Trồng mắc ca: Vì sao Úc chê, Việt Nam hăm hở?

Tại sao cây mắc ca tốt như thế mà diện tích trên thế giới chỉ 80.000 ha? GS. Hoàng Hòe cho biết, ông đi nhiều nơi và không chỗ nào tốt, thuận lợi với cây mắc ca như ở Tây Nguyên.

Cây mắc ca vào Việt Nam, phát triển ở vùng Tây Nguyên hơn 10 năm nay với diện tích khoảng 2.000 ha và bước đầu đã mang lại những kết quả nhất định. Cây mắc ca đang nổi lên là một vấn đề nóng trong ngành nông nghiệp về bài toán kinh tế và hướng phát triển.

Nhiều ý kiến cho rằng cần cẩn trọng với cây mắc ca vì mắc ca còn quá mới mẻ và thị trường chưa rõ ràng. Nhất là khi diện tích trồng mắc ca trên thế giới chỉ khoảng 80.000 ha nhưng mới đây nhiều doanh nghiệp và nhà khoa học kỳ vọng diện tích trồng mắc ca trong 5 năm tới sẽ là 200.000 ha.

Tại cuộc tọa đàm với chủ đề: Mắc ca, từ “vì sao” đến “như thế nào” đã nhận được rất nhiều ý kiến từ các chuyên gia, nhà khoa học và hộ nông dân trồng cây mắc ca. Các ý kiến đều khẳng định đây là cây công nghiệp có triển vọng.

GS. Hoàng Hòe, nguyên Viện trưởng Viện Điều tra quy hoạch rừng là một trong những người có công đưa cây mắc ca về Việt Nam và có 20 năm nghiên cứu giống cây này cho biết, cho đến giờ, tuy chưa có tổng kết nhưng theo thống kê từ vườn ươm ước tính đã có khoảng 1 triệu cây mắc ca được trồng.

Trong đó có khoảng 1 nửa là cây thực sinh, còn lại là cây ghép. Các cây ghép được chọn lọc từ các nước như Úc, Trung Quốc, Thái Lan và Hawai. Và diện tích mắc ca hiện nay ở Tây Nguyên đã lên tới gần 5.000ha chứ không phải là 2.000ha như một số thông tin đang nói.

Trước nhiều ý kiến cho rằng tại sao cây mắc ca tốt như thế mà diện tích trên thế giới chỉ 80.000 ha. Đặc biệt mắc ca xuất xứ từ Úc nhưng mỗi năm chỉ được khoảng 45.000 tấn hạt (nguyên vỏ). Ông Hòe cho biết, ông đã đi nhiều nơi và không có chỗ nào tốt, thuận lợi với cây mắc ca như ở Tây Nguyên Việt Nam. Đây là một lợi thế cực kỳ hiếm có trên thế giới.

Ông Hòe lấy dẫn chứng: “Một cây trồng ở Việt Nam, cùng độ tuổi, cùng giống với cây mắc ca trồng ở nước khác nhưng hiệu quả gấp đôi. Hơn nữa theo nghiên cứu của Viện điều tra quy hoạch rừng thì nước ta có hàng triệu ha đất phù hợp với cây mắc ca. Đây là điều mà các nước trên thế giới không có được”.

Mặc dù Úc là một trong những nước phát triển cây này từ rất sớm nhưng trong 50 năm qua diện tích trồng mắc ca chỉ đạt 16.000- 17.000 ha vì chi phí nhân công, đất…quá đắt. Giá cây giống mắc ca ở Úc là 20 USD một cây giống, còn Việt Nam chỉ 60.000- 80.000 đồng một cây. Để trồng một cây mắc ca ở Úc chi phí đầu tư mất khoảng 6.000 USD.

Trong khi đó, năng suất mắc ca ở Úc cao nhất là 4 tấn/ha. Hawai khoảng 6 tấn/ha. Hiện nay Trung Quốc cũng đang phát triển mạnh loại cây này, tuy nhiên Trung Quốc cũng đang đối mặt với tình trạng giống dởm nhiều. Mỗi cây chỉ cho 7,5 kg/cây/năm.

Hạt mắc ca chỉ mới chiếm 1,2% ttrong tổng số hạt cứng, hạt khô trên toàn thế giới. Sản lượng chỉ mới 162.000 tấn một năm. So sánh hạt mắc ca và hạt điều, hạnh nhân thì hạt mắc ca có giá trị dinh dưỡng lớn.

Chính vì thế, theo ông Hòe, Việt Nam nên biết chớp thời cơ, lợi thế cạnh tranh này để nhanh chóng phát triển cây mắc ca.

Nói về con số 200.000 ha trồng cây mắc ca, ông Hòe cho biết đây là con số đề xuất của Viện điều tra quy hoạch rừng theo đề tài nghiên cứu do Bộ NN&PTNT giao cho. Trong 1 triệu ha đất ở Tây Nguyên phù hợp với cây mắc ca thì Viện chỉ đề xuất trồng 200.000 ha, chủ yếu trồng xen mắc ca vào vườn café. Theo GS Hòe “thực tế đây là con số khiêm tốn”.

Nói về triển vọng và tình bền vững của cây mắc ca trên mảnh đất Tây Nguyên, T.S Trần Vinh, Phó viện trưởng Viện khoa học kỹ thuật nông lâm nghiệp Tây Nguyên cho biết, Viện đã nghiên cứu mắc ca từ năm 2002 và đến nay mắc ca có thể phát triển ở Tây Nguyên nhưng không phải chỗ nào cũng trồng được. Trong số 15 giống cây mắc ca đem nghiên cứu nhưng chỉ có 4-5 giống phù hợp với điều kiện của Tây Nguyên.

Theo T.S Vinh, cây mắc ca là cây dễ trồng nhưng khó tính. Tỷ lệ sống cao trên 90%. Cây mắc ca có thể ra hoa kết trái được trong mùa khô, chịu được thời tiết khắc nghiệt. Tuy nhiên nó khó tính ở chỗ, nếu nhiệt độ trên 35 độ, cây có thể rụng quả trên 50%. Những vùng quá nắng nóng, đất bí chặt, ngập úng, ông khuyến cáo không nên trồng cây mắc ca.

Tuy nhiên qua nghiên cứu thì phương pháp trồng xen cây rất hiệu quả. Cây cafe ưa bóng, khi trồng xen mắc ca thì tạo bóng cho cây cafe, cây mắc ca lại được hưởng nước tưới từ cây café khiến mắc ca có tỷ lệ hoa và đậu quả nhiều hơn và không ảnh hưởng gì đến năng suất cây cafe.

Sản lượng mắc ca năm 2014 là 162 tấn, chiếm 1,2% tổng các loại hạt cứng và hạt khô.

Nhìn nhận hiện trạng cây mắc ca ở Việt Nam hiện nay, TS. Nguyễn Trí Ngọc, Tổng thư ký Hiệp hội Nông nghiệp Việt Nam cho biết: “Thời gian qua chúng ta đã có nhiều ý kiến trái ngược nhau về cây mắc ca. Tuy nhiên điều đó là bình thường. Chúng ta không nên bàn nhiều đến những con số mà nên bàn là làm cách nào cho nó có hiệu quả”.

Ông Ngọc tin tưởng, mắc ca có đủ điều kiện để trở thành một cây trồng chủ lực và hiệu quả cao cho nông dân. Tuy nhiên có 4 vấn đề chính cần phải chú ý.

Vấn đề thứ nhất xác định vùng trồng phù hợp. Phải trồng vùng nào thời tiết thuận lợi phù hợp với cây đó thì năng suất mới tốt.

Vấn đề thứ hai là quản lý cây giống. Trồng giống không đảm bảo chất lượng, khoảng 3-5 sau sẽ nhìn thấy hậu quả. Chính vì thế ngay từ bây giờ phải quản lý chặt chẽ giống cây trồng.

Thứ ba là thị trường. Có một câu chuyện thị trường gần đây như tại sao hành tây dư thừa không bán được, dưa hấu đổ đi cho trâu bò ăn không hết. Doanh nghiệp phải vào cuộc ngay từ đầu đối với những chương trình như thế này. Chỉ có doanh nghiệp mới kết nối được các quy trình từ sản xuất đến thu mua, tiêu thụ. Và phải có cam kết từ doanh nghiệp, mọi rủi ro không thể đè lên nông dân.

Chia sẻ tại buổi tọa đàm, ông Bùi Hữu Hòa, nông dân huyện Lâm Hà, Lâm Đồng, một người mạo hiểm trồng 600 cây mắc ca từ năm 2009. Ông Hòa cho biết, nó như “một canh bạc thắng lớn”. Thời điểm đó mọi người vẫn còn chưa biết cây mắc ca là cây gì. Nhưng 2 năm sau cây mắc ca bắt đầu có trái. Năm 2014, vườn mắc ca đem lại cho ông 107 triệu đồng. Năm thứ 5, thu được 295 triệu.

Tuy nhiên ông Hòa cũng lưu ý, bà con nên chọn mua kỹ giống cây vì trên thị trường, nhiều người bán cây mắt ghép giả. Cây này có nhân rất nhỏ và phải 5-7 năm mới có quả trong khi đó, cây mắt ghép thật 3 năm đã cho quả bói.

Đồng tình với quan điểm, ông Quách Đại Ninh, Vụ phó Vụ Phát triển rừng, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho hay: Sắp tới sẽ quản lý chặt chẽ cây giống mắc ca. Những cây đầu dòng không được cấp chứng chỉ, cây con không được chứng nhận sẽ không được đưa vào sản xuất. Những ai cố tình vi phạm sẽ bị xử phạt. Cá nhân bị phạt thấp nhất 10 triệu đồng. Đồng thời toàn bộ cây và giống chưa hợp lệ sẽ bị tiêu hủy.

Ông Nguyễn Đức Phong, Ủy viên chuyên trách, kiêm Vụ trưởng Vụ kinh tế – Ban chỉ đạo Tây Nguyên đánh giá: Hiếm có loại cây nào tạo được sự liên kết của ngân hàng, doanh nghiệp, nông dân như cây mắc ca, tuy nhiên cần lưu ý nên xem xét đầu tư phát triển ở mức độ như thế nào.

“Cây mắc ca đang có rất nhiều ý kiến nhưng sau những lần làm việc, đi thực tế, giao lưu, thực địa,… chúng tôi nhận thấy cây mắc ca có triển vọng phát triển. Ban Chỉ đạo Tây Nguyên đã có văn bản trình bày triển vọng báo cáo thủ tướng. Tuy nhiên việc phát triển cây mắc ca phải làm từng bước, không thể ném tiền qua cửa sổ”, ông Phong nói.

Nguồn: Zing.vn được kiểm duyệt bởi Farmtech VietNam.

Kỹ thuật trồng xen mắc ca với cà phê

Mô hình kỹ thuật trồng xen mắc ca với cà phê là mô hình được bà con nông dân rất quan tâm hiện nay. Việc trồng xen hai loại cây trồng trên cùng một đơn vị diện tích sẽ góp phân gia tăng hiệu quả kinh tế trên cùng một đơn vị diện tích đất canh tác và tiết kiệm nhân công.

Hướng dẫn kỹ thuật trồng xen mắc ca với cà phê

+ Công đoạn đầu tiên của kỹ thuật trồng xen mắc ca với cà phê hộ trồng cần xác định mật độ trồng của cây cà phê là bao nhiều và áp dụng biện pháp trồng xen, nếu giống cà phê là cà phê vối thì mật độ 6mx6m hộ nông dân trồng xen tại các ngã tư của cây cà phê. Đối với giống cây cà phê chè thì mật độ trồng là 7.5mx4.5m vị trí trồng cũng ngay ngã tư cây cà phê.

Chọn nhiều giống mắc ca khác nhau để trồng trên cùng một đơn vị diện tích vì cây có đặc tính là thụ phấn chéo cho nên trồng như vậy khả năng thụ phấn cho trái của cây sẽ tốt hơn. Cây giống mang đi trồng cần có chiều cao từ mặt bầu đến mắc ghép khoảng 40-60cm thân dày chừng khoảng 6-10 mm, tuổi của cây gốc ghép chừng 20-24 tháng tuổi là thời điểm thích hợp nhất để mang đi trồng. Khi trồng xuống bộ rễ sẽ bắt đầu phát triển và ăn sâu vào bên trong lòng đất giúp cây vững chắc và chống chọi tốt khi mưa gió, lũ lụt hay hạn hán xảy ra.

Hố trồng mắc ca cần có kích thước 60x60x50 cm hộ trồng nên trộn các loại phân chuồng, phân hữu cơ cùng đất mặt xuống hố thời điểm 2 tháng trước khi trồng. Khi trồng cắt bỏ túi nilong, cắt luôn phần rễ cọc ở đáy bầu bằng kéo sắt rồi đưa cây xuống hố sau đó lấp đất lại, xung quanh gốc trộn Basudin với Phuradang liều lượng 1kg/ 20 gốc những lá ở dưới mắt gốc ghép cần tỉa bỏ luôn.

Nguồn: Tổng hợp bởi Farmtech VietNam.