Giá tăng kỷ lục, ngành Điều vẫn khó

Năm 2016, kim ngạch xuất khẩu điều đạt 2,84 tỉ USD, đứng thứ 2 sau ngành cà phê.

Ngành điều VN dẫn đầu thế giới nhiều năm liền nhưng vẫn phát triển thiếu bền vững. Đặt mục tiêu xuất khẩu đạt 3 tỉ USD trong năm nay nhưng ngành điều VN hưởng lợi không bao nhiêu do phụ thuộc quá lớn vào nguồn nguyên liệu nhập khẩu.

Trong nước mất mùa

Hiện tại đang vào vụ thu hoạch điều nhưng do năm nay mưa trái mùa phổ biến trên diện rộng với lượng lớn; thêm vào đó dịch bệnh phát triển nên năng suất và sản lượng ở các vùng nguyên liệu đều giảm. Ông Nguyễn Văn Quang ở xã Đak Ơ, H.Bù Gia Mập, tỉnh Bình Phước cho biết: Giá bán điều giữa tháng 3 này lên tới 45.000 đồng/kg, cao nhất từ trước tới nay. Dù giá cao nhưng ông Quang cũng chẳng vui nổi vì mất mùa nặng. Năng suất năm nay chỉ đạt khoảng 60% so với mọi năm.

Tại tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu, ông Nguyễn Anh Tuấn ở xã Hòa Hội, H.Xuyên Mộc cho biết: Giá điều ở mức chưa từng có với điều tươi 46.000 đồng/kg, điều khô 60.000 đồng/kg. Nhưng nhiều vườn điều ở địa phương bị sâu, bọ xít ùa vào chích hết từ lá non đến lá già, vườn chết khô y như bị cháy. Một số hộ kịp thời phun thuốc, kích thích trổ bông lại từ đầu nên có khả năng trong vòng 2 tháng nữa sẽ có thu hoạch nếu còn nắng. Trong khi đó, nhiều hộ bỏ mặc, thất thu đến 80%.

Kỹ sư Phạm Văn Đẩu, Hiệp hội Điều VN (Vinacas), cho biết mùa điều năm nay thu hoạch kém hơn các năm trước trong đó Lâm Đồng thiệt hại nặng nề nhất, mất mùa gần 80%. Một số tỉnh như: Bà Rịa-Vũng Tàu, Bình Thuận cũng thiệt hại khá lớn. Nguyên nhân chủ yếu do sự bùng nổ của sâu róm đỏ và bọ xít muỗi. Toàn bộ hoa, chồi non đều bị bọ xít muỗi chích đến khô khốc, cháy đen, không thể thụ phấn, đậu quả. Các địa phương khác cũng bị ảnh hưởng nhưng ở mức độ nhẹ hơn.

Những năm trước mức giá cao nhất chỉ giao động trong khoảng 28.000 – 30.000 đồng/kg

Giá điều tăng đột biến cũng là do mất mùa, nguyên liệu khan hiếm. Những năm trước mức giá cao nhất chỉ giao động trong khoảng 28.000 – 30.000 đồng/kg. Giá thấp, nhiều nông dân đã chuyển sang trồng các loại cây khác có giá trị kinh tế cao hơn.

Người “khổng lồ” bị ép giá

Trong khoảng 10 năm qua, VN luôn dẫn đầu ngành điều thế giới ở cả khâu nhập và xuất khẩu. Năm 2016, VN chế biến 1,5 triệu tấn điều thô, tương đương 50% sản lượng toàn cầu. Cũng trong năm này, theo Bộ NN-PTNT, VN xuất khẩu đạt 347.000 tấn tương đương kim ngạch 2,84 tỉ USD; tăng 5,6% về khối lượng và tăng 18,4% về giá trị so với năm 2015. Tuy nhiên, chúng ta cũng phải bỏ ra đến 1,6 tỉ USD để nhập 1 triệu tấn nguyên liệu chủ yếu từ châu Phi về sản xuất.

Dù dự báo sản lượng điều thế giới không giảm nhưng theo Vinacas, giá điều nhập khẩu không ngừng tăng khiến lợi nhuận thu về của ngành giảm mạnh. Cụ thể ngày 15.3, giá điều thô nhập khẩu tăng thêm 150 USD/tấn, đạt mức 2.000 USD/tấn. Lý giải về mức giá nguyên liệu điều tăng quá mạnh, ông Hồ Ngọc Cầm, nguyên Chủ tịch Hiệp hội Điều VN cho rằng, là do các doanh nghiệp (DN) của ta sợ thiếu nguyên liệu, tranh mua nên bị ép giá. “Chúng ta là nhà nhập khẩu điều lớn nhất thế giới mà vẫn bị ép giá là một sự thật hết sức vô lý. Sự tranh mua cũng bắt nguồn từ tranh bán, chỉ mạnh ai nấy làm nên dù là người “khổng lồ” trên thương trường thế giới nhưng chúng ta vẫn đang bị ép cả hai đầu” – ông Hồ Ngọc Cầm nói.

Nhưng mức giá 2.000 USD/tấn chưa phải là cao nhất. Theo báo cáo của Bộ NN-PTNT, trong 2 tháng đầu năm nay VN nhập khẩu 93.000 tấn tương đương 226 triệu USD, tăng gần 54% về khối lượng và tăng hơn 2 lần về giá trị so với cùng kỳ năm 2016. Tính ra giá nhập khẩu bình quân đến 2.430 USD/tấn, tương đương khoảng 53.000 đồng/kg. Trong khi cùng kỳ năm 2016, VN nhập khẩu 63.000 tấn với giá trị đạt 103 triệu USD, tương đương 1.630 USD/tấn, rơi vào khoảng 35.000 đồng/kg. Nghĩa là chúng ta càng nhập nhiều thì giá càng cao, càng làm nhiều, lợi nhuận càng ít đi.

Giá trị gia tăng thấp

Theo ông Cầm, 4 kg điều thô sẽ cho ra 1 kg điều chế biến. Với giá điều nhập khẩu là 2,43 USD/tấn thì để có 1 kg điều xuất khẩu với giá 9,1 USD chúng ta tốn tới 9,72 USD (2,43 x 4) để nhập nguyên liệu. Năm 2016 VN nhập khẩu

1 triệu tấn điều với giá trị 1,6 tỉ USD. Với công thức trên, để có một ký điều xuất khẩu chúng ta mất giá vốn 6,4 USD. Với giá xuất khẩu bình quân năm 2016 là 8.118 USD/tấn (tương đương 8,1 USD/kg), mức chênh lệch giữa mua – bán là 1,7 USD/kg. Khoản chênh lệch 1,7 USD phải gánh hàng loạt chi phí như lãi vay ngân hàng, lương nhân công, điện, nước, thuế, khấu hao máy móc… nên lợi nhuận thu về là rất thấp, thậm chí không ít DN không khéo thu vén sẽ bị lỗ. Vậy họ sống nhờ cái gì? Ông Cầm giải thích, có 3 yếu tố giúp các DN tồn tại. Thứ nhất là DN sống nhờ vào nguồn thu từ phụ phẩm trong quá trình chế biến điều. Thứ hai là cố gắng kềm giá thu mua điều trong nước để bù vào giá nhập khẩu nguyên liệu. Thứ ba chính là có một số DN “lướt sóng” mua được nguyên liệu dự trữ lúc giá thấp. “Nhìn con số xuất khẩu 2 – 3 tỉ USD rất ấn tượng nhưng giá trị gia tăng mang lại rất khiêm tốn. Chúng ta cần nên tỉnh táo nhìn vào thực chất”, ông Cầm nói.

Điều – một ngành được đánh giá là tiềm năng và VN đang chiếm vị thế lớn trên bản đồ xuất khẩu của thế giới

Không chỉ vậy, các DN còn đối mặt với rủi ro khi nhập khẩu nguyên liệu qua trung gian. Nhiều DN trong ngành thừa nhận, họ ít khi mua được nguyên liệu trực tiếp từ châu Phi mà chủ yếu qua các thương nhân Ấn Độ nên rủi ro về chất lượng hàng nhập khẩu rất lớn.

Vậy giải pháp nào cho ngành điều, một ngành được đánh giá là tiềm năng và VN đang chiếm vị thế lớn trên bản đồ xuất khẩu của thế giới. Theo các chuyên gia kinh tế, để ngành điều phát triển bền vững, cần chú trọng nguồn nguyên liệu trong nước, cải tạo giống để tăng sản lượng từ 2 tấn/ha lên 3 – 4 tấn/ha, áp dụng công nghệ cao trong cả trồng trọt, sản xuất, chế biến điều. Chỉ có như vậy, mới giảm phụ thuộc vào nhập khẩu nguyên liệu. Đối với thị trường nhập khẩu cần có đàm phán cấp Chính phủ trong việc thu mua nguyên liệu. Bên cạnh đó các DN phải thật sự đồng lòng, đoàn kết để luôn có giá tốt trong cả mua và bán. Nếu không, câu chuyện của ngành sẽ giống như ngành cá tra – dù một mình một chợ vẫn thua thiệt.

Nguồn: tintaynguyen.com được kiểm duyệt bởi Farmtech Vietnam.

Sâu bệnh hại cây Điều

1. Sâu đục thân

Có 2 loại phá ở thân và loại đục càng:

a. Sâu đục thân gốc: Trưởng thành là xén tóc màu nâu đỏ. Ðầu, ngực màu đậm hơn, dài khoảng 5 – 6 cm, con cái đẻ trứng vào các vết nứt trên thân gần gốc. Sâu non nở ra có màu trắng vàng nhạt đục vào bên trong thân cây theo nhiều đường ngoằn ngoèo và ăn vào tận trung tâm làm tắc nghẽn các mạch dẫn nhựa nuôi các cành bên trên nên dần dần cây bị suy và chết, lỗ đục do ấu trùng của sâu đục thân có nhiều phân và chất thải giống mạt cưa cùng nhựa cây tiết ra. Giai đoạn sâu non dài khoảng 7 – 8 tháng, lúc lớn nhất có thể dài 6 – 7 cm. Nhộng thường ở phần vỏ gần mặt đất trong các vỏ cứng màu trắng hình bầu dục dài.

Phòng trừ sâu bệnh hại để có được chất lượng điều tốt nhất

b. Sâu đục thân cành: Xén tóc màu đen, có lốm đốm bông ở mặt lưng, kích thước khoảng 3 – 3,5 cm, con cái đẻ trứng ở vỏ cây, thường ở các nơi phân cành. Sâu non nở ra đục vào cành làm tắc mạch dẫn nên dần dần bị khô, sâu thường tiết tơ kết dính phân và miếng vụn của cây tạo những dây dài.

Phòng trừ: sâu đục thân và đục cành có vòng đời dài sống quanh năm. Do sâu đục bên trong thân, cành hoặc rễ cây nên rất khó trị, vì vậy cần thăm vườn thường xuyên để phát hiện sớm khi sâu mới đục ở phần vỏ, phòng trừ bằng các cách:
– Bóc chỗ vỏ có dấu sâu đục hoặc vạt nơi sâu đục thân để bắt sâu non, nhộng và trứng, cưa bỏ và tiêu huỷ các cành bị đục.
– Sử dụng hóa chất: dùng bình bơm hoặc xi lanh bơm dung dịch thuốc trừ sâu như: Sago-super 20EC, Dragon 585EC, Diaphos 50ND. . . Hoặc đặt các miếng gòn có tẩm các loại thuốc trên vào nơi có sâu đục, bịt kín lỗ đục lại bằng đất sét.
– Quét vôi hoặc trộn Sago-super 3G hay Diaphos 10H với bùn loãng (gồm đất sét + phân trâu bò) theo tỉ lệ 1:4 quét lên thân cây từ 1m trở xuống vào đầu mùa khô (tháng 12 dl) để ngăn chận sự đẽ trứng và ấu trùng xâm nhập.

2. Côn trùng chích hút

Quan trọng nhất là bọ xít muỗi và bọ trĩ, ngoài ra còn có rầy mềm (Aphid).

a. Bọ xít muỗi: Con trưởng thành và con non có dạng gần giống nhau. Bọ xít có màu nâu đỏ, ngực đen. Trưởng thành dài 6 – 8 mm. Xuất hiện quanh năm nhưng mậtsố tăng cao và gây hại nặng vào cuối mùa mưa đến sau thu hoạch, cao điểm vào tháng 12 – 1 dl
Con cái đẻ trứng vào chồi non. Thời gian sâu non ngắn khoảng 10 ngày, cả con non và con trưởng thành chích hút trên lá non, chồi non, cành hoa, trái và quả non. Nơi bị chích hút có tiết nhựa màu trắng trong, lá non bị chích khô trắng lại, khó rụng, có khi khô cả chùm hoa, trái non rụng nhiều. Vết chích bị nấm phụ snh tấn công nên có màu đen, rất dễ lầm với bệnh thán thư
Bọ xít muỗi thường xuất hiện nhiều vào sáng sớm và chiều mát, nó có thể sống trên nhiều loại cây như: ổi, xoài, tiêu. Nhưng cũng có nhiều thiên địch có thể diệt bọ xít.

b. Bọ trĩ (Thrip): Con trưởng thành rất nhỏ, dài khoảng 1mm, màu vàng nâu, cánh có lông tơ. Con cái có thể đẽ từ 30 – 50 trứng rất nhỏ ở mặt dưới lá dọc theo gân chính của lá non. Trứng nở sau 4 – 6 ngày. Bọ trĩ non màu vàng nhạt, rất khó thấy bằng mắt thường (chỉ dài 0,2mm), lột xác 2 – 3 lần kéo dài 12 – 18 ngày. Do vậy có rất nhiều thế hệ liên tiếp nhau gây hại nặng cho điều vào đầu mùa khô. Cao điểm vào tháng 12 – 2 dl lúc trời nắng nóng.
Cả bọ trĩ trưởng thành và con non đều gây hại bằng cách cứa rách lớp biểu bì ở các bộ phận non và liếm hút nhựa chảy ra, dẫn đến lá đọt kém phát triển và có màu trắng bạc, hoa và trái non bị khô và rụng, vỏ hạt bị hiện tượng da cám, vỏ trái giả bị chai sần, nứt chảy nước và thối.

c. Rầy mềm (Aphid): Con non có dạng tròn lớn hơn hạt mè, màu hồng có một lớp phấn trắng. Rầy bám thành từng mảng dày trên chồi lá, chồi hoa, hoặc chích hút nhựa ở trái non, sau đó chất thải của rầy bị nấm ký sinh làm đen trái non và rụng.

Phòng trừ: Côn trùng chích hút phá hoại nhiều vào giai đoạn điều ra đọt non và ra bông-kết trái. Vì vậy từ tháng 11 dl phải thường xuyên thăm vườn để phát hiện sâu,
– Vệ sinh dọn dẹp cỏ dại, cắt tỉa cành thông thoáng sau thu hoạch và trong mùa mưa là biện pháp tích cực nhằm chủ động hạn chế mật độ nhóm côn trùng chích hút khi điều ra bông-kết trái.
– Sâu nhiều có thể diệt bằng các loại thuốc như: Secsaigon 10EC, Sapen Alpha 5EC, Fenbis 25EC, Sago-super 20EC…
Chú ý nên xịt lúc sáng sớm và chiều mát và không nên dùng các loại thuốc nhủ dầu với nồng độ cao có thể làm hại bông.

3. Sâu hại lá

Có 3 loại:

a. Sâu đục lòn lá: sâu rất nhỏ đục vào biểu bì lá non, tạo thành những vết phồng màu trắng.

b. Sâu róm đỏ: lúc nhỏ sống thành từng đàn trên một vài lá. Khi lớn phát tán ra. Nhiều lúc ăn trụi lá cả cây. Sâu hóa nhộng trong những kén tơ vàng ánh. Sâu có thể gây dịch lớn. Sâu xuất hiện vào đầu mùa khô.

c. Sâu kết lá: sâu non màu nâu đen, sâu nhả tơ kết lá thành tổ. Sâu xuất hiện nhiều vào đầu mùa khô.

d. Sâu kèn: Có nhiều loại. Sâu thường nhả tơ kết dính thành tổ có dạng khác nhau tùy loại sâu sống bên trong, di chuyển cả tổ đi ăn phá lá. Sâu xuất hiện nhiều vào giữa mùa mưa (tháng 7,8) và đầu mùa khô. Sâu có thể gây dịch.

e. Câu cấu: Là những con cánh cứng, có nhiều loại với kích thước 5 – 6 mm đến 15 – 18 mm, có thể có màu xanh lá mạ ánh vàng, màu nâu đen. Sâu thường buông mình rơi xuống khi bị động. Sâu có thể phá hoại nhiều cây khác nhau như tràm bông vàng, ổi, xoài…

f. Nhện đỏ, rệp sáp, bọ hung, sâu đo, mối đôi lúc cũng gây hại cục bộ .

Phòng trừ: 
Có thể dùng những loại thuốc đã nêu trên như: Secsaigon 10EC, Sapen Alpha 5EC, Fenbis 25EC, Sago-super 20EC… để phòng trị

4. Bọ vòi voi đục chồi (đục nõn)

Có kích thước nhỏ 7-8 mm, màu đen, phần miệng kéo dài như vòi voi. Trưởng thành đẻ trứng vào các chồi non, sâu chích hút chồi làm cây không phát triển được, sâu phá nhiều vào giai đoạn ra đọt non.
Nên cắt bỏ, gom đốt các chồi hư. Khi mật độ nhiều có thể dùng các loại thuốc như Secsaigon 25EC, Sapen Alpha 5EC, Fenbis 25EC, Sago-super 20EC… để trị.

5.Bệnh hại điều

Có thể gặp các bệnh quan trọng như bệnh thán thư (khô đen bông, đen rụng trái non), bệnh nấm hồng (chết khô cành) và một số bệnh ít quan trọng như nấm bồ hóng, rong bám lá, thối cổ rễ cây con, đốm lá,

a. Bệnh thán thư:
Do nấm Collectotrichum gloeosporioides gây ra. Là bệnh rất phổ biến ở các vùng trồng điều và thường gây hại nặng trên cây điều trong điều kiện ẩm độ cao và mưa nhiều hay lúc cây điều đang trổ hoa gặp sương mù dày đặc kèm theo nhiệt độ thấp từ 24-32ºC.

Bệnh thán thư ở cây điều

Triệu chứng: Vết bệnh lúc đầu là những chấm nhỏ có màu nâu đỏ, sau đó xảy ra hiện tượng tiết gom (chảy nhựa). Vết bệnh trên chồi non phát triển theo chiều dọc và lan dần vòng tròn hết cả chồi. Lá non bị bệnh trở nên khô đen, vỡ nát. Hoa bị khô đen, cụp xuống và rụng. Hạt bị bệnh thường bị thối đen, nhăn lại.
Phòng trị: Sau khi thu hoạch phải tiến hành tỉa bỏ những cành vô hiệu, cành sâu bệnh giúp cây thông thoáng, ánh sáng chiếu xuyên vào tán cây. Phun phòng trị bằng các loại thuốc:
+ Dipomate 80WP: 25 – 30 gam/8 lít nước
+ Carbenzim 500 FL: 15 – 20ml/8 lít nước
+ Thio-M 500 SC: 15 – 20 ml/8 lít nước
Có thể hỗn hợp với thuốc trừ sâu để phun ngừa luôn bọt xít muỗi và bọ trĩ. Nên phun vào các giai đoạn sau:
+ Giai đoạn 1: khi vừa ra lá non (phun từ 1-2 lần)
+ Giai đoạn 2: Khi vừa nhú hoa
+ Giai đoạn 3: Khi vừa đậu trái đến khi trái to bằng hạt đậu phộng.
Cần chú ý theo dõi thường xuyên, kiểm tra chính xác tác nhân gây hại trên hoa điều, để phân biệt là: Bọ xít muỗi, bọ trĩ hay bệnh thán thư để sử dụng đúng thuốc, đúng thời điểm gây hại, cũng như đúng liều lượng và cách phun thuốc phù hợp.

b. Bệnh nấm hồng: 
Tác nhân gây bệnh giống như bệnh nấm hồng cây cao su. Bệnh xuất hiện vào giữa mùa mưa (tháng 6 – 9), cây nhiễu bệnh từ đọt cành xuống, có các đốm trắng trên vỏ cành, sau chuyển thành hồng gây chết khô cành.

Phòng trị:
– Cắt, gom đốt bỏ cành bệnh.
– Dùng Bordeaux bôi vết cắt, phun hay Vanicide 5L với nồng độ 15 ml/8 lít.
– Nơi thường bị bệnh, ngừa bằng thuốc trừ bênh Vanicide 5SL hoặc Saizole 5SC vào tháng 5 – 7 dl.

Nguồn: Tổng hợp bởi Farmtech Vietnam.

Người trồng điều thất thu, doanh nghiệp ‘đói’ nguyên liệu

Hiện nay, điều được giá (trên 40.000 đồng/kg), nhưng các nhà vườn lại không có để bán, kéo theo các cơ sở chế biến, sản xuất trên địa bàn tỉnh trong tình trạng “đói” nguyên liệu.

Năng suất cũng như chất lượng hạt điều giảm rõ rệt

Vườn điều của gia đình anh Phạm Văn Tuyển, ấp 5, xã Hòa Hội, huyện Xuyên Mộc năm nay chỉ có một số cây được trái, mà số lượng cũng rất ít. Theo anh, vườn điều của gia đình có diện tích 7 sào, nếu như vụ trước thu về 1,5 tấn thì sau khi trừ chi phí anh còn lãi khoảng 30 triệu đồng. Nhưng vụ điều năm nay có thể thiệt hại gần 70% do bông bị khô héo quắt khiến số trái đậu được rất ít. “Giá điều năm nay tăng cao hơn so với mọi năm khiến người trồng điều chúng tôi rất xót xa vì không có điều để bán”, anh chia sẻ.

Gia đình ông Nguyễn Đình Dự, ấp Nhân Đức, xã Xuyên Mộc, huyện Xuyên Mộc cũng trong hoàn cảnh tương tự. Vườn điều 1,5 ha của gia đình cũng chỉ có lác đác vài trái trên cây. Nếu như vụ điều năm ngoái ông thu hoạch được 3 tấn thì năm nay chỉ thu về được gần 1 tấn. Ông cho biết, mảnh đất của gia đình trồng điều là vùng đất cát, thiếu nước, không một loại cây trồng nào “trụ” được ngoài cây điều, nên đến giờ ông vẫn “chung thủy” với loại cây này. “Nếu có đủ nước tưới, tôi đã chuyển qua trồng thanh long rồi”, ông cho biết thêm.

Theo thống kê của Sở Nông nghiệp & Phát triển nông thôn tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu, đến thời điểm này diện tích điều của tỉnh đang giảm mạnh. Hiện nay, toàn tỉnh có gần 10.000 ha, trong đó gần 9.700 ha cho thu hoạch, số diện tích điều trồng mới rất ít, hầu như không có. Vụ điều năm nay do thời tiết mưa trái vụ cùng các loại sâu bệnh như: bọ xít muỗi, bệnh thán thư… khiến năng suất cũng như chất lượng hạt điều giảm rõ rệt.

Anh Lý Tú, trợ lý của doanh nghiệp tư nhân Tiến Lợi, xã Xuyên Mộc, huyện Xuyên Mộc cho biết: “Vụ này, điều đồng loạt mất mùa nên từ đầu vụ đến nay doanh nghiệp thu mua không được bao nhiêu. Năm nay, không chỉ nông dân mà thương lái cũng thất thu vì hạt điều giảm mạnh về sản lượng và chất lượng”.

Hiện nay, mỗi ngày doanh nghiệp cần khoảng 6 tấn điều để sản xuất, nhưng tìm mua khắp nơi trên địa bàn huyện cũng chỉ thu mua được từ 4 – 5 tấn. Giống như mọi năm doanh nghiệp tìm mua hạt điều tươi từ Bình Thuận, song năm nay vùng nguyên liệu này cũng bị thất thu, chất lượng hạt không đảm bảo. Trong khi đó, giá thành hạt điều nhập khẩu dù rẻ hơn hạt điều trong nước, nhưng chất lượng không đảm bảo.

Theo ông Cao Thúc Uy, Giám đốc Công ty TNHH Cao Phát, ấp Vĩnh Bình, xã Bình Giã, huyện Châu Đức, những năm qua do giá trị kinh tế từ cây điều không ổn định nên người dân đã ồ ạt chặt đi để đầu tư trồng tiêu mang lại hiệu quả cao hơn. Trong khi đó, ngành nông nghiệp địa phương chưa có định hướng phát triển lâu dài đối với loại cây này nên diện tích ngày càng giảm mạnh.

Mọi năm doanh nghiệp tìm mua hạt điều tươi từ Bình Thuận nhưng năm nay vùng nguyên liệu này cũng bị thất thu, chất lượng hạt không đảm bảo

Ông Uy cho biết, trung bình doanh thu của công ty đạt khoảng 20 triệu USD/năm nhờ xuất khẩu hạt điều, nhưng hầu hết nguyên liệu được nhập khẩu từ nước ngoài như: Ghana, Campuchia… do sản lượng ở địa phương quá ít. Cụ thể, diện tích điều trên địa bàn huyện Châu Đức là 2.140ha, năng suất 0,7 tấn/ha, tổng sản lượng khoảng 1.500 tấn, trong khi nhu cầu của công ty từ 400 – 500 tấn/tháng.

Trước thực trạng trên, ngành nông nghiệp tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu đang khuyến khích các doanh nghiệp đầu tư công nghệ chế biến, đa dạng hóa sản phẩm, nâng tỷ lệ nhân điều chế biến đạt tối thiểu 40%, mở rộng thị trường tiêu thụ.

Đặc biệt, chú trọng phát triển thị trường nội địa nhằm tránh những rủi ro và biến động của thị trường thế giới. Bên cạnh đó, phối hợp với Trung tâm nghiên cứu cây ăn trái miền Đông Nam bộ nhân giống điều mới để cung ứng cho bà con; triển khai mô hình thâm canh cây điều có năng suất tăng 40% và đạt 3,5 tấn/ha, lợi nhuận tăng từ 50 – 70 triệu đồng/ha so với giống điều cũ; tổ chức các lớp tập huấn về quản lý dịch bệnh, chuyển giao tiến bộ kỹ thuật và bảo vệ thực vật trên cây điều…

Nguồn: Tổng hợp bởi Farmtech Vietnam.

Giá xuất khẩu hạt Điều tăng mạnh

Theo Bộ NN&PTNT, tháng 8/2017 cả nước đã xuất khoảng 35 nghìn tấn hạt điều, trị giá 351 triệu USD. Lũy kế 8 tháng năm 2017, cả nước đã xuất khẩu 223 nghìn tấn hạt điều, đạt kim ngạch 2,2 tỷ USD, giảm 1,1% về lượng nhưng tăng 24,9% về trị giá so với cùng kỳ năm 2016.

Hạt điều

Giá hạt điều xuất khẩu trung bình 8 tháng năm 2017 ước đạt 9.865,4 USD/Tấn, tăng 27,2% so với cùng kỳ năm trước, tăng 20,3% so với năm 2016 (8195,5 USD/Tấn) và tăng 8,3% so với hồi đầu năm 2017 (9101,1 USD/Tấn).

Về thị trường xuất khẩu, Mỹ, Hà Lan và Trung Quốc tiếp tục duy trì là 3 thị trường chủ lực xuất khẩu lớn nhất của Việt Nam, trong đó Mỹ là thị trường chiếm thị phần lớn 36,7%, kế đến là Hà Lan chiếm 15,6% và Trung Quốc chiếm 11,7%. Các thị trường có giá trị xuất khẩu tăng mạnh là Nga (tăng 67,1%); Hà Lan (tăng 44,9%); Mỹ (tăng 38,2%); Israen (tăng 30%); Anh (tăng 22,1%); Thái Lan (tăng 17,9%); Úc (tăng 7%) và Trung Quốc (tăng 12,3%).

Mặc dù, giá điều xuất khẩu đang đứng ở mức cao và có xu hướng tăng, nhưng ngành điều vẫn phải phụ thuộc vào nguồn nguyên liệu nhập khẩu. Số liệu từ hải quan cho biết, tính đến 15/8, cả nước đã nhập khẩu 994.364 tấn điều thô nguyên liệu với tổng kim ngạch 1,923 tỷ USD, tăng gần 54% về lượng và tăng 98,2% về trị giá so với cùng kỳ năm 2016. Cùng với lượng và kim ngạch tăng, giá nhập trung bình điều thô nguyên liệu những tháng vừa qua cũng tăng mạnh lên 1.934 USD/Tấn, tăng 28,9% so với cùng thời điểm này năm ngoái (1.500 USD/Tấn).

Theo Phó Chủ tịch kiêm Tổng thư ký Hiệp hội điều Việt Nam (Vicasa), việc nhập khẩu điều thô nguyên liệu tăng cao là không quá bất thường, do nguyên liệu nhập tăng mạnh đã được dự báo từ đầu năm, xuất phát từ việc các vùng nguyên liệu quan trọng ở cả trong nước và trên thế giới như Campuchia và khu vực Tây Phi bị mất mùa. Cụ thể, những tháng đầu năm, các vùng trồng điều trong nước, nông dân có nhiều kinh nghiệm chăm sóc, năng suất ước cũng chỉ đạt 50% so với niên vụ 2016. Đáng chú ý, có những vườn điều thậm chí còn không có thu hoạch. Tổng sản lượng điều thô cả năm dự kiến đạt hơn 252.000 tấn, giảm gần 52.000 tấn so với năm 2016.

Điều này đã làm tâm lý các doanh nghiệp tăng nhập nguyên liệu để dự trữ phục vụ kế hoạch sản xuất cả năm. Cùng với đó, có cả doanh nghiệp Trung Quốc đặt cơ sở gia công tại Việt Nam cũng là nguyên nhân khiến nguyên liệu nhập của năm nay tăng mạnh, kéo theo đó giá thu mua tăng cao hơn so với cùng kỳ năm trước. Đáng chú ý, nguồn nguyên liệu điều thô chất lượng thấp cũng sẽ tăng giá hơn so với trước đây, đặc biệt là khoảng thời gian từ tháng 10 đến tháng 12/2017 sẽ tác động đến giá nguyên liệu điều trong nước tăng cao.

Năm 2017 lượng nguyên liệu nhập khẩu khoảng 1,3 triệu tấn, tăng hơn 200 nghìn tấn so với năm 2016

Hiện nay cơ bản vụ thu hoạch điều nguyên liệu ở trong nước và các khu vực quan trọng trên thế giới đã hoàn thành xong, dự báo những tháng cuối năm, việc nhập khẩu điều thô nguyên liệu sẽ không cao như thời gian vừa qua, ước tính cả năm 2017 lượng nguyên liệu nhập khẩu khoảng 1,3 triệu tấn, tăng hơn 200 nghìn tấn so với năm 2016.

Trước đó, năm 2016, lượng điều thô nguyên liệu đưa vào chế biến 1,5 triệu tấn, trong đó nhập khẩu 1.025.000 tấn, mua trong nước 475.000 tấn, chỉ chiếm 31,67% nguyên liệu sản xuất của cả năm.

Năm 2017, tình hình sản xuất và kinh doanh của ngành Điều nói chung phải đối mặt với nhiều khó khăn, ngoài việc tăng sản lượng, mức giá nguyên liệu nhập khẩu tăng, thì sản lượng xuất khẩu những tháng vừa qua cũng gần như không tăng so với cùng kỳ năm trước. Vì vậy, Vinacas khuyến cáo, doanh nghiệp cần từng bước chủ động hơn nguồn nguyên liệu. Bởi câu chuyện thiếu hụt nguyên liệu thực chất đã được đưa ra từ rất lâu, các giải pháp nhiệm vụ đưa ra cũng khá đầy đủ. Quan trọng lúc này là sự vào cuộc của toàn ngành. Cụ thể từ từng khâu, từng bước, như xây dựng bộ giống chất lượng tốt, năng suất cao, chống chịu được sâu bệnh.

Đặc biệt, doanh nghiệp cần nâng cao đầu tư công nghệ chế biến, trên cơ sở đó tập trung truy xuất nguồn gốc sản phẩm. Bên cạnh đó, hướng dẫn, hỗ trợ người nông dân thâm canh, ghép cải tạo các vườn điều lớn tuổi nhằm cải thiện chất lượng điều. Đặc biệt là thúc đẩy liên kết “bốn nhà” (Nhà nước-doanh nghiệp-nhà khoa học-nông dân) nhằm tạo ra vùng nguyên liệu vững chắc cho cây tỷ đô của Việt Nam.

Nguồn: Tổng hợp bởi Farmtech Vietnam.

Thời tiết xấu, sản lượng Điều giảm 50%

Ông Nguyễn Đức Thanh, Chủ tịch Hiệp hội Điều Việt Nam, cho biết vụ điều năm 2017, không chỉ nông dân mất mùa mà doanh nghiệp (DN) cũng bị thiệt do tổn thất sau thu hoạch cao hơn mọi năm.

Tổng sản lượng điều thô niên vụ 2017 chỉ bằng 50% so với năm 2016

Nhiều DN lấy điều thô trữ 5-6 tháng để sản xuất, tỉ lệ thu hồi nhân điều đạt thấp, giảm khoảng 10% so với trước đây. Một số người trồng có điều kiện trữ lại điều thô cũng bị lỗ so với những người bán ngay sau khi thu hoạch.

Tổng sản lượng điều thô niên vụ 2017 chỉ bằng 50% so với năm 2016, chất lượng giảm do dịch bệnh và thời tiết xấu. Tuy nhiên, giá mua điều thô năm 2017 đạt kỷ lục, khoảng 50.000 đồng/kg hạt khô nhập kho, trong khi giá bình quân của năm 2016 là 38.000 đồng/kg.

Từ đầu năm 2017 đến ngày 15-10, Việt Nam đã xuất khẩu được gần 273.000 tấn điều nhân, kim ngạch trên 2,7 tỉ USD, giảm 14% về khối lượng nhưng tăng 10% về giá trị so với cùng kỳ năm 2016. Trong tổng giá trị xuất khẩu, 3 thị trường nhập khẩu lớn hạt điều của Việt Nam là Mỹ (35%), EU (25%) và Trung Quốc (15%).

Giá trị xuất khẩu điều của Việt Nam chiếm hơn 50% toàn thế giới nhưng ít người tiêu dùng biết đến. Hiện có một số DN xây dựng vùng nguyên liệu chủ yếu theo tiêu chuẩn hữu cơ để xây dựng thương hiệu.

Nguồn: Tổng hợp bởi Farmtech Vietnam.