Thanh Hóa: Đưa Vịt Cổ Lũng từ thoái hóa đến thương phẩm có giá trị

Sau 4 năm tự bỏ tiền túi ra làm nghiên cứu, ThS Trương Tiến Hải – hiện là cán bộ BQL Dự án nguồn lợi ven biển, thuộc Sở NN&PTNT Thanh Hóa – cho biết đã phục tráng thành công giống vịt Cổ Lũng vốn bị lai tạp quá nhiều.

Thạc sỹ Trương Tiến Hải tại mô hình nuôi vịt Cổ Lũng của gia đình

Phục tráng giống vịt với tỷ lệ đồng nhất 95%

Vịt Cổ Lũng (Bá Thước – Thanh Hóa) nổi tiếng xưa nay là giống thủy cầm đặc sản bản địa. Theo mô tả của những người cao tuổi ở địa phương và các hộ nuôi, giống vịt này có đặc điểm mình bầu, chân ngắn, cổ ngắn và to, màu lông giống chim sẻ, đặc biệt quanh cổ có viền khoang trắng, thịt rất thơm ngon.

Thế nhưng, lần đầu tiên quan sát, đo đếm các đàn vịt mà các hộ dân đang chăn nuôi tại địa phương cách đây sáu năm, ThS chuyên ngành nuôi trồng thủy sản Trương Tiến Hải nhận thấy màu sắc của vịt lộn xộn, đen pha trắng, 70% không có khoang cổ, cổ nhỏ và dài. Qua nghiên cứu, anh đánh giá sơ bộ vịt Cổ Lũng đã bị lai tạp với vịt Bầu đất, Bầu cánh trắng, vịt siêu trứng, tỷ lệ lai tạp chiếm đến trên 60%. Nhận thấy loài vịt này có thể phục hồi được nguồn gene, anh đã quyết định đem về cho sinh sản, nuôi ghép, chọn lọc.

Vì muốn tập trung cho nghiên cứu, đầu năm 2014 anh Hải xin thôi vị trí Phó Giám đốc trung tâm nghiên cứu ứng dụng khoa học công nghệ của trường Đại học Hồng Đức, Thanh Hóa, và về nhà mở trang trại.

Bởi việc nghiên cứu hoàn toàn do cá nhân thực hiện, không nằm trong đề tài hay dự án nào thuộc nhà nước nên anh gặp không ít khó khăn. “Đầu tiên phải nói đến vốn đầu tư trang trại, vốn mua thức ăn, mua giống. Đồng lương của giáo viên thì ít ỏi, cho nên tôi phải làm rất nhiều nghề mà đến bây giờ nhiều khi nghĩ mãi không hiểu tại sao lúc đó mình làm được” – anh Hải tâm sự.

Ban đầu, anh Hải chia toàn đàn (có tỷ lệ lai tạp trên 60%) ra làm 6 ô chuồng, mỗi ô chuồng là một đàn khác nhau về nguồn gốc, gồm 2 trống 8 mái. Sau một tháng lấy trứng, anh cho đảo trống giữa đàn nọ với đàn kia, cứ như vậy đến hết lượt. Chỉ những trứng thu trong nửa sau của tháng mới được đưa vào ấp, tránh trường hợp tinh trùng của đàn trống cũ vẫn còn trong đàn mái ban đầu. Sau đó, anh tiếp tục nuôi đàn vịt con lên 4 tháng tuổi, chọn lọc theo đặc điểm gần giống mô tả nhất, rồi lại cho lai theo phương pháp ban đầu. Cứ như vậy sau 4 năm nghiên cứu, Ths Hải đã tạo được đàn vịt sản xuất với tỷ lệ đồng nhất so với mô tả trên 95%, đồng thời có sức đề kháng tốt hơn giống vịt gốc cũ, cân nặng cũng tăng từ trung bình 1,3 kg lên 1,8 kg.

Mở rộng ra các tỉnh khác

Tự hào nói về kết quả của mình, anh Hải cho biết: “Trước khi được phục tráng, số vịt bị lai tạp là 100%, tổng số vịt có trong dân từ 1.000-1.500 con. Sau khi phục tráng, số vịt bị lai tạp giảm xuống còn khoảng 10%, tổng số vịt có trong dân tăng lên hơn 15.000 con. Riêng gia đình tôi ở thời điểm hiện tại sở hữu đàn “ông bà” 100 con, đàn “bố mẹ” 400 con, đàn vịt thịt 1.500 con, vịt giống 1.000 con”.

Theo anh Hải, giống vịt phục tráng chống chịu tốt với biến đổi của thời tiết, ít dịch bệnh, đặc biệt có lợi nếu tận dụng nuôi vào thời điểm sau khi gặt. Anh Hải còn nghiên cứu thức ăn công nghiệp cho giống vịt này với thành phần bao gồm men vi sinh, thảo dược và một số loại ngũ cốc. Kết quả, thời gian nuôi ngắn hơn 20 ngày, hàm lượng glutamic trong thịt (hay độ ngọt của thịt) dựa trên phân tích bằng máy cho thấy cao hơn 2,5 lần so với vịt cánh trắng, trong khi tỷ lệ mỡ thấp.

Do những ưu điểm nêu trên, giờ đây, vịt Cổ Lũng không chỉ được nuôi ở Bá Thước mà còn lan ra các huyện khác như Quan Sơn, Vĩnh Lộc, Thạch Thành, Hoằng Hóa hay phường Quảng Thành… Khi cung cấp giống cho bà con, anh Hải đều hướng dẫn cách chăm sóc và tiêm phòng cho vịt và hiện đã có hai huyện Bá Thước và Hoằng Hóa chủ động được giống.

Nguồn: Khoahocvaphattrien.vn được kiểm duyệt bởi Farmtech VietNam.

Một số lưu ý khi nuôi vịt đẻ

Về chuồng nuôi:

Chuồng nuôi vịt cần chắc chắn, xây ở nền đất cao, bên trong chuồng đảm bảo đông ấm, hè mát. Có thể xây gạch hoặc làm bằng tre, gỗ. Mái chuồng lợp ngói, fibroximăng, lá cọ, rạ đều được. Nền chuồng phải cao, không gồ gề được lát bằng gạch hoặc xi măng nhám, chất độn chuồng phải khô sạch. Nuôi chăn thả cần chuẩn bị ao cho vịt bơi lội, ao cần lưu thông  nước tốt tránh bị ô nhiễm.  Trước khi nhập  giống về cần phun thuốc sát trùng trong và ngoài chuồng nuôi, có thể rắc thêm vôi bột xung quanh các chân tường, các góc trong và ngoài chuồng nuôi. Sau đó để trống chuồng hai tuần mới bắt đầu nuôi.

Về con giống

Giống tốt là bước đầu vô cùng quan trọng quyết định đến hiệu quả chăn nuôi. Bà con nên chọn mua con giống ở các cơ sở uy tín để đảm bảo chất lượng.

Về dinh dưỡng, chăm sóc, quản lý

Có hai dạng thức ăn cho vịt đẻ là thức ăn công nghiệp hoàn toàn và thức ăn bán công nghiệp (dùng thức ăn công nghiệp trộn cùng thức ăn sẵn có). Sử dụng thức ăn công nghiệp hoàn toàn sẽ thuận tiện, dễ sử dụng, mỗi giai đoạn của vịt đã có sẵn các loại cám phù hợp với nhu cầu dinh dưỡng của chúng. Đi đôi với sự tiện lợi, chi phí thức ăn sẽ cao hơn và đòi hỏi đầu tư vốn lớn. Nếu có sẵn điều kiện về các loại thức ăn tự nhiên như: thóc, rau xanh, bèo, ốc…thì bà con có thể kết hợp bổ sung vào khẩu phần ăn cho vịt, giảm lượng thức ăn công nghiệp xuống. Trộn với tỷ lệ 70% thức ăn công nghiệp, 30% thức ăn tự nhiên là phù hợp. Lưu ý không nên thay toàn bộ thức ăn công nghiệp bằng thức ăn tự nhiên vì  như vậy sẽ không đảm bảo dinh dưỡng đầy đủ cho vịt đẻ. Tùy vào điều kiện kinh tế và tính toán giá cả thị trường, bà con chọn cách đầu tư phù hợp.

Úm vịt con: đúng kỹ thuật và đủ nhiệt độ (3 ngày đầu, nhiệt độ 32 – 33OC, sau đó mỗi ngày giảm dần 3OC đến nhiệt độ phòng).Vịt càng nhỏ càng cho ăn nhiều lần trong ngày, ít nhất 4 – 6 lần/ngày.

Vịt hậu bị 9 – 19 tuần tuổi: lượng thức ăn hàng ngày cung cấp đủ theo tiêu chuẩn của giống, đảm bảo trọng lượng vịt đúng theo tiêu chuẩn không quá béo hay quá gầy. Người nuôi nên cân vịt hàng tuần 5% đàn để cân đối thức ăn phù hợp, đến 8 tuần cân 100% để phân loại.

Điều khiển ánh sáng: giai đoạn úm vịt nên thắp sáng đèn suốt đêm để vịt được ăn uống tốt nhất, đến giai đoạn vịt 4 tuần trở lên không cần mở đèn ban đêm. Đến khi vịt được 20 tuần tuổi bắt đầu vào đẻ cần tăng thêm ánh sáng vào ban đêm cho vịt.

                                              Mô hình nuôi vịt đẻ có ao nuôi

Thu nhặt trứng

Vịt thường đẻ vào ban đêm, thu nhặt trứng vào lúc 6-7 giờ sáng để trứng không bị vịt làm bẩn hoặc bị vỡ.Trứng xếp vào khay, để nơi cao ráo, thoáng mát sẽ làm cho trứng tươi lâu hơn. Nếu trứng để ấp thì phải chuyển vào lò trước 5 ngày kể từ sau khi vịt đẻ.

Phương pháp phòng bệnh

Đảm bảo tiêm phòng đầy đủ vacxin theo lịch. Quan trọng nhất là tiêm phòng dịch tả vịt khi vịt được 15 và 45 ngày tuổi, viêm gan vịt khi vịt được 21 và 60 ngày tuổi, cúm gia cầm ở 70 và 100 ngày tuổi. Ngoài ra, bổ sung thêm các loại vitamin, khoáng chất, chất điện giải, B- complex, một sô loại kháng sinh giúp tăng cường sức khỏe đồng thời phòng bệnh cho đàn vịt.

Thường xuyên vệ sinh sạch sẽ khu vực chuồng nuôi, hạn chế tối đa mầm bệnh.

Tổng hợp bởi Farmtech Vietnam