Quản lý và khai thác vườn cao su

Hiện nay chu kỳ khai thác mủ cây Cao su rút xuống còn 20 năm, nhờ có giống mới tiến bộ và áp dụng Khoa học kỹ thuật nên cho năng suất cao, sản lượng vẫn đạt 35-40 tấn/ha.

Khi hết thời kỳ đầu tư Kiến Thiết Cơ Bản (KTCB) nếu vườn cây có 70% số cây đạt vanh thân ở vị trí cách mặt đất 1 m đạt 50 cm trở lên, vỏ cạo dày hơn 6 mm thì đưa vào khai thác lấy mủ, số cây còn lại mở bổ sung vào năm sau.

Vườn cao su khai thác chia làm ba nhóm cây

Cây tơ/ nhóm I: Từ năm cạo thứ nhất đến năm cạo thứ 10.

Cây trung niên / Nhóm II: Từ năm cạo thứ 11 đến năm cạo thứ 17.

Cây già/ Nhóm III: Từ năm cạo thứ 18 đến năm cạo thứ 20.

1. Thiết kế miệng cạo

Cây mới mở cạo có miệng tiền cách chân voi 1.3m, cạo ngược sẽ bắt đầu từ độ cao 1,3m cách chân voi.

Thiết kế miệng cạo cho cây cao su

Độ dốc miệng cạo so với trục ngang từ 30– 34o.

+ Cây nhóm I: 34o

+ Cây nhóm II: 32o

+ Cây nhóm III: 30o

Miệng tiền được mở đồng loạt một hướng trong lô

Dùng thước dây chia cây làm 2 phần bằng nhau,

Đường thước chia cây miệng liền có đánh 3 dấu: Nơi mở miệng, đóng máng và cột kiềng.

Dùng rập lấy vị trí miệng tiền làm chuẩn, kẻ 4 rập trong năm, để khống chế mức đo hao dăm (mỗi rập 3,5 cm cho 1 quí cạo).

2. Thời vụ cạo

Mở miệng cạo vào tháng 3-4 và tháng 10-11 trong năm.

Nghỉ cạo vào mùa rụng lá tháng 1-2; ngưng cạo lúc lá bắt đầu nhú chân chim và tiến hành cạo lại khi cây đã có tán lá ổn định.

3. Chia phần cây cạo

Số cây trên phần cạo được qui định tùy vào địa hình, mật độ cây cạo, tuổi cây cạo tình trạng vỏ cạo và chế độ cạo.

Chia từ 200 – 500 cây cạo/phần cạo.

Mỗi phần cạo phải được đánh dấu phân chia rõ ràng.

4. Quản lý độ hao dăm, độ sâu cạo mủ, chế độ cạo và cường độ cạo

– Độ sâu cạo mủ: Cạo sâu cách tượng tầng từ 1-1,3 mm là cho mủ tốt, cạo cách tượng tầng hơn 1,3mm là cạo cạn, ít mũ, cạo sâu cách tượng tầng dưới 1mm là cạo sát, cạo chạm gỗ là cạo phạm. Cạo sát, cạo phạm dễ làm khô miệng cạo và khó tái sinh vỏ.

– Lượng hao dăm

Cạo xuôi hao dăm từ 1,1 – 1,5 mm/lần cạo (hao dăm tối đa 16 cm/năm) đối với nhịp độ cạo D3 và hao dăm 20cm đối với nhịp độ cạo D2

Cạo ngược hao dăm từ 1,5 -2 mm/lần cạo (hao dăm tối đa 3cm /tháng).

– Chế độ cạo, cường độ cạo:

Khuyến cáo: S/2 d/3 6d/7. (Cạo 1/2 miệng cạo, 3 ngày cạo một lần, 1 tuần cạo 2 lần, nghỉ ngày chủ nhật)

Không khuyến cáo chế độ cạo d/2 (2 ngày cạo một lần) kể cả các dòng vô tính GT1, RRIM 600, và các dòng RRIV chỉ nên kết hợp sử dụng thuốc kích thích để đảm bảo năng suất, tiết kiệm được công lao động và lớp vỏ cạo kinh tế.

– Tiêu chuẩn đường cạoĐường cạo phải đúng độ dốc, có lòng máng, vuông viền, vuông hậu, không lệch miệng, không lượn sóng, không vượt ranh, vượt tuyến.

– Giờ cạo mủ: Tùy theo thời tiết trong năm, cạo càng sớm càng tốt. Khi nhìn thấy rõ đường cạo, mùa mưa khi cây khô ráo mới bắt đầu cạo.

– Giờ trút mủ: Trút mủ từ 10 – 11 giờ trưa, tùy giống gặp trời chuyển mưa có thể trút mủ sớm hơn.

5. Kỹ thuật cạo

Mở miệng cạo: Sau khi định hướng vị trí miệng tiềng trong lô, dùng thướng, móc, rạch để phân ranh tiền, hậu, đánh dấu đóng máng, cột kiềng.

Dùng rập (cờ): đánh dấu miệng cạo chuẩn, vạch đường chia hao dăm quý. Mở mương tiền (trên lớn dưới nhỏ) để dẫn mủ.

Thiết kế xong, tiến hành cột kiềng, đóng máng và cạo xả 3 nhát:

+ Nhát 1: nhát cạo chuẩn (theo đường rập).

+ Nhát 2: Cạo vạt nêm tạo độ nghiêng miệng cạo.

+ Nhát 3: Cạo hoàn chỉnh (cạo áp má dao) lấy độ đúng độ sâu cạo mủ.

5.1. Kỹ thuật cơ bản cạo miệng xuôi

a. Cách cầm dao cạo

– Miệng cạo ngang tầm người trở xuống

Tay phải: cho cán dao thúc vào lòng bàn tay, cầm cả 5 ngóm sao cho 3 ngón út, ngón nhẫn và giữa ôm sát vào cán dao, ngón trỏ áp sát má dao bên phải.

Tay trái: cầm phiá ngoài tay phải, cầm cả 5 ngón sao cho ngón trỏ áp sát sống dao bên trái, song song với thân dao.

– Miệng cạo cao hơn tầm người

Tay phải: Cầm giống như cách tầm ngang người trở xuống.

Tay Trái: Đặt thân dao vào lòng bàn tay, 5 ngón tay đặt lên phía sống dao, các ngón tay hơi cong.

b. Tư thế đứng và dịch chuyển

– Miệng cạo ở tầm vừa và cao

Đứng cách thân cây 1 khoảng nhìn thấy được ranh hậu, 2 chân đặt song song với nhau chân trái trước, chân phải sau. Đặt dao ở miệng hậu, lấy góc hậu sau đó dịch chân trái sau chân phải đồng thời tay kéo dao cạo theo bước chân đến góc tiền, lấy vuông tiền bằng cách nâng 2 tay cùng lúc.

– Miệng cạo ở tư thế thấp (Cúi khom người)

Cách chuyển động ngược với tư thế trên, chân trái chân trái chuyển phiá sau chân phải trước, cúi khom người để dao chuyển động nhịp nhàng, không bị cạo phạm.

5.2. Kỹ thuật cơ bản cạo miệng ngược

Hiện nay chế độ cạo miệng ngược được áp dụng rộng rãi ở nước ta và các nước trồng cao su trên thế giới, chế độ cạo này áp dụng cho các vườn cây có tuổi cại cạo từ năm thứ 11 trở lên (hoặc một số vườn không thực hiện được cạo xuôi). Tuỳ theo tuôi cạo để có chế độ cạo ngược, do khác nhau về chiều dài miệng cạo, số miệng cạo. nhịp độ cạo& dao cạo để kiểm soát độ hao dăm, độ dốc miệng cạo (cạo ngược có kiểm soát và cạo ngược không có kiểm soát)

– Đặc điểm của vườn cạo ngược:

+ Đã cạo xong lớp vỏ tái sinh

+ Qua 10 năm mặt cạo xuôi

+ Mặt cạo xuôi có triệu chứng khô mủ

+ Vỏ tái sinh mặt cạo xuôi quá kém (Bị cạo phạm, U quá nhiều&)

+ Vỏ tái sinh quá mỏng&

a. Cách cầm dao

Tay cầm dao theo kiểu cạo xuôi, lưu ý cạo ngược lưỡi dao là má dao, dùng lực đẩy dăm, dăm cạo dài càng tốt, nâng tay để hất dăm ra ngoài để tránh mủ chảy leo ra ngoài.

b. Tư thế dịch chuyển

Chân trái bước phía trong, chân phải vòng ra ngoài, phải bước xéo chân, thì ta mới đủ lực đẩy dao đến ranh hậu.

6. Kỹ thuật bôi thuốc kích thích

– Bôi kích thích trước nhát cạo kế tiếp 24 – 48 giờ

– Không bôi khi cây còn ướt.

– Không bôi trong mùa khô, mùa rụng lá

6.1. Phương pháp bôi trên vỏ tái sinh

Sau khi khuấy đều chất kích thích, dùng cọ bôi 1 lớp mỏng trên lớp vỏ tái sinh tiếp giáp miệng cạo, bôi thuốc trên băng rộng 1,5 cm. (Áp dụng cho miệng cạo xuôi)

6.2. Phương pháp bôi trên miệng cạo không bóc mủ dây

Sau khi khuấy đều chất kích thích, dùng cọ bôi một lớp mỏng, đều ngay trên miệng cạo (Áp dụng cho miệng cạo ngược).

Tổng hợp bởi Farmtech Vietnam.