Trồng dưa lê qua mạng Internet giá 100.000 đồng

Khách hàng đặt mua hạt giống dưa lê và thanh toán chi phí 100.000 đồng, trang trại sẽ chăm sóc và thu hoạch, sau đó gửi sản phẩm thu được đến tận nhà.

Trồng dưa lê qua mạng vẫn đảm bảo an toàn

Một trang trại tại Quỳ Hợp, Nghệ An đang mở dịch vụ cho thuê người trồng, chăm sóc và thu hoạch dưa lê an toàn cho khách hàng có nhu cầu tại khu vực phía Bắc. Theo đó, khách có thể chọn trồng dưa lê trắng hoặc lê Kim Hoàng Hậu với chi phí 100.000 đồng mỗi cây.

Ngay từ khi bắt đầu trồng ở ruộng, dưa sẽ được gắn tên khách hàng. Hàng tuần, trang trại sẽ gửi báo cáo tới khách một lần với nội dung nhật ký gieo trồng và hình ảnh sản phẩm thông qua thư điện tử người dùng dịch vụ đăng ký. Sau 2-2,5 tháng, dưa thu hoạch sẽ được chuyển đến tận nhà cho người thuê trồng, có thu thêm chi phí vận chuyển phát sinh.

Chị Lê Na, chủ trang trại, cho biết, với mỗi đơn đặt hàng, khách được đảm bảo sẽ có sản phẩm. Thông thường, dưa lê trắng sẽ cho từ 5 đến 7 quả mỗi cây, với khối lượng trung bình 0,3-0,6 kg. Dưa Kim Hoàng Hậu cho từ 1 đến 3 quả, có trọng lượng 0,8-1,8 kg. Tuy nhiên, nếu cây chết, không ra quả hoặc chỉ ra một quả dưới 0,8 kg (với dưa Kim Hoàng Hậu) và chỉ ra dưới 3 quả dưới 0,3 kg (với dưa lê trắng), khách sẽ được hoàn lại tiền hoặc đổi sang cây khác.

“Người dùng dịch vụ này có thể đến thăm vườn hoặc về tận nơi chăm bón, thu hái nếu có nhu cầu. Với chi phí 100.000 đồng một cây, khách chỉ cần thu hoạch được 3-4 kg là đã có lợi hơn so với mua sản phẩm an toàn cùng loại trên thị trường. Khi giao sản phẩm, nếu khách hàng không thích có thể trả lại mà không cần lý do, trang trại sẽ hoàn tiền đầy đủ”, chị Lê Na cho hay.

Chủ trang trại này cũng khẳng đinh, việc trồng dưa tại đây sẽ theo quy trình an toàn, hạn chế tối thiểu phân bón hoặc thuốc trừ sâu, kích thích sinh trưởng. “Hỗn hợp ủ ớt cay, gừng, tỏi với rượu, kết hợp lá trầu không, lá na được dùng thay cho thuốc bảo vệ thực vật. Xác cá, bã đậu tương… sẽ thay phân bón hóa học. Công nghệ tưới nhỏ giọt và miếng dán công nghệ để chống bọ phấn cũng được thực hiện”, chủ trang trại chia sẻ.

Hiện tại, trên thị trường, dưa lê và dưa Kim Hoàng Hậu an toàn đang có giá từ 25.000 đồng đến 50.000 đồng/kg. Theo đại diện của công ty sản xuất thực phẩm an toàn Efarm (Hà Đông, Hà Nội), dưa lê là giống cây ngắn ngày, nhưng khó trồng vì dễ mắc sâu bệnh, tỷ lệ cây con sống chỉ là 70%.

Song song với việc trồng dưa theo phương pháp an toàn, trang trại cũng sẽ trồng thêm 500 cây theo phương pháp hữu cơ. Khi thu hoạch, nếu chất lượng và trọng lượng bằng hoặc tốt hơn dưa trồng theo phương pháp an toàn mà khách đã đăng ký, đơn vị này sẽ đổi sang loại dưa hữu cơ cho khách, có ưu tiên theo thứ tự đăng ký trước.

Tuy mới bước vào vụ sản xuất đầu tiên nhưng chị Lê Na cho hay, sau hơn một tuần thông báo, 100 khách hàng tại Hà Nội và các khu vực lân cận đã đặt hàng dịch vụ này. Mùa đầu tiên, trang trại chỉ thực hiện trên diện tích 0,5 ha, dự kiến trồng khoảng 500 cây, và có kế hoạch mở rộng gấp đôi nếu thành công.

“Tôi sinh ra tại vùng dưa, biết nhiều gia đình ‘sống nhờ dưa, chết vì dưa’ bởi thiếu đầu ra. Hy vọng mô hình này sẽ thành công để tạo ra một hướng đi khác cho các sản phẩm nông nghiệp ở địa phương”, chị Lê Na tâm sự.

Chị Quỳnh Anh, một khách hàng ở Hà Nội đang thử nghiệm dịch vụ trồng dưa lê từ xa cho biết, chị rất hồi hộp chờ đến lúc thu hoạch. Trước đó, chị đã nghe nói về mô hình trồng rau sạch từ xa ở TP HCM nhưng chưa có dịp thử nghiệm thì được bạn bè giới thiệu cho dịch vụ trồng dưa này.

“Chi phí có thể không rẻ hơn so với mình tự trồng, nhưng lại tiết kiệm công chăm sóc mà vẫn biết được cây trồng phát triển ra sao, thành quả thu được như thế nào”, khách hàng này cho biết.

Tổng hợp bởi Farmtech Vietnam.

Hướng dẫn cách trồng dưa lê trong nhà màng hiệu quả gấp đôi so với trồng truyền thống

Trồng dưa lê trong nhà màng chẳng những là ý tưởng thông minh giúp tiết kiệm diện tích trồng, mà còn có thể giúp trồng được quanh năm, cho năng xuất cao. Cách trồng này giúp bà con nông dân không phụ thuộc thời vụ, phù hợp với các vùng đất bất lợi như khô hạn hay ngập mặn…giúp tăng năng suất so với cách trồng truyền thống lên đến 1.5 lần, nhất là khi áp dụng cách trồng dưa lê trong nhà màng sẽ giúp giảm công lao động, thuốc bảo vệ thực vật.

Dưa lê nhà màng cho năng suất cao, trái đẹp

Lưu ý khi trồng dưa lê trong nhà màng

Các giống dưa có khả năng thích nghi tốt được nhập từ Nhật, Đài Loan, thời gian sinh trưởng 70 ngày, năng suất 2 – 3,2 tấn/1.000 m2, các dòng dưa Nhật có độ ngọt cao hơn. Trồng dưa lê trên giá thể trong nhà màng quan trọng nhất là thiết kế nhà màng, đảm bảo cường độ ánh sáng tốt, hệ thống tưới nhỏ giọt (tưới nước và cung cấp phân bón), túi đựng giá thể, chất dinh dưỡng và phân bón cho dưa.

Hướng dẫn cách trồng dưa lê trong nhà màng

Đầu tiên là chuẩn bị cây con, dùng mụn dừa (xử lý sạch), tro trấu, phân hữu cơ làm giá thể gieo hạt. Trong vườn ươm chú ý phòng trừ bọ phấn trắng, bọ trĩ (môi giới truyền bệnh virus cho dưa), phòng bệnh héo rũ. Cây con gieo 10 – 12 ngày thì tiến hành trồng. Túi trồng là túi nylon kích thước 40 x 40 cm, giá thể là mụn dừa xử lý, luống cao 30 cm, rộng 30 cm, dài 20 – 30 m.

Mật độ trồng tùy giống và mùa vụ, mùa nắng 2.500 – 2.800 cây/1.000 m2, mùa mưa 2.000 – 2.200 cây/1.000 m2. Phân bón (dinh dưỡng) cung cấp cho cây rất quan trọng, có thành phần dinh dưỡng cao, tan nhanh trong nước, không ăn mòn hệ thống tưới…

Khi trồng dưa lê trong nhà màng cần lưu ý, dù trong nhà màng nhưng phải có ong để giúp dưa thụ phấn, khi dây dưa đạt 25 lá thì tiến hành bấm ngọn, mỗi dây treo để 1 – 4 trái, tỉa trái sẽ nâng chất lượng trái loại 1.

Lượng dinh dưỡng và nước tưới cho dưa lê tùy theo từng giai đoạn, từ trồng tới 14 ngày cần 180 ppm (N) + 44 ppm (P) + 150 ppm (K), lượng dung dịch cần tưới 0,5 – 0,8 lít/cây/ngày. Từ 15 ngày đến khi ra hoa là 230 ppm (N) + 50 ppm (P) + 300 ppm (K), lượng dung dịch cần tưới 1 – 1,8 lít/cây/ngày, khi đậu trái tới thu hoạch cần 200 ppm (N) + 55 ppm (P) + 330 ppm (K), lượng dung dịch cần tưới 2 – 2,5 lít/cây/ngày. Cần bổ sung vi lượng B (0,3 – 0,5 ppm), Mn (0,3 ppm), Fe (2 – 3 ppm), Mo (0,05 ppm), Cu (0,1 – 0,5 ppm), Zn (0,3 ppm). pH cho dịch tưới là 5,5 – 6,5, quá trình tưới nước cho cây nên tưới dư 10%.

Phòng trừ sâu bệnh

Dưa lê trồng trong nhà màng chủ yếu gặp một số sâu hại như bọ phấn trắng, bọ trĩ. Nên sử dụng biện pháp đấu tranh sinh học như sử dụng bọ xít, bọ rùa để khống chế. Khi mật số cao có thể sử dụng các loại thuốc phòng trừ (Abamectin, Confidor, Radiant, Ascend…). Một số bệnh hại dưa lê như héo rũ cây con, phấn trắng, sương mai… Nên sử dụng thuốc sinh học phòng trừ như Bacillus subtilis hoặc dùng thuốc như Ridomil, Carbendazim, Anvil… Khi sử dụng thuốc bảo vệ thực vật cần tuân thủ nguyên tắc “4 đúng” và đảm bảo thời gian cách ly.

Tổng hợp bởi Farmtech Vietnam.

Kỹ thuật trồng dưa lê gối vụ

Cây dưa lê có thời gian sinh trưởng ngắn. Năng suất cao. Kỹ thuật canh tác đơn giản. Cây thích hợp trồng trên chân đất cát pha, thịt nhẹ giàu mùn.

Dưa lê

1. Công thức luân canh

Lúa xuân – Dưa lê – Lúa mùa muộn – Khoai tây đông.

2. Đất trồng

Chọn chân ruộng cao, vàn cao, đất cát pha, thịt nhẹ giàu mùn. Cần quy hoạch trồng dưa lê gọn vùng, để không ảnh hưởng tới máy móc thu hoạch lúa xuân ở các chân ruộng khác.

3. Giống

Chọn các giống dưa lê Super 007 honey; dưa lê siêu ngọt F1 SV 207. Có thể sử dụng giống địa phương nếu chọn lọc tốt.

4. Thời vụ

Trong vườn ươm trước 20/5. Trồng ra ruộng sản xuất trước 5/6. Thu hoạch trước 20/7.

5. Phân bón (1 sào Bắc bộ)

Vôi bột 25 – 30kg. Phân chuồng 4 – 5tạ. Đạm urê 10 – 12kg. Lân Supe 12 – 15kg. Kali Clorua 3 – 4kg. Phân chuồng, phân lân và vôi trộn đều ủ nóng (ngoài trát bùn hoặc phủ kín bằng tấm màng nilon đen), sau 30 – 45 ngày bón lót cho trồng dưa lê.

6. Làm bầu ươm cây con (13 – 15 ngày)

Tiến hành khi lúa xuân xuôi quả.

– Lượng hạt giống 13 – 15g.

– Số bầu cây 900 – 1.000/sào.

– Chọn nơi có nền đất cứng, bằng phẳng, rãi nắng, thuận tiện tưới tiêu.

– Chuẩn bị 5 thúng đất ải đập nhỏ, trộn đều với 2 thúng phân chuồng mục.

– Dùng gạch hoặc thanh gỗ, ken, xếp tạo khuôn ô diện tích 5 – 6 m2.

– Hỗn hợp đất, phân chuồng rải dầy 2cm trong khung ô (đáy lót lá chuối hoặc giấy báo), dùng ô doa tưới ướt đẫm đất.

– Hạt giống ngâm nước ấm (2 sôi 3 lạnh) khoảng 2 – 3 giờ. Ủ trong khăn mặt bông 24 – 36 giờ nứt nanh, đưa ra gieo trong nền ô đất. Khoảng cách gieo: Hạt x hạt = 7 x 7cm. Sau gieo phủ đất lấp hạt dày 1cm. Tưới giữ ẩm ngày 2 lần (sáng, tối).

– Định kỳ 4 – 5 ngày/lần, dùng dao thép khía xuống nền ô ươm hạt gieo cây giống, để định hình bầu cây. Khía sâu tới đứt lớp lá chuối lót, tạo kích thước bầu cây 7 x 7cm.

– Chủ động biện pháp phòng trừ chuột hại cây con.

– Khi cây 1 – 2 lá mầm phun Zineb phòng bệnh lở cổ rễ.

– Cây dưa có 3 – 4 lá thật, đưa trồng ra ruộng.

7. Trồng cây con ra ruộng sản xuất

– Ruộng lúa chín đỏ đuôi tháo kiệt nước. Sau thu hoạch cày lật đất ngay.

– Nhấc nhẹ các bầu dưa từ vườn ươm trồng ra ruộng. Trồng hành đôi 2 bên mép luống. Khoảng cách: cây cách cây 40 – 45cm; hàng cách hàng 1,4 -1,5m. Lối công tác giữa 2 luống rộng 30cm.

8. Chăm sóc

– Bón lót toàn bộ phân chuồng, lân và vôi bột (đã ủ) + 1kg phân kali.

– Bón thúc lần 1 (khi cây bén rễ hồi xanh): 2kg urê pha nước tưới gốc.

– Bón thúc lần 2 (sau trồng 5 – 7 ngày) 3kg urê + 2 – 3 kali (còn lại) rắc gốc, kết hợp xáo xới, nhặt cỏ, vét đất vun gốc tạo rãnh sâu 20cm, rộng 25 – 30cm.

– Bón thúc lần 3 (khi cây dưa chớm hoa đầu): 4kg urê pha nước tưới. 10 – 12 ngày sau bón nốt số urê còn lại.

– Phun bón lá siêu kali 7 – 10 ngày/lần.

– Bấm ngọn: Khi thân chính ra được 5 – 6 lá thì bấm ngọn, để 2 nhánh cấp 1 phát triển. Khi nhánh cấp 1 được 5 – 6 lá, bấm ngọn, để 2 nhánh cấp 2 phát triển. Làm tương tự đến khi mỗi cây chính ra được 12 nhánh nhỏ thì dừng bấm ngọn. Sau 3 lần bấm ngọn, 1 cây dưa có thể cho 12 – 15 hoa cái có khả năng cho quả. Nếu đậu quả, trên mỗi nhánh cây chỉ để nuôi 1 quả. Các quả dưa và mầm nhánh ra sau cần ngắt bỏ triệt để. Tránh hao phí dinh dưỡng. Rút ngắn thời gian thu hoạch quả. Kịp thời vụ gieo cấy lúa mùa.

– Lót rơm, rạ đáy quả ngay sau quả non mới đậu. Ngắt bỏ lá già, lá sâu bệnh, che nắng cho các quả dưa phơi lộ.

– Nắm chặt đất trong tay, thấy vài giọt nước rỉ qua kẽ ngón tay là độ ẩm luống dưa đạt yêu cầu. Mặt luống khô, cần đưa nước tưới ngập rãnh cho thấm đều lên mặt luống thì rút kiệt. Chú ý, tiêu rút nước nước kịp thời khi có mưa lớn.

9. Phòng trừ sâu, bệnh

– Sâu vẽ bùa: Dùng thuốc Sherpa; Polytrin.

– Bọ trĩ, sâu cắn lá, ăn ngọn: Phun Regent khi sâu non tuổi 1 – 2.

– Bệnh héo xanh: Nhổ bỏ cây bệnh, xử lý vôi bột vào gốc.

– Bệnh lở cố rễ, sương mai, thán thư: Phòng trừ bằng thuốc Zineb, viben C.

– Sử dụng thuốc theo hướng dẫn ghi trên bao giói của nhà sản xuất. Phải đảm bảo thời gian cách ly tối thiểu với từng loại thuốc trước khi thu hoạch quả.

10. Thu hoạch

Sau trồng 30 – 35 ngày cây dưa bắt đầu cho thu hoạch. Thu hoạch dưa khi vỏ quả chuyển từ màu xanh, sang trắng sáng. Nên thu quả vào buổi chiều. Phân loại và rửa sạch vỏ quả. Xếp nơi cao ráo, kín gió. Lấy 150ml rượu nặng phun ướt đều lên lô quả. Dùng bao tải gai che phủ kín. Qua 1 đêm quả dưa sẽ dậy mùi thơm hấp dẫn, mã sáng đẹp, tăng giá trị kinh tế.

11. Để giống

Với các giống dưa lai (F1) không được để giống cho vụ sau. Với các giống dưa thuần, chọn những quả dưa ra đầu tiên, to đều, không nấm bệnh, đánh dấu để thu hoạch cuối vụ, bổ lấy hạt, đãi sạch nhớt, phơi khô kiệt trên sàn tre/gỗ dưới nắng nhẹ. Bảo quản hạt trong lọ sành, sứ, nơi khô ráo, cho vụ sau.

Theo nongnghiep.vn được kiểm duyệt bởi Farmtech Vietnam.

Trồng dưa lê siêu ngọt cho năng suất cao

Với sự ra đời của nhiều giống dưa lê siêu ngọt tiến bộ được đưa vào áp dụng trong sản xuất hiện nay đã thúc đẩy thị trường tiêu thụ cũng như được nhiều nông dân các vùng quan tâm để thâm canh giống cây trồng này.

Cây dưa lê rất dễ trồng trên vùng có chân đất cao, đất thịt nhẹ hay cát pha vì đây là loại giống có nhiều ưu điểm như thời gian sinh trưởng ngắn, từ 50 – 65 ngày (tùy mùa vụ), cây sinh trưởng và phát triển mạnh, kháng được nhiều loại sâu bệnh.

Dưa lê nếu trồng đúng kỹ thuật sẽ cho quả có chất lượng tốt

Giống dưa này có thể trồng được quanh năm. Hoa cái của cây vẫn tồn tại cả nhị đực, do đó cây rất dễ thụ phấn và đậu quả cao, quả đồng đều, quả non có màu xanh, khi chín chuyển sang màu trắng lẫn ít màu vàng nhạt, thơm và rất ngọt, hình thức quả đẹp, có trọng lượng trung bình khoảng 0,3 – 0,5 kg/quả nên dễ tiêu thụ. Đặc biệt là cho năng suất cao, từ 1 – 1,5 tấn/sào.Tuy nhiên cần nắm vững kỹ thuật trồng dưa lê siêu ngọt đúng cách cho năng suất cao nhất.

Giống

Nên lựa chọn các giống dưa lê lai F1 siêu ngọt có những đặc điểm phù hợp với thị hiếu người tiêu dùng hiện nay là: Dưa có kích thước quả vừa phải, độ ngọt cao, vỏ xanh da đá hoặc trắng, cứng, cùi dày, ít hạt, vị thơm đặc trưng… Một số giống dưa lê lai siêu ngọt phổ biến hiện nay là: Ngân Huy, Thanh lê, NS-333, Hồng Ngọc…

Thời vụ

Dưa lê ưa biên độ nhiệt rộng hơn dưa hấu( 18- 32oC). Vì vậy thời vụ trồng dưa lê đối với các tỉnh miền bắc nước ta có thể tiến hành từ tháng 2 đến tháng 9 DL. Tuy nhiên với dưa lê xuân hè gieo trồng thích hợp nhất vẫn là sau tiết lập xuân.

Ngâm, ủ, ươm cây

Ngâm hạt trong nước sạch 2 giờ, nhiệt đọ thích hợp tốt nhất cho nảy mầm là 28-32oC, sau đó cho vào khăn ẩm ủ khoảng 24-36h hạt nẩy mầm. Ươm cây trong khay ươm với thời gian 10-14 ngày, khi cây xuất hiện lá thật thứ 2 thì tiến hành đi trồng. Hạt giống ngâm nước sạch trong 4 giờ, sau đó ủ 24 giờ, khi hạt nẩy mầm thì gieo vào bầu đất 1 hạt/bầu. Sau khi gieo từ 8 – 10 ngày, khi cây có 1 – 2 lá thật thì có thể đem trồng.

Nếu trồng giàn thì lượng giống từ 1 – 1,2kg/ha. Cây cách cây 0,5cm, hàng cách hàng 1,5m. Trồng hàng đôi, mật độ cây 25.000 cây/ha. Còn trồng bò trên mặt đất, lượng giống từ 400 – 500 gram/ha. Cây cách cây 0,5cm, hàng cách hàng 4m.

Thời kì cây con trong bầu không nên cung cấp dinh dưỡng cho cây qua đường gốc sẽ làm cây bị thối hỏng rễ non. Tốt nhất nên bổ sung bằng các chế phẩm phân qua lá giàu vi lượng và can xi định kì 4-5 ngày/lần. Lượng phân sử dụng chỉ cần bằng 1/2 so với lượng cho cây trưởng thành. Đồng thời, tưới bổ sung thêm chế phẩm nấm đối kháng Trichodecma để giảm thiểu lượng cây non chết vì bệnh thắt thân( lở cổ rễ). Khung che cần đóng mở linh hoạt để đảm bảo cây được ấm và không quá ẩm.

Tưới nước cho cây dưa lê trong bầu cũng cần lưu ý chỉ nên tưới đủ ẩm( nước ngấm hết vào đất sau khi tưới) và không tưới quá muộn. Đảm bảo cho cây con về đêm luôn khô nước trên thân lá.

Làm đất, trồng cây

Đất trồng dưa lê tốt nhất không trồng trên ruộng đã trồng cà chua, cà pháo, bí, khoai tây, ớt, dưa và ruộng cây trồng trước đã bị héo xanh. Xử lý đất trồng bằng vôi tả( 30- 40kg/sào) hoặc chế phẩm nấm đối kháng Trichodecma. Lên luống rộng 1,8-2m cả rãnh, cao 25-30cm, rãnh rộng 30-35cm. Luống thoải dần về hai bên mép. Nên dùng màng phủ chuyên dùng cho rau màu với dưa lê xuân hè. Trồng cây theo hàng, cây cách cây 25-30cm, đảm bảo 700- 800 cây/sào BB.

Chăm sóc dưa ở giai đoạn đầu

Ngay sau khi đặt bầu nên tưới ngay để cây nhanh liền thổ, chú ý rễ dưa rất yếu không chịu được úng, nếu ruộng bị ngập nước cần tháo rút nước ngay. Phân bón: Năng suất của dưa rất cao có thể đạt 5-6 tạ/sào, trong khi đó thời gian sinh trưởng của cây rất ngắn sau trồng 40-45 ngày cho thu những lứa quả đầu tiên chính vì vậy cần phải cung cấp đầy đủ dinh dưỡng cho dưa đặc biệt là phân lân.

Bà con nên sử dụng các loại phân dễ tan để bón cho dưa, đặc biệt là nguồn phân chuồng, phân bắc, phân xanh ủ mục. Nếu trời có nắng mưa xen kẽ rất dễ bị bệnh lở cổ rễ và thối thân nên phòng trừ bằng thuốc Validacin hoặc Anvil.

Bấm ngọn, ghim nhánh

Khi thân chính được 5 lá thì bấm ngọn để cho 2 nhánh cấp 1 phát triển, khi nhánh cấp 1 được 5 -6 lá thì bấm ngọn để cho 5 nhánh cấp 2 phát triển, khi nhánh thứ 2 được 5 – 6 lá thì bấm ngọn để 5 nhánh cấp 3 phát triển.

Khi bấm ngọn 3 lần một cây dưa có thể có 72 hoa cái có khả năng cho trái. Mỗi cây dưa chỉ nên để 6 – 14 trái tuỳ theo lực của cây. Để tránh bị gió lật giây dưa nên dùng đất phủ lên dây dưa từng quảng 50 – 60 cm, hoặc dùng gim tre để cố đinh dây dưa.

Thu hoạch

Trong quá trình chăm sóc nên che quả dưa bằng lá để quả dưa không bị ánh sáng mặt trời chiếu trực tiếp làm mất màu tự nhiên và xuất hiện nhiều vân xanh. Dưa lê khi chín có mùi thơm hấp dẫn con trùng đến phá nên cần phải kê kích quả ngay tu khi quả còn xanh.

Từ lúc trồng đến khi thu hoạch khoảng 60 ngày, từ lúc hoa cái tàn đến khi quả chín khoảng 30 – 35 ngày, lúc này quả dưa có màu trắng sáng (bạch lê). Thời gian cho thu hoạch rộ khoảng 25 – 30 ngày. Thu hoạch dưa xong cần xếp dưa ở nơi thoáng mát khoảng 1 – 2 ngày để tăng phẩm chất và hương vị dưa lê.

Tổng hợp bởi Farmtech Vietnam.