Cách phân biệt các loại dây Lạc Tiên

Vị thuốc cây chùm bao hay con gọi là cây nhãn lòng trong y học cổ truyền thường dùng là bộ phận trên mặt đất của cây lạc tiên (Passiflora foetida L.). Ở Việt Nam có tới 15 loài, trong đó chỉ có loài P.foetida được dùng làm thuốc an thần gây ngủ.

Lạc tiên là loại dây leo bằng tua cuốn. Thân mềm tròn và rỗng, có lông thưa. Lá mọc so le, chia 3 thùy, thùy giữa lớn hơn hai thùy bên, mép uốn lượn có lông mịn. Gốc lá hình tim, đầu lá nhọn. Hoa to, đều, lưỡng tính, mọc riêng lẻ ở kẽ lá, 5 cánh, màu trắng hoặc hơi tím. Quả mọng, hình trứng, dài độ 3cm, bao bọc bởi tổng bao lá bắc tồn tại. Lạc tiên mọc hoang và được trồng ở nhiều vùng nước ta. Để làm thuốc, người ta thu hái các bộ phận trên mặt đất, rửa sạch, phơi khô, cắt đoạn 3-5cm. Trước khi dùng sao hơi vàng, dùng dần.

Trường hợp ngủ không yên giấc: sắc riêng 20 – 40g lạc tiên khô, uống.

Trường hợp tim hồi hộp, loạn nhịp, mất ngủ, lo âu, đau đầu, choáng váng:

Lạc tiên nấu thành cao lỏng với tỷ lệ 1 phần lạc tiên 1 phần nước, pha thêm chút đường cho dễ uống, ngày 2-3 lần, mỗi lần 50 -100ml, sau mỗi bữa ăn và trước khi đi ngủ. Cũng có thể phối hợp với một số dược liệu an thần khác như lạc tiên, lá vông, lá dâu, lá sen, mỗi loại 20g, tâm sen 4g. Sắc uống ngày một thang. Uống 2-3 tuần, tới khi các triệu chứng thuyên giảm.

– Trong dân gian, bà con ta thường thu hái quả, rửa sạch, bổ đôi, nạo hết ruột, ép và lọc lấy dịch quả, thêm ít nước đun sôi để nguội và chút mật ong hoặc đường đủ ngọt để uống. Dịch quả lạc tiên thơm, ngon, bổ, mát; thích hợp cho giải nhiệt mùa hè. Hoặc hái phần ngọn và lá non của lạc tiên mỗi lần khoảng 100 – 200g nấu canh ăn giúp ngủ ngon.

Phân biệt các loại lạc tiên:

Ngoài loài lạc tiên nói trên, để tránh nhầm lẫn, cần lưu ý tới một số loài khác cũng mang tên lạc tiên.

– Lạc tiên Nam Bộ (Passiflora cochinchinensis  Spreng) cũng là cây leo nhưng cành hơi dẹt, có khía rãnh. Lá thuôn hẹp, gốc lá và đầu lá hơi tròn, mép nguyên, mặt trên nhẵn, mặt dưới có ít lông. Cụm hoa màu trắng. Quả nhỏ hình trứng nhẵn. Cây này không được dùng làm thuốc an thần như lạc tiên nói trên.

Lạc tiên Nam Bộ

– Lạc tiên tây (Passiflora incarnata L.): là dây leo, dài đến 9 – 10m. Thân có rãnh dọc, vỏ màu xám nhạt, sau chuyển màu đỏ tía, khi non có lông mịn. Lá mọc so le, ba thùy, mép có răng cưa, có tua cuốn ở kẽ lá. Hoa to, màu trắng, thơm, có cuống dài, màu tím hoặc hơi hồng. Quả hình trứng. Khi chín có màu vàng. Quả có vị chua, chứa vitamin. Có tác dụng bổ mát, giải nhiệt.

Lạc tiên tây

– Lạc tiên trứng, còn gọi là dây mát (Passiflora edulis Sím): Là dây leo, mảnh, dài hàng chục mét. Thân mềm, hình trụ, có rãnh dọc, nhiều lông thưa. Lá mọc so le, chia 3 thùy, nhẵn, mép khía răng cưa, gốc lá hình tim, có hai tuyến nhỏ, đầu lá nhọn. Hoa mọc riêng ở kẽ lá, có cuống dài, màu trắng. Quả mọng hình trứng, khi chín màu da cam.

Lạc tiên trứng

Ở  nước ta, dây mát mọc hoang ở vùng Kỳ Sơn, Nghệ An. Dây mát cho quả thơm ngon, vỏ quả chứa nhiều vitamin C, axít hữu cơ, tanin, đường, các nguyên tố vi lượng: Si, K, P… Dịch quả cũng chứa nhiều vitamin C, tinh dầu, axít amin và  β- caroten. Quả lạc tiên trứng được dùng làm thực phẩm, pha chế đồ uống, đồ hộp, bánh kẹo, kem, đồ tráng miệng sau bữa ăn và làm thuốc bổ có tác dụng kích thích thần kinh và giúp cho việc tiêu hóa được tốt hơn.

Nguồn: Tổng hợp bởi Farmtech Vietnam.

Kỹ thuật trồng và chăm sóc cây Lạc Tiên

Kỹ thuật trồng và chăm sóc cây Lạc Tiên

Lạc tiên

Giống: Tại Lâm Đồng chủ yếu sử dụng giống Đài nông 1 (quả tím) và một số giống do các công ty nhập khẩu từ Đài Loan. Hiện nay người ta dùng giống quả tím ghép lên gốc ghép giống quả vàng, để tăng khả năng chống chịu sâu bệnh, tuyến trùng và khả năng sinh trưởng phát triển,

Chuẩn bị đất: Trước khi trồng cây phải xử lý đất để diệt trừ mầm sâu, bệnh bằng cách cày sâu 30-35cm, nhặt sạch cỏ dại và tàn dư thực vật khác.

Thiết kế đường lô, mật độ khoảng cách trồng:

– Thiết kế đường lô: Thích hợp với những nơi đất bằng phẳng, độ dốc <80, vườn trồng có thể thiết kế theo hình chữ nhật hoặc hình vuông diện tích từ 0,2 – 0,5ha/lô, đường lô rộng 3m. Trồng trên đất dốc, hàng cây phải bố trí theo đường đồng mức để thuận lợi cho việc vận chuyển vật tư, chăm sóc và thu hoạch.

– Tùy theo điều kiện đất đai, địa hình và khả năng thâm canh, có thể trồng các mật độ: 1.660 cây/ha: khoảng cách 3 x 2m; 1.330 cây/ha: khoảng cách 3 x 2,5m; 1.100 cây/ha: khoảng cách 3 x 3 m; 850 cây/ha: khoảng cách 3 x 4m.

Cách trồng: Hố trồng có kích thước 60x60x60cm, đào một hố nhỏ ở giữa bồn có độ sâu bằng bầu, đặt cây và lấp đất phủ kín bằng mặt bầu. Sau đó rắc thuốc xung quanh để tránh mối, kiến, dế cắn phá. Dùng cây chống cắm xung quanh và dùng các vật liệu che chắn nhằm hạn chế gió.

Tưới nước: Cây Lạc tiên có bộ rễ ăn cạn, cho nên vấn đề tưới giữ ẩm và tủ gốc là rất cần thiết. Không để nước ngập úng trong mùa mưa nhưng phải đủ nước tưới trong mùa khô đặc biệt trong giai đoạn cây ra hoa. Định kỳ tưới 2 lần/tuần vào mùa khô.

Bón phân: Cây Lạc tiên rất thích hợp với các loại phân hữu cơ, nhất là phân chuồng ủ hoai. Lượng phân bón cho cây theo giai đoạn sinh trưởng, tuỳ thuộc mật độ trồng khác nhau cần điều chỉnh lượng phân bón cho phù hợp.

Giai đoạn kiến thiết cơ bản (1-6 tháng tuổi)

Lượng phân bón cho Lạc tiên mật độ trồng 850cây/ha, như sau:

+ Phân chuồng hoai: 15-20 tấn; vôi bột: 1.000kg.

+ Phân hóa học (lượng nguyên chất): Bón với tỷ lệ N-P-K: 2-2-1,5. Lượng phân hóa học nguyên chất:  170kg N-170kg P2O-145kg K2O.

Lưu ý: Đổi lượng phân hóa học nguyên chất qua phân đơn hoặc NPK tương đương:

Cách 1: Ure: 370kg; super lân: 1.062,5kg; KCl: 242kg.

Cách 2: NPK 20-20-15: 850kg; KCL: 29kg.

* Bón theo cách 1:

Bón lót: Đào hố xong xử lý đất bằng vôi, dùng phân chuồng hoai trộn lẫn với phân lân, vôi hoặc dùng phân hữu cơ vi sinh để bón lót. Thực hiện bón trước khi trồng từ 25-30 ngày với lượng: phân chuồng 15-20 tấn/ha + vôi 1.000kg/ha.

Bón thúc: Phân Ure và kali bón sau trồng 20 ngày, các lần tiếp theo cứ 15 ngày bón 1 lần (chia đều 10-12 lần bón) bón 28-32kg urê + 18-22kg KCL.

Phân lân bón riêng và chia hai lần bón, lần thứ nhất sau khi trồng 60 ngày, lần tiếp theo 150 ngày sau trồng. Bón lấp xung quanh bồn (dùng nĩa để nĩa đất nhằm tránh gây đứt rễ).

* Bón theo cách 2:

Bón lót như cách 1.

Bón thúc: Sau trồng 15 ngày bón 29kg KCL + 70kg NPK 20-20-15 và các lần tiếp theo cứ 15 ngày (chia đều 10-12 lần bón) bón 70-85kg NPK 20-20-15 mỗi lần.

Giai đoạn kinh doanh (từ 7 tháng tuổi trở lên)

Bón tỷ lệ N-P-K: 2-1-4.

Lượng phân bón cho Lạc tiên mật độ trồng 850cây/ha, giai đoạn kinh doanh (từ 7 tháng tuổi trở lên) như sau:

Phân hóa học bón với tỷ lệ N-P-K: 2-1-4. Lượng phân hóa học nguyên chất:  400kg N-204kg P2O-820kg K2O.

Lưu ý: Đổi lượng phân hóa học nguyên chất qua phân đơn hoặc NPK tương đương:

Cách 1: Ure: 870kg; super lân: 1.275kg; KCl: 1.367kg.

Cách 2: NPK 20-20-15: 1.020kg; Ure: 426kg; KCL: 1.112kg.

* Bón theo cách 1:

Phân đạm và kali (bón khoảng 20 lần), cứ 15-20 ngày bón 1 lần: 30-40kg Urê + 50-55kg Kaliclorua/ha/lần bón.

Phân lân chia làm 3 lần bón, bón lấp xung quanh bồn (dùng nĩa để nĩa đất nhằm tránh gây đứt rễ).

Trong giai đoạn kinh doanh cần bón thêm phân hữu cơ hoặc phân chuồng hoai với lượng 15-20 tấn/năm, bón 2 lần vào đầu và giữa mùa mưa.

* Bón theo cách 2:

Phân NPK 20-20-15 + đạm + kali (bón khoảng 20 lần), cứ 15-20 ngày bón 1 lần: 50kg NPK 20-20-15 + 20-22kg Urê + 55-60kg Kaliclorua/ha/lần bón.

* Ngoài ra, trong quá trình canh tác cần phun thêm các loại phân bón qua lá có chứa các trung, vi lượng như Ca, Mg, S, B, Mo, Fe,…nhằm thúc đẩy cây sinh trưởng phát triển, kích thích ra hoa đậu trái sau các lần thu họach.

Làm bồn, diệt cỏ dại: Thường xuyên phá lớp váng đất mặt tạo điều kiện cho bộ rễ phát triển giúp cây sinh trưởng tốt.

Cây Lạc tiên có bộ rễ ăn cạn, cho nên việc diệt cỏ dại chủ yếu dùng biện pháp thủ công, hạn chế tối đa việc làm đứt rễ làm cây dễ nhiễm bệnh.

Làm giàn, tạo hình và tỉa cành lá: Kỹ thuật làm giàn có ảnh hưởng lớn đến việc ra hoa và đậu trái của cây Lạc tiên vì cây chỉ ra hoa ở các mặt đầu cành thứ cấp nằm ngoài mặt tán. Làm giàn theo kiểu chữ T để giúp Lạc tiên phát triển tốt hơn do ánh sáng tiếp xúc bề mặt tán lớn, hạn chế nấm bệnh. Nên làm giàn cao 1,8-2,2m với các trụ tre, gỗ hoặc bê tông, khoảng cách các cột nên cắm theo khoảng cách trồng; bên trên căng lưới thép với khoảng cách ô vuông 40 x 40cm cho cây leo.

Cây mới trồng phát triển chiều cao khoảng 1m thì bấm bớt lá gốc. Cây có bộ lá to, dày, xanh tốt, không bị nấm bệnh là biểu hiện cây sinh trưởng mạnh, đồng thời lá to sẽ giúp cây trao đổi chất tốt hơn do vậy cần chú ý bảo vệ.

Khi cây đã lên giàn cần tạo hình, tỉa bớt lá già hoặc những chỗ mật độ lá quá dày, đặc biệt trong mùa mưa, để hạn chế sâu bệnh gây hại, đồng thời nhằm ức chế sinh trưởng, giúp cho cây ra nhiều nụ, đậu nhiều trái, giúp cây sinh trưởng phát triển tốt.

Sau thu hoạch cắt hết tất cả các cành trên mặt giàn đã cho trái, cây sẽ ra chồi mới, phân cành cấp 2, 3 và các cành quả. Nếu Lạc tiên không được tỉa hoàn toàn vào cuối năm, sẽ ảnh hưởng rất lớn đến sinh trưởng và phát triển, đặc biệt làm hạn chế đến năng suất các năm sau.

Tạo tầng: Khi cây kín giàn thì kéo các nhánh xuống phía dưới để chủ động tạo nhiều tầng sinh trưởng, nhằm tăng diện tích giàn, tăng năng suất trên một đơn vị diện tích. Tùy theo độ cao của giàn và khả năng sinh trưởng mà ta để nhánh có độ dài, ngắn khác nhau rồi bấm ngọn. Sau khi thu hoạch ta cắt bỏ hết để cho nhú đọt non và tiếp tục tạo tầng mới.

Thu hoạch:  Trái Lạc tiên chín là những trái già tự rụng hoặc khi thấy vỏ trái đã chuyển sang màu tím là thu hái được.

Thu hoạch quả Lạc tiên

Đối với trái ăn tươi bảo quản trong thùng giấy carton hoạc sọt tre theo yêu cầu của người mua hàng.

Đối với trái dùng để múc dịch quả thủ công làm nguyên liệu, đựng trong xô nhựa có lót bịch ny lông, dịch quả được cột chặt trong bịch ny lông và vận chuyển đến nơi chế biến trong ngày. Nếu để lâu phải có kho lạnh bảo quản.

Nguồn: Tổng hợp bởi Farmtech Vietnam.