Nguy cơ tôm hùm nhiễm bệnh do vi khuẩn

 

Đó là cảnh báo của Trung Giống và Kỹ thuật Thủy sản Phú Yên khi kết quả quan trắc, cảnh báo môi trường nước cho thấy mật độ Vibrio tổng số vượt ngưỡng giới hạn cho phép, xảy ra ở các vùng nuôi Xuân Thịnh, Xuân Phương và Xuân Yên (TX Sông Cầu).

                Người nuôi tôm hùm cần tuân thủ khuyến cáo của cơ quan chức năng.

Do đó sẽ làm tăng nguy cơ vật nuôi dễ nhiễm bệnh do vi khuẩn. Người nuôi nên san thưa mật độ nuôi trong lồng, dãn khoảng cách giữa các lồng nuôi, tách những cá thể tôm nhiễm bệnh nuôi riêng, cần tăng cường vệ sinh lồng nuôi sạch sẽ, tạo sự thông thoáng cho lồng nuôi và vùng nuôi.

Bên cạnh đó, tiếp tục duy trì lồng nuôi tại tầng giữa hoặc gần tầng mặt để tránh thiếu oxy cục bộ cho tôm nuôi, dùng lưới lan (hai lớp) che mát trên mặt lồng nhằm làm giảm cường độ ánh sáng và chống tôm bị stress, treo các túi vôi ở các góc lồng nhằm hạn chế tảo tàn do mưa dông (nhất là với thời tiết bất lợi như hiện nay), sát trùng môi trường nước, ổn định pH tạm thời … Trường hợp trời oi, đứng gió cần phải sục khí để cung cấp Oxy hòa tan cho tôm nuôi.

Ngoài ra, các hộ nuôi cũng phải thường xuyên theo dõi diễn biến môi trường, màu nước chú ý kiểm tra sự phân tầng của nước (nhiệt độ, độ mặn, ôxy hòa tan…), nhất là vùng nuôi Xuân Phương đang có nhiệt độ nước vượt ngưỡng giới hạn cho phép. Cũng như thường xuyên theo dõi hoạt động, sức khỏe tôm nuôi (nhất là khi trời nắng và đứng gió) để có những giải pháp xử lý kịp thời.

Nên lựa chọn nguồn thức ăn tươi, đảm bảo chất lượng, cần thiết sát trùng thức ăn bằng thuốc tím để đảm bảo an toàn cho vật nuôi. Định kỳ bổ sung các chế phẩm sinh học, vitamin và khoáng chất nhằm tăng cường sức đề kháng cho tôm nuôi tránh các tác nhân gây bệnh. Người nuôi nên xuất bán khi tôm đạt kích cỡ thương phẩm; hạn chế thả nuôi mới; nên san thưa mật độ tôm nuôi… nhằm giảm bớt chi phí thức ăn, tránh những tổn thất khác do biến cố môi trường xảy ra…

Nuôi kết hợp tôm hùm với bào ngư và xẹm xanh

Nghề nuôi tôm hùm phát triển nhanh và tập trung ở một số khu vực hẹp nên chất thải của hoạt động nuôi tích luỹ ngày càng nhiều gây tác động xấu đến môi trường. Để duy trì và phát triển nghề nuôi thuỷ sản theo hướng bền vững thì không còn con đường nào khác là phải hạn chế tối đa tác động xấu đến môi trường.

Ý tưởng nuôi kết hợp được nhiều nhà khoa học đề cập đến như nuôi khép kín gồm cá, vẹm, rong biển. Chất thải của cá làm gia tăng nguồn dinh dưỡng trong thuỷ vực tạo điều kiện cho tảo biển phát triển. Tảo làm thức ăn cho vẹm, phân thải của vẹm lại bổ sung dinh dưỡng cho rong biển. Vẹm được chế biến thành thức ăn cho cá, sau đó thức ăn dư thừa từ các lồng nuôi cá lại thúc đẩy sự phát triển của vẹm, rong biển và tảo, tạo nên vòng chuyển hoá dinh dưỡng và năng lượng khép kín trong thuỷ vực. Viện Nghiên cứu NTTS III thực hiện đề tài nhà nước “Nghiên cứu công nghệ và xây dựng quy tình nuôi kết hợp đa đối tượng hải sản trên biển theo hướng bền vững”. Đề tài thuộc chương trình KC 06 thuộc Bộ Khoa học và Công nghệ. Địa điểm được triển khai tại Xuân Tự, huyện Vạn Ninh, Khánh Hoà.

Hai lồng nuôi tôm hùm 25m2/lồng, mật độ thả 100con/lồng, kích thước tôm ban đầu trên 100 gam/con. Một lồng nuôi đơn, một lồng ghép thêm các đối tượng vẹm xanh, rong sụn và bào ngư. Tỷ lệ ghép giữa tôm hùm, vẹm xanh, rong sụn là 2:25:30 (theo trọng lượng). Vẹm xanh được nuôi bằng phương pháp treo dây xung quanh lồng, kích thước giống 2-3cm/con. Mỗi dây vẹm bố trí 4 cụm (0,5 kg vẹm giống/cụm). Rong sụn được treo bằng dây trong và xung quanh lồng và cách mặt nước 50cm. Rong giống thả cỡ 1,5kg/1mdây. Cách 20cm treo một cụm.

Bào ngư được thả nuôi bằng lồng nhựa xung quanh lồng nuôi tôm hùm. Lồng nuôi bào ngư có kích thước 30x40x25cm. Mật độ thả ương: 200 con/lồng. Sau 1 tháng nuôi chuyển sang các rổ có mắt lưới lớn hơn để nuôi thương phẩm. Mật độ: 20-30 con/lồng. Viện Nghiên cứu NTTS III đã tiến hành nuôi bào ngư ở các mật độ khác nhau 10, 20, 36, 75 và 88 con/lồng. Mỗi mật độ bố trí nuôi bào ngư theo các nhóm kích thước khác nhau. Thức ăn cho bào ngư là rong câu chỉ vàng, rong sụn.

Theo dõi các yếu tố môi trường như pH, nhiệt độ, hàm lượng oxy hoà tan, độ mặn, đo 1 lần/tuần. Các yếu tố như nitrate, phosphate, ammonium-nitrogen, tổng N, tổng P được xác định 1 lần/tháng.

Theo dõi tốc độ sinh trưởng: Định kỳ 15 ngày đo trọng lượng và chiều dài các đối tượng nuôi 1 lần.

Thức ăn cho tôm hùm là các loại cá tạp, thân mềm, tôm nhỏ, cua…Thường xuyên vớt bỏ thức ăn thừa, kiểm tra đáy lồng. Hằng ngày lặn kiểm tra thức ăn thừa, sức khoẻ tôm, chất đáy, địch hại như cua, ghẹ, cá nóc…quanh lồng. Lượng thức ăn và thức ăn dư thừa được cân đo hằng ngày để xác định hệ số tiêu tốn thức ăn.

Kết thức thí nghiệm, Viện nghiên cứu NTTS III đã tổng kết và đánh giá hiệu quả kinh tế của các mô hình nuôi như sau:

Hàm lượng ni tơ (N), phốt pho (P) tổng số trong nền đáy lồng nuôi ghép thấp hơn nuôi đơn.

Tốc độ sinh trưởng trung bình về trọng lượng của tôm hùm ở lồng nuôi đơn là 0,48%/ngày và 0,53%/ngày ở lồng nuôi ghép, sinh trưởng của bào ngư là 1,47%/ngày, vẹm xanh là 0,57%/ngày và của rong sụn là 3,97%/ngày.

Không có sự khác nhau về sinh trưởng khi nuôi bào ngư ở các mật độ 10, 20, 36 và 75 con/lồng. Tuy nhiên, ở mật độ 88 con/lồng thì tốc độ sinh trưởng có sự sai khác ý nghĩa thống kê, đó là tốc độ sinh trưởng của bào ngư giảm. Tỷ lệ sống của bào ngư giảm khi tăng mật độ nuôi.

Hiệu quả kinh tế của mô hình nuôi ghép cao hơn nuôi đơn, lợi nhuận thu được tăng 42,44% trong khi chi phí đầu tư chỉ tăng thêm 16,42%, tổng chi phí sản xuất tăng 39,37%.

Nguồn: Viện NTTS III được kiểm duyệt bởi Farmtech VietNam.