Kỹ thuật thâm canh giống Mè Đen 2 vỏ Bình Thuận

Mè hay còn gọi là cây vừng (tên khoa học là Sesamum indicum L.) là cây chịu hạn rất tốt, có thể trồng và sinh trưởng trên các loại đất khác nhau, mè có thời gian sinh trưởng ngắn (75 – 85 ngày).

Làm đất

Đất phải được cày độ sâu 15 cm cho tơi xốp, bằng phẳng, kết hợp với bón lót.

Kích thước luống tuỳ vào điều kiện địa hình đất đai, ở những vùng khó thoát nước nên lên luống cao 15 – 20 cm, mặt luống rộng 0,5 – 1,5 m, rảnh rộng 20 – 30 cm để tiện việc chăm sóc tưới và thoát nước khi mưa (mè rất sợ úng, kể cả tình trạng úng cục bộ khi có mưa lớn).

Gieo trồng

– Lượng giống: 4 – 5 kg/ha.

– Xử lý hạt giống trước khi gieo: 2 gr thuốc Rovral trộn đều cho 1 kg hạt, có thể xử lý khi có kiến bằng các loại thuốc như Vibasu…

Mè có thể gieo sạ hoặc gieo hàng, lưu ý trộn với thuốc kiến (Vibasu 10H) trước khi gieo để tránh bị mất cây.

– Gieo theo hàng: Rạch hàng sâu khoảng 4 – 5 cm, khoảng cách hàng 60 cm, khoảng cách hốc 15 cm, chừa 1 – 2 cây, lấp nhẹ và kín.

– Gieo sạ: Muốn sạ hạt cho đều thì gieo theo từng ô đất nhỏ với lượng hạt tương ứng và gieo 2 – 3 lần, sau đó gieo hết diện tích cần gieo. Sau khi sạ xong, cào nhẹ lớp đất mặt để lấp hạt sâu khoảng 1,5 cm. Nếu lấp hạt sâu quá thì hạt nảy mầm chậm và cây mọc yếu. Khi gieo hạt, đất phải đủ ẩm, nếu đất khô thì nên tưới nước và có thể lấp hạt sâu hơn nhưng không sâu quá 5 cm. Khi cây được 2 lá thật, tiến hành tỉa thưa chừa khoảng cách 60 x 15 cm, mỗi hốc 1-2 cây.

– Kinh nghiệm dân gian: Cho hạt mè vào chai nước khoáng rỗng, khoảng 1/2 – 1/3 chai, đục 1 – 2 lỗ nhỏ ở nắp chai, dốc ngược chai và rắc trên hàng.

Phân bón:

Lượng phân cho 1 ha: 120 kg N + 60 kg P2O5 +60 K2O + 300 kg vôi + 1.000 kg phân hữu cơ vi sinh/ha (tương đương 260 kg urê + 375 kg supe lân + 100 kg KCl + 300 kg vôi + 1.000 kg phân hữu cơ vi sinh).

– Nếu không bón các loại phân đơn thì có thể dùng NPK 16-16-8 với lượng 750 kg/ha.

– Bón lót: Toàn bộ phân chuồng, vôi và supe lân + 1/3 urê + 1/3 KCl (hay bón lót 150 – 200 kg phân NPK16-16-8).

– Bón thúc: Lượng phân vô cơ còn lại chia làm 2 lần bón vào lúc 15 ngày sau gieo và 25 ngày sau gieo (có thể bón 1 lần vào lúc 20 ngày sau gieo).

– Phân bón lá: dùng Tiltsuper hoặc Headline phun 2 lần. Lần 1 phun vào lúc 20 ngày sau gieo và lần 2 phun vào lúc 40 ngày sau gieo.

Tưới, tiêu nước:

Mè rất sợ úng, nên tưới bằng vòi sen để cây không đổ ngã hoặc có thể tưới theo rãnh. Trong mùa mưa, khi gieo tránh để úng cục bộ. Trong mùa khô, cần tưới nước đều đặn và tuyệt đối không để bị hạn khi đang ra hoa.

Phòng trừ cỏ dại

– Có thể dùng bằng tay hoặc công cụ làm cỏ (xe đẩy cỏ), nên khống chế sạch cỏ trong giai đoạn đầu, từ khi mọc đến ra hoa và khép tán kín.

– Dùng Ronstar (tiền nảy mầm) phun kỹ trên mặt đất trước gieo, khi đất đủ ẩm hoặc phun Dual vào lúc 15 và 25 ngày sau gieo (liều lượng theo khuyến cáo cuả nhà sản xuất), xới xáo, kết hợp bón thúc, nếu mật độ dày thì tỉa thưa còn khoảng 10 – 20 cây/m2.

Phòng trừ sâu bệnh

– Sâu hại: Sâu hại mè chủ yếu là sâu gai, sâu xám, rệp, sâu đục thân và bọ xít. Có thể dùng một số loại thuốc thông dụng hiện nay trên thị trường như: Hopsan, Bassa, Fastac… để phòng trị.

– Bệnh hại: Mè thường bị 3 loại bệnh chủ yếu: đốm khô, héo khô và virút do lây truyền bởi rầy rệp. Cần chú ý phòng bệnh tốt bằng cách làm tốt vệ sinh đồng ruộng, chống úng, gieo trồng mật độ hợp lý. Có thể sử dụng các loại thuốc trừ bệnh thông dụng như Champion, Vicarben…

– Chống úng là một trong những biện pháp phòng bệnh hiệu quả.

Thu hoạch

Khi có khoảng 2/3 quả và lá ngã màu vàng (một số cây có vài quả dưới gốc đã khô) thì thu hoạch. Không nên thu hoạch sớm vì có nhiều hạt lép và làm giảm phẩm chất mè, thu hoạch muộn thì bị nứt nẻ hoặc hạt rơi vãi. Thu lúc trời nắng ráo. Dùng liềm cắt và bó thành từng bó có đường kính từ 10 – 15 cm, rồi dựng đứng các bó từ 3 – 5 ngày và đập lấy hạt, sau đó sàng sảy sạch và phơi tiếp 2 – 3 nắng. Khi đang phơi mà gặp mưa, nếu quả chưa khô thì ít bị ảnh hưởng, nhưng nếu quả đã khô thì ảnh hưởng đến năng suất và phẩm chất hạt. Có thể ủ trong mát 2 – 4 ngày trước khi phơi nhưng không được chất thành đống.

Nguồn: Trung tâm Nghiên cứu Thực nghiệm Nông nghiệp Hưng Lộc được kiểm duyệt bởi Farmtech VietNam.

Kỹ thuật trồng Mè Đen đơn giản

Vừng đen là một thực phẩm có giá trị dinh dưỡng cao và vị thuốc chữa bệnh tốt. Mọi người có thể tự trồng ngay tại nhà mình.

Mè đen còn gọi là hồ ma, du tử miêu, vừng đen có rất nhiều công dụng làm đẹp và chữa bệnh. Hơn nữa kỹ thuật trồng mè đen không khó nên mọi người có thể dễ dàng trồng cho thu hoạch cao nhất.

Thời vụ gieo trồng

Mè có thể trồng quanh năm, tuy nhiên tùy điều kiện địa hình của từng vùng chọn thời điểm xuống giống thích hợp và mang lại hiệu quả kinh tế nhất. Mè là cây chịu hạn, nhưng để hạt giống nảy mầm tốt yêu cầu đất phải đủ ẩm, đất quá khô hay thừa nước đều làm hạt nảy mầm yếu và không đồng đều.

Vụ Đông Xuân: Gieo từ tháng 12-1 dương lịch, thu hoạch tháng 2–3 dương lịch, vụ này cho năng suất cao nhất trong năm, thuận lợi cho thu hoạch và phơi hạt dễ dàng, hạt có màu sáng đẹp, ít bị nấm mốc tấn công. Trồng mè vụ Đông Xuân cây ít đổ ngã, ít sâu bệnh, tuy nhiên trong vụ Đông Xuân cây mè khó cạnh tranh được với cây ngô, lạc.

Vụ Hè Thu: Nên trồng trên đất cao, thoát nước tốt, tránh úng khi gặp mưa nhiều. Gieo vào tháng 4-5 dương lịch thu hoạch vào tháng 6-7 dương lịch. Chủ yếu làm ở vụ Hè Thu, gieo trên đất màu hoặc đất lúa sau khi đã thu hoạch xong lúa vụ Đông Xuân. Vụ này hay gặp hạn khi gieo và gặp mưa to gây ngập úng cục bộ ở một số vùng vào thời kỳ thu hoạch. Vì vậy gieo càng sớm càng tốt.

Giống

Phân loại về màu sắc có hai loại: Mè đen: Dễ trồng, mọc khỏe, sai quả, chín muộn hơn mè trắng, thời gian sinh trưởng 3,0-3,5 tháng, thích hợp với đất và khí hậu đồi núi. Mè trắng: Loại quả tròn, sai quả, chín sớm, thời gian sinh trưởng 2,5-3 tháng, thích hợp với việc tăng vụ trồng xen.

Làm đất

Đất trồng mè: Thích hợp trên các chân đất thịt nhẹ, đất cát pha và thoát nước tốt. Làm đất: Hạt mè rất nhỏ nên phải làm đất thật kỹ, nếu không làm đất kỹ hạt mè sẽ bị vùi khó nảy mầm. Đất cày sâu 15-20 cm, bừa kỹ nhiều lượt. Làm đất thật nhỏ và sạch cỏ, sau đó tiến hành lên luống.

Trồng mè đen cần chút kỹ thuật chăm sóc cẩn thận

Lên luống: Lên luống cao 15-20cm, luống rộng 1,5-2,5m, rãnh rộng 30-35cm để thoát nước tốt, mặt luống có hình lưng rùa. Những vùng đất cát pha, tơi xốp, thoát nước tốt thì gieo mè xong mới vét rãnh thoát nước, tạo thành từng luống rộng từ 2,5-3m.

Kỹ thuật gieo

Gieo thưa, lượng hạt giống 3 kg/ha; trước khi gieo xử lý hạt giống bằng Polyram (3-5g/1kg hạt) hoặc Tricho ĐHCT (5g/1 kg hạt). Sạ lan cần trộn hạt giống với đất bột sạ cho đều, hoặc sạ hàng bằng công cụ sạ mè theo hàng.

Bón phân

Lượng bón cho 1 ha: 90N:40P2O5:60K2O +200-300 kg hữu cơ vi sinh + 200-300 kg vôi.

+ Cách 1: lót phân hữu cơ + vôi + 150 kg NPK 20:20:15 + 25 kg Kaliclorua; Thúc (20-25 ngày): 50 kg NPK 20:20:15 + 100 kg Urê + 25 kg Kaliclorua/ha.

+ Cách 2: lót phân hữu cơ + vôi + 150 kg Supe lân + 50 kg NPK 20:20:15 + 75 kg Urê + 35 kg Kaliclorua; Thúc (20-25 ngày): 90 kg NPK 20:20:15 + 60 kg Urê + 30 kg Kaliclorua/ha.

+ Cách 3: lót phân hữu cơ + vôi + 50 kg DAP + 100 kg Urê + 50 kg Kaliclorua; Thúc (20-25 ngày): 40 kg DAP + 60 kg Urê + 50 kg Kaliclorua/ha.

Quản lý nước

Mè đen có nhiều công dụng trong nấu ăn, làm đẹp và chữa bệnh

Nguyên tắc đất đủ ẩm, không đọng nước sau mưa, sau tưới, có hệ thống thoát úng tốt, tranh thủ xuống giống khi đất còn ẩm. Các giai đoạn cần nước của cây: nẩy mầm (sau gieo); bắt đầu ra hoa (20-25 ngày); đậu trái (30-35 ngày); trái chắc (40-50 ngày) và thời kỳ chín (60-65 ngày).

Tỉa thưa và dặm

Tỉa thưa: là kỹ thuật bắt buộc, giúp cây phát triển đồng đều, khỏe, phân cành mạnh. Tỉa sớm khi cây 12-14 ngày tuổi. Khoảng cách sau tỉa 25-30 cm. Nên sử dụng công cụ sạ hàng để giảm bớt công tỉa. Dặm mè: sau gieo từ 5-7 ngày, nếu diện tích mè chết 25% nên sạ lại.

Thu hoạch

Khi cây vừng có 3/4 số lá ngả vàng , quả đã cứng, chuyển màu từ vàng xanh sang vàng thẫm hoặc vàng nâu là thu hoạch được. Dùng liềm cắt cách gốc 10cm, đem về ủ 1-2 hôm cho rụng hết lá rồi tãi ra sân phơi có lót màng nilon hoặc nong nia trong 4-5 giờ, sau đó đập, sàng sẩy lấy hạt. Hạt vừng được phơi lại 1-2 nắng nữa cho khô (độ thủy phần khoảng 13%) thì đem tiêu thụ hoặc đưa vào kho bảo quản.

Nguồn: Baomoi.com được kiểm duyệt bởi Farmtech VietNam.