Đột phá công nghệ, nâng cao giá trị Gạo Việt

Xu hướng hiện nay của các nước nhập khẩu gạo luôn đòi hỏi chất lượng gạo phải ngon, đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm và truy suất nguồn gốc. Vì vậy để lúa gạo Việt Nam phát triển bền vững cần có những giải pháp nâng cao chất lượng hạt gạo.

Thu hoạch Lúa ở Đồng Bằng Sông Cửu Long

 

Lúa gạo là mặt hàng nông sản xuất khẩu chủ lực của Việt Nam, có giá trị XK hàng tỷ USD/năm, là sản phẩm nòng cốt giữ vững thương hiệu quốc gia nông nghiệp trên thế giới.

Những thành quả liên tiếp đạt được về kim ngạch XK gạo trong những năm gần đây tới các thị trường truyền thống cũng như năng lực mở rộng tiếp cận tới các thị trường mới, có tính khắt khe về tiêu chuẩn chất lượng như Mỹ, EU, Hàn Quốc, Nhật Bản, Trung Quốc… đã tiếp tục khẳng định khả năng tăng trưởng và phát triển của gạo Việt.

Tuy nhiên, ứng dụng công nghệ tiên tiến trong SX, chế biến và bảo quản vẫn còn rất hạn chế đối với các DN SX gạo trong nước. Điều này ảnh hưởng không nhỏ tới chất lượng và giá thành của gạo Việt Nam so với giống gạo cùng loại của các quốc gia XK gạo lớn như Thái Lan và Ấn Độ.

Theo Bộ Công thương, trong giai đoạn 2010 – 2018, tổng lượng gạo tiêu dùng của Việt Nam dao động từ 19 – 23 triệu tấn/năm, sản lượng gạo XK dao động từ 4,9 – 7,7 triệu tấn/năm, giá trị XK luôn đạt trên 2 tỷ USD/năm và mức kỷ lục 3,08 tỷ USD năm 2018. Song, ứng dụng công nghệ trong chuỗi giá trị lúa gạo còn thấp nên thu nhập của nông dân và DN chưa cao.

Riêng 8 tháng đầu năm 2019 XK gạo đạt 5,4 triệu tấn nhưng trị giá chỉ đạt 1,96 tỷ USD (-15%). Trong năm nay gạo Việt XK sang thị trường Trung Quốc cũng giảm 65% về lượng và 67% về trị giá. Nguyên do vì hiện nay Trung Quốc tăng quản lý về chất lượng, truy xuất nguồn gốc, siết chặt quản lý biên giới không còn là thị trường dễ tính nữa.

Từ lý do đó lúa gạo Việt Nam cần đột phá về nhiều mặt như nâng công nghệ chất lượng hiệu quả trong SX và tiêu thụ lúa gạo sang các nước trên thế giới.

Ông Nguyễn Hồng Sơn, GĐ Viện Khoa học Nông nghiệp Việt Nam (Bộ NN-PTNT) nhấn mạnh: Ứng dụng công nghệ tiên tiến trong bảo quản, chế biến hiện đang là khâu xung yếu nhất trong chuỗi giá trị lúa gạo Việt Nam. Vấn đề này cũng đã được xác định là cơ hội và tiềm năng phát triển mạnh cho những sáng kiến mang tính đột phá của ngành lúa gạo, của các DN là chủ thể của chuỗi SX lúa gạo Việt Nam, nhằm đáp ứng yêu cầu cấp bách cũng như mục tiêu lâu dài về nâng cao chất lượng, giá trị và năng lực cạnh tranh của gạo Việt.

Hiện tỷ lệ cơ giới hóa khâu thu hoạch lúa trên cả nước là 50%, riêng ĐBSCL đạt 82%. Sấy lúa là khâu quan trọng có ảnh hưởng rất lớn đến tỷ lệ thu hồi và chất lượng gạo xay xát, nhưng năng lực sấy lúa của Đồng bằng sông Cửu Long còn thấp, chỉ đạt khoảng 56%.

Các hệ thống kho chứa chưa đáp ứng được các yêu cầu kỹ thuật để bảo quản lúa dài ngày (từ 6 – 12 tháng). Hiệu quả chuỗi giá trị ngành lúa gạo vẫn còn thấp, do tỷ lệ thất thoát cao, chất lượng gạo XK còn thấp, phân phối lợi nhuận, chia sẻ rủi ro giữa nông dân và các đối tác còn bất cập. Cơ sở hạ tầng, công nghệ bảo quản, chế biến ở địa phương còn lạc hậu làm gia tăng tổn thất, và giảm chất lượng trong bảo quản.

 

Lượng gạo XK của Việt Nam đang chiếm khoảng 15% thị trường thế giới nhưng lại không có thương hiệu gạo nổi bật, nên không thu được giá trị gia tăng nhờ thương hiệu.

 

Theo ông Sơn, để có thể nâng cao giá trị nông sản, nhất là lúa gạo, thông tin về các sản phẩm được chế biến sau lúa, gạo là vô cùng hữu ích cho nông dân, nhà khoa học, các DN và quản lý nhà nước trong nỗ lực nghiên cứu, học hỏi các phương thức SX mới trên thế giới, nhằm nâng cao hơn nữa chất lượng lúa, hạt gạo, và các phụ phẩm sau thu hoạch.

Hiện nay Bộ NN-PTNT đã và đang có nhiều chương trình, kế hoạch hành động cụ thể về nội dung này và tin tưởng với tính hấp dẫn về đầu tư ngành nông nghiệp, cùng với những cơ hội ngày một mở rộng hơn từ các hiệp định thương mại ký kết gần đây, các DN tham gia trong ngành công nghệ chế biến và bảo quản lúa gạo quan tâm sẽ quan tâm nhiều hơn đến thị trường Việt Nam, hợp tác với DN SX trong nước để thúc đẩy ứng dụng công nghệ, tăng hiệu quả và chất lượng của gạo Việt Nam.

Ông Trần Ngọc Thạch, Viện trưởng Viện Lúa ĐBSCL cho biết: Giá trị của hạt gạo trên thị trường, ngoài chất lượng gạo còn có rất nhiều yếu tố khác tác động như thương hiệu (uy tín của DN), quy trình canh tác và truy xuất nguồn gốc. Để nâng cao hơn nữa giá trị XK gạo của Việt Nam, trên cơ sở các kết quả nghiên cứu chọn tạo giống đã đạt được, đề nghị các DN XK cần có sự hợp tác và đầu tư nhiều hơn nữa trong việc xây dựng vùng nguyên liệu, áp dụng quy trình canh tác lúa phù hợp, lúa hữu cơ và truy xuất nguồn gốc sản phẩm.

Lượng Gạo XK của Việt Nam đang chiếm khoảng 15% thị trường trên toàn Thế Giới nhưng lại không có thương hiệu Gạo nổi bật

 

Quan trọng hơn là đẩy mạnh hợp tác với các đơn vị nghiên cứu để tiếp nhận và quảng bá các giống lúa mới có phẩm chất tốt ra thị trường và duy trì được sự ổn định của chất lượng giống và lúa hàng hóa trong vùng nguyên liệu. Ngoài ra, cũng cần quan tâm hơn nữa đến các giống lúa giàu vi chất dinh dưỡng và gạo chức năng, mặc dù thị phần không lớn, nhưng có giá trị kinh tế rất cao, mà chưa được quan tâm đúng mức.

Nguồn: Tổng hợp và được kiểm duyệt bởi Farmtech Vietnam

Gạo Việt Nam xuất khẩu miệt mài nhưng vẫn chưa đặc tên

Trong khi Thái Lan có thương hiệu gạo thơm Hom Mali, Campuchia gia nhập thị trường xuất khẩu sau cũng đã kịp có tên gạo Phka Romdoul… thì Việt Nam dù đã bền bỉ xuất khẩu gạo nhiều năm nay, thuộc top đầu thế giới vẫn chưa được định vị bằng một cái tên thật sự “danh chính ngôn thuận”.

Chỉ chú ý số lượng

Theo báo cáo của Bộ Công Thương, xuất khẩu gạo liên tục tăng nhanh trong những năm gần đây. Năm 2017, kim ngạch xuất khẩu đạt 5,82 triệu tấn, tăng 21% so với năm 2016; trị giá đạt khoảng 2,63 tỷ USD, tăng 22% so với 2016. Còn trong 9 tháng năm 2018, xuất khẩu gạo đạt 4,73 triệu tấn, tăng 9,3% so với cùng kỳ năm 2017; trị giá đạt 2,38 tỷ USD, tăng 24,8% so với cùng kỳ 2017. Dự kiến, cả năm 2018, xuất khẩu gạo sẽ đạt con số 3,2 – 3,3 tỷ USD.

Theo lãnh đạo Bộ Công Thương, tới đây sẽ tiếp tục đàm phán mở cửa và phát triển thị trường, các biện pháp nhằm duy trì thị trường xuất khẩu ổn định, tăng cường quan hệ hợp tác thương mại gạo cả kênh Chính phủ và doanh nghiệp; đa dạng và nâng cao hiệu quả công tác xúc tiến thương mại.

Đến nay, Việt Nam chiếm khoảng 15% tổng lượng gạo xuất khẩu toàn thế giới. Gạo Việt Nam có mặt tại 150 quốc gia và vùng lãnh thổ, đặc biệt là nước xuất khẩu gạo lớn thứ 3 thế giới. Mặc dù vậy, Bộ Công Thương cho rằng hoạt động xuất khẩu gạo của Việt Nam vẫn phải đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức.

Tại hội nghị “Triển vọng sản xuất và thị trường xuất khẩu gạo Việt Nam” ngày 10.10, Thứ trưởng Bộ Công Thương Đỗ Thắng Hải cho biết, những tiến bộ trong sản xuất và cơ cấu giống, mùa vụ, cùng với các biện pháp canh tác thích hợp đã từng bước nâng cao chất lượng gạo Việt Nam. Đáng chú ý, ngày 15.8.2018, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 107/2018 thay thế Nghị định 109/2010 về kinh doanh xuất khẩu gạo, sẽ tiếp tục tạo dựng môi trường thông thoáng, thúc đẩy đầu tư, kinh doanh trong lĩnh vực sản xuất, thương mại gạo.

“Tuy vậy, phải thừa nhận một thực tế, mặt hàng gạo của Việt Nam cần khắc phục và hoàn thiện việc nâng cao năng lực tiếp cận thị trường, marketing, đàm phán, ký kết hợp đồng xuất khẩu; các sản phẩm gạo Việt Nam vẫn chưa được phần lớn người tiêu dùng các nước biết đến. Đây là những vấn đề cần được khắc phục thời gian tới” – ông Hải nói.

Đồng quan điểm, ông Trần Thanh Hải – Phó Cục trưởng Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương), cho biết hiện nay cơ cấu chủng loại xuất khẩu gạo trắng cấp thấp, trung bình và gạo trắng phẩm cấp cao của Việt Nam vẫn chiếm gần 40%. Trong khi đó, các thị trường cạnh tranh về xuất khẩu gạo với Việt Nam đang ngày càng đầu tư nghiên cứu, nâng cao chất lượng gạo.

Trước bối cảnh trên, ông Hải cho hay, định hướng phát triển xuất khẩu gạo của Việt Nam trong thời gian tới, ngành lúa gạo sẽ hướng đến sản xuất theo quy trình sạch, hữu cơ, đa dạng hóa các sản phẩm chế biến từ lúa gạo. Xây dựng uy tín, thương hiệu gạo Việt Nam trên thị trường thế giới là những định hướng mà ngành gạo Việt Nam đang triển khai. “Hiện, gạo trắng cấp thấp chiếm hơn 30%. Thời gian tới, sẽ giảm gạo phẩm cấp thấp, nâng cao thị phần gạo thơm, gạo đặc sản, gạo Japonica” – ông Hải nhấn mạnh.

Xây dựng thương hiệu, cách nào?

Có thể thấy, điểm yếu nhất của gạo Việt hiện nay là chưa có thương hiệu. Theo ông Martin Albani – chuyên gia Tập đoàn Tài chính quốc tế: Thương hiệu chính là việc xác định hình ảnh. Trong đó, giai đoạn đầu tiên là đưa ra hình ảnh, tiếp đó là phát triển thương hiệu. Việc đưa ra thương hiệu không chỉ tác động đến chủ thương hiệu mà còn tác động đến khách hàng mà còn đối với đối tác.

“Theo khảo sát, người tiêu dùng chấp nhận trả mức giá cao hơn gấp đôi so với sản phẩm thông thường để mua các sản phẩm có nguồn gốc, có chỉ dẫn địa lý” – ông Martin Albani nói.

Lấy thêm ví dụ về Campuchia, theo ông Martin, ngành lúa gạo nước này bắt đầu gần như từ “tay trắng” nhưng nhờ chú trọng nâng cao chất lượng và xây dựng thương hiệu, Campuchia đã khiến người tiêu dùng thế giới biết tới gạo của họ.

Bà Nguyễn Thúy Kiều Tiên – Phó Viện trưởng Viện Lúa ĐBSCL cho rằng, các loại giống lúa Japonica, giống lúa theo thực phẩm chức năng, nhóm lúa hạt dài ở Việt Nam vẫn chưa tạo được sự vượt trội về hình dáng, hương vị so với các nước khác. “Muốn xuất khẩu gạo đem lại nhiều giá trị cần phải đặc biệt chú trọng tới giống lúa” – bà Tiên nhấn mạnh.

Trước thực tế trên, lãnh đạo Bộ Công Thương cho biết, thời gian tới sẽ đẩy mạnh tái cơ cấu sản xuất lúa gạo, định hướng sản xuất gắn với tín hiệu thị trường; từng bước nâng cao và ổn định chất lượng gạo xuất khẩu; đảm bảo đáp ứng các quy định ngày càng khắt khe của các thị trường nhập khẩu về chất lượng, an toàn thực phẩm; đẩy mạnh hợp tác quốc tế trong sản xuất, chế biến lúa gạo; ứng dụng công nghệ tiên tiến, công nghệ cao vào sản xuất, chế biến sâu, bảo quản lúa gạo giảm tổn thất sau thu hoạch.

Nguồn: Tổng hợp, duyệt bởi Farmtech Vietnam

Gạo Việt NAm có mặt ở 150 thị trường nhưng vẫn ít người biết

Hạn chế về năng lực tiếp cận, thâm nhập thị trường, marketing thương hiệu… nên gạo Việt Nam ít được người tiêu dùng thế giới biết đến.

Những năm gần đây, ngành gạo Việt Nam có bước phát triển và đạt được kết quả tích cực. Năm 2017, Việt Nam tiếp tục là nước xuất khẩu gạo đứng thứ ba thế giới chỉ sau Ấn Độ và Thái Lan. Tính trong 9 tháng năm 2018, Việt Nam đã xuất khẩu trên 4,89 triệu tấn gạo với giá trị khoảng 2,46 tỷ USD, lần lượt tăng 6,7% về lượng và tăng 21,3% về giá trị so với cùng kỳ năm trước.

15% lượng gạo xuất khẩu toàn thế giới

Hiện nay, lượng gạo Việt Nam xuất khẩu chiếm khoảng 15% tổng lượng gạo xuất khẩu toàn thế giới. Gạo Việt hiện đã có mặt ở gần 150 quốc gia và vùng lãnh thổ, bước đầu đã thâm nhập được vào những thị trường có yêu cầu cao như Hàn Quốc, Nhật Bản, Hoa Kỳ, EU…

Thứ trưởng Bộ Công Thương Đỗ Thắng Hải cho biết, những tiến bộ trong sản xuất, cơ cấu giống, mùa vụ cùng với những biện pháp canh tác thích hợp đã từng bước nâng cao chất lượng gạo Việt Nam. Ngoài ra, các giống lúa thơm, chất lượng cao nhằm phục vụ những phân khúc thị trường cao cấp cũng được quan tâm hơn.

Đặc biệt, để tiếp tục tạo dựng môi trường thông thoáng, thúc đẩy đầu tư

, kinh doanh trong lĩnh vực sản xuất, thương mại gạo, ngày 15/8 vừa qua, Chính phủ đã ban hành Nghị định 10/2018/NĐ-CP7 thay thế Nghị định 109/2010/NĐ-CP về kinh doanh, xuất khẩu gạo.

“Một số cơ chế chính sách khác như Đề án tái cơ cấu ngành lúa gạo; Chiến lược phát triển thị trường xuất khẩu gạo; Đề án phát triển thương hiệu gạo Việt Nam sẽ góp phần tăng cường liên kết, gắn sản xuất với thị trường theo chuỗi giá trị, bảo đảm chất lượng gạo xuất khẩu, xây dựng và khẳng định uy tín thương hiệu gạo Việt Nam”, Thứ trưởng Đỗ Thắng Hải khẳng định.

Tuy nhiên, theo ông Đỗ Thắng Hải, mặc dù sản phẩm gạo đã có mặt ở hầu hết các quốc gia và vùng lãnh thổ trong đó có một số thị tường đòi hỏi chất lượng cao, song xuất khẩu gạo Việt Nam vẫn cần khắc phục một số điểm yếu.

“Năng lực tiếp cận thâm nhập thị trường, marketing, đàm phán, ký kết thực hiện hợp đồng, xử lý tranh chấp thương mại quốc tế, tham gia chuỗi giá trị toàn cầu của các thương nhân kinh doanh xuất khẩu gạo còn hạn chế. Bởi vậy, sản phẩm gạo chưa gây dựng được thương hiệu nên ít được người tiêu dùng thế giới biết đến”, Thứ trưởng Đỗ Thắng Hải nêu rõ.

Chú trọng hơn nữa chất lượng và an toàn

Với mục tiêu xây dựng và nâng cao giá trị hạt gạo Việt Nam trong xu thế cạnh tranh toàn cầu, các doanh nghiệp xuất khẩu gạo Việt Nam đã ngày càng chú trọng hơn vào chất lượng gạo xuất khẩu thay vì sản lượng. Cùng với đó, thời gian qua, các chính sách về xuất khẩu gạo đi vào thực tiễn đã giúp cho hoạt động kinh doanh lúa gạo của các doanh nghiệp trong ngành đi vào nề nếp, bài bản hơn.

Bà Nguyễn Thuý Kiều Tiên, Phó Viện trưởng Viện lúa ĐBSCL cho biết, Viện đã nghiên cứu và đưa ra nhiều giống lúa chất lượng cao để có thể đáp ứng cho nhu cầu xuất khẩu của thị trường. “Hiện nay, Viện lúa ĐBSCL đang nghiên cứu chương trình phát triển giống lúa hạt rất dài, có đặc điểm thơm đậm, gạo trong, dài phù hợp với thị hiếu của thị trường và đó cũng là xu hướng chung của thế giới”, bà Tiên cho hay.

Để nâng cao giá trị gạo xuất khẩu, bà Tiên cũng đưa ra khuyến cáo, các doanh nghiệp cần chú trọng áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất, đưa vào sản xuất những giống lúa chất lượng có thể chịu đựng được điều kiện bất lợi của môi trường, biến đổi khí hậu gia tăng. “Trong dài hạn, các doanh nghiệp cần sự đầu tư mạnh mẽ của Nhà nước cho công tác nghiên cứu chọn tạo giống lúa thơm, chất lượng cao tạo lợi thế cho xuất khẩu”, bà Tiên lưu ý.

Nhận thấy những năm gần đây, xu hướng xuất khẩu gạo chạy theo sản lượng của các doanh nghiệp Việt đã thay đổi, ông Huỳnh Văn Thòn, Chủ tịch Công ty CP Tập đoàn Lộc Trời nhận xét, thế giới ngày nay nhắc đến gạo Việt là nhắc tới chất lượng và sự an toàn và ngành gạo đã có bước chuyển mình ngoạn mục.

Từ kinh nghiệm sản xuất và xuất khẩu của doanh nghiệp, ông Thòn chia sẻ, doanh nghiệp xuất khẩu gạo cần có sự thay đổi lớn để có thể ghi được tên mình vào bản đồ xuất khẩu thế giới.

“Lộc Trời áp dụng phương thức sản xuất theo chuỗi giá trị bền vững. Khi đó, doanh nghiệp và người dân cùng nhau quy hoạch, tập trung nguyên liệu, sản xuất tập trung theo loại hình “cánh đồng mẫu lớn”, liên kết các hộ sản xuất nhỏ lại thành hộ sản xuất lớn, thành hợp tác xã. Chính nhờ sự liên kết này, câu chuyện sản xuất manh mún, phân tán, không rõ nguồn gốc tại Lộc Trời đã trở thành quá khứ”, ông Thòn nhấn mạnh.

Theo ông Trần Thanh Hải, Phó Cục trưởng Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương), hiện nay các quốc gia nhập khẩu đang có những động thái quản lý chặt hơn mặt hàng gạo. Đơn cử, Trung Quốc là thị trường nhập khẩu gạo lớn nhất của Việt Nam đã duy trì chế độ nhập khẩu chặt chẽ thông qua hạn ngạch, kiểm tra an toàn thực phẩm nghiêm ngặt.

“Do đó, định hướng phát triển, sản xuất, xuất khẩu gạo thời gian tới cần theo quy trình sạch, tăng cường sản xuất gạo hữu cơ, đa dạng hóa các sản phẩm chế biến từ lúa gạo; tổ chức sản xuất gạo theo quy trình chuẩn, đồng bộ từ khâu giống, canh tác, thu hoạch, chế biến, đóng gói… Cùng với đó, cần xây dựng các vùng chuyên canh sản xuất lúa gạo hàng hóa có chất lượng để tạo dựng uy tín, tạo thương hiệu hạt gạo Việt Nam rõ nét hơn trên thị trường thế giới”, ông Trần Thanh Hải mong muốn.

Nguồn: Tổng hợp, duyệt bởi Farmtech Vietnam