng mẩn ngứa, vết thương. Thân và cành chữa thấp khớp đau lưng.
Nhân giống
Kỹ thuật nhân giống cây Đinh lăng hơi phức tạp. Bà con cần sử dụng dao sắc để chặt hai đầu của cành giâm hom, nên chặt từng đoạn với chiều cao khoảng từ 15 đến 20 cm, trên cành có khoảng từ 3- 4 mắt lá. Tránh làm dập 2 đầu của bầu để rễ dễ phát triển hơn.
Khi tỉa hom cần để lại khoảng từ 3 đến 4 lá, mỗi lá cần tỉa nhỏ lại, chỉ nên để khoảng 1/3 phiến lá. Phần phía dưới cần tỉa sạch lá để khi cắm vào bầu thì không bị chôn vùi trong đất nếu không những lá này sẽ bị thối. Bà con nên chọn cách cắt vát khoảng 45 độ, cắt gọn và dùng dao sắc để lá không bị giập.
Sau khi cắt xong cần được nhúng vào dung dịch Benlat nồng độ 100-200 ppm, khoảng 100- 200 mg Benlat thì pha với một lít nước. Nhúng cành hom vào dung dịch trong khoảng 12 phút để phòng trừ nấm bệnh là có thể đem hom đi giâm. Chú ý sau khi giâm không nên rửa lại cành với nước lã, nếu có thể thì nhúng vào dung dịch thuốc tím với nồng độ 0,1% để phòng trừ nấm rồi cắm vào trong bầu.

Nguồn: An Dương được kiểm duyệt bởi Farmtech VietNam.

Làm giàu từ nông nghiệp: 8X du học ở Mỹ, về quê làm…giống cấy mô

Có bố mẹ là doanh nhân kinh doanh vàng bạc nổi tiếng ở đất cảng Hải Phòng, lại học thạc sĩ về quản trị kinh doanh ở 1 trường đại học có tên tuổi ở Mỹ, những tưởng chàng trai 8X Nguyễn Mạnh Hiếu sẽ lao vào khởi nghiệp một ngành gì đó tương đồng. Ai dè, Hiếu đứng ra lập Công ty CP Công nghệ sinh học Hoa Việt, chuyên sản xuất và phân phối các loại giống cây trồng nuôi cấy mô.

Duyên với cây giống mô

Từ quận 10, TP.HCM, chúng tôi mất gần 2 tiếng đồng hồ để đến Nhà máy sản xuất cây giống công nghệ sinh học ở ấp Rừng Sến, xã Mỹ Hạnh Bắc, huyện Đức Hòa (Long An). Đây là “đại bản doanh” sản xuất giống cây trồng cấy mô của Công ty Hoa Việt. Trên xe có Hiếu và thạc sĩ Tô Thị Nhã Trầm – Giám đốc kỹ thuật của công ty. Đường khá xa, thỉnh thoảng lại kẹt xe nhưng câu chuyện khởi nghiệp đầy thú vị của 2 bạn trẻ đã làm cho thời gian gần như rút ngắn lại.

Giám đốc Nguyễn Minh Hiếu và Thạc sĩ Tô Thị Nhã Trầm trong phòng nuôi cấy mô của Công ty Hoa Việt. 

Cả Hiếu và Trầm đều có chung niềm đam mê với cây giống cấy mô, nhưng con đường đến với nghề này của cả 2 lại khác nhau. Hiếu kể, cậu học ở Mỹ về, nhận bằng thạc sĩ quản trị kinh doanh của Trường đại học Winconsin. Về Việt Nam,  không biết run rủi thế nào, Hiếu lại gặp cậu bạn đang ấp ủ ý định khởi nghiệp với loại giống cây nuôi cấy mô – lĩnh vực vô cùng tiềm năng nhưng vẫn còn  rất mới mẻ với những người trẻ như Hiếu. Nghe bạn say sưa câu chuyện đó, Hiếu  thử tìm tài liệu đọc và mê lúc nào không biết.

Đúng lúc đó, Hiếu gặp Trầm – cô thạc sĩ đã có hơn 10 năm nghiên cứu trong lĩnh vực nhân giống vô tính các loại cây trồng. Hiếu lập tức mời Trầm cùng cộng tác. Cũng dễ hiểu vì sao Trầm lại có “sức hút” với Hiếu như vậy. Trầm xuất thân từ gia đình làm nông ở Bình Thuận. Từ nhỏ, máu làm nông đã ăn vào da thịt cô, nên hễ có điều kiện là cô lại mày mò nghiên cứu các loại giống. Đến khi vào học Đại học Nông lâm TP.HCM và sau này là giảng viên của trường, Trầm càng có cơ hội được nghiên cứu về giống cây trồng. Có lần, khi Trầm đề xuất với thầy chủ nhiệm khoa làm đề tài nghiên cứu về cây chè đột biến ở xứ Lâm Đồng, không ít người đã cho rằng đầu óc cô “có vấn đề”. Nào ngờ Trầm làm thật và thành công.

 Nhờ sự sáng tạo, say mê nghiên cứu, Trầm đã gặt hái được hàng loạt các giải thưởng uy tín, như Giải thưởng VIFOTEX 2007; Giải Quả cầu Vàng toàn quốc 2011; Giải Eureka toàn quốc 2007, Giải thưởng Lương Định Của 2013…Có niềm đam mê chung, thế là cả 2 cùng bắt tay vào câu chuyện khởi nghiệp mà không ai nghĩ sẽ gắn bó lâu dài với mình: Sản xuất các loại giống nuôi cấy mô cho thị trường.

Mải nói chuyện, xe đến Nhà máy sản xuất cây giống của công ty lúc nào không hay. Trông bề ngoài, nhà máy thật khiêm tốn, nhưng vào trong mới thấy quy mô bế thế của nó. Phòng lad rộng hơn 1.000m2 với đầy đủ các trang thiết bị hiện đại; vườn ươm giống 20.000m2; vườn thuần 4.000m2…Làm việc tại công ty, lúc cao điểm có 60 công nhân viên. Dưới sự chỉ huy của Hiếu, Trầm, họ chính là những người duy trì sản xuất giống cây nuôi cấy mô và phân phối đi khắp nơi.

Những giống tiêu, chuối…sạch bệnh 

Phòng nuôi cấy mô của Công ty Hoa Việt.

Theo lời kể của Hiếu, khi bắt đầu khởi nghiệp, Hoa Việt cũng gặp rất nhiều khó khăn, lý do chính thời điểm đó chưa định vị được sản phẩm chính của công ty. Lúc này, khách hàng đặt mua giống gì là Trầm và nhóm kỹ sư của công ty lại bắt tay vào nuôi cấy mô và nhân giống. Cây nào cũng làm. Nhưng qua một thời gian, lãnh đạo công ty và Trầm nhận thấy nếu làm thế sẽ đặt công ty vào thế bị động, phải chạy theo khách hàng và quan trọng là Hoa Việt sẽ không có sản phẩm tiêu biểu để định vị thương hiệu.

 Nghĩ vậy, Hoa Việt định hướng đi vào 3 loại giống chính: Chuối, tiêu và đinh lăng. Vì sao vậy? Trầm cho biết: Cây chuối mấy năm nay rất phát triển, nhiều nước đã nhập khẩu loại quả này của Việt Nam. Tuy nhiên, yếu thế của ta là phải nhập giống từ nước ngoài hoặc sử dụng giống trong nước nhưng chất lượng không đồng đều. Trong khi đó, nếu nuôi cấy mô giống chuối  sẽ tạo được chất lượng tốt, đáp ứng được nhu cầu của sản xuất trong nước.

Còn cây tiêu, đường đến với nó phức tạp hơn. Trầm chia sẻ, cây tiêu là “vàng đen”, cho thu nhập lớn nhưng  rủi ro vì dịch bệnh luôn tiềm ẩn xuất hiện. Thực tế là từ thủ phủ cây tiêu ở Chư Sê (Gia Lai), xuống các huyện của Đồng Nai, rồi ra tận miền Trung, nông dân đã bao lần lao đao, tán gia, bại sản vì dịch bệnh.  “Nếu Hoa Việt có sản phẩm tốt, sạch bệnh và nguồn gốc rõ ràng thì không lý gì chúng tôi không định hướng lại sản xuất cho người dân”- Trầm khẳng định.  Những năm qua, Trầm và các đồng nghiệp đã nghiên cứu và phát triển ra loại tiêu Sri Lanka và tiêu Vĩnh Linh sạch bệnh, ngoài cung cấp cho các hộ nông dân còn đủ sức phục vụ cho những dự án quốc gia. Với 2 giống tiêu này, Hoa Việt đặt tham vọng sẽ khôi phục nền nông nghiệp hồ tiêu sạch và khoẻ, giảm thiểu chi phí và đạt giá trị thương phẩm cao.

Để có một sản phẩm cây giống mô ra thị trường, câu chuyện về quy trình sản xuất của nó không hề đơn giản. Lấy ví dụ từ sản xuất giống chuối, các kỹ sư ở đây đã phải áp dụng quy trình tuyển chọn nguồn giống khắt khe và ứng dụng dây chuyền sản xuất giống công nghệ cao. Giai đoạn cây chuối cấy mô được chăm sóc trong nhà lưới  khoảng 1 tuần. Yêu cầu độ thoáng cao, nhiệt độ lý tưởng từ 25 – 30 độ C, cung cấp độ ẩm cho không khí và cho cây bằng cách tưới phun sương. Suốt quá trình này, các kỹ sư  phải kiểm tra sự thích nghi của cây chuối với môi trường sống, độ cứng cáp của cây và khả năng tiếp nạp dinh dưỡng của rễ.

“Hiện, hàng trăm nghìn cây chuối giống mô, với các chủng loại như chuối cau, chuối tiêu Nam Mỹ, chuối Laba, chuối Xiêm, chuối đỏ… của chúng tôi đã được đưa đến khắp mọi miền Tổ quốc và xuống giống thành công. Tỷ lệ cây giống sinh trưởng và phát triển khoẻ mạnh luôn đạt ngưỡng trên 95%” –  Trầm khẳng định.

Sứ mệnh thay đổi nền nông nghiệp

Sau khi thăm khu nuôi cấy mô, rồi vườn ươm, khu làm giống, chúng tôi đến một khu vườn chuối được cấy mô tế bào khá đẹp. Những cây chuối  cao chừng 1m, đều tăm tắp, được trồng trên những luống đất được cày xới thẳng hàng, vuông vức. Phía trên là những màng lưới để che nắng cũng như để giữ độ ẩm cây. Cùng với đó là hệ thống tưới nhỏ giọt luôn đủ cung cấp nước cho chuối. Hóa ra, đây là vườn chuối cấy mô của ông Út Huy (ông Võ Quan Huy- vua chuối ở Long An) được công ty Hoa Việt ươm thử nghiệm mấy tháng nay. Theo lời Hiếu, “vua” chuối út Huy hiện là đơn vị xuất khẩu chuối lớn (thị trường chính là Nhật Bản),  nhưng cơ sở  này  chưa chủ động được nguồn giống, nên hàng năm  phải nhập khẩu từ nước ngoài, do đó chi phí và an toàn dịch bệnh không được đảm bảo.

 Chính vì thế, Hiếu đã có sáng kiến xuống tận vườn của ông Út Huy, tuyển lựa các cây giống đầu nguồn tốt nhất rồi cho tiến hành nuôi cấy mô. “Chỉ năm sau thôi là chúng tôi có thể chủ động được nguồn giống cho ông Út Huy. Lúc đó, cơ sở này không còn lo chuyện nhập khẩu giống nữa. Giống chuối này đảm bảo năng suất như giống chuối nhập khẩu, sạch bệnh và đảm bảo các tiêu chuẩn kỹ thuật mà đối tác đặt hàng”- Hiếu khẳng định.

Nghe Hiếu kể chuyện, tôi bấm máy gọi điện luôn cho ông Út Huy. Đầu dây bên kia, giọng ông Út Huy  nghe sang sảng: “Bọn nó được lắm chú ơi. Anh em nó xuống đây lấy giống đầu nguồn về làm mô suốt, làm rất tốt,  có tâm. Có Hoa Việt, anh cũng khỏe”. Nghe ông nói thế, tôi cũng mừng. Cùng với cấp giống chuối cho ông Út Huy, hiện Hoa Việt mỗi năm có thể đưa ra thị trường 3 triệu cây giống mô  các loại, đương nhiên chủ yếu vẫn là các loại chuối, tiêu, đinh lăng.

Kết thúc chuyến thăm trung tâm cũng là lúc mặt trời bắt đầu đứng bóng. Chúng tôi lên xe về lại thành phố. Đi cả buổi cũng khá mệt, nhưng Hiếu vẫn râm ran  chuyện làm nông, làm giống. Đại thể,  Hiếu cho rằng, Việt Nam sở hữu một nền nông nghiệp có quá nhiều lợi thế, về tự nhiên, khí hậu, nhưng quá trình trồng trọt, chăm sóc và thu hoạch lại gặp quá nhiều bất lợi như cây trồng kém chất lượng, sâu bệnh hại và một số biến đổi bất lợi về sinh thái.  Chính vì thế, mục tiêu của Hoa Việt là phải tạo ra được những loại giống  nuôi cấy In vitro với khả năng chống chọi dịch bệnh, sinh trưởng mạnh và mang lại hiệu quả cao. Muốn làm được vậy, cây giống của Hoa Việt phải tạo ra nhiều sự khác biệt, trong đó giống được tuyển chọn nuôi cấy mô phải là giống đầu dòng, được kiểm tra virus và kiểm tra di chuyền qua 3 thế hệ.  Trên cơ sở này, các kỹ sư của Hoa Việt sẽ sử dụng công nghệ nuôi cấy mô để sản xuất cây giống đồng đều cả về số lượng, chất lượng. Cây giống đảm bảo sự tăng trưởng tốt, khả năng chống chịu, khả năng kháng sâu bệnh tốt…

“Làm tốt các yêu cầu trên, chúng tôi tin rằng mình sẽ góp phần giúp nền nông nghiệp Việt Nam vươn lên những tầm cao mới. Lúc đó, thương hiệu nông sản Việt Nam không chỉ được tin yêu bởi chính người Việt mà còn vươn xa ra thế giới. Và cuộc hành trình này nhất định phải bắt đầu từ một chuẩn cây giống chất lượng”.

Nghe Hiếu chốt câu chuyện một cách quả quyết như vậy, tôi hoàn toàn tin  điều chàng trai này nói  sớm  muộn rồi cũng sẽ trở thành hiện thực. Và lúc đó, người  nông dân, khách hàng của Hiếu, của Trầm sẽ tin Hoa Việt chính là tinh hoa về giống của nền nông nghiệp nước nhà như cái cách mà 2 bạn trẻ này đặt tên cho công ty của mình.

Nguồn: Dân Việt được kiểm duyệt bởi Farmtech VietNam.