Kỹ thuật mới trồng chuối già hương

Với giải pháp luân chuyển hố trồng chuối già hương để tăng năng suất và tránh bệnh tuyến trùng rễ, ông Lê Hoàng Oanh (thôn Xuân Lạc, xã Vĩnh Ngọc, TP. Nha Trang), Phó Chủ tịch Hội Nông dân xã Vĩnh Ngọc đã được trao giải khuyến khích tại Hội thi Sáng tạo kỹ thuật tỉnh lần thứ VII (2016 – 2017).

Sau gần chục năm trồng chuối già hương, ông Oanh nhận thấy, cây chuối thường chỉ cho năng suất cao trong khoảng 2 năm đầu. Năm đầu tiên, buồng chuối có thể đạt 12 nải. Năm thứ hai, cây mẹ đẻ ra nhiều cây con, số buồng cũng tăng thêm. Tuy nhiên, từ năm thứ ba, khi các cây con tạo thành bụi chuối um tùm, mật độ trồng dày đặc thì bắt đầu có hiện tượng thân cây kém phát triển, hoặc vẫn cho buồng nhưng buồng chuối ít nải, trái nhỏ. Đặc biệt, gốc bụi chuối bắt đầu xuất hiện bệnh tuyến trùng rễ, thường biểu hiện là rìa lá vàng, cuộn lá, không thể cung cấp dưỡng chất nuôi cây và trái. Do các cây ở gần nhau nên bệnh lây lan nhanh từ cây này qua cây khác. Vì vậy, từ năm thứ ba, thu nhập từ vườn chuối gia đình cứ giảm dần, có năm chỉ được chừng 30 triệu đồng. Không bỏ cuộc, ông Oanh tích cực tìm hiểu, từ đó cải tiến cách trồng chuối già hương trên diện tích 1.200m2 đất nhà. Nguyên tắc cơ bản của kỹ thuật này là luân chuyển hố trồng sau lần thu hoạch thứ 2. Qua 3 năm áp dụng thực tế, kỹ thuật này đã chứng minh hiệu quả.

Ông Oanh kiểm tra những cây có dấu hiệu bị tuyến trùng rễ do để bụi chuối mọc tự phát

Theo ông Oanh, mỗi bụi chuối, tốt nhất chỉ nên thu hoạch 2 lứa, sau đó phải phá bỏ hố cũ, chọn cây con khỏe mạnh chuyển sang hố trồng mới. Mỗi bụi chuối chỉ nên giữ lại 2 cây con khỏe nhất, còn lại chặt bỏ để tập trung dinh dưỡng cho cây. Đối với hốc cũ, ông cuốc xới, rải vôi để bệnh tuyến trùng rễ không lây lan. Để luân chuyển hố trồng, ngay năm đầu tiên, sau khâu làm đất, ông chú ý bố trí phân chia khoảng cách hố trồng. Ngoài các hố được bố trí thẳng hàng cách 2 – 3m để trồng chuối trong năm đầu, ông còn dự trù đặt hàng hố xen kẽ so le giữa 2 hàng hố trồng năm đầu để luân chuyển cho năm sau. Hố nên sâu 0,5m, rộng 0,5m, dài 0,5m, được bón phân chuồng và vôi rồi trồng cây con vừa ra 3 lá vào, tưới đậm một lần, sau đó tưới phun. “Trước đây, để cung cấp nước cho cây, nông dân thường dẫn nước vào vườn chuối cho ướt đất. Nhưng cách làm này dễ làm bí đất. Cây chuối thường bị rệp sáp trên buồng. Để trừ bệnh, nông dân thường phải mua thuốc, vừa tốn kém, vừa hại sức khỏe. Tôi phát hiện ra loại rệp sáp này rất kỵ nước. Do đó, nếu phun tưới cho trôi xuống đất, chúng sẽ chết hết, đất cũng được thông thoáng, chưa kể tưới lên lá và buồng cũng giúp trái chuối mau to hơn”, ông Oanh chia sẻ kinh nghiệm.

Bên cạnh đó, biết cây ngò gai không ưa ánh nắng, nên khi cây chuối phát triển đến tháng thứ ba, xòe lá rộng, ông Oanh còn trồng xen canh thêm ngò gai để tăng thu nhập. Trong điều kiện bóng mát, cây ngò gai phát triển khá tốt, cứ nửa tháng có thể cắt bán một lần.

Với cách làm này, cứ 2 năm ông Oanh thu hoạch được 3 lứa chuối, buồng luôn đạt 12 nải, trái chuối to đẹp, trọng lượng trung bình 30kg/buồng, cao hơn buồng trồng theo cách truyền thống. Từ ngày ông Oanh trồng theo cách này, nhiều người còn tới đặt mua tại vườn. “3 năm nay, trung bình thu nhập của gia đình từ chuối và ngò gai đạt 150 triệu đồng/năm. Năm nay, nếu không bị cơn bão đốn ngã cả vườn chuối, tôi cũng sẽ thu được như vậy. Bây giờ, tôi phải chờ đất khô hẳn mới trồng lại được”, ông Oanh nói.

Ông Phan Văn Cường – Chủ tịch Hội Nông dân xã Vĩnh Ngọc cho biết, giải pháp của ông Oanh bước đầu có hiệu quả. Sắp tới, Hội Nông dân xã sẽ truyền đạt cách làm này cho người trồng chuối. Trước mắt, hội sẽ định hướng cho 2 hộ có diện tích trồng chuối trên 1.000m2 áp dụng. Sau này, khi số hộ trồng chuối áp dụng kỹ thuật này tăng lên, hội sẽ xúc tiến hình thành tổ hợp tác trồng chuối theo kỹ thuật cải tiến của ông Oanh.

Nguồn: Báo Khánh Hòa được kiểm duyệt bởi Farmtech VietNam.

Quy trình kỹ thuật trồng và chăm sóc chuối già – Phần 1

Chuối là cây trồng ít kén đất, có thể sống trong điều kiện pH= 4,5 – 8, nhưng thích hợp nhất trong khoảng 6 – 7. Chuối già hiện nay có nhiều loại: già lùn, già hương, già cui, già Nam Mỹ, tiêu hồng, …

Chuối già Nam Mỹ

Chuối già có chiều cao thân (tính từ cổ rễ đến điểm giao nhau 2 bẹ lá trên cùng) khoảng 2 – 3m. Đặc biệt ở giống chuối già Nam Mỹ, chuối tiêu hồng ngay từ nhỏ trên lá xuất hiện những vết loang màu tím đặc trưng, khi cây lớn những vết này mất dần và chuyển sang màu xanh đậm, thời gian trổ quày khoảng 7 – 8 tháng (trồng từ cây giống nuôi cấy mô), từ trổ quày đến thu hoạch khoảng 3 – 4 tháng, mỗi quày có thể nặng 30 – 50 kg, trái thon, dài, vỏ trái khi chín có màu vàng tươi, ruột vàng, ăn có vị thanh ngọt, thơm, dẻo.

KỸ THUẬT TRỒNG VÀ CHĂM SÓC CHUỐI GIÀ NAM MỸ

  1. Chuẩn bị đất trồng

Tùy theo địa hình cao thấp mà có thể lên liếp hoặc không. Vùng ĐBSCL là  vùng đất thấp, trồng chuối phải đào mương, lên liếp, lập hệ thống bờ bao để ngăn lũ trong mùa mưa. Mặt liếp phải cao hơn mực nước trong mương tối thiểu là 60cm. Khi đào mương lên liếp, chú ý không đưa tầng sinh phèn hoặc vật liệu sinh phèn lên mặt liếp, mương đào phải đủ rộng để dễ vận chuyển sản phẩm, vật tư và tưới nước trong mùa nắng cho vườn. Chiều rộng mương thường bằng 1/2 hay 1/3 chiều rộng liếp.

Lên liếp vào đầu hay giữa mùa nắng để đất có thời gian khô, khi mưa xuống đất bong ra là bắt đầu trồng cây được. Chuối trồng 2 hàng theo hình nanh sấu có bề ngang mặt liếp khoảng 5m. Nếu trồng 3 hàng xen kẽ thì mặt liếp rộng khoảng 7m.

  1. Thời vụ trồng

Nên trồng chuối vào đầu mùa mưa để cây có đủ nước và đỡ mất công tưới, nhưng cần lưu ý cho đất thoát nước tốt. Nếu đảm bảo đủ nước tưới, có thể trồng chuối bất cứ lúc nào trong năm. Tuy nhiên, nên trồng ở những tháng có nhiệt độ thấp, ẩm độ cao để thân giả ít bị mất nước.

  1. Chọn cây giống

Sử dụng cây giống sản xuất bằng phương pháp nuôi cấy mô để trồng.

Ưu điểm của loại cây giống này là đồng đều về kích cỡ, tuổi cây nên rất thuận lợi cho trồng thâm canh, áp dụng đồng bộ quy trình kỹ thuật canh tác chung cho toàn vườn; thời gian thu hoạch đồng loạt, nên thuận lợi cho việc tiêu thụ sản phẩm; có hệ thống rễ hoàn chỉnh nên cho tỷ lệ sống cao; hơn nữa đây là nguồn cây giống tương đối sạch bệnh, tương đồng về di truyền và độ thuần giống nên khả năng cho năng suất và chất lượng cao hơn.

Chọn cây giống có chiều cao thân (đo từ mặt bầu đến điểm giao nhau 2 bẹ lá trên cùng) ≥ 20cm, đường kính thân (đo cách gốc 2 cm) ≥ 2 cm, có trên 5 lá, cây phát triển tốt. Nên chọn cây giống có nguồn gốc rõ ràng và đã được kiểm định chất lượng.

  1. Khoảng cách và mật độ trồng

Mật độ trồng thay đổi tùy theo khí hậu và đất đai, hoặc tùy theo số lượng con chuối cần chừa lại ở mỗi bụi mà quyết định khoảng cách trồng. Khoảng cách trồng giữa các hàng thường khoảng 2,0 – 2,5m và khoảng cách giữa các cây trung bình khoảng 2m. Mật độ cây trung bình cho 1 ha (có lên liếp) thường khoảng 1.000 – 1.500 cây (tùy kích thước và tỷ lệ mương/liếp).

  1. Phương pháp trồng

Đào hố sâu 50 cm và rộng 40 – 50 cm, bón lót cho mỗi hố 10 – 15 kg phân hữu cơ, 0,1 kg phân NPK 16-16-8. Trộn phân với đất cho vào khoảng nửa hố, tháo bỏ bầu nylon, đặt cây chuối giống vào giữa hố trồng sao cho mặt bầu ngang bằng mặt đất, lấp đất vào đầy hố, lấp vừa quá cổ gốc chuối, ém đất chung quanh gốc, tưới đẫm.

Các bước trồng chuối từ cây con nuôi cấy mô

Cây con sau khi trồng

  1. Bón phân

* Phân hữu cơ: gồm phân gia súc gia cầm, tro, trấu đã hoai mục, bùn sông và bùn ao, chứa chất dinh dưỡng cao. Bón phân hữu cơ tạo môi trường tốt cho vi sinh vật có lợi hoạt động phân hủy vật chất hữu cơ tạo thành chất mùn cung cấp cho cây trồng và cải tạo đất giúp đất tơi xốp, giàu dinh dưỡng, không bị cằn cỗi trong quá trình canh tác. Trung bình, một cây chuối cần khoảng 20 – 25 kg phân hữu cơ /năm, bón vào đầu mùa mưa hàng năm, cuốc xung quanh gốc tạo thành rãnh cách gốc 1,5 – 1,7m, phân được rải đều bên trong rãnh.

* Phân vô cơ:

– Lượng phân bón cho 1 bụi chuối trong năm đầu mới trồng:

Cách bón: Đào 4 hốc xung quanh gốc, sâu 10 – 15 cm , lần 1 cách gốc 40 – 50cm, lần 2 cách gốc 50 – 70cm, lần 3 cách gốc 1m, lần 4 cách gốc 1,5 – 1,7m, bón phân vào hốc và lấp đất lại.

– Lượng phân bón cho 1 bụi trong các năm tiếp theo:

Cách bón: Nếu có điều kiện tưới nước thì chia đều lượng phân trên thành 3 lần bón: lần 1 sau khi thu hoạch, lần 2 sau đó 2 – 3 tháng và lần 3 sau 2 – 3 tháng tiếp theo sao cho bón phân dứt điểm trước khi trổ buồng. Trường hợp không có điều kiện tưới nước, lượng phân được chia đều cho 2 lần bón, vào đầu và cuối mùa mưa. Đào 4 hốc xung quanh gốc, sâu 10 – 15 cm , cách gốc 1,5 – 1,7m, bón phân vào hốc và lấp đất lại.

Lưu ý: Tùy thuộc vào tình trạng sinh trưởng và năng suất của cây ở những thời điểm khác nhau hoặc cây trồng trên những vùng đất khác nhau, có thể điều chỉnh lượng phân bón so với công thức trên. Tùy thuộc vào mức độ nhiễm phèn của đất trồng, có thể bón thêm 1 – 3kg vôi/cây/năm.

Nguồn:  TRUNG TÂM GIỐNG NLNN KIÊN GIANG được kiểm duyệt lại bởi Farmtech VietNam.

Kinh nghiệm trồng chuối cho năng suất cao

Cây chuối (tên khoa học là Musa sapientum L., thuộc họ Musaceae). Chuối là loại cây ăn quả nhiệt đới, ngắn ngày, dễ trồng và cho sản lượng khá cao, trung bình có thể đạt năng suất 20-30 tấn/ha. Hiện nay, trên thế giới, nước đạt năng suất chuối cao nhất là Goatemala 100 tấn/ha. Chuối có giá trị kinh tế khá lớn và là mặt hàng xuất khẩu của nhiều nước.

Chuối

Điều kiện sinh thái của cây chuối

– Nhu cầu về nước: Hàm lượng nước trong các bộ phận cây chuối rất cao, trong thân già 92,4%, trong rễ 96%, trong lá 82,6% và trong quả 96%. Độ bốc hơi của lá rất lớn, dưới ánh nắng mặt trời, sức tiêu hao nước của chuối từ 40-50mg/dm2/phút. Với giống chuối tiêu lùn, cần từ 15-20 lít nước/ngày tuỳ theo trời râm hay trời nắng. Chú ý vào mùa đông ở nước ta thường khô hanh, ít mưa nên cần có biện pháp tưới ẩm để cung cấp đủ nước cho chuối.

– Nhu cầu về ánh sáng: Chuối có khả năng thích ứng trong phạm vi cường độ ánh sáng tương đối rộng. Cho nên lượng ánh sáng ở điều kiện nước ta cũng cho phép cây chuối sinh trưởng và phát triển tốt.

– Nhu cầu về nhiệt độ: Chuối sinh trưởng và phát triển thuận lợi trong phạm vi 25-35ºC. Khi nhiệt độ giảm đến 10ºC thì quả chuối nhỏ, phẩm chất kém, sinh trưởng chậm. Chuối sợ rét và sương muối, khi gặp sương muối kéo dài lá chuối sẽ xám lại và héo khô. Như vậy, ở nước ta, nhất là các tỉnh miền Nam, Nam Trung bộ, bình quân nhiệt độ hàng năm lớn hơn 24ºC, nên có lượng nhiệt rất tốt cho chuối phát triển.

Hình thức sinh sản

Hình thức nhân giống chuối chủ yếu là nhân giống vô tính. Người ta thường dùng loại chồi con để trồng. Chồi con được hình thành từ những mầm ngủ mọc trên thân ngầm của chuối, thường có 2 loại chồi con: chồi con đuôi chiên và chồi con lá rộng.

Theo nhiều kinh nghiệm, loại chồi con đuôi chiên được sử dụng trồng tốt nhất. Nó được sinh ra khoảng tháng 4 đến tháng 6. Trong điều kiện đầy đủ ánh sáng, nhiệt độ thích hợp, loại chồi non này sinh ra rất nhanh, tốc độ sinh trưởng rất mạnh. Chồi này rất sung sức, khi trồng mau bén rễ, tốc độ hồi sinh nhanh, sinh trưởng mạnh và mau ra buồng, sản lượng cao.

Ngoài chồi con, ở một số nơi đã chọn củ chuối (thân ngầm) để nhân giống, ở nước ta chưa áp dụng nhiều nhưng ở Trung Quốc, các nước châu Phi, châu Mỹ đã áp dụng nhiều phương pháp trồng bằng củ chuối.

Phương pháp này có lợi ở những mặt: dễ vận chuyển, con giống mọc ra từ củ tương đối đồng đều nên khi trồng dễ chăm sóc và thu hoạch, hệ số nhân giống cũng tương đối cao vì khi ta bổ một củ ra đem trồng có thể đạt được từ 4 đến 6 cây con.

Mùa vụ trồng chuối

Đối với khí hậu nước ta, chuối có thể trồng quanh năm. Tuy nhiên, nếu để đạt đến năng suất cao và phẩm chất chuối tốt, cần chú ý đến thời vụ. “Giêng trúc lục tiêu” tức là kinh nghiệm về mùa vụ trồng tre và chuối hợp lý, tức tháng giêng (ÂL) trồng tre, tháng sáu (ÂL) trồng chuối.

Đối với các giống chuối gòn, chuối lá mật, chuối ngự,… có thể trồng được vụ xuân (tháng 2-3 ÂL), nhưng với chuối tiêu thì phải trồng vụ thu (tháng 6-7 ÂL) và cây sẽ ra hoa vào tháng 6-8 năm sau, đến tháng 9-11 thu hoạch, lúc này năng suất, phẩm chất chuối tiêu rất tốt. Vì vậy mà trong dân gian cũng đã có kinh nghiệm ăn chuối: vào mùa nóng thì nên ăn chuối gòn, chuối lá, còn vào mùa rét thì ăn chuối tiêu ngon hơn.

Kỹ thuật bón phân, tưới nước

Đạm (N), Lân (P), Kali (K) đều rất cần thiết bón cho chuối. N ảnh hưởng đến năng suất chuối, K liên quan đến sự phát triển chiều cao và P có tác dụng tạo phẩm chất quả tốt, chống sâu bệnh.

Lượng bón phân tuỳ thuộc vào sản lượng thu hoạch. Đối với nước ta, liều lượng N, P, K thích hợp bón cho 1 cây chuối tiêu trong 1 năm ở đất phù sa ven sông là: 100-200g N nguyên chất, 20-40g P nguyên chất, 250-300g K.

Hàm lượng chất hữu cơ trong đất trồng chuối nhất thiết phải đạt 3-4% là tốt, nếu thấp hơn phải bón phân hữu cơ. Đối với chuối thường bón 30-50kg phân chuồng cho một gốc một năm. Có thể phủ cỏ, vỏ cà phê, mùn cưa, lá thông,…một lớp dày 30-40cm quanh gốc chuối để dần thành mùn và giữ ẩm cho đất cũng rất tốt hoặc có thể trồng cây phân xanh để tạo chất hữu cơ cho đất. Vào các tháng 7-8-10 sau khi trồng là giai đoạn bón thúc quan trọng, giúp nâng cao năng suất và phẩm chất chuối.

Chuối có nhu cầu nước cao, chịu hạn kém, cho nên cần lưu ý tưới nước đủ cho chuối. Một nghiên cứu đã cho biết một cây chuối có diện tích bộ lá 13,5m2 cần 50-70kg nước để thoát nước trong một phút.

Tưới nước cho cây chuối

Ngoài ra, còn một số kinh nghiệm khác như: chọn cây con đem trồng nên chọn cây cao từ 0,6-1m và đã có trên dưới 10 lá, trước khi trồng phải gọt sạch rễ và cắt bớt lá.

Khi chuối ra hoa cần phải cắt hoa đực và hoa trung tính (tức cắt bắp chuối), có tác dụng làm quả to hơn. Vườn chuối phải trồng luân canh thì năng suất mới cao. Mùa mưa không nên đi lại, cày xới trong vườn chuối. Và quan trọng phải theo dõi sâu hại chuối và có cách phòng trừ hiệu quả.

Theo m.2lua.vn được tổng hợp lại bởi Farmtech Viet Nam.