Dù đã bước sang cái tuổi gần đất xa trời, nhưng ông Trương Văn Một, ở khu dân cư Ruộng Vỡ, thôn Khánh Giang, xã Hành Tín Đông (Nghĩa Hành) vẫn bám vùng đất núi để trồng sầu riêng giống Thái Lan hạt lép, cơm vàng.
Vườn sầu riêng hạt lép sai quả của ông Một
Nguồn: baoquangngai.vn
Một tháng nay, vườn sầu riêng của ông Một vào đợt thu hoạch rộ. Rảo bước dưới vườn sầu riêng trĩu quả của ông Một, tôi cứ nghĩ đang lạc vào vườn cây trái ở Nam Bộ. Đây là vườn sầu riêng duy nhất ở nơi xa xôi hẻo lánh này.
Ông Một kể, để có được vườn sầu riêng này, ông phải kiên trì bỏ ra nhiều công sức. Sau ngày đất nước thống nhất, trong một lần vào miền Nam thăm người thân thấy bà con ở đây trồng sầu riêng bạt ngàn, ăn vào có mùi vị thơm ngon, ông mang về 2 cây trồng thử và nhận thấy thổ nhưỡng và khí hậu khá phù hợp.
Nuôi ý định mở rộng vườn cây ăn quả, nhưng vì điều kiện kinh tế khi ấy còn khó khăn nên ông khăn gói vào Nam lập nghiệp trong một thời gian dài. Khi con cái đã yên bề gia thất ông về lại chốn quê.
Khát vọng làm giàu chưa bao giờ tắt dù đã bước sang tuổi xế chiều, nhìn thấy 2 cây sầu riêng trồng đã mấy chục năm, năm nào cũng trĩu quả, chất lượng thì không chê vào đâu được, ông Một đã đưa ra quyết định táo bạo là nhân rộng vườn sầu riêng.
Năm 2010, ông Một mạnh dạn vay 10 triệu đồng rồi lặn lội vào tận Bình Phước mua 140 cây sầu riêng giống Thái Lan hạt lép, cơm vàng về trồng trên 2 sào đất nằm sát mép sông Phước Giang. Trải qua vài trận lụt, số lượng sầu riêng gãy đổ, chết dần, giờ chỉ còn 100 cây.
Cùng với sầu riêng, ông còn trồng thử nghiệm vài cây chôm chôm, măng cụt. Với kinh nghiệm đúc kết được trong thời gian lập nghiệp ở miền Nam, ông Một đã không gặp khó khăn khi chăm sóc vườn cây ăn quả của mình.
“Không sử dụng phân hóa học, tận dụng tối đa nguồn phân trâu, bò, không tốn nhiều chi phí đầu tư mà còn giúp cây sinh trưởng khỏe, ít sâu bệnh, tỷ lệ đậu trái rất cao”- ông Một tiết lộ.
Đất không phụ công người, năm thứ 4 vườn sầu riêng bắt đầu cho lứa quả bói đầu tiên, trái to, cơm vàng và ngọt lịm không kém gì sầu riêng ở Nam Bộ và Tây Nguyên. Năm thứ 6, vườn sầu riêng cho trái đều và tăng dần khi cây có thêm nhánh, tán rộng, chất lượng quả thơm ngon.
Quả to, chất lượng không thua kém gì sầu riêng Tây Nguyên và Nam Bộ
Từ đó đến nay, vườn sầu riêng trở thành cây trồng chủ lực mang lại nguồn thu chính cho gia đình. Tỷ lệ đậu quả rất cao, nhưng ông chỉ để lại mỗi cây khoảng 20 trái, mỗi trái có trọng lượng từ 2 đến – 4kg.
Ông Một nhẩm tính, 1 cây sầu riêng cho thu nhập 1 năm 4 – 5 triệu đồng, cao gấp 5 lần lúa. Với giá bán tại vườn 50.000 đồng/kg ngày thường, ngày tết giá tăng lên gấp đôi, mỗi năm kiếm được cả trăm triệu đồng.
Chủ nhân của vườn sầu riêng đúc kết: Chất lượng của sầu riêng của ông với sầu riêng trồng ở đất Nam Bộ và Tây Nguyên là như nhau, nhưng tuổi thọ thì hơn hẳn, nhờ ông sử dụng phân bón là phân chuồng chứ không lạm dụng nhiều phân hóa học.
Minh chứng là các vườn cây sầu riêng ở Nam Bộ trồng 30 năm đã suy, chặt bỏ, còn 2 cây sầu riêng ông trồng đã 40 năm vẫn xanh tốt, năng suất cao.
Xác định trồng sầu riêng sạch để phục vụ thị trường nên ông Một chỉ thu hoạch khi trái chín rụng xuống đất, không thu hoạch đại trà. Trong khi các loại trái cây khác giảm giá vào mùa thu hoạch rộ thì sầu riêng của ông vẫn không lo ế hàng, thu hoạch bao nhiêu, thương lái cũng thu mua với giá 50.000 đồng/kg bán tại vườn.
Chất lượng sầu riêng của vườn ông Một được đánh giá thuộc hàng thơm ngon đặc biệt. Hiệu quả từ cây sầu riêng trên vùng đất dốc mang lại cao gấp vài chục lần so với các loại cây trồng khác. Từ thành công này, ông Một đang chặt bỏ diện tích trồng cây keo, cây mì trong vườn nhà để mở rộng diện tích sầu riêng lên đến 1ha.
Nguồn: Theo danviet.vn được kiểm duyệt bởi Farmtech Vietnam.