Ông Hồ Vang, Phó Giám đốc Sở NN&PTNT cho biết, thời gian qua xuất hiện nhiều mô hình nuôi trồng thủy sản (NTTS) ứng phó biến đổi khí hậu (BĐKH) cần được ngành, các địa phương tăng cường nguồn lực để nhân rộng.
Nuôi cá lồng bè vượt lũ trên hồ thủy lợi Khe Ngang
Các đợt mưa lớn, kể cả những trận lũ cuối năm 2017 vừa qua không gây thiệt hại đến NTTS tại xã Hương Phong (TX. Hương Trà) nhờ hệ thống ao hồ nuôi tôm, cua, cá được người dân tôn cao bờ bao, chắn thêm lưới bao quanh để bảo vệ.
Ông Đặng Duy Đấu ở xã Hương Phong nhìn nhận, BĐKH trong những năm gần đây thể hiện rất rõ nét. Triều cường ngày càng dâng cao, mưa lũ thất thường với cường độ lớn hơn. Nhiều vụ nuôi thủy sản phải thu hoạch non, bán giá rẻ. Một số vụ không thu hoạch kịp thời bị lũ cuốn trôi. Từ 3 năm trở lại đây, ông Đấu cũng như nhiều hộ dân ở Hương Phong không còn lo lắng mỗi khi triều cường, hay nước lũ dâng cao nhờ phương án ứng phó lũ lụt là tôn cao bờ bao, vây lưới chắn quanh ao hồ cao 1-1,5m.
Ông Phan Hữu Vinh, Phó Chủ tịch UBND xã Hương Phong đánh giá, từ khi triển khai mô hình ứng phó BĐKH, tình hình NTTS trên địa bàn xã Hương Phong khá ổn định. Các mùa bão lũ hằng năm, thủy sản được bảo vệ an toàn, nuôi đảm bảo kích cỡ mới thu hoạch bán với giá cao. Nhiều hộ lãi bình quân từ 50-100 triệu đồng/vụ. Trong các đợt lũ cuối năm 2017, ngoài các ao hồ đã thu hoạch, số còn lại đều được bảo vệ an toàn.
Tại xã Quảng Công (Quảng Điền), người dân cũng triển khai mô hình NTTS thích ứng BĐKH mang lại hiệu quả kinh tế. Bà Lê Thị Khoa ở thôn 14 có hơn 30 năm trong nghề NTTS cho hay, 5 năm trở lại đây, nhờ mô hình ứng phó BĐKH bằng cách tôn cao bờ bao, chắn lưới quanh ao hồ đã bảo vệ an toàn, có thể nuôi thủy sản quanh năm mà tránh được thiệt hại do thiên tai.
Người dân xã Quảng Công còn đào đắp hệ thống kênh mương, ao chứa nước ngọt, đầu tư thêm giếng bơm, máy bơm nước dự phòng. Khi triều cường, xâm nhập mặn, người dân kịp thời vận hành máy móc, bơm bổ sung nguồn nước ngọt sẵn có để ổn định độ mặn, độ PH trong ao nuôi.
Mô hình NTTS ứng phó BĐKH tại xã Hương Phong
Ông Lê Duận, Chủ tịch UBND xã Quảng Công cho biết, toàn xã có khoảng 126 ha NTTS của 225 hộ nuôi các loại. Để bảo vệ sản xuất, người dân có ý tưởng vây chắn lưới quanh ao hồ, tôn cao bờ bao, ứng phó nước lũ dâng. Mô hình này phát huy tác dụng, mang lại hiệu quả kinh tế.
Ngoài các biện pháp vây chắn lưới, tôn cao bờ bao, thời gian qua một số hộ nuôi đã chọn đối tượng thủy sản phù hợp, thích ứng BĐKH. Tại xã Hải Dương (TX. Hương Trà), trong khi nhiều hộ nuôi cá mú, hồng, vẩu… bị thiệt hại hoàn toàn trong các đợt lũ cuối năm 2017 thì hộ ông Phan Hạnh nuôi cá chẽm đã bảo vệ an toàn, lãi khá cao.
Sau nhiều vụ nuôi, ông Hạnh nhận thấy cá chẽm thích nghi tốt với nguồn nước lũ bạc đầu nguồn đổ về, trong khi đó cá vẩu, cá hồng, cá mú thường bị chết. Mới đây nhất trong các đợt lũ tháng 12/2017 vừa qua, các loại cá đều chết sạch do nước bạc, duy chỉ cá chẽm sống sót.
TS. Nguyễn Quang Vinh Bình, Chi cục trưởng Chi cục Thủy sản (CCTS) tỉnh cho rằng, những mô hình NTTS ứng phó BĐKH ở Hương Phong, Hải Dương, Quảng Công tuy không khó thực hiện nhưng chưa phổ biến.
Sắp đến, CCTS phối hợp với các địa phương tổ chức tuyên truyền, vận động người dân tự bỏ vốn đầu tư mua sắm lưới để vây chắn quanh ao hồ, tôn cao bờ bao nhằm đảm bảo NTTS quanh năm, mang lại hiệu quả kinh tế. CCTS tiếp tục nghiên cứu, chọn các đối tượng thủy sản thích hợp để người dân đưa vào sản xuất trong điều kiện BĐKH.
Nguồn: Báo Thừa Thiên Huế được kiểm duyệt bởi Farmtech Việt Nam.