Người trồng điều thất thu, doanh nghiệp ‘đói’ nguyên liệu

Hiện nay, điều được giá (trên 40.000 đồng/kg), nhưng các nhà vườn lại không có để bán, kéo theo các cơ sở chế biến, sản xuất trên địa bàn tỉnh trong tình trạng “đói” nguyên liệu.

Năng suất cũng như chất lượng hạt điều giảm rõ rệt

Vườn điều của gia đình anh Phạm Văn Tuyển, ấp 5, xã Hòa Hội, huyện Xuyên Mộc năm nay chỉ có một số cây được trái, mà số lượng cũng rất ít. Theo anh, vườn điều của gia đình có diện tích 7 sào, nếu như vụ trước thu về 1,5 tấn thì sau khi trừ chi phí anh còn lãi khoảng 30 triệu đồng. Nhưng vụ điều năm nay có thể thiệt hại gần 70% do bông bị khô héo quắt khiến số trái đậu được rất ít. “Giá điều năm nay tăng cao hơn so với mọi năm khiến người trồng điều chúng tôi rất xót xa vì không có điều để bán”, anh chia sẻ.

Gia đình ông Nguyễn Đình Dự, ấp Nhân Đức, xã Xuyên Mộc, huyện Xuyên Mộc cũng trong hoàn cảnh tương tự. Vườn điều 1,5 ha của gia đình cũng chỉ có lác đác vài trái trên cây. Nếu như vụ điều năm ngoái ông thu hoạch được 3 tấn thì năm nay chỉ thu về được gần 1 tấn. Ông cho biết, mảnh đất của gia đình trồng điều là vùng đất cát, thiếu nước, không một loại cây trồng nào “trụ” được ngoài cây điều, nên đến giờ ông vẫn “chung thủy” với loại cây này. “Nếu có đủ nước tưới, tôi đã chuyển qua trồng thanh long rồi”, ông cho biết thêm.

Theo thống kê của Sở Nông nghiệp & Phát triển nông thôn tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu, đến thời điểm này diện tích điều của tỉnh đang giảm mạnh. Hiện nay, toàn tỉnh có gần 10.000 ha, trong đó gần 9.700 ha cho thu hoạch, số diện tích điều trồng mới rất ít, hầu như không có. Vụ điều năm nay do thời tiết mưa trái vụ cùng các loại sâu bệnh như: bọ xít muỗi, bệnh thán thư… khiến năng suất cũng như chất lượng hạt điều giảm rõ rệt.

Anh Lý Tú, trợ lý của doanh nghiệp tư nhân Tiến Lợi, xã Xuyên Mộc, huyện Xuyên Mộc cho biết: “Vụ này, điều đồng loạt mất mùa nên từ đầu vụ đến nay doanh nghiệp thu mua không được bao nhiêu. Năm nay, không chỉ nông dân mà thương lái cũng thất thu vì hạt điều giảm mạnh về sản lượng và chất lượng”.

Hiện nay, mỗi ngày doanh nghiệp cần khoảng 6 tấn điều để sản xuất, nhưng tìm mua khắp nơi trên địa bàn huyện cũng chỉ thu mua được từ 4 – 5 tấn. Giống như mọi năm doanh nghiệp tìm mua hạt điều tươi từ Bình Thuận, song năm nay vùng nguyên liệu này cũng bị thất thu, chất lượng hạt không đảm bảo. Trong khi đó, giá thành hạt điều nhập khẩu dù rẻ hơn hạt điều trong nước, nhưng chất lượng không đảm bảo.

Theo ông Cao Thúc Uy, Giám đốc Công ty TNHH Cao Phát, ấp Vĩnh Bình, xã Bình Giã, huyện Châu Đức, những năm qua do giá trị kinh tế từ cây điều không ổn định nên người dân đã ồ ạt chặt đi để đầu tư trồng tiêu mang lại hiệu quả cao hơn. Trong khi đó, ngành nông nghiệp địa phương chưa có định hướng phát triển lâu dài đối với loại cây này nên diện tích ngày càng giảm mạnh.

Mọi năm doanh nghiệp tìm mua hạt điều tươi từ Bình Thuận nhưng năm nay vùng nguyên liệu này cũng bị thất thu, chất lượng hạt không đảm bảo

Ông Uy cho biết, trung bình doanh thu của công ty đạt khoảng 20 triệu USD/năm nhờ xuất khẩu hạt điều, nhưng hầu hết nguyên liệu được nhập khẩu từ nước ngoài như: Ghana, Campuchia… do sản lượng ở địa phương quá ít. Cụ thể, diện tích điều trên địa bàn huyện Châu Đức là 2.140ha, năng suất 0,7 tấn/ha, tổng sản lượng khoảng 1.500 tấn, trong khi nhu cầu của công ty từ 400 – 500 tấn/tháng.

Trước thực trạng trên, ngành nông nghiệp tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu đang khuyến khích các doanh nghiệp đầu tư công nghệ chế biến, đa dạng hóa sản phẩm, nâng tỷ lệ nhân điều chế biến đạt tối thiểu 40%, mở rộng thị trường tiêu thụ.

Đặc biệt, chú trọng phát triển thị trường nội địa nhằm tránh những rủi ro và biến động của thị trường thế giới. Bên cạnh đó, phối hợp với Trung tâm nghiên cứu cây ăn trái miền Đông Nam bộ nhân giống điều mới để cung ứng cho bà con; triển khai mô hình thâm canh cây điều có năng suất tăng 40% và đạt 3,5 tấn/ha, lợi nhuận tăng từ 50 – 70 triệu đồng/ha so với giống điều cũ; tổ chức các lớp tập huấn về quản lý dịch bệnh, chuyển giao tiến bộ kỹ thuật và bảo vệ thực vật trên cây điều…

Nguồn: Tổng hợp bởi Farmtech Vietnam.

Giá xuất khẩu hạt Điều tăng mạnh

Theo Bộ NN&PTNT, tháng 8/2017 cả nước đã xuất khoảng 35 nghìn tấn hạt điều, trị giá 351 triệu USD. Lũy kế 8 tháng năm 2017, cả nước đã xuất khẩu 223 nghìn tấn hạt điều, đạt kim ngạch 2,2 tỷ USD, giảm 1,1% về lượng nhưng tăng 24,9% về trị giá so với cùng kỳ năm 2016.

Hạt điều

Giá hạt điều xuất khẩu trung bình 8 tháng năm 2017 ước đạt 9.865,4 USD/Tấn, tăng 27,2% so với cùng kỳ năm trước, tăng 20,3% so với năm 2016 (8195,5 USD/Tấn) và tăng 8,3% so với hồi đầu năm 2017 (9101,1 USD/Tấn).

Về thị trường xuất khẩu, Mỹ, Hà Lan và Trung Quốc tiếp tục duy trì là 3 thị trường chủ lực xuất khẩu lớn nhất của Việt Nam, trong đó Mỹ là thị trường chiếm thị phần lớn 36,7%, kế đến là Hà Lan chiếm 15,6% và Trung Quốc chiếm 11,7%. Các thị trường có giá trị xuất khẩu tăng mạnh là Nga (tăng 67,1%); Hà Lan (tăng 44,9%); Mỹ (tăng 38,2%); Israen (tăng 30%); Anh (tăng 22,1%); Thái Lan (tăng 17,9%); Úc (tăng 7%) và Trung Quốc (tăng 12,3%).

Mặc dù, giá điều xuất khẩu đang đứng ở mức cao và có xu hướng tăng, nhưng ngành điều vẫn phải phụ thuộc vào nguồn nguyên liệu nhập khẩu. Số liệu từ hải quan cho biết, tính đến 15/8, cả nước đã nhập khẩu 994.364 tấn điều thô nguyên liệu với tổng kim ngạch 1,923 tỷ USD, tăng gần 54% về lượng và tăng 98,2% về trị giá so với cùng kỳ năm 2016. Cùng với lượng và kim ngạch tăng, giá nhập trung bình điều thô nguyên liệu những tháng vừa qua cũng tăng mạnh lên 1.934 USD/Tấn, tăng 28,9% so với cùng thời điểm này năm ngoái (1.500 USD/Tấn).

Theo Phó Chủ tịch kiêm Tổng thư ký Hiệp hội điều Việt Nam (Vicasa), việc nhập khẩu điều thô nguyên liệu tăng cao là không quá bất thường, do nguyên liệu nhập tăng mạnh đã được dự báo từ đầu năm, xuất phát từ việc các vùng nguyên liệu quan trọng ở cả trong nước và trên thế giới như Campuchia và khu vực Tây Phi bị mất mùa. Cụ thể, những tháng đầu năm, các vùng trồng điều trong nước, nông dân có nhiều kinh nghiệm chăm sóc, năng suất ước cũng chỉ đạt 50% so với niên vụ 2016. Đáng chú ý, có những vườn điều thậm chí còn không có thu hoạch. Tổng sản lượng điều thô cả năm dự kiến đạt hơn 252.000 tấn, giảm gần 52.000 tấn so với năm 2016.

Điều này đã làm tâm lý các doanh nghiệp tăng nhập nguyên liệu để dự trữ phục vụ kế hoạch sản xuất cả năm. Cùng với đó, có cả doanh nghiệp Trung Quốc đặt cơ sở gia công tại Việt Nam cũng là nguyên nhân khiến nguyên liệu nhập của năm nay tăng mạnh, kéo theo đó giá thu mua tăng cao hơn so với cùng kỳ năm trước. Đáng chú ý, nguồn nguyên liệu điều thô chất lượng thấp cũng sẽ tăng giá hơn so với trước đây, đặc biệt là khoảng thời gian từ tháng 10 đến tháng 12/2017 sẽ tác động đến giá nguyên liệu điều trong nước tăng cao.

Năm 2017 lượng nguyên liệu nhập khẩu khoảng 1,3 triệu tấn, tăng hơn 200 nghìn tấn so với năm 2016

Hiện nay cơ bản vụ thu hoạch điều nguyên liệu ở trong nước và các khu vực quan trọng trên thế giới đã hoàn thành xong, dự báo những tháng cuối năm, việc nhập khẩu điều thô nguyên liệu sẽ không cao như thời gian vừa qua, ước tính cả năm 2017 lượng nguyên liệu nhập khẩu khoảng 1,3 triệu tấn, tăng hơn 200 nghìn tấn so với năm 2016.

Trước đó, năm 2016, lượng điều thô nguyên liệu đưa vào chế biến 1,5 triệu tấn, trong đó nhập khẩu 1.025.000 tấn, mua trong nước 475.000 tấn, chỉ chiếm 31,67% nguyên liệu sản xuất của cả năm.

Năm 2017, tình hình sản xuất và kinh doanh của ngành Điều nói chung phải đối mặt với nhiều khó khăn, ngoài việc tăng sản lượng, mức giá nguyên liệu nhập khẩu tăng, thì sản lượng xuất khẩu những tháng vừa qua cũng gần như không tăng so với cùng kỳ năm trước. Vì vậy, Vinacas khuyến cáo, doanh nghiệp cần từng bước chủ động hơn nguồn nguyên liệu. Bởi câu chuyện thiếu hụt nguyên liệu thực chất đã được đưa ra từ rất lâu, các giải pháp nhiệm vụ đưa ra cũng khá đầy đủ. Quan trọng lúc này là sự vào cuộc của toàn ngành. Cụ thể từ từng khâu, từng bước, như xây dựng bộ giống chất lượng tốt, năng suất cao, chống chịu được sâu bệnh.

Đặc biệt, doanh nghiệp cần nâng cao đầu tư công nghệ chế biến, trên cơ sở đó tập trung truy xuất nguồn gốc sản phẩm. Bên cạnh đó, hướng dẫn, hỗ trợ người nông dân thâm canh, ghép cải tạo các vườn điều lớn tuổi nhằm cải thiện chất lượng điều. Đặc biệt là thúc đẩy liên kết “bốn nhà” (Nhà nước-doanh nghiệp-nhà khoa học-nông dân) nhằm tạo ra vùng nguyên liệu vững chắc cho cây tỷ đô của Việt Nam.

Nguồn: Tổng hợp bởi Farmtech Vietnam.