Kỹ thuật nuôi Bào ngư treo trên biển

Cùng với một số hình thức nuôi phổ biến như vãi (gieo) đáy, nuôi công nghiệp… nuôi bào ngư treo trên biển mang lại hiệu quả kinh tế cao.

Vị trí nuôi

Khu vực nuôi có nguồn nước sạch, đạt tiêu chuẩn cho nuôi thủy sản, không bị ô nhiễm bởi chất thải công nghiệp, chất thải khu dân cư. Dòng triều thông thoáng, giao thông thuận lợi, đảm bảo một số điều kiện đối với các yếu tố lý hóa, cụ thể: Ðộ sâu của nước đạt trên 10 m, lưu tốc nước 0,5 – 1,0 m/s, nhiệt độ 11 – 280C, độ mặn 30‰, ôxy hòa tan trên 4 mg/l, pH 7,4 – 8,6.

Lồng nuôi

Lồng nuôi bào ngư làm theo kiểu nhiều tầng. Hệ thống lồng được thiết kế bằng chất dẻo polyethylene màu sẫm hoặc polyvinyl chloride (PVC) không độc. Lồng gồm 6 tầng, kích thước mỗi tầng là 40x30x13 cm. Nguyên liệu làm khung lồng thường là gỗ thông, kích thước 2,5×3,6 m. Cứ 10 khung kết thành 1 giàn, 3 giàn lại được nối với nhau để tạo thành 1 ô. Xung quanh mỗi ô sử dụng 15 chiếc phao nổi hình cầu, có sức nổi 75 kg/chiếc.

Chọn giống

Phải chọn những con giống khỏe mạnh, đã được kiểm dịch và được ương nuôi tại bản địa. Chiều dài vỏ con giống bào ngư hơn 1,5 cm, ngoại hình đầy đặn, không có dị hình, lực bám mạnh.

Việc vận chuyển giống bằng phương pháp vận chuyển khô. Mỗi túi lưới đựng 500 con giống, các túi được cho vào hộp xốp cách nhiệt, vận chuyển bằng xe hoặc thuyền đến khu nuôi. Thông thường, tỷ lệ sống khi vận chuyển đạt trên 99%.

Thả giống

Theo dõi thời tiết để đảm bảo thả giống thời điểm thích hợp nhất. Tránh thả khi có mưa to, gió lớn, nhiệt độ quá lạnh hay quá nóng. Lưu ý sự chênh lệch nhiệt độ và độ mặn giữa môi trường ao ương con giống và khu thả giống không quá 20C và 2‰.
Mật độ thả 100 con/tầng. Tầng nước nuôi treo lồng bào ngư được đảm bảo luôn ở mức 3 – 5 m.

Cho ăn

Thức ăn chủ yếu cho bào ngư là tảo bẹ (Laminaria) tươi và khô, tảo bẹ muối và cho ăn thích hợp từng thời điểm khác nhau. Từ tháng 4 – 6 bào ngư ăn tảo bẹ tươi; tháng 7 – 9 thức ăn là tảo bẹ muối, có bổ sung các loại tảo tự nhiên hoặc thức ăn nhân tạo dạng bản mỏng; tháng 10 đến tháng 3 năm sau bào ngư sử dụng tảo tía hoặc tảo bẹ muối làm thức ăn.

Cho ăn lượng khoảng 10 – 30% trọng lượng cơ thể bào ngư. Tuy nhiên, lượng thức ăn có thể thay đổi tùy theo nhiệt độ nước và mức độ tiếp nhận thức ăn của bào ngư. Thông thường, 2 – 3 ngày cho ăn 1 lần, mùa hè có thể 3 ngày 1 lần và mùa đông nếu nhiệt độ thấp dưới 120C thì cho ăn 4 ngày 1 lần. Trước khi cho ăn phải dọn thức ăn thừa và bùn đọng.

Ðiều chỉnh mật độ nuôi

Để đảm bảo tốc độ sinh trưởng, cần tiến hành phân loại con giống khi chiều dài vỏ đạt trên 3 cm. Một năm phân chia 2 lần, thời điểm thích hợp nhất là vào cuối mùa thu và đầu mùa xuân. Việc phân chia giống được tiến hành trên giàn, các bào ngư có kích thước tương đương nhau sẽ ở cùng 1 tầng. Trong quá trình cần thường xuyên vệ sinh lồng bằng cách dùng dụng cụ loại bỏ các vật bám trên lồng lưới như hàu (Ostrea), sum (Balanus)… Mật độ nuôi thả con giống được xác định theo loại kích cỡ của bào ngư.

Quản lý hàng ngày

Kiểm tra tình trạng bắt mồi và hoạt động của bào ngư. Kịp thời điều chỉnh lượng cho ăn và ghi chép đầy đủ.

Thường xuyên kiểm tra lồng và vệ sinh, làm sạch các dị vật và địch hại xung quanh lồng nuôi bào ngư. Phát hiện những bào ngư dị thường hoặc đã chết, tìm nguyên nhân và áp dụng các biện pháp xử lý thích hợp.

Định kỳ xác định các chỉ tiêu chất nước như nhiệt độ nước, độ mặn, pH, ôxy hòa tan, lấy mẫu nước đi phân tích và ghi chép cẩn thận.

Phòng bệnh

Thực hiện phòng bệnh ngay từ thời điểm chọn vị trí nuôi phù hợp. Trong quá trình nuôi, tăng cường công tác quản lý, luôn bảo đảm mật độ nuôi thích hợp.

Sử dụng thức ăn tươi, không dùng thức ăn đã thối rữa và biến chất.

Ðịnh kỳ loại thải và tẩy sạch các sinh vật có hại trên lồng lưới và một số tảo tạp, phòng tránh trường hợp các mắt lưới bị bịt kín không cho dòng nước thông suốt từ trong ra ngoài lồng lưới.

Đối với nuôi bào ngư, quá trình nuôi thường xuất hiện bệnh mụn nhọt (pustuls) do một số loại vi khuẩn thuộc giống Vibrio gây ra. Thời gian mắc bệnh này kéo dài, tỷ lệ chết cao, tính nguy hại lớn. Phương pháp phòng trị chủ yếu hiện nay là sử dụng vaccine kháng khuẩn.

Nguồn: Thủy sản Việt Nam được kiểm duyệt bởi Farmtech VietNam.

Các hình thức nuôi Bào ngư

Hiện có 3 dạng hình nuôi bào ngư: nuôi lồng trong bể xi măng, nuôi lồng treo bè ngoài biển, nuôi thả đáy trên bãi đá, rạn san hô dọc bờ biển.

Nuôi bằng lồng trong bể xi măng

– Lồng nuôi hình chữ nhật bằng nhựa có lỗ, kích thước 50 x 40 x 30 cm, treo trong bể xi măng hoặc xếp chồng lên nhau cách đáy 20 cm. Bể xi măng hình chữ nhật diện tích 10 x 2 x 1 m, có mái che nắng, xung quanh để trống, trong đó có một hộc nhỏ để lọc nước biển chảy tuần hoàn: nhiệt độ 26 – 30 C, độ mặn 30 – 35 phần ngàn, độ pH = 7,6 – 8,7, ôxy hoà tan 5 ml/lít.

– Cho ăn: dùng rong mơ thái vụn 1cm hoặc rong câu chỉ vàng, 3 – 4 ngày cho ăn 1 lần và cho ăn dư thừa, với hệ số 16:1. Tạo dòng nước luân chuyển tuần hoàn trong bể với tốc độ 10 lít/phút để kích thích bào ngư ăn và sinh trưởng. Hàng ngày thay 20 – 30 cm nước trong bể, vớt xác chết, thức ăn thừa trong lồng. Hàng tháng thay 100% nước, thay lồng và chuyển sang bể nuôi mới.

– Mật độ nuôi: 60 – 100 con/lồng kích cỡ 100 mm trở lên. Khi bào ngư nuôi đạt kích thước 20 – 25 mm thì san lồng nuôi với mật độ 30 con/lồng.

Nuôi bằng lồng treo bè ngoài biển

– Vị trí nuôi: bào ngư nuôi ở vùng tương đối kín gió, không có sóng lớn (không làm hỏng lồng nuôi và bè), độ mặn ổn định 30 – 35 0/00, xa cửa sông, không có nước ngọt chảy vào và có dòng chảy lưu thông, độ sâu 6 – 8 m.

– Lồng nuôi: sử dụng lồng nuôi hình chữ nhật bằng nhựa có lỗ (3 – 4 mm), kích thước 50 x 40 x 30 cm có dùng móc nhựa gài nắp để tiện cho việc kiểm tra và cho ăn. Lồng được treo trên bè nổi cách nhau 0,5 m và ở độ sâu 2 – 5 m.

– Bè nuôi: có thiết kế và quy cách như bè nuôi tôm hùm. Có thể nuôi tôm hùm ở dưới, nuôi bào ngư ở lớp nước trên. Bè nuôi thiết kế di động để có thể di chuyển khi mưa bão, sóng lớn.

– Mật độ nuôi 60 – 100 con/lồng (cỡ 10 mm trở lên). Khi bào ngư đạt 20 – 25 mm san lồng nuôi mật độ 30 con/lồng.

-Cho ăn: rong câu chỉ vàng, rong mơ thái vụn, 3 – 4 ngày cho ăn 1 lần và cho ăn dư thừa.

– Vệ sinh lồng nuôi: sau 1 tuần nuôi, dùng bàn chải cọ kỹ lồng nuôi, diệt trừ địch hại, vớt thức ăn thừa, xác bào ngư chết… Hàng tháng thay lồng nuôi mới.

Nuôi thả đáy trên bãi đá dọc bờ biển

– Vị trí nuôi: nuôi bào ngư ở vùng trung triều có độ sâu khi triều xuống cạn còn 1 – 2 m nước, độ mặn cao và ổn định 30 – 35 0/00, dòng chảy tương đối (5 m/giây), không có nước ngọt chảy vào, xa cửa sông. Đáy đặc biệt là đá tảng hay rạn san hô để bào ngư ẩn trốn và nhiều tảo, rong…

– Thức ăn: ngoài các loại rong, cần rải định kỳ rong câu chỉ vàng (5 – 7 ngày/lần) để tăng cường thức ăn cho bào ngư, rải vào 4 – 5 giờ chiều tối để bào ngư ra ăn.

-Cách thả giống: trước khi thả phải ương bào ngư giống trong bể xi măng từ 3 – 5 mm cho tới khi bào ngư được 15 mm thì thả giống. Thả vào lúc 6 – 9 giờ sáng. Để bào ngư bám vào bản tảo rồi thả xuống vùng nuôi, sau đó bào ngư phát tán ra xung quanh.

-Mật độ nuôi: 15 – 20 con/lồng. Trước khi thả phải lặn bắt hết địch hại như sao biển, bạch tuộc… Thả thức ăn rong tảo xuống, kiểm tra định kỳ tỉ lệ sống chết của bào ngư.

– Sau 9 – 10 tháng nuôi bào ngư đạt kích thước thương phẩm 5 – 6 cm (30 – 35 con/kg) thì thu hoạch.

Nguồn: Nông thôn ngày nay được kiểm duyệt bởi Fartech VietNam.