“Cầm” sổ đỏ vay vốn, làm lại từ đầu
Cảng cá Vạn Giã (thị trấn Vạn Giã, huyện Vạn Ninh) – một trong những vùng nuôi trồng thủy sản sầm uất với dày đặc lồng bè thả tôm, cá trước đây giờ trở nên thoáng đãng, quá đỗi yên bình, chỉ lác đác vài lồng bè vừa mới “mọc” lên sau bão.
Trên bờ biển, những lồng bè rách nát, phuy nhựa, lưới cụ, tàu thuyền bị vỡ được người dân mót lại sau bão vẫn còn nằm ngổn ngang khắp nơi. Tất cả tan hoang, trở thành thảm họa.
Khung cảnh tan hoang sau bão tại Vạn Ninh
Xen kẽ giữa những thứ bề bộn đó, là những khung bè mới được bà con đóng lại nhưng chưa kéo ra mặt nước nuôi vì chưa hoàn thiện. Hơn nữa dù khung bè đã xong nhưng trước mặt người nuôi trồng thủy sản còn vô vàn nỗi lo và cần chuẩn bị nhiều thứ như làm lồng nuôi, mua con giống, thức ăn…mới có thể nuôi trở lại.
Trong số những khung bè đang làm lại có bè nhà anh Lưu Văn Thanh, ở thị trấn Vạn Giã hiện đã cơ bản hoàn thành. Gặp chúng tôi, anh cho biết, để làm ra nhà bè, cùng với khung bè gồm 24 ô lồng, giảm 6 ô lồng so với trước đây thì ngoài việc tận dụng những cây gỗ, phuy nhựa còn sót lại, anh còn bỏ thêm 150 triệu đồng đầu tư.
Sau bão trắng tay vì bao nhiêu vốn liếng dành dụm đã đầu tư nuôi 3.000 con cá bớp và cá bè đạt trọng lượng xuất bán thì bị bão “cướp” sạch, ước thiệt hại gần 1,5 tỷ đồng. Vừa qua anh đến ngân hàng cầm 3 sổ đỏ là nhà cửa của anh em, họ hàng mới vay được 600 triệu đồng.
Nguời dân đang từng bước đã hoàn thành bước một, là làm lại khung bè và mua chiếc thuyền nhỏ (không có máy), giá 30 triệu đồng làm phương tiện đi lại trên biển.
Còn bước tiếp theo sẽ làm lại lồng nuôi và mua con giống, khi đó nếu thiếu tiền sẽ vay tiếp. Bởi theo anh, nếu không nuôi trồng thủy sản không có cách nào gỡ gạc, trả nợ được.
Tiếp tục về xã Vạn Thạnh- vùng nuôi tôm hùm trọng điểm ở huyện Vạn Ninh nhìn ra biển Đầm Môn cũng trở nên hoang vắng. Nhiều ngư dân vẫn cặm cụi mót từng chiếc phuy, chắp từng mảnh cây để đóng lại lồng bè.
Ngư dân cặm cụi đóng lại lồng bè
Theo người nuôi trồng thủy sản, khó khăn hiện nay là các vật tư làm lồng bè từ gỗ, phuy nhựa, lưới đều tăng giá từ 15 – 20%, kể cả công thợ đóng bè cũng tăng gấp đôi, từ 300.000 đồng lên 600.000 đồng/công. Ngoài ra, con giống thả nuôi khan hiếm và tăng từ 100-150 ngàn/con, cụ thể tôm trắng 305 ngàn đồng/con; tôm nuôi 1 tháng từ 400-500 ngàn đồng/con.
Tuy nhiên, theo quan sát chúng tôi hiện nay một số hộ gia đình cũng đã “vượt lên nỗi đau”, tìm mọi cách để nuôi tôm trở lại.
Tiêu biểu như anh Trần Đẩu, thôn Tân Dân, xã Vạn Thắng sau cơn bão, anh mất trắng hơn 30.000 con tôm hùm và cá các loại, ước thiệt hại 25 tỷ đồng. Do cạn kiệt vốn nên gia đình anh cầm sổ đỏ nhà tại ngân hàng để vay vốn khôi phục sản xuất.
Anh Đẩu cho biết, sau bão anh đóng lại bè mới với hơn 30 ô lồng và thả 3.000 con tôm hùm. Dù việc phục hồi chẳng thấm vào đâu với số thủy sản đã mất, nhưng đó là sự quyết tâm gượng dậy của người nuôi trồng thủy sản.
Cần tiếp sức từ những chính sách
Đối với anh Thanh, anh Đẩu giờ họ đã vực dậy, tự an ủi bản thân, bắt tay làm lại từ đầu vì nghĩ rằng ông trời sẽ không phụ lòng người cố gắng, kiên trì đến cùng. Thế nhưng không phải ai cũng có được quyết tâm như vậy sau nỗi mất mát quá lớn và kinh tế kiệt quệ!
Như gia đình ông Phạm Thân, tổ 7, thị trấn Vạn Giã vẫn chưa hết ám ảnh khi cơn bão làm toàn bộ lồng bè tan nát, cá tôm mất sạch ước thiệt hại gần 1,5 tỷ đồng. Dù ông Thân vẫn hằng ngày ra biển tu sửa lại con thuyền bị vỡ, đôi mắt hướng về biển nhưng chưa thể bắt tay làm lại. Bởi lẽ gia đình ông đã không còn gì, còn mang nợ nên không thể nào xoay xở vốn để gỡ gạc. Ông Thân bộc bạch: “Bây giờ gia đình tôi hy vọng nhà nước sớm có chính sách tháo gỡ cho vay vốn tái sản xuất may ra tôi mới có thể làm lại”.
Tượng tự gia đình ông Nguyễn Văn Lộc, một người tôm trải bạt ở thôn Ninh Mã, xã Vạn Thọ cho biết, hiện vẫn chưa tu sửa ao đìa, bởi chi phí đầu tư lớn vượt quá tầm của gia đình.
Theo ông Lộc, 2 ao nuôi trên bạt tổng cộng gần 3.000 m2 giờ muốn nuôi lại ,ông phải đổ đất đắp ao, rồi trải bạt và mua toàn bộ thiết bị nuôi tôm tốn hàng trăm triệu đồng. Ngoài ra chưa kể sau khi phục hồi xong ao nuôi, còn mua giống, mua thức ăn, tính ra cả tỷ đồng.
Còn ông Nguyễn Sáng, Chủ tịch UBND xã Vạn Thắng cho biết, việc khôi phục nuôi trồng thủy sản đang rục rich nhưng chậm, bởi nguồn lực trong dân đã hết. Hơn nữa, hầu hết người nuôi đều đã vay vốn ngân hàng. Sau cơn bão, toàn xã ngoài thiệt hại 7.261 lồng bè, còn hơn 107 ha ao nuôi tôm, ốc mất trắng; tổng thiệt hại ước 491 tỷ đồng.
Trao đổi với NNVN, ông Nguyễn Văn Dũng, Phó phòng Kinh tế huyện Vạn Ninh cho biết, đến nay chỉ mới 20-30% số hộ nuôi trồng thủy sản bắt đầu khôi phục trở lại nhưng chủ yếu là lồng bè, còn việc thả giống chưa nhiều.
Ông Võ Lục Phẩm, Phó Chủ tịch UBND huyện Vạn Ninh cho biết, để giúp người dân thả nuôi trở lại, huyện đã đề nghị Sở NN-PTNT sớm tham mưu với UBND tỉnh hỗ trợ tiền mua giống, cây trồng, vật nuôi theo NĐ 02/2017/NĐ-CP. Đồng thời đề nghị tỉnh sớm ban hành quy hoạch tạm thời khu vực nuôi trồng thủy sản để người dân tái sản xuất và tiếp cận vốn vay ngân hàng.
Bên cạnh đó, đối với trường hợp hồ sơ chưa đủ điều kiện hỗ trợ thiệt hại theo quy định như thiếu bản kê khai ban đầu theo NĐ 02, huyện đề nghị Sở NN-PTNT xem xét, tham mưu UBND tỉnh có chính sách hỗ trợ riêng cho các trường hợp này. Bởi tính riêng lồng, bè thiệt hại không đủ điều kiện hỗ trợ theo quy định đã là hơn 56.000 lồng nuôi tôm hùm, hơn 4.700 lồng nuôi cá.
Theo nongnghiep.vn được kiểm duyệt bởi Farmtech Vietnam.