Độc đáo mô hình trồng dưa leo xen mướp

Thu lãi trên 800 triệu đồng/năm từ 7 sào đất trồng dưa leo xen mướp, ông Phạm Xuân Bắc trở thành nông dân sản xuất giỏi tiêu biểu của xã Phú Cường trong phong trào xây dựng nông thôn mới. Mức thu nhập cao từ mô hình sản xuất của ông Bắc có thể xem là bài toán khó cho những người nông dân khác canh tác trên cùng diện tích.

​Với 1 sào đất, nếu như giỏi tận dụng, khai thác chỉ trồng được 3 vụ rau/năm, mỗi vụ trồng 1 loại rau, thời gian trung bình 3 tháng. Riêng ông Bắc, ông trồng được 6 vụ/năm. Bí quyết của ông là trồng xen 2 loại rau trên cùng một diện tích để tận dụng đất, công chăm sóc, phân thuốc và sự tương hỗ trong phòng chống sâu bệnh của các loại cây trồng với nhau. Qua nhiều năm tìm tòi, thử nghiệm, mô hình dưa leo xen mướp là lựa chọn hiệu quả nhất cho ý tưởng sáng tạo này của ông Bắc và lợi nhuận thu được trong 4 năm qua từ mô hình đã chứng minh điều đó.

Mô hình trồng dưa leo xen mướp

Ông Phạm Xuân Bắc cho biết: “Mô hình của gia đình tôi có thì khác với của người ta, khác với môi trường của người ta làm, hai thứ giống nhưng tôi ăn được cùng một lúc luôn. Cũng mất công đầu tư bạt, rồi phủ bạt, rồi cắm dàn, rồi cũng mướn công, nhưng mà ăn được dài ngày hơn, hiệu quả tốt hơn. Tôi trồng dưa leo và mướp ngọt, thì mướp ngọt nó ăn tới hơn 2 tháng, có lần ăn tới 3 tháng lẫn, cho nên hiệu quả của nó rất là cao. Hạn chế được công, chi phí và thuốc BVTV.”

Với thiết kế giàn trồng cho cả dưa leo mướp nên chi phí đầu tư thấp hơn so với trước đây chỉ 6 triệu đồng/sào/vụ. Sau 37-39 ngày trồng, dưa leo bắt đầu cho thu hoạch với năng suất trung bình 4 tấn/sào và thu trong thời gian 2 tháng. Thu hoạch vừa xong dưa leo là đến thu mướp, với năng suất trung bình 7 tấn/sào, trong thời gian hơn 1 tháng. Hiện cả dưa leo và mướp cân tại vườn có giá trung bình 5 ngàn đồng/kg. Trừ chi phí đầu tư và công lao động, tính ra ông Bắc thu được trung bình trên 40 triệu đồng/sào/vụ từ dưa leo và mướp. Với 7 sào đất làm 3 vụ/năm, ông thu được 840 triệu đồng.

Sáng tạo và linh động ứng dụng KH-KT, kinh nghiệm bản thân vào thực tiễn sản xuất, ông Phạm Xuân Bắc nhiều năm liền là nông dân sản xuất giỏi tiêu biểu của xã Phú Cường. Hiện mô hình trồng dưa leo xen mướp của ông Bắc là điểm sáng trong phương án sản xuất kinh doanh của HTX sản xuất nông nghiệp Phú Cường chuẩn bị thành lập đi vào hoạt động và là mô hình sản xuất nông nghiệp hiệu quả đang được bà con nông dân quan tâm tìm hiểu để áp dụng nhân rộng trong chương trình xây dựng nông thôn mới của địa phương..

Nguồn: dinhquan.dongnai.gov.vn được kiểm duyệt bởi Farmtech VietNam.

Trồng Mướp bền cây, sai quả

Mướp có nhiều loại: Mướp trâu, mướp hương. Thời vụ gieo từ tháng 2 – 6, có thể gieo liền chân hoặc gieo ở vườn ươm, đến khi cây có 2 – 3 lá thật thì bứng đem trồng.

Làm đất kỹ, lên luống rộng 2,5m, bón lót 18 – 20 tấn phân chuồng, 120kg lân và 30kg kali/ha. Rạch hàng trên luống (mỗi luống chỉ trồng 1 hàng) rồi tra hạt, cách 30cm tra một khóm 2 – 3 hạt, sau tỉa đi để lại một khóm 2 cây, giữ mật độ 7.000 – 10.000 cây/ha.

Tỉa cây, bón thúc, xới vun, tận dụng đất hợp lý từ khi lên luống và tra hạt, cho đến lúc mướp leo kín giàn khoảng 2 tháng. Vì thế để tận dụng đất hợp lý có thể đồng thời tra hạt mướp với gieo hạt rau dền. Một tháng hoặc tháng rưỡi sau thu hoạch rau dền (nhổ cả cây), lúc đó vun xới xáo lại đất kết hợp tỉa cây cho mướp.

Chỉ bón thúc cho mướp khi cây sinh trưởng xấu, kém vì mướp rất hay bị lốp phân, tức là chỉ leo kín giàn mà không cho quả. Lượng phân bón thúc cho 1ha mướp gồm: NPK 300kg, urê 200kg và kali 30kg. Chia đều lượng phân cho nhiều lần bón. Khi cây được 20 ngày thì bón thúc bằng nước phân pha loãng. Sau đó cứ 20 ngày lại bón thúc một lần nhằm đúng vào quãng thời gian ở giữa hai kỳ hoa tạo điều kiện cho cây có sức ra được nhiều hoa quả. Khi mướp mọc được 2 – 3 lá thật thì phải chuẩn bị làm giàn cho mướp. Cây cao 20cm phải cắm mỗi hốc 1 cây dóc để mướp leo lên giàn. Giàn mướp nên làm kiểu mái bằng. Hệ thống giàn vững chắc, giàn cao 2 m, bắt dây bò đều trên giàn. Khi mướp đã lên giàn thì tỉa bỏ hết lá gốc cho thoáng.

Trước khi cho mướp leo giàn cần khoanh 1 – 2 vòng (có đường kính 30 – 40cm), thân mướp vùi vào đất để mướp ra thêm nhiều rễ phụ, cây sinh trưởng khoẻ, bền cây, cho thu hoạch nhiều ngày.

Nếu mướp bị lốp lá xanh đen, ít quả do thừa đạm: Lấy mũi dao sạch rạch đôi đoạn thân cách mặt đất 1m, dùng mảnh sành (mảnh thủy tinh) sạch cài vào hoặc cuốc lật đất sâu 20cm, cách gốc 1m, bón mỗi gốc 1 – 2kg kali clorua, mướp sẽ bị chột và sai hoa, nhiều quả sau khi xử lý 20 – 30 ngày.

Từ lúc gieo trồng đến khi thu hoạch từ 80 – 100 ngày, thời gian thu hoạch kéo dài cho đến tháng 9. Năng suất trung bình của mướp từ 40 – 50 tấn/ha. Để giống phải chọn quả to, không sâu bệnh, từ quả thứ 2 – 3 trở lên, để quả già trên cây như bầu, sau trẩy về phơi thêm rồi gác lên gác bếp, tới vụ sau bóc ra lấy hạt đem gieo.

Nguồn: Dân Việt được kiểm duyệt bởi Farmtech VietNam.