Tham khảo mô hình nuôi trùn quế hiện đại ở nước bạn

Nước ta còn nghèo, thiếu thốn cơ sở vật chất nên nhiều hộ cũng chỉ đầu tư ngắn hạn để phục vụ cho những mục đích lâu dài, nên chi phí đầu tư nhiều, mất nhiều thời gian và công sức, lại không thể có được những mô hình bài bản đúng kỹ thuật nhằm mang lại hiệu quả cao hơn.

Đây là một mô hình nuôi trùn quế thu phân bón ở nước bạn, nhìn rất hiện đại và đầu tư rất bài bản, ô nuôi được cách mặt đất một khoảng không gian, thành ô nuôi được gia cố bằng sắt khá chắc chắn, và được áp dụng máy móc vào để tiết kiệm công sức và thời gian chăm sóc thu hoạch.

Các nước bạn không chú trọng vào sản lượng sản phẩm lắm, mà tập trung vào chất lượng sản phẩm với cách sử dụng, họ biết cách sử dụng sản phẩm phân bón từ ô nuôi như thế nào cho hiệu quả nên không cần bón nhiều, mà dùng đúng cách sẽ mang lại hiệu quả lớn.

Chúng ta đang sử dụng phân trùn quế như là một loại phân bón thông thường để bón cho cây, nên phải dùng với liều lượng rất lớn, nhưng nếu chúng ta dùng phân trùn quế như một môi trường sinh khối để cải tạo đất, tạo điều kiện thuận lợi cho vi sinh vật phát triển để phục vụ cho đất trồng, thì hiệu quả phân trùn quế mang lại rất cao, mà không cần phải dùng quá nhiều phân trùn quế.

Phân trùn quế có thể ví như là một loại men tiêu hóa cho cây, để cây hấp thu và tiêu hóa tốt dinh dưỡng cung cấp cần bón bổ sung phân trùn quế. Không nên chỉ bón phân trùn quế thôi mà không bón thêm gì khác, vì nếu làm như thế phải bón rất nhiều phân trùn quế cho cây để cây đầy đủ dinh dưỡng. Nên sử dụng phân trùn quế như một loại phân bón bổ sung cho cây, để mang lại hiệu quả kinh tế.

Mô hình nuôi trùn quế hiện đại

Và đây là mô hình nuôi trùn quế có thể dành cho các hộ trồng trọt, có thể thu phân trùn quế để bón cho khu vườn của mình, nếu trồng rau thì chỉ cần 0,5kg/m2 cho mỗi vụ. Nếu trồng cây ăn trái thì mỗi gốc chỉ cần 1kg/3 tháng. Ta có thể nuôi trùn quế từ phụ phẩm nông nghiệp nào có thể phân hủy được và phù hợp với trùn quế, muốn biết phù hợp hay không hãy cho ăn thử.

Các nước bạn đã nuôi khá lâu và đầu tư rất tốt, vì họ biết rằng trùn quế mang lại những giá trị rất lớn cho họ, vậy còn chúng ta thì sao, chỉ vì chưa phát hiện ra giá trị lớn của trùn quế nên chúng ta chưa dám đầu tư bài bản. Thiếu tầm nhìn cũng khiến chúng ta e ngại mà không dám đầu tư lâu dài. Hãy cùng mở rộng tầm nhìn với các nước bạn để có thể đầu tư đúng là đủ hơn giống vật nuôi này.

Nguồn: Tổng hợp bởi Farmtech VietNam.

Kỹ thuật thu hoạch giun quế

Thu hoạch là khâu cuối cùng của toàn bộ quá trình nuôi. Tuỳ theo mục đích sử dụng của từng hộ gia đình mà chúng ta có thể lựa chọn những phương pháp thu hoạch sao cho phù hợp và hiệu quả nhất.

Hiện nay, một số tài liệu đã đưa ra rất nhiều phương pháp thu hoạch giun quế khác nhau như: thu hoạch bằng nhử mồi, bằng đe doạ, bằng ánh sáng, bằng điện… nhưng chúng tôi nhận thấy 2 phương pháp thu hoạch đơn giản và hiệu quả hiện nay đang được áp dụng nhiều nhất đó là:

1. Phương pháp thu hoạch bằng ánh sáng

Đây là phương pháp thu hoạch hiện nay đang được áp dụng nhiều nhất. Ưu điểm của phương pháp thu hoạch này là đơn giản và có thể lấy được kiệt giun, tuy nhiên nó có nhược điểm là mất khá nhiều thời gian nếu lượng chất nền lớn và với điều kiện giun đã ăn hết phân trên lớp bề mặt chất nền. Trước khi thu hoạch 1 ngày ta phải kiểm tra xem Trùn đã ăn hết lượng phân trên bề mặt của chất nền chưa. Chúng ta chỉ khai thác khi giun đã ăn hết lượng phân này

Ta có thể sử dụng 1 tấm bạt hoặc tấm ni lông có khổ rộng trải ra trên mặt đất. Lưu ý là nơi thu hoạch cần phải có nhiều ánh sáng nhưng tốt nhất không nên để trực tiếp dưới ánh sáng mặt trời vì tia tử ngoại của ánh sáng mặt trời rất có hại cho giun và có thể làm chết giun. Dùng tay mở tấm đậy ra, bới và bóp nhỏ lớp chất nền trong luống nuôi cho tơi xốp vì trong quá trình nuôi lượng phân giun đã đóng thành từng khối, từng tảng. Xúc phân giun và giun ở trong luống ra đổ thành đống trải đều giữa tấm bạt hoặc tấm ni lông (tốt nhất nên dùng các đồ vật bằng nhựa để xúc, không nên sử dụng các vật nhọn và sắc như: quốc, xẻng…vì nó có thể làm chết hoặc đứt giun). Do giun thường tập trung nhiều trên bề mặt của luống nuôi vì vậy để khai thác nhanh, chúng ta nên chia khối chất nền ra làm hai phần: phần chất nền ở phía trên đổ riêng về 1 phía, phần còn lại đổ sang phía đối diện.

Sau khi xúc phân xong, dùng tay bóp nhỏ những phần phân đóng thành tảng xót lại và vun lên thành ngọn. Dưới tác động của ánh sáng, giun sợ sẽ chui xuống bên dưới. Ta dùng tay bới lớp phân giun ở trên ngọn và hai bên thành đống gạt sang hai bên. Giun lại tiếp tục chui xuống dưới, ta lại tiếp tục bới như trên đã làm, cứ làm như vậy sẽ loại hết được phân giun ra và lấy được toàn bộ lượng giun ở dưới đáy.

2 Phương pháp nhử mồi

Phương pháp này cũng cũng áp dụng khá nhiều trong thực tiễn, người ta thường sử dụng phương pháp này khi muốn san ô nuôi để làm giảm bớt mật độ giun và khối lượng chất nền hiện có ở trong luống. Tuy nhiên, nếu muốn lấy sạch giun trong ô nuôi thì không thể sử dụng phương pháp này mà phải dùng phương pháp thu hoạch bằng ánh sáng.

Khi quan sát thấy luống nuôi đã hết thức ăn, ta rải 1 lượt mỏng thức ăn mới lên trên bề mặt của khối chất nền. Giun sẽ lập tức tập trung tấn công vào lượng thức ăn mới này. Theo dõi đến khi Trùn ăn gần hết lượng thức ăn này, mở tấm đậy và hớt lấy lớp phân trên bề mặt ta sẽ thu được rất nhiều giun.

Nguồn: Giun quế Ba Vì được kiểm duyệt bởi Farmtech VietNam.