Phương pháp dự đoán ngày sinh của bò

Bò mang thai 280 ngày (hơn 9 tháng), vì vậy việc biết ngày sinh của bò là rất quan trọng. Để dự tính ngày sinh của bò, phải tính từ ngày phối giống cộng thêm 280 ngày.

1. Cách tính ngày

Lấy ngày phối giống bò cộng với 5 hay 7 ngày (có thể vào tháng 2 có 28 ngày) và lấy tháng phối giống cộng với 9, sẽ có ngày sinh dự kiến. Ví dụ:

+ Bò phối giống lần cuối vào 10-2-2015, cách tính sẽ là ngày 10 + ngày 7 = ngày 17; tháng 2 + tháng 9 = 11 tháng, vậy là ngày sinh dự kiến vào ngày 17-11-2015.

+ Bò phối giống 7-3-2015, sẽ là: ngày 7 + ngày 5 = ngày 12; tháng 3 + tháng 9 = 12 tháng, vậy ngày sinh dự kiến vào ngày 12-12-2015.

+ Bò cũng có thể sinh sớm hơn hay muộn hơn nên cần theo dõi biểu hiện của bò mẹ trước ngày sinh dự kiến là 7-10 ngày.

2. Biểu hiện khi sắp sinh

7-10 ngày trước khi sinh, bầu vú bò mẹ từ từ căng lên, núm vú căng chứa đầy sữa là bò sắp đẻ. Chú ý theo dõi đề phòng viêm vú trước khi sinh.

1-3 ngày trước khi sinh, âm hộ chảy ra nhiều dịch nhờn đặc màu trắng. Khi dịch nhờn loãng dần là bò sắp đẻ. Hiện tượng sụp mông thấy rõ ở hai bên gốc đuôi, đuôi lệch sang một bên và ít cử động. Bò có biểu hiện bồn chồn, hay đứng lên nằm xuống, đi tiêu, tiểu nhiều lần…

3. Khi gia súc đẻ khó thì có biểu hiện gì? Cách phòng trị?

a. Nguyên nhân

– Bò mẹ ít vận động, thức ăn ít chất xơ nên bị suy yếu.

– Do hẹp khung chậu.

– Do hẹp âm đạo, có u bướu ở âm đạo hoặc tử cung vặn cổ tử cung.

– Do tư thế thai không bình thường.

b. Điều trị

– Tiêm Oxytocin 50 – 100UI để kích thích tử cung co bóp.

– Dùng dây mềm buộc hai chân trước của thai, kéo mạnh theo nhịp rặn của bò mẹ để lôi thai ra.

– Dùng ngón tay cái cho vào mồm thai, ngón trỏ kẹp chặt hàm dưới kéo thai ra.

– Dùng dây buộc từ sau đầu tới hàm dưới kéo thai ra.

– Bơm dầu parafin lỏng 200 – 400ml làm trơn tử cung âm đạo.

– Nếu đã làm hết cách mà thai không ra thì phải mổ bụng lấy thai.

Trường hợp vặn cổ tử cung:

– Dùng mỏ vịt kiểm tra qua trực tràng. Nếu xoắn ít thì dùng tay lật xoay tử cung theo chiều ngược lại.

– Trường hợp do tư thế thai không bình thường:

– Gâv tê tủy sống ở khấu đuôi 1 – 2 bằng 20 – 40ml Novocain 3%.

– Sau đó dùng tay đẩy thai vào trong xoang bụng rộng rãi để sữa lại về tư thế bình thường: đầu và 2 chân trước ra trước, hoặc mông và 2 chân sau ra trước, sau đó kéo thai ra.

Mổ bụng lấy thai

Nếu thai chết trong bụng thì dùng móc sản khoa móc vào mắt hoặc vào hốc mũi để lôi thai ra. Trường hợp thai chết quá to thì phải cắt thai ra từng mảnh để lấy ra.

Sau khi bò đẻ nhất là đẻ khó cần phải rửa sạch âm hộ, âm đạo, tử cung bằng thuốc sát trùng như nước muối, thuốc tím 1%, Rivanol 1%, Lugol 2%. Bơm rửa 3-4 lần/ngày trong 3-5 ngày. Nếu có biểu hiện viêm phải thụt rửa bằng thuốc kháng sinh hoặc tiêm.

Nguồn: Tổng hợp bởi Farmtech VietNam.

Can thiệp đẻ khó trên bò

Trong quá trình đẻ nếu thai khó ra thì gọi là đẻ khó. Khi đẻ khó mà xử lý không đúng thì có thể gây bệnh ở đường sinh dục và làm cho bò mẹ trở nên vô sinh, thậm chí làm chết cả mẹ lẫn con. Vì vậy tích cực đề phòng và kịp thời can thiệp khi đẻ khó là một khâu rất quan trọng.

Để can thiệp kịp thời, cần chẩn đoán chính xác, từ đó mới quyết định phương pháp thích hợp. Trước khi kiểm tra phải nắm toàn bộ quá trình bệnh tật, tình hình lúc mang thai, điều trị của con bò, kiểm tra toàn thân, đường sinh dục bò mẹ và tình hình thai không bình thường để có biện pháp can thiệp kịp thời.

Nguyên nhân

Do cơ năng tuyến sinh dục sản sinh kích thích tố hoạt động quá mạnh, thời gian mang thai kéo dài, thai quá to hay cấu tạo đường sinh dục bò mẹ hẹp, sức rặn yếu, thai yếu, thai không đúng vị trí.

Một số trường hợp và biện pháp can thiệp

+ Rặn đẻ yếu, cổ tử cung đã mở, sức rặn đẻ của bò mẹ yếu nên không thể tống thai ra ngoài được. Có thể hỗ trợ bò mẹ kéo thai ra khi con vật rặn đẻ.

+ Kích thước giữa thai và đường sinh dục không phù hợp. Thai bình thường nhưng đường sinh sản bị hẹp: bao gồm hẹp xương chậu, cổ tử cung hẹp, hẹp âm đạo và âm hộ, có khối u ở đường sinh sản hoặc  thai quá to. Bò mẹ rặn nhiều lần nhưng thai không ra được. Phương pháp chủ yếu là dùng sức để lôi ra. Thụt vào đường sinh sản 1 chất nhờn hoặc nước xà phòng ấm, sau đó dùng dây thừng hỗ trợ kéo thai ra. Nếu phần đầu ra trước ngoài việc buộc dây thừng vào 2 chân trước, người đỡ chính cần phải cho ngón tay cái vào miệng thai, qua đường mép dùng ngón tay trỏ kẹp chặt lấy hàm dưới để cùng lôi đầu ra. Nếu thai ra bằng phần sau, buộc dây thừng vào 2 chân sau kéo ra. Nếu không lôi ra được thì phải quyết định cắt thai hoặc mổ bụng lấy thai.

+ Thai sinh đôi: Nếu có một tư thế thai bình thường và một tư thế thai không bình thường, xoay thai lại vị trí bình thường. Nếu 2 thai cùng lọt vào cửa xương chậu một lúc với độ sâu khác nhau nên bị kẹt và gây ra khó đẻ. Cần xác định phân biệt rõ từng thai (đẻ sinh đôi thông thường thì một thai đầu ra trước, một thai hai chân sau ra trước, nên khi kiểm tra sẽ có 1 đầu và 4 chân), đẩy lùi một thai ra khỏi xương chậu, sau đó lôi từng thai ra.

+ Tư thể của thai không bình thường: Phía đầu ra trước: đầu cổ ngoẹo về một bên, đầu gập xuống dưới, đầu ngửa ra sau, đầu gối ra trước, vai ra trước. Phía sau ra trước: khoeo ra trước, mông ra trước. Cần đưa thai về vị trí bình thường, có thể hỗ trợ hoặc không hỗ trợ kéo thai ra.

+ Vị trí thai không bình thường: Đầu ra trước, thai nằm nghiêng; đuôi ra trước thai nằm ngửa hoặc nghiêng. Cần đưa thai về vị trí bình thường sau đó kéo nhẹ thai ra theo cơn rặn của bò mẹ

+ Hướng thai không bình thường: Bụng ra trước, thai thẳng đứng, lưng ra trước; thai nằm ngang, bụng ra trước. Đưa thai về tư thế bình thường và kéo thai ra.

Những vấn đề cần chú ý

+ Can thiệp sớm và kịp thời khi đẻ khó là rất quan trọng. Nếu can thiệp chậm để thai lọt vào hố chậu, thành tử cung bọc chặt lấy thai, nước thai chảy hết, đường sinh dục đã thủy thủng thì dễ gây trở ngại cho việc đẩy thai vào, xoay thai và kéo thai ra.

+ Người đỡ đẻ chính phải bình tĩnh, khéo léo và kiên nhẫn vì thao tác phải chính xác. Người đỡ đẻ nên có sẵn người giúp việc để thay khi mệt và hỗ trợ trong quá trình đỡ đẻ.

+ Trong khi đẩy lùi thai, xoay nắn và lôi thai ra, nếu nước thai đã thoát hết, đường sinh dục bị khô thì phải thụt vào âm dạo và tử cung vài lít nước xà phòng ấm đã tiệt trùng để bôi trơn đường sinh dục.

+ Bất cứ bộ phận nào của thai ở tư thế không bình thường đều phải xoay nắn lại cho đúng vị trí trước khi lôi thai ra. Xoay thai, lôi thai ra theo cơn rặn của bò mẹ.

+ Ưu tiên việc cứu cả mẹ và thai, nếu các biện pháp xoay thai và kéo thai không hiệu quả, thì tùy vào thai còn sống hay đã chết, cắt thai và mổ bụng lấy thai là biện pháp cuối cùng.

Nguồn: Tổng hợp bởi Farmtech VietNam.

Những lưu ý khi đỡ đẻ cho bò

Việc nuôi bò sinh sản có nhiều vấn đề mà không phải bà con nào cũng biết cách giải quyết. Dưới đây là một số lưu ý trong vấn đề sinh sản của bò được những người nuôi kinh nghiệm chia sẻ.

Đầu tiên là việc phối giống, với những con bò so, bò xác nhỏ bà con không nên phối những giống bò quá to như vậy khi bò đẻ sẽ rất khó. Thêm vào nữa là khi bò so mang bầu bà con nên cho ăn vừa phải đừng quá thúc làm cho bò con to nên khó đẻ.

Trong thời gian bò mang thai, bà con cần bổ sung canxi khoáng ít nhất 2 lần để đảm bảo bò con sau này không bị thiếu hụt canxi dẫn đến khó đứng, hay dị tật.

Khi bò bắt đầu đẻ, bà con cần chuẩn bị chuồng trại sạch sẽ, cần có người kéo phụ lúc bò mẹ rặn đẻ. Đây là việc cần thiết nếu không khi bò đẻ con quá to sẽ không đẻ ra được gây hại cho bò con và có thể cả bò mẹ.

Sau khi bò đẻ xong, bà con cần chú ý để bò mẹ liếm khô lông bò con. Bà con cũng có thể phụ lau khô lông bò con cũng được. Chú ý, lúc này có thể bò mẹ rất dữ. Vì vậy thao tác tiếp xúc hoặc gần với bò con bà con cần hết sức đề phòng. Nếu gặp trường hợp bò mẹ quá dữ, bà con cứ để bò mẹ tự liếm khô cho bò con. Khi bò mẹ liếm xong, bà con tìm cách cột cố định bò mẹ để tiến hành đỡ bò con tập đứng. Việc này có thể mất 15 phút hoặc cả giờ vì tùy vào thể trạng bò con. Việc đỡ bò con đứng là cần thiết để bò con có thể tự bú được. Nếu việc này kéo quá dài làm bò mẹ căng sữa. Khi đó bò con tiếp xúc với vú bò mẹ sẽ bị bò mẹ đá, đẩy ra không cho bú. Nếu trường hợp bò mẹ dữ mà bò con vẫn không thể tự bú được thì bà con cần cố định 2 chân sau của bò mẹ rồi đỡ bò con đứng bằng cách kẹp bò con vào giữa hai chân người đỡ đẻ rồi dùng tay đưa đầu bò con vào vú bò mẹ; tay còn lại vắt sữa từ vú bò mẹ chảy ra để bò con quen hơi và tập bú. Trường hợp bò mẹ quá căng sữa (sau 2-3 giờ mà bò con vẫn chưa bú được) bà con cần dùng khăn ấm lau các vú bò mẹ và bánh sữa bò mẹ. Biện pháp này vừa làm ấm sữa cho bò con bú, vừa giúp giảm căng sữa ở bò mẹ.

Khi bò con bú, bà con chú ý quan sát bò con bú đều hết các vú mới hiệu quả. Thưòng thì bò con mới đẻ bú rất ít nhưng phải bú mới có sức khỏe được. Nếu bò đẻ ban đêm bà con phải chịu khó theo dõi, việc chậm bú càng lâu càng khó giải quyết. Một là bò mẹ ngày càng căng sữa nên việc cho bú rất khó khăn; hai là bò con ngày càng đói nên đừ dần theo thời gian. Khả năng tìm bú giảm đáng kể. Do vậy bà con cần chú ý điểm này.

Sau khi bò đẻ, bà con có thể cho ăn các loại thức ăn bổ sung sữa cho bò mẹ như đậu nành rang, hoa chuối chát, …

Nguồn: Tổng hợp bởi Farmtech VietNam.

Kỹ thuật đỡ đẻ cho bò

Chăn nuôi bò nói chung và chăn nuôi bà sinh sản nói riêng đã và đang là công việc mang lại thu nhập ổn định cho bà con nông dân. Ở những hộ gia đình thì việc chăn nuôi bò thịt gặp nhiều khó khăn do chế độ chăm sóc đòi hỏi khắt khe hơn. Do đó phần lớn bà con nông dân chọn phương án nuôi bò sinh sản.

 

 

Tuy nhiên, việc nuôi bò sinh sản cũng có nhiều vấn đề mà không phải bà con nào cũng biết cách giải quyết. Dưới đây là kỹ thuật đỡ đẻ cho bò giúp bò mẹ và bê con khỏe mạnh.

Triệu chứng trước khi đẻ:

  • Có hiện tượng sụt mông.
  • Bầu vú căng, đầu vú chĩa về 2 bên.
  • Nút niêm dịch thải ra, treo lòng thòng ở mép âm môn.
  • Đau bụng, đứng lên nằm xuống, chân cào đất.
  • Ỉa đái nhiều lần.
  • Có cơn rặn, bọc ối thò ra ngoài mép âm môn.

Thế nào là bò đẻ bình thường?

Bò đẻ bình thường phải ở 1 trong 2 trường hợp sau:

– Trường hợp 1: Thai xuôi là thai dọc đầu, sấp. Đầu và cổ thai phải gác lên hai chân trước duỗi thẳng và bằng nhau.

– Trường hợp 2: Thai ngược là thai dọc đuôi, sấp. Đuôi của thai phải nằm giữa 2 chân sau duỗi thẳng và bằng nhau.

Nếu chiều, hướng, tư thế của thai không ở 2 trường hợp trên là bò đẻ khó, phải mời cán bộ thú y đến can thiệp.

Quy trình đỡ đẻ

Bò đẻ bình thường không cần can thiệp hoặc chỉ cần dùng tay kéo nhẹ nhàng thai ra.

  • Khi bò đẻ sẽ vỡ ối, ta hứng lấy nước ối.
  • Cắt dây rốn dài khoảng 10-12cm (không cần buộc dây rốn) sát trùng bằng cồn Iod 5%.
  • Lau rớt rãi trong mũi, mồm.
  •  Để bò mẹ tự liếm con, nếu không liếm ta phải lau khô.
  • “Bóc móng” để bê con đỡ trơn trượt khi mới tập đi.
  • Cân trọng lượng bê.
  • Vệ sinh phần thân sau và bầu vú của bò mẹ.
  • Cho bò mẹ uống nước ối, thêm ít muối, cám và nước ấm.
  • Cho bê con bú – Ghi sổ sách theo dõi.

Phương pháp làm hồi sinh cho bê

Bê mới đẻ bị ngạt có thể áp dụng một trong các biện pháp sau:

  • Hà hơi thổi ngạt
  • Hô hấp nhân tạo
  • Dùng cuộng rơm hoặc cái lông gà ngoáy nhẹ nhàng vào lỗ mũi để kích thích.
  • Dội nước lạnh: dốc ngược bê xuống và dội xô nước lạnh lên vùng ngực và đầu.

Phòng bệnh sót nhau

12 giờ sau khi đẻ nhau chưa ra gọi là sót nhau phải can thiệp ngay.

  • Phòng sát nhau tốt nhất là cho bò mẹ uống nước ối sau khi đẻ.
  • Tiêm oxytoxin 6 đv/100kg trọng lượng.
  • Thụt Rivanol 1% 600ml vào trong tử cung.

Có thể dùng: lá hồng bì hoặc lá khế 500g. Lá trầu không 20g. Giã nát ngâm trong 1 lít nước đun sôi để nguội gạn nước cho bò uống.

 Chữa bệnh viêm tử cung

  • Dùng Lugol 1% thụt 50ml vào tử cung.
  • Sau 3-4 ngày thụt kháng sinh.
  • Penicillin 1 triệu đơn vị
  • Steptomycin 1 gam
  • Nước cất 10ml

Chú ý:

  • Nếu còn mủ thì phải tiếp tục thụt rửa Lugol 1%.
  • Chỉ thụt kháng sinh khi tử cung hết mủ. Hoặc dùng nước muối 1% hay Rivanol 1% thụt rửa tử cung, hút hết nước trong tử cung ra, rồi thụt kháng sinh (liều lượng như trên). Sau khi điều trị nếu bò động dục có thể phối giống.

Nguồn: Tổng hợp bởi Farmtech VietNam.