Kỹ thuật nuôi cá giò thương phẩm

Cá giò hay còn gọi là cá bớp (Cobia/Black King fish) phân bố ở vùng biển nhiệt đới, cận nhiệt đới và vùng nước ấm của biển ôn đới. Đây là một loài cá có giá trị kinh tế lớn, mang lại giá trị xuất khẩu cao.

Trong tự nhiên cá giò sống ở vùng nước mặn hoặc nước lợ ven biển, rạn san hô cho đến vùng biển khơi. Cá giò thuộc loại cá dữ, ăn thịt động vật, thức ăn tự nhiên của cá gồm cua, tôm, ốc và các loại cá con. Tốc độ sinh trưởng của cá nhanh, có thể đạt cỡ 4-6 kg sau một năm nuôi. Cá giò thành thục lần đầu tiên sau 2 năm tuổi, mùa sinh sản của cá giò ở miền Bắc từ tháng 4 – 7 hàng năm.

Do cá giò có tốc độ sinh trưởng nhanh, giá thị trường khá cao nên được nuôi phổ biến ở nhiều tỉnh ven biển như Quảng Ninh, Hải Phòng, Nghệ An, Hà Tĩnh, Huế, Phú Yên, Khánh Hoà, Vũng Tàu, Kiên Giang. Hình thức nuôi chủ yếu là nuôi lồng trên biển.

Lồng nuôi

Có 2 kiểu lồng nuôi phổ biển là lồng gỗ có kích thước từ 27-216m3, thường được nuôi ở vùng kín sóng gió và lồng nhựa chịu lực HDPE hình tròn (thể tích từ 300m3 trở lên) có khả năng nuôi được ở những vùng biển hở. Cỡ mắt lưới lồng dùng cho lồng nuôi cá thương phẩm tăng dần theo sự tăng trưởng của cá, từ 2a = 3-7cm.

Thả giống

Kích thước cá giống: Cỡ giống thả nên đạt khối lượng trung bình 30g, chiều dài 18-20 cm (70-75 ngày tuổi). Con giống phải đồng đều, khoẻ mạnh, không bệnh tật. Mật độ thả: cá giò có tốc độ sinh trưởng nhanh, khi thu hoạch cá thịt đạt trung bình 5kg/con nên mật độ thả nuôi ban đầu cần dừng ở mức 5 – 6 con/m3.

Trong giai đoạn khi cá đạt từ 1 – 3 kg cần phân cỡ cá một số lần để đảm bảo cá lớn đồng đều. Khi cần có thể giảm bớt mật độ cá trong lồng.

Thức ăn và chế độ cho ăn

Cá tạp:

Khi sử dụng thức ăn là cá tạp cần phải dùng cá tươi. Ngày cho ăn 1 lần vào buổi sáng. Mỗi lần cho ăn đến no, khoảng 5-8% tổng khối lượng đàn cá nuôi. Hệ số thức ăn sử dụng cá tạp dao động từ 8 – 10 kg cá tạp/kg cá thịt.

Thức ăn công nghiệp:

Sử dụng thức ăn công nghiệp chất lượng tốt để nuôi cá Giò mang lại hiệu quả kinh tế cao hơn cá tạp, vừa chủ động nguồn thức ăn, vừa giảm thiểu ô nhiễm môi trường. Có các cỡ thức ăn phù hợp theo tăng trưởng của cá: từ 2-16 mm. Cho cá ăn ngày 2 lần (sáng và chiều), khẩu phần 1.5-2% khối lượng cá/ ngày. FCR: 1,5 -1,8 kg thức ăn cho 1kg tăng trọng

Khối lượng cá ( g )      Cỡ thức ăn công nghiệp ( mm )
15 – 50                                       2
50 – 160                                     3
160 – 1000                                5.0
1000 – 1500                              7
1500 – 3000                              9
>3000                                         16

Quản lý lồng nuôi

Trong quá trình nuôi cần theo dõi tình trạng sức khoẻ và bệnh tật của cá để kịp thời xử lý. Cần định kỳ vệ sinh và thay lưới lồng 2-3 tháng/lần để đảm bảo thông thoáng cho lồng nuôi. Cần định kỳ kiểm tra neo, lưới …) và khi cần thì kịp thời bảo dưỡng hoặc thay thế để giảm thiểu rủi ro do hư hỏng lồng. Hàng tháng đo mẫu để xác định tăng trưởng của cá (chiều dài và khối lượng cá), qua đó xác định được khối lượng đàn cá trong lồng để điều chỉnh lượng thức ăn cho hợp lý.

Thu hoạch cá

Cỡ cá thu hoạch tốt nhất từ 5-10 kg. Trong quá trình nuôi khi cá đạt cỡ thương phẩm có thể thu tỉa để bán dần và nên thu hoạch và bán hết khi có đầu ra để quay vòng chu kỳ nuôi mới.

Thị trường

Cá giò hiện được tiêu thụ ở các thành phố lớn trong nước và xuất khẩu quy mô nhỏ ra nước ngoài ở dạng cá sống (Quảng Ninh, Hải Phòng) hoặc được chế biến hay đông lạnh (Khánh Hoà, Vũng Tàu).

Nguồn: VACVINA được kiểm duyệt bởi Farmtech VietNam.

Nuôi trồng thủy sản ứng phó biến đổi khí hậu

Ông Hồ Vang, Phó Giám đốc Sở NN&PTNT cho biết, thời gian qua xuất hiện nhiều mô hình nuôi trồng thủy sản (NTTS) ứng phó biến đổi khí hậu (BĐKH) cần được ngành, các địa phương tăng cường nguồn lực để nhân rộng.

Nuôi cá lồng bè vượt lũ trên hồ thủy lợi Khe Ngang

Các đợt mưa lớn, kể cả những trận lũ cuối năm 2017 vừa qua không gây thiệt hại đến NTTS tại xã Hương Phong (TX. Hương Trà) nhờ hệ thống ao hồ nuôi tôm, cua, cá được người dân tôn cao bờ bao, chắn thêm lưới bao quanh để bảo vệ.

Ông Đặng Duy Đấu ở xã Hương Phong nhìn nhận, BĐKH trong những năm gần đây thể hiện rất rõ nét. Triều cường ngày càng dâng cao, mưa lũ thất thường với cường độ lớn hơn. Nhiều vụ nuôi thủy sản phải thu hoạch non, bán giá rẻ. Một số vụ không thu hoạch kịp thời bị lũ cuốn trôi. Từ 3 năm trở lại đây, ông Đấu cũng như nhiều hộ dân ở Hương Phong không còn lo lắng mỗi khi triều cường, hay nước lũ dâng cao nhờ phương án ứng phó lũ lụt là tôn cao bờ bao, vây lưới chắn quanh ao hồ cao 1-1,5m.

Ông Phan Hữu Vinh, Phó Chủ tịch UBND xã Hương Phong đánh giá, từ khi triển khai mô hình ứng phó BĐKH, tình hình NTTS trên địa bàn xã Hương Phong khá ổn định. Các mùa bão lũ hằng năm, thủy sản được bảo vệ an toàn, nuôi đảm bảo kích cỡ mới thu hoạch bán với giá cao. Nhiều hộ lãi bình quân từ 50-100 triệu đồng/vụ. Trong các đợt lũ cuối năm 2017, ngoài các ao hồ đã thu hoạch, số còn lại đều được bảo vệ an toàn.

Tại xã Quảng Công (Quảng Điền), người dân cũng triển khai mô hình NTTS thích ứng BĐKH mang lại hiệu quả kinh tế. Bà Lê Thị Khoa ở thôn 14 có hơn 30 năm trong nghề NTTS cho hay, 5 năm trở lại đây, nhờ mô hình ứng phó BĐKH bằng cách tôn cao bờ bao, chắn lưới quanh ao hồ đã bảo vệ an toàn, có thể nuôi thủy sản quanh năm mà tránh được thiệt hại do thiên tai.

Người dân xã Quảng Công còn đào đắp hệ thống kênh mương, ao chứa nước ngọt, đầu tư thêm giếng bơm, máy bơm nước dự phòng. Khi triều cường, xâm nhập mặn, người dân kịp thời vận hành máy móc, bơm bổ sung nguồn nước ngọt sẵn có để ổn định độ mặn, độ PH trong ao nuôi.

Mô hình NTTS ứng phó BĐKH tại xã Hương Phong

Ông Lê Duận, Chủ tịch UBND xã Quảng Công cho biết, toàn xã có khoảng 126 ha NTTS của 225 hộ nuôi các loại. Để bảo vệ sản xuất, người dân có ý tưởng vây chắn lưới quanh ao hồ, tôn cao bờ bao, ứng phó nước lũ dâng. Mô hình này phát huy tác dụng, mang lại hiệu quả kinh tế.

Ngoài các biện pháp vây chắn lưới, tôn cao bờ bao, thời gian qua một số hộ nuôi đã chọn đối tượng thủy sản phù hợp, thích ứng BĐKH. Tại xã Hải Dương (TX. Hương Trà), trong khi nhiều hộ nuôi cá mú, hồng, vẩu… bị thiệt hại hoàn toàn trong các đợt lũ cuối năm 2017 thì hộ ông Phan Hạnh nuôi cá chẽm đã bảo vệ an toàn, lãi khá cao.

Sau nhiều vụ nuôi, ông Hạnh nhận thấy cá chẽm thích nghi tốt với nguồn nước lũ bạc đầu nguồn đổ về, trong khi đó cá vẩu, cá hồng, cá mú thường bị chết. Mới đây nhất trong các đợt lũ tháng 12/2017 vừa qua, các loại cá đều chết sạch do nước bạc, duy chỉ cá chẽm sống sót.

TS. Nguyễn Quang Vinh Bình, Chi cục trưởng Chi cục Thủy sản (CCTS) tỉnh cho rằng, những mô hình NTTS ứng phó BĐKH ở Hương Phong, Hải Dương, Quảng Công tuy không khó thực hiện nhưng chưa phổ biến.

Sắp đến, CCTS phối hợp với các địa phương tổ chức tuyên truyền, vận động người dân tự bỏ vốn đầu tư mua sắm lưới để vây chắn quanh ao hồ, tôn cao bờ bao nhằm đảm bảo NTTS quanh năm, mang lại hiệu quả kinh tế. CCTS tiếp tục nghiên cứu, chọn các đối tượng thủy sản thích hợp để người dân đưa vào sản xuất trong điều kiện BĐKH.

Nguồn: Báo Thừa Thiên Huế được kiểm duyệt bởi Farmtech Việt Nam.

Giá vật liệu làm lồng, bè nuôi thủy sản tăng mạnh

Hiện nay, người nuôi trồng thủy sản trên địa bàn huyện Vạn Ninh (Khánh Hòa) đang tất bật làm lại lồng, bè để nuôi tôm, cá. Với nhu cầu lớn đó, giá vật liệu làm lồng, bè không chỉ tăng mà còn khan hiếm.

Gần nửa tháng qua, ông Nguyễn Văn Thiều (thôn Khải Lương, xã Vạn Thạnh) chạy đôn chạy đáo khắp nơi mua gỗ, phuy nhựa, lưới để làm lại lồng, bè nuôi tôm hùm nhưng vẫn không đủ. Ông Thiều cho biết: “Đợt bão vừa qua, 80 ô lồng nuôi tôm của gia đình tôi bị sóng biển đánh tan, không vớt vát được gì. Hiện nay, do nhu cầu làm lại lồng, bè của người dân tăng cao khiến các vật liệu như: gỗ, lưới, cước, phuy nhựa… khan hiếm, giá thành tăng gấp đôi. Để làm lại 60 lồng, bè có diện tích hơn 240m2, gia đình tôi phải bỏ ra hơn 1 tỷ đồng, chưa kể công thợ. Trong khi trước đây, chỉ mất khoảng 600 triệu đồng vốn đầu tư. Bên cạnh đó, hàng đã đặt gần 1 tháng nay nhưng đến giờ họ vẫn chưa cung cấp đủ”.

Giá gỗ tăng cao nên nhiều hộ mua tre làm lồng, bè nhằm giảm bớt chi phí

Do giá gỗ làm lồng, bè tăng cao nên ông Huỳnh Văn Thức (thị trấn Vạn Giã) phải ra tận tỉnh Phú Yên để mua tre về làm lồng, bè nuôi tu hài, sò huyết, sò mồng nhằm giảm chi phí. Ông Thức cho hay: “Tre tôi mua với giá 50.000 đồng/cây, tăng 20.000 đồng so với trước đây. Tiền công chặt tre, vận chuyển do gia đình tự thuê. Hơn 20 năm gắn bó với nghề nuôi biển, bây giờ mà không làm thì biết lấy gì để sống. Tuy giá vật liệu tăng cao, nhưng chúng tôi phải chấp nhận mua để tiếp tục tái đầu tư”.

Bà Lê Thị Thanh Hồng (thị trấn Vạn Giã), người chuyên cung cấp vật liệu làm lồng, bè cho biết, hơn 1 tháng nay, kho hàng của gia đình bà lúc nào cũng trống rỗng, bởi hàng nhập về đến đâu khách mua hết đến đó. Chính vì nhu cầu sử dụng vật liệu, nhất là gỗ và lưới làm lồng tôm, cá tăng mạnh nên giá thành cũng tăng theo.

Không chỉ vật liệu làm lồng, bè tăng giá mà hiện nay, giá công thợ đóng bè cũng tăng gần gấp đôi so với trước nhưng cũng không dễ để tìm thợ. Ông Nguyễn Thanh Phong (thị trấn Vạn Giã) cho biết: “Sau gần nửa tháng liên hệ, đến nay, gia đình tôi mới thuê được 3 thợ mộc về đóng lồng, bè nuôi tôm. Giá công thợ hiện nay tăng từ 300.000 đồng lên 700.000 đồng/người/ngày và phải bao ăn 3 bữa. Với 70 ô lồng có diện tích hơn 300m2, phải mất hơn 2 tuần gia đình tôi mới đóng xong bộ khung lồng, bè. Tiếp đó, phải mất 2 tuần làm khung lưới lồng trên biển thì mới thả nuôi tôm trở lại được”.

Theo lãnh đạo UBND huyện Vạn Ninh, toàn huyện có 16.530 lồng, bè nuôi tôm, cá của người dân bị thiệt hại do bão, chưa kể hàng trăm lồng, bè nuôi thủy sản của một số doanh nghiệp. Huyện đã chỉ đạo các phòng chuyên môn vận động các cửa hàng không tăng giá nhằm hỗ trợ người dân, đồng thời tiến hành kiểm tra để ổn định thị trường. Tuy nhiên, vì lợi nhuận nên nhiều cửa hàng vẫn bán giá cao. Còn công thợ là sự thỏa thuận giữa chủ lồng, bè và người thợ nên chính quyền không thể can thiệp.

Điều đáng nói, do nhu cầu gỗ làm lại lồng bè tăng mạnh nên đã gia tăng tình trạng người dân vào rừng khai thác gỗ trái phép. Tuy lãnh đạo huyện đã chỉ đạo các đơn vị chức năng tăng cường chốt chặn, đẩy đuổi các đối tượng khai thác gỗ trái phép nhưng đến nay vẫn chưa giải quyết triệt để tình trạng này. Hiện nay, huyện Vạn Ninh phối hợp với Đội Kiểm lâm cơ động tỉnh tăng cường lực lượng cùng với Hạt Kiểm lâm Vạn Ninh, chủ rừng và chính quyền các xã tổ chức chốt chặn, tuần tra truy quét, đẩy đuổi các đối tượng khai thác rừng trái phép…

Nguồn: Báo Khánh Hòa được kiểm duyệt bởi Farmtech VietNam.

Huế thiệt hại 81 tấn cá, tổn thất hơn 8 tỷ đồng

Ngày 28/11, thông tin từ Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Phú Lộc, tỉnh TT- Huế cho biết, đã có hơn 1.000 lồng nuôi cá của 500 hộ dân ở khu vực đầm phá Cầu Hai thuộc 2 xã Vinh Hiền và Lộc Bình (Phú Lộc) bị chết hàng loạt.

Theo đó, trong nhiều ngày qua, cá nuôi lồng của các hộ dân trong khu vực đầm phá Cầu Hai thuộc 2 xã Vinh Hiền và Lộc Bình của Phú Lộc (TT- Huế) đang chuẩn bị đến thời kỳ thu hoạch thì bị chết hàng loạt.

Thống kê ban đầu của cơ quan chức năng, xã Vinh Hiền là địa phương chịu thiệt nặng nhất với số lượng trên 81 tấn ở 1.300 lồng nuôi của 360 hộ, tổn thất khoảng hơn 8 tỷ đồng. Còn xã Lộc Bình cũng bị chết gần 30 tấn cá nuôi của 152 hộ nuôi.

Được biết, cá nuôi chết lần này ở 2 xã nói trên là các giống cá đặc sản có giá trị kinh tế cao như: cá vẩu, cá mú… trong lượng khoảng 1kg và có thời gian nuôi 8- 9 tháng.

Theo những người nuôi nơi đây thì, sau khi cá chết người nuôi đã tiến hành vớt cá chết bán tháo cho thương lái với giá rất thấp từ 40 đến 60 nghìn đồng/kg đối với cá chưa chết hẳn, 100 đến 200 nghìn đồng/kg với cá thu hoạch gấp. Trong khi đó, giá bán trên thị trường lúc bình thường khoảng 240 nghìn đồng/kg.

Cá chết hàng loạt gây tổn thất lớn cho ngư dân Huế

Theo lãnh đạo Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Phú Lộc thì “ Do mưa lũ kéo dài, nước lợ vùng đầm Cầu Hai ngọt hóa suốt tháng qua, lại đậm đặc phù sa, khiến cá nuôi chết hàng loạt. Đây là đợt nuôi trái vụ, nuôi vượt lũ để bán Tết”.

Cơ quan chức năng cũng khuyến cáo, việc đầm phá bị ngọt hóa nên cá vùng này có thể tiếp tục bị chết, cho nên ngư dân cần khẩn trương thu hoạch, tiêu thụ để bảo đảm thu hồi một phần vốn đầu tư.

Theo nongnghiep.vn được kiểm duyệt bởi Farmtech Vietnam.