Người dân trồng mía Khánh Hòa trắng tay sau bão

Hàng ngàn ha mía ở Ninh Hòa (Khánh Hòa) đổ rạp, gãy ngọn, bật gốc sau bão 12 đi qua. Một vụ mía trắng tay.

Đã nhiều năm, người trồng mía Khánh Hòa mới chịu thiệt hại nặng nề đến như thế. Nhiều người thua lỗ hàng trăm triệu đến cả tỷ đồng.

Đổ rạp, bật gốc toàn bộ

Là địa phương có diện tích mía lớn của tỉnh Khánh Hòa, khi cơn bão số 12 đi qua, hầu hết các cánh đồng mía ở TX Ninh Hòa đều bị hư hại. Thống kê sơ bộ, có 7.768ha mía chịu thiệt hại do bão. Trong đó, nhiều địa phương như Ninh Thượng, Ninh Tây, Ninh Sim… diện tích thiệt hại trên 1.000ha.

Sau bão, diện tích trồng mía trên địa bàn TX Ninh Hòa (Khánh Hòa) chịu thiệt hại nặng nề

Ông Lê Thiện Nhất, Phó chủ tịch xã Ninh Sim, cho biết, trên địa bàn có khoảng 1.800ha mía gãy đổ, bật gốc. “Tùy từng cây ở độ tuổi nào mà chịu ảnh hưởng ở mức độ khác nhau. Những cây lớn thường bị gãy ngọn, thân, còn  cây nhỏ thì đổ rạp, bật gốc. Nói chung là tỷ lệ diện tích thiệt hại lên đến 100%. Chắc chắn năng suất mía sẽ giảm khoảng 50%”, ông Nhất nói.

Được biết, vụ thu hoạch mía tại Ninh Hòa sẽ bắt đầu từ cuối tháng 12 cho đến tháng 5 năm sau. Qua quan sát, hầu như toàn bộ những cây mía lớn, chỉ còn khoảng 2 tháng nữa là thu hoạch đều bị gió bẻ gãy ngang thân, ngọn đứt lìa. “Năng suất sẽ giảm khoảng 50 – 70% vì cây đã gãy như thế thì không phát triển được nữa”, ông Cao Văn Cảnh (Ninh Sim) – một người dân trồng mía cho biết.

Vụ mía này, ông Cảnh canh tác diện tích 20ha. Tính tất cả chi phí đầu tư, phân bón, nhân công… ông đã bỏ ra khoảng 800 triệu đồng. Bình thường với diện tích này mỗi năm sẽ đem lại cho ông khoảng 200 – 300 triệu tiền lời thì năm nay, gia đình ông sẽ thua lỗ với con số tương tự.

Trắng tay sau bão

Cũng giống như ông Cảnh, do ảnh hưởng của bão, toàn bộ 57ha mía của gia đình ông Nguyễn Hữu Điền (Ninh Xuân, Ninh Hòa) cũng thiệt hại hoàn toàn. Ông Điền nghẹn ngào: “Còn gì đâu mà nhắc đến nữa. Tôi bỏ ra hơn 2 tỷ đồng đầu tư cho đồng mía giờ toàn bộ vốn liếng gần như đi sạch. Dù có vớt vát lại cũng phải lỗ gần cả tỷ đồng rồi. Số tiền lỗ còn có thể hơn nữa vì năm nay, mía đổ nghiêng ngả nên thu hoạch khó. Tiền công chặt năm ngoái trung bình 200.000 đồng mỗi tấn chứ năm nay có thể lên đến 300.000 đồng, càng thêm lỗ”.

Những cây mía sắp đến thời kỳ thu hoạch đều bị gió bão làm gãy ngọn

Đau xót không kém là trường hợp của gia đình ông Nguyễn Văn Được (Ninh Tây). Mấy ngày nay, dù căn nhà của ông bị đổ sập, mọi thứ còn ngổn ngang chưa dọn dẹp nhưng vì quá buồn bã ông cứ đi loanh quanh khắp nơi cho khuây khỏa. Toàn bộ diện tích 45 ha mía của ông đều bị bão tàn phá hư hại.

“Mất sạch rồi chú à. Mấy ngày nay người trồng mía chúng tôi đã khóc cạn nước mắt. Trồng mía ở đây mấy chục năm chưa có năm nào cây mía bị tàn phá hoàn toàn như thế. Trong 6 tiếng đồng hồ, bao nhiêu tiền bạc, vốn liếng ra đi sạch”, ông Được nói.

Lặng lẽ đi vào ruộng mía, ông Được cho biết thêm, với cây mía đã ngã đổ thì người dân chỉ biết để vậy chứ không có cách nào khắc phục. Khi nào thu hoạch chặt được chừng nào hay chừng đó. “Mía chưa phát triển tối đa đã gãy đổ thì tỷ lệ chữ đường cũng thấp, giá bán thấp hơn. Những cây mía còn nhỏ, khoảng 6 – 7 tháng nữa mới thu hoạch giờ bị ngã như thế chỉ bỏ luôn chứ làm gì được. Tính ra năm nay nhà tôi thua lỗ gần 700 triệu đồng”, ông Được nói.

Nguồn: Nông nghiệp Việt Nam được kiểm duyệt bởi Farmtech VietNam.

Nông dân tìm cách “sống chung” với bệnh trắng lá mía

Trước tình hình bệnh trắng lá mía lây lan nhanh trên đồng ruộng nhưng chưa có giải pháp chữa trị hữu hiệu, chính quyền huyện Ia Pa (Gia Lai) đang chỉ đạo ngành chuyên môn vào cuộc, phối hợp với Nhà máy Đường Ayun Pa và người dân tìm biện pháp “sống chung” với loại bệnh này.

Bệnh trắng lá mía bùng phát mạnh

Huyện Ia Pa là địa phương có diện tích trồng mía lớn nhất khu vực Đông Nam tỉnh. Toàn huyện hiện có gần 7.000 ha mía, trong đó có 3.300 ha mía trồng mới và hơn 3.600 ha mía lưu gốc. Theo báo cáo của Trạm Trồng trọt và Bảo vệ Thực vật huyện Ia Pa thì hiện nay gần như chân ruộng nào cũng có mía bị trắng lá.

Bệnh trắng lá mía

Tại xã Chư Răng-nơi có diện tích mía bị trắng lá lớn nhất huyện Ia Pa, nhiều hộ trồng mía đang lâm vào cảnh khốn đốn khi bỏ ra số tiền đầu tư khá lớn nhưng chưa thu hồi lại được vốn, nay lại tốn thêm công, tiền của để thuê máy, công cày, cuốc bỏ… Bà Tình (một người dân xã Chư Răng) cho biết: “Ruộng mía của tôi trồng theo kỹ thuật hàng đôi, ở chu kỳ năm thứ hai, là thời điểm đạt năng suất cao nhất thì bị nhiễm bệnh trắng lá. Bệnh bùng phát quá nhanh, trong vòng 1 tháng chưa kịp xử lý cuốc bỏ gốc nhiễm bệnh theo khuyến cáo của ngành chuyên môn vì diện tích quá lớn thì bệnh đã lan ra cả 16 ha. Chúng tôi buộc phải cày phá bỏ toàn bộ ruộng mía, thiệt hại lên đến cả tỷ đồng”.

Tương tự, anh Trần Công Sơn (thôn Bình Trung, xã Chư Răng) có 19 ha mía mới thu năm đầu chưa đủ bù đắp cho số tiền đầu tư (hơn 500 triệu đồng, trung bình khoảng 30 triệu đồng/ha) nay càng khó thu hồi khi diện tích nhiễm bệnh trắng lá ngày càng tăng. Tính đến nay, gia đình anh đã có hơn 5 ha mía bị nhiễm bệnh trên 40% buộc phải cày bỏ. “Lúc đầu, ruộng mía của gia đình tôi chỉ bị nhiễm ít thôi, tỷ lệ rất thấp. Tôi đã thuê công cuốc bỏ nhằm ngăn chặn sự lây lan nhưng chỉ sau 1-2 cơn mưa đầu mùa (khoảng giữa tháng 5) thì thấy ruộng mía trắng xóa. Tốc độ nhiễm bệnh rất nhanh khiến tôi không kịp trở tay”-anh Sơn cho biết.

Tìm cách “sống chung”

Trước tốc độ bùng phát của bệnh trắng lá mía, UBND tỉnh đã chỉ đạo ráo riết các ngành, địa phương triển khai các biện pháp phòng bệnh. Sở Nông nghiệp và PTNT đã phối hợp với UBND huyện Ia Pa, Công ty TNHH một thành viên Thành Thành Công Gia Lai tổ chức nhiều cuộc họp tìm biện pháp tháo gỡ tình hình. Huyện Ia Pa và Công ty TNHH một thành viên Thành Thành Công Gia Lai cũng đã tổ chức nhiều hội thảo, mời các chuyên gia vào cuộc để tìm nguyên nhân, giải pháp đối phó với bệnh trắng lá mía.

“Sống chung” với bệnh trắng lá mía

Huyện Ia Pa hiện có 435,4 ha mía nhiễm bệnh trắng lá dưới 30% phải cuốc bỏ những gốc cây bị bệnh đem tiêu hủy và 79,9 ha mía gốc bị nhiễm nặng trên 30% phải cày phá bỏ tiêu hủy hoàn toàn, diện tích nhiễm bệnh còn lại đang được tập trung xử lý. Tuy nhiên, đến nay, nguồn bệnh trắng lá mía vẫn tồn tại tiềm tàng trong tàn dư thực vật, hom giống ở hầu hết các xã trồng mía. Tất cả các giống mía đang trồng trên đồng ruộng đều bị nhiễm bệnh trắng lá đã tạo môi trường cho bệnh lây lan khó kiểm soát. Sở Nông nghiệp và PTNT cũng chỉ ra tồn tại là hiện các địa phương và Nhà máy Đường Ayun Pa chưa kiểm soát được nguồn giống mía của nhân dân sử dụng dẫn đến bệnh lây lan từ nguồn hom giống trước khi đem ra trồng là khó tránh khỏi. Bên cạnh đó, chưa có hệ thống sản xuất, nhân giống mía sạch bệnh 3 cấp: cơ bản, kiểm định và thương phẩm. Ngay cả trang trại mía giống của Công ty TNHH một thành viên Thành Thành Công Gia Lai đặt tại xã Pờ Tó cũng bị bệnh trắng lá hoành hành nhiều hơn ruộng của dân.

Bà Nguyễn Thị Hường-Trạm trưởng Trạm Trồng trọt và Bảo vệ Thực vật huyện Ia Pa, cho hay, thời tiết nắng hạn kéo dài trong những năm gần đây, nhất là thời điểm có cơn mưa đầu mùa gây khí hậu nóng ẩm là điều kiện để vi rút Phytoplasma gây bệnh trắng lá mía bùng phát, kết hợp lúc này cây mía đang thời kỳ đẻ nhánh rất mẫn cảm với mầm bệnh. Theo bà Hường, biện pháp phòng trừ bệnh hiện tại vẫn là khuyến cáo người dân cuốc bỏ những gốc mía bị bệnh để đưa ra khỏi ruộng tiêu hủy đối với diện tích có tỷ lệ gốc bị nhiễm dưới 30% và cày bỏ tiêu hủy hoàn toàn ruộng mía với diện tích bị nhiễm trên 30%, sau đó trồng luân canh cây họ đậu 1 năm rồi mới trồng mía trở lại. Khi làm đất phải thực hiện cày trục, cày sâu, thâm canh cây mía áp dụng quy trình trồng mía có tưới nước; sử dụng nguồn mía giống sạch bệnh. Đối với diện tích đất cát pha sét thì nên chuyển đổi cây trồng khác chứ không nên trồng mía…

Vì chưa có thuốc đặc trị nên huyện Ia Pa nói chung và cả vùng nguyên liệu mía Đông Nam tỉnh đang phải “sống chung” với bệnh trắng lá mía. Theo đó, một trong những giải pháp đang được Trạm Trồng trọt và Bảo vệ Thực vật huyện Ia Pa triển khai là mô hình quản lý tổng hợp bệnh trắng lá mía với diện tích 1 ha cho 2 hộ dân là Nguyễn Viết Xuân và Đỗ Văn Cường ở thôn 2, xã Chư Răng. Sau 3 tháng trồng giống mía K95-84, đến nay, mía đang sinh trưởng và phát triển tốt, chưa phát hiện mầm bệnh trắng lá gây hại. “Trên cơ sở mô hình này, Trạm đang xây dựng kế hoạch cho năm sau nhân rộng lên 10 ha trên địa bàn huyện”-bà Hường nói.

Theo thống kê của ngành Nông nghiệp và PTNT huyện Ia Pa, bệnh trắng lá mía phát sinh gây hại cục bộ đầu tiên ở huyện trong niên vụ 2013-2014 với diện tích nhiễm 131,7 ha. Sang niên vụ 2014-2015, bệnh bùng phát mạnh với tổng diện tích nhiễm 1.079,7 ha (chiếm gần 17% diện tích mía toàn huyện). Niên vụ 2015-2016, tổng diện tích nhiễm bệnh trắng lá mía là 981,7 ha. Vụ mía 2017-2018, tổng diện tích nhiễm bệnh trắng lá 712,4 ha. Huyện Ia Pa đang là địa phương chiếm phần lớn diện tích mía bị bệnh trắng lá trong toàn tỉnh (thống kê của Sở Nông nghiệp và PTNT tính đến 15-8, toàn tỉnh có 836,4 ha mía nhiễm bệnh trắng lá). Hầu hết các giống mía người dân đang trồng đều bị nhiễm bệnh trắng lá.

Nguồn : Internet, được kiểm duyệt bởi Farmtech Vietnam