Bỏ lúa nếp, trồng vườn Dâu Tằm, cả năm đón khách

Ông Trần Văn Cường, ngụ ấp Hưng Thới 2, xã Phú Hưng, huyện Phú Tân (An Giang) đã bỏ trồng lúa nếp, dành 3.000m2 đất ông trồng 500 cây dâu tằm. Mỗi ngày, vườn dâu tằm của gia đình ông đón khoảng trăm lượt khách, riêng 2 ngày cuối tuần có hàng trăm người…

Mỗi ngày, vườn dâu tằm của gia đình ông Trần Văn Cường đón khoảng trăm lượt khách, riêng 2 ngày cuối tuần có hàng trăm người rủ nhau đến điểm hẹn mới này để mua trái dâu, tham quan và thưởng thức các sản phẩm từ dâu tằm và hoa atiso đỏ. Đây là thành công bước đầu của ông Cường sau 1 năm thử nghiệm đưa loại cây trồng Đà Lạt về xứ cù lao.

Phú Tân không phải là cái tên được nhắc đến nhiều khi mọi người có nhu cầu tham quan, vui chơi do các loại hình dịch vụ còn khiêm tốn. Thời gian gần đây, bên cạnh hành hương, người trong và ngoài địa phương đã tìm đến cù lao này nhiều hơn để trải nghiệm du lịch sông nước, trải nghiệm ở các địa chỉ vui chơi mới.

Ngoài bán quả tươi cho du khách tại chỗ, gia đình ông Cường còn lựa những quả ngon nhất để đóng gói cho khách mua mang về

Vườn dâu tằm Ngọc Thái của gia đình ông Cường là một trong số “từ khóa” được nhắc đến nhiều trong mấy tháng qua. Vườn dâu cách trung tâm huyện Phú Tân không xa, nằm cạnh Hưng Hòa tự (tên gọi khác là chùa Cây Xanh) – ngôi chùa lớn thứ 2 của Phật giáo Hòa Hảo trên địa bàn huyện. Nằm ở vùng quê yên ắng nhưng bên trong vườn dâu lại rất xôm tụ náo nhiệt, bởi ngày nào cũng có rất nhiều nhóm học sinh, sinh viên đến họp mặt, dạo chơi trong vườn chụp ảnh những trái dâu chín mọng, hoa atiso đỏ, lạ mắt, thưởng thức các món giải khát từ trái dâu tươi.

Bà Nguyễn Thị Thảo (vợ ông Cường) cho biết, ngoài việc thu hoạch trái tươi để bán, bà còn làm nước ép dâu, sinh tố dâu, nấu nước siro dâu, nước cốt atiso và mứt dâu tằm phục vụ tại chỗ. Nhiều khách hàng đến đây rất cảm mến tính tình hiền hậu của ông bà, bởi xác định phục vụ khách đến vui chơi là chính nên có người gợi ý làm rượu dâu, ông bà lắc đầu: “Chỉ chế biến đồ ăn, thức uống có lợi cho sức khỏe mà thôi”. Hiện nay, không chỉ có các bạn trẻ trong huyện đến ủng hộ, biết tin về vườn dâu tằm của ông bà, người ở xa cũng tìm đến mua rất nhiều, nhất là trái dâu tươi và mứt đóng hộp, sản lượng thu hoạch không đủ để cung cấp.

Chế biến dâu tằm giải khát

Việc chuyển đổi từ cây lúa nếp sang trồng dâu tằm Đà Lạt để thu hoạch trái là quyết định khá hồi hộp của ông Cường. Sau nhiều năm trồng lúa nếp kém hiệu quả, ông Cường trăn trở tìm cây trồng để tăng năng suất, chất lượng và cải thiện thu nhập. Tích cực đi tìm và học hỏi các mô hình kinh tế hiệu quả, nhờ con trai gợi ý, ông Cường biết được cây dâu tằm đang ngày càng phát triển mạnh.

Tìm hiểu qua sách và mạng Internet, ông Cường rất tâm đắc về những công dụng của dâu tằm và hoa atiso đỏ đối với sức khỏe. Trên diện tích 3.000m2, ông Trần Văn Cường chuyển đổi trồng 500 cây dâu tằm đầu tiên thay cho lúa nếp. Sau 6 tháng chăm sóc dâu tằm bắt đầu cho thu hoạch trái, vụ đầu được 45kg, giá bán 50.000 đồng/kg. Hiện nay, mỗi ngày vườn dâu thu hoạch được 20kg trái tươi vẫn không đủ bán.

Ông Cường cho biết, trước khi trồng dâu tằm chính thức, ông đã bỏ 1 năm thử nghiệm để đánh giá mức thành công của cây dâu tằm ở thổ nhưỡng địa phương. Quan trọng nhất là cách chăm bón dùng phân hữu cơ, kỹ thuật lặt lá và hoàn toàn không sử dụng phân thuốc hóa học để đảm bảo an toàn cho trái, đồng thời tránh thoái hóa đất khi trồng lâu dài.

Theo ông Cường, đặc điểm của cây dâu tằm là càng thu hoạch đợt sau trái càng ra nhiều hơn. Có sẵn không gian nhà, ông Cường rào vườn dâu, đầu tư làm sân bóng chuyền, bóng đá và lợp lá làm các “tum” cho khách ngồi ăn uống. Xen kẽ với dâu tằm hiện nay có thêm cây atiso đỏ, chủ yếu thu hoạch hoa bán tươi hoặc nấu nước cốt đóng chai bán. Những khách hàng ở huyện Tịnh Biên, huyện An Phú, TX. Tân Châu và tỉnh Đồng Tháp đã biết đến và tìm mua sản phẩm rất nhiều.

Từ những hiệu quả bước đầu mang lại từ vườn dâu tằm, sắp tới, gia đình ông Trần Văn Cường tiếp tục đầu tư bao lưới chống sâu hại cho cây trồng, cải tạo thêm 4 công đất để trồng dâu và không gian phục vụ khách hàng, nâng chất lượng các sản phẩm đang phục vụ để trở thành vườn sinh thái của địa phương. Với giống cây trồng mới được xác định có lợi thế, gia đình ông Cường đã được Hội Nông dân huyện Phú Tân hỗ trợ vay vốn 50 triệu đồng để đầu tư sản xuất.

Nguồn: Tổng hợp bởi Farmtech Vietnam.

Làm giàu từ cây Dâu Tằm

Lần đầu tiên, một nông dân Quảng Trị mạnh dạn đưa cây dâu tằm vào trồng đại trà trên diện tích rộng lớn. Ban đầu, nhiều người tỏ ra nghi ngại về hiệu quả, nhưng chỉ vài năm hàng ngàn gốc dâu đã giúp chủ nhân khấm khá…

Rẽ ngang bất ngờ

Vùng đất Tân Phú vốn dĩ rất trù phú, nhưng nông dân làm giàu từ cây cao su, hồ tiêu, sắn… chứ chưa nghe nói đến dâu tằm. Ông Quốc kể, trước đây vợ chồng ông từng là công nhân Nông trường Tân Lâm. Nghỉ hưu sớm, ông bà cũng không ngơi tay mà vẫn trồng những loại cây quen thuộc trong vườn nhà để gia tăng thu nhập. Cho đến một ngày, ông Quốc đưa con ra thăm quê ngoại ở Nghệ An, thấy người ta trồng cây dâu tằm và giới thiệu đây là một loài cây thuốc nam, các bộ phận lá, thân, rễ, vỏ, quả của cây đều có thể bài chế ra những vị thuốc quý. Đoạn ông Quốc ăn thử rồi thích thú và xin một ít cành về vườn nhà trồng thử, nào ngờ cây sinh trưởng, phát triển tốt, cho quả chi chít.
Ăn quả không hết, ông bèn ủ rượu. Thật bất ngờ, món rượu dâu tự chế của ông đã trở thành “đặc sản” khi khách đến chơi nhà uống và tấm tắc khen ngon. Ý tưởng trồng đại trà loại cây này lóe lên từ dạo đó.
Vợ chồng anh Quốc đang hái dâu để ủ rượu
Ban đầu, ông Quốc nhận nhiều sự phản đối, kể cả từ bà Hồ Thị Lan, vợ ông. “Nhiều người lúc đó tưởng ông nhà tôi bị “cuồng” vì đang yên đang lành tự nhiên phá hết vườn tiêu để trồng một loài cây lạ. Trong khi hồ tiêu là cần câu cơm của gia đình bấy lâu”, bà Lan kể. Phải mất nhiều tuần trao đổi, phân tích, ông mới thuyết phục được bà Lan để cả hai “dấn thân” vào lối đi mới, dù vẫn có hơi miễn cưỡng. Năm 2011, mấy trăm gốc dâu đã bén rễ ở vườn nhà ông Quốc…
Vườn dâu tằm lớn nhất Quảng Trị
Từ những gốc dâu cong queo đầu tiên, vợ chồng ông Quốc dần mở rộng diện tích lên 1.000 gốc và đến nay đã đạt hơn 2.000 gốc dâu tằm. Ông bà quy hoạch có hàng có lối, chăm tỉa cẩn thận nên vườn dâu tằm bây giờ đẹp như tranh vẽ với hơn 2.000 gốc chi chít quả, ai cũng trầm trồ ngạc nhiên. Quan trọng hơn, loài cây trồng này đã sớm phát huy hiệu quả kinh tế. Đến giờ, thông tin về chất lượng sản phẩm dâu tằm và “rượu dâu tằm Quốc Khánh” của gia đình ông Quốc đã vượt khỏi phạm vi tỉnh Quảng Trị. Nhiều người tìm tới tận nhà ông Quốc hỏi mua với giá cao.
Vườn dâu tằm nhà anh Quốc khi nhìn tổng quan
Nhớ lại năm 2013, khi thu hoạch “lứa” dâu tằm đầu tiên, ông Quốc mướt mồ hôi vì phải mang… đổ nhiều mẻ rượu dâu pha chế không đúng. Dạo đó, vợ chồng ông gặp không ít khó khăn vì còn non kinh nghiệm, nhưng lại chế biến rượu với số lượng lớn, mẻ quá chua, mẻ khác lại quá ngọt. “Làm rượu dâu tằm phải theo nó từng li từng tí, lơ là hoặc tăng giảm nguyên liệu sai thì công sức đổ sông đổ bể ngay. Dù tiếc của, nhưng vợ chồng tôi thống nhất nếu sản phẩm chế biến chưa đạt là bỏ ngay, không để hàng kém chất lượng đến tay khách hàng”, bà Lan cho hay.
Cầu tiến và chịu khó tìm tòi, vợ chồng ông Quốc đã tạo ra sản phẩm rượu dâu tằm Quốc Khánh và đăng ký nhãn hiệu với giá bán 60.000 đồng/chai. Trung bình mỗi dịp Tết Nguyên đán, họ xuất bán chừng 1.000 chai, chưa kể lượng rượu bán ra đều đặn mỗi tháng cho khách hàng. Ngoài việc ủ rượu, vợ chồng ông Quốc còn bán quả dâu tằm tươi cho khách với giá khoảng 50.000 đồng/kg.
Với kết quả khả quan, ông Quốc lên kế hoạch trồng thêm 2.000 gốc dâu tằm nữa. “Vườn dâu tằm của tôi không những mang cơm no áo ấm về cho gia đình mà còn tạo việc làm thường xuyên cho 4 người, thu nhập trung bình 4,5 triệu đồng/tháng. Khi đến vụ, tôi còn lo cho thêm 10 người nữa… Bây giờ, mọi người đã nhìn tôi bằng ánh mắt khác, chẳng còn ai dám bảo tôi “cuồng” nữa”, ông Quốc tự hào.
Theo thanhnien.vn được kiểm duyệt bởi Farmtech VietNam.