Tây Ninh: Trồng Gừng trong bao 100m², thu nhập trên 100 triệu đồng

Trồng Gừng trong bao, một công việc không phải là mới với nhiều người ở hầu khắp các địa phương trên cả nước nhưng trồng Gừng trong bao xi măng, bao tải dứa, bao nilon… thực sự là mô hình khá mới mẻ với nhiều người nhưng lại đang tỏ ra là một mô hình hiệu quả, đem lại thu nhập cao trong nhiều năm trở lại đây. Bài viết dưới đây về một người nông dân bình thường cũng là ví dụ điển hình.

Sau nhiều năm bôn ba với nghề thợ hồ, năm 2006, ông Trần Văn Công (56 tuổi) ở ấp Bình Phong, xã Thái Bình, huyện Châu Thành, Tây Ninh quyết định về nhà trồng gừng. “Tôi lớn tuổi rồi, ra ngoài làm mướn không bằng tụi trẻ” – ông Công tâm sự.

Trồng gừng trong bao xi măng – mô hình khá mới mẻ

Ông chọn miếng đất bên hông nhà khoảng 100m², làm đất kỹ lưỡng và lên liếp trồng gừng. Do chưa có kinh nghiệm, cộng với đất ở đây thường ẩm ướt, nên gừng hay bị thối củ, năng suất không cao. Những lần ông đốt rác, rồi cho vào trong bao bỏ trong góc vườn. Thấy đất tốt, ông trồng thử vài gốc gừng, thu hoạch, gừng cho năng suất cao hơn trồng trên liếp. Ông nảy ra sáng kiến trồng gừng trong bao.

Từ phân rác, ông chế công thức pha trộn đất để trồng gừng. Năm 2007, ông san bằng mặt liếp, đến các công trường xin bao xi măng về may thành các túi nhỏ, cho đất trồng 1.000 gốc gừng. Sau 6 tháng, ông thu được trên 2.000kg gừng củ, với giá gừng 40.000 đồng/kg, trừ chi phí ông lãi gần 80 triệu đồng. Ông cho biết, 2 năm ông trồng 3 vụ gừng, trừ chi phí, mỗi năm ông bỏ túi trên 100 triệu đồng.

Theo ông Công, ưu điểm của trồng gừng trong bao là đất không ẩm ướt, nên củ gừng không bị thối, không bị rễ các cây khác chèn vào, vì vậy năng suất mỗi gốc từ 2-3kg củ, trong khi trồng trên liếp, mỗi gốc cho khoảng 1,5kg củ. Mặt khác, trồng gừng trong bao dễ chăm sóc, di dời và dễ thu hoạch.

Gừng dễ dàng được chăm sóc khi trồng trong bao xi măng

Thành công với cây gừng, năm 2010, ông thử nghiệm trồng 17 gốc khoai môn củ trong bao. Kết quả, khoai môn trồng trong bao củ to hơn, năng suất mỗi bao từ 2,7- 3kg củ, còn trồng trên liếp mỗi gốc chỉ cho 1,5-2kg củ. Năm 2011, ông quyết định trồng thêm 100 gốc khoai môn trong bao.

Ông Công dự định, cuối năm, ông mở rộng thêm diện tích trồng gừng, khoai môn và mua lưới để che vườn gừng. Ông chia sẻ, theo khuyến cáo của Trung tâm Khuyến nông tỉnh, nếu cây gừng được che mưa, che nắng, năng suất sẽ cao hơn.

Tổng hợp bởi Farmtech Vietnam.

Kỹ thuật trồng gừng mang lại năng suất cao

Những năm gần đây, cây Gừng là một cây mang lại giá trị kinh tế rất cao. Việc trồng xen canh cây gừng với các cây công nghiệp khác như Hồ tiêu, Cao Su hay Điều không phải là cách làm mới nhưng lại là một mô hình mới với hầu hết bà con các địa phương trên cả nước. Bởi từ trước đến nay, đa số bà con vẫn quen áp dụng cách trồng cổ điển là trồng Gừng dưới đất.

Quy trình trồng gừng khá đơn giản

Một thực tế cho thấy, nhiều địa phương đã áp dụng mô hình mới trồng Gừng trong bao và đem lại năng suất rất cao ( gấp 6 – 8 lần). Tuy nhiên, để đạt năng suất và chất lượng cao cho cả một vụ gừng thì yếu tố giống quyết định đến 70% sự thành công. Với những khách hàng mua giống tại Công ty Nông Sản Việt Tuấn thì có thể bỏ qua khâu này vì giống gừng đã được Công ty lựa chọn Giống và xử lý rất kỹ việc chống khuẩn, nấm bệnh. Với bà con nông dân tự mua giống trôi nổi trên thị trường cần chú ý từ khâu chọn giống, chăm sóc đến thu hoạch. Nên chọn giống củ to, già, bóng, không khô héo, không nhăn nhúm và không bị sâu bệnh…

Trồng gừng bằng cách thông thường

Theo ThS Nguyễn Thị Nguyệt, chuyên nghiên cứu về nông sản cho biết, để đạt năng suất và chất lượng cao, nông dân cần chú ý từ khâu chọn giống, chăm sóc đến thu hoạch. Nên chọn giống củ không nên quá to nhưng phải già, bóng, không khô héo, không nhăn nhúm và không bị sâu bệnh. Muốn gừng lên đều cần ủ giống cho nảy mầm trước khi trồng.

Gừng giống phải để nơi thoáng mát khoảng 1 tuần rồi tiến hành bẻ hom bằng tay, vì khi dùng dao thì mầm bệnh sẽ từ củ này lây sang củ kia. Hom giống phải to, nguyên vẹn (từ 40 – 60g) mới đủ sức nuôi cây con khoẻ mạnh, trên mỗi nhánh phải có ít nhất một mắt mầm.

Đất trồng gừng phải xốp, đủ ẩm và thoát nước tốt. Đất được cày sâu 25 – 30cm, phơi ải, xới cho nhuyễn rồi lên luống. Khoảng cách trồng có thể là 30 x 40cm hoặc 50 x 20cm. Gừng là loại cây ưa sáng nhưng cũng có khả năng chịu rợp. Tuy nhiên nếu che ánh sáng nhiều quá (70 – 80%) thì năng suất giảm rõ rệt.

Do nhánh Gừng nảy chồi ngang nên đặt củ xuôi theo hàng trồng để chồi phát triển về bên hàng. Trong quá trình phát triển, không để gừng thiếu nước sẽ chậm lớn. Gừng là cây rất háo nước nhưng lại không chịu úng, do khi bị úng dễ bị bệnh thối củ. Vì thế trong mùa mưa, bạn nên chú ý liếp ( luống) trồng gừng phải thoát nước tốt.

Gừng có nhu cầu N, P, K tương đối cao, trong đó nhu cầu về N là nhiều nhất để gừng đạt năng suất cao nhất. Lượng phân sử dụng cho 1.000m2 là: Urê 15 – 20kg, super lân 20 – 25kg, KCL 20kg và 500kg phân hữu cơ. Có thể thu hoạch gừng từ 6 tháng trồng trở đi ( Gừng Non) nhưng nếu làm giống thì phải thu hoạch sau 9 tháng. Không nên để già quá, gừng cay nhiều, có xơ cũng không thu non quá, củ bị nhăn nhúm, giảm chất lượng.

Trồng gừng trong bao xi măng, bao tải, bao nylon

Dùng vỏ bao xi măng giặt sạch ( hoặc bao nylon, hoặc vỏ sọt tre…) đáy bao đục 6 lỗ. Dùng trấu, đất, phân trộn đều theo tỷ lệ 3 trấu + 2 đất + 1 phân chuồng hoai mục, sau đó cho vào bao. Củ gừng giống sau khi ủ lên mầm được trồng vào bao. Chăm sóc thì chỉ cần tưới nước và bón thêm 2 lần phân. Tỷ lệ trấu, đất còn tùy thuộc vào chất đất tại từng địa phương mà tăng giảm cho hợp lý.

Lần đầu, cách thời gian trồng từ 30 đến 45 ngày. Mỗi bao gừng bón 1 thìa phân NPK quanh gốc. Sau đó cho thêm vào một lớp hỗn hợp chất hữu cơ dày khoảng 20 cm với tỷ lệ 1 phân chuồng hoai mục + 1 đất + 3 trấu. Lần 2, cách thời gian bón lần một 60 ngày. Mỗi bao bón thêm 1 thìa phân NPK quanh gốc. Sau đó cho thêm vào bao một hỗn hợp chất hữu cơ với tỷ lệ 1 phân chuồng hoai mục + 1 đất + 4 trấu.

Việc phòng trừ sâu bệnh cho gừng cũng đơn giản, bao nào bị sâu bệnh dễ dàng đem ra cách ly, không để lây lan. Cái hay của cách trồng gừng trong bao là bất cứ ở đâu, chổ nào, từ thôn quê đến đô thị đều trồng được cả. Bao gừng đặt dưới đất hoặc trên giàn, trên kệ, dưới tán cây, ven lối đi, bất cứ chỗ nào mà diện tích không dùng cho sản xuất đều có thể đặt bao gừng giống để trồng. Đặc biệt là dễ di chuyển khi cần thiết để tránh sự bất lợi của thời tiết ( mưa ngâp, nắng hạn ).

Thường mỗi củ gừng giống khi trồng chỉ nảy từ 3 – 4 nhánh con, nhưng với cách trồng trong bao, gừng nảy rất nhiều nhánh. Mỗi nhánh là một củ gừng, sau 9 – 10 tháng có thể thu hoạch từ 1,5 đến 2 kg củ/bao, có nơi lên đến 3 – 4 kg/bao. Tổng chi phí đầu tư ban đầu cho 1 ha so với lúc thu hoạch, trung bình người dân có thể lãi từ 80 – 300 triệu đồng tùy vào giá thị trường.

Tổng hợp bởi Farmtech Vietnam.