Trồng nấm giữa lòng thành phố.

Sinh ra và lớn lên tại TP.Biên Hòa, từng tốt nghiệp chuyên ngành quản trị kinh doanh, anh Nguyễn Ngọc Quý (sinh năm 1992, ngụ phường Thống Nhất, TP.Biên Hòa) lại quyết định về quê chọn nghề trồng nấm rơm sạch để khởi nghiệp.

Mô hình trồng nấm rơm trong nhà của anh Nguyễn Ngọc Quý tại phường Thống Nhất, TP.Biên Hòa.

* Cơ duyên với nghề trồng nấm:

Anh Quý cho biết, trước đây sau khi tốt nghiệp Trường đại học công nghệ TP.Hồ Chí Minh, anh từng trải qua nhiều vị trí công việc, trong đó có thời gian kinh doanh quán ăn. Thời gian đó, nhờ sự giới thiệu của bạn bè, anh bắt đầu tìm hiểu về nghề trồng nấm. Sau một thời gian tìm tòi, anh Quý bắt đầu thấy say mê và quyết định khởi nghiệp với cây nấm.

“Vào năm 2015, tôi bắt đầu trồng nấm linh chi. Tuy nhiên, do gặp khó khăn về đầu ra nên sau đó tôi đã xác định lại và chọn mô hình trồng nấm rơm. Tôi đã rong ruổi khắp các trại nấm lớn ở các huyện trên địa bàn tỉnh Đồng Nai và một số tỉnh khác, chủ động tìm hiểu để học hỏi kinh nghiệm và về áp dụng cho mình” – anh Quý cho hay.

Theo anh Quý, ban đầu mô hình trồng nấm rơm của anh gặp khá nhiều khó khăn, từ thiếu vốn, thiếu nhân lực đến thiếu kỹ thuật, trong đó có nguồn giống ở một số nơi anh mua chưa đạt chất lượng nên cũng nhiều lần thất bại. “Tôi quyết tâm không nản chí, cố gắng phân tích, tìm nguyên nhân thất bại để rút kinh nghiệm và tiếp tục theo đuổi giấc mơ phát triển nghề trồng nấm của mình” – anh Quý chia sẻ.

* Hướng tới mô hình sạch:

Trải qua những khó khăn ban đầu, hiện tại trại nấm cũng anh Quý đã phát triển khá ổn định. Trại nấm rộng 500m2với hệ thống 6 nhà vòm cùng với nhiều thiết bị khá hiện đại, phù hợp với mô hình nông nghiệp đô thị.

“Vì là mô hình trồng nấm trong nhà nên đòi hỏi các tiêu chí kỹ thuật khắt khe hơn. Quy trình sản xuất và thu hoạch nấm rơm từ 18-21 ngày, trong đó từ ngày thứ nhất đến ngày thứ 8 là công đoạn xử lý nguyên liệu – nuôi sợi. Từ ngày thứ 9 đến ngày thứ 20 công đoạn chăm sóc và thu hoạch nấm.

Hiện tại, trại nấm rơm của anh hằng tháng cung cấp ra thị trường khoảng 400-500kg nấm rơm, giá bán ra từ 60-80 ngàn đồng/kg. Tuy trại nấm của anh hoạt động chưa lâu, nhưng bước đầu đã cho hiệu quả kinh tế khá ổn định, anh Quý chia sẻ.

Anh Quý cho biết, hiện thị trường cung cấp chính của trại nấm là khu vực TP.Biên Hòa và một số địa phương lân cận. Trong thời gian tới, anh sẽ tiếp tục mở rộng thị trường, chủ động quảng bá sản phẩm trên mạng xã hội…

Bên cạnh đó, anh Quý cũng được Hội Nông dân TP.Biên Hòa hỗ trợ để xây dựng mô hình sản xuất sạch theo hướng VietGAP để tăng hiệu quả kinh tế, ổn định đầu ra, cũng như phát triển mô hình sản xuất nông nghiệp đô thị theo hướng hiện đại, tiết kiệm diện tích đất…

Nguồn: Agriviet.com được kiểm duyệt bởi FarmTech VietNam.

Nấm rơm tăng giá lên 60.000đ/kg nhà nông miền tây thêm tiền

Tại nhiều địa phương ở miền Tây như TP. Cần Thơ, Đồng Tháp, An Giang…, giá nấm rơm tăng từ 5.000-15.000 đồng/ký, đạt mức cao 60.000 đồng/ký khiến nhiều hộ làm nghề trồng nấm phấn khởi bởi có thêm khoản tiền.

Giá nấm rơm tăng mạnh khiến người trồng nấm ở các tỉnh miền Tây có thêm thu nhập.

Gần đây, giá nấm rơm trên thị trường đã tăng khoảng 5.000-15.000 đồng/ký so với cách nay 2 tháng. Tại nhiều quận, huyện ở TP Cần Thơ và các tỉnh lân cận như: An Giang, Đồng Tháp… nấm rơm tròn được nhiều nông dân bán cho thương lái ở mức 50.000-60.000 đồng/ký, còn nấm dài (nấm dù) có giá khoảng 40.000 đồng/ký.

Nấm rơm sản xuất tại ĐBSCL không chỉ phục vụ nhu cầu tại chỗ mà còn tiêu thụ tại thị trường TP Hồ Chí Minh và nhiều tỉnh, thành khác trong nước.

Giá nấm rơm tăng chủ yếu do nhu cầu tiêu thụ tăng và ảnh hưởng bởi các chi phí sản xuất đầu vào tăng như: giá rơm nguyên liệu, giá nhân công tăng…

Nguồn: Tổng hợp, duyệt bởi Farmtech Vietnam

Mô hình trồng nấm rơm trong nhà – kỹ thuật trồng nấm rơm trong nhà hiệu quả cao

 

                                             Mô hình trồng nấm rơm trong nhà

Để trồng nấm rơm trong nhà phải trải qua nhiều công đoạn từ thiết kế kệ để, ủ rơm, đảo rơm, hệ thống phun tưới… Đang thu hoạch nấm rơm trong trại, một nông dân chia sẻ  : “Trại trồng nấm tốt nhất là được lợp bằng lá, xung quanh che chắn bằng bạt, giàn trồng nấm được làm bằng tre, mỗi giàn có 3 kệ, khoảng cách mỗi kệ cách nhau 50 cm, bề rộng 80 cm.
Trồng nấm rơm trong nhà có nhiều ưu điểm hơn trồng ngoài trời, có thể điều chỉnh nhiệt độ bằng cách tưới nước trên nền sàn và lớp vải bạt được che chắn xung quanh. Còn nếu nhiệt độ lạnh thì mở tấm mê ca trên nóc trại và bạt xung quanh để cho ánh nắng vào. Đối với nấm rơm nhiệt độ thích hợp nhất là 30 – 35 độ C, ẩm độ 80 – 90%. Vào ban đêm trời lạnh thì sử dụng đèn tròn loại 70W để sưởi ấm”.

Ngoài việc SX theo mô hình trồng nấm trong nhà, người dân còn chọn hướng canh tác theo những thời điểm nấm có giá trong năm để tăng lợi nhuận. Trồng nấm trong nhà năng suất cao nhất là vụ đông xuân vì rơm chất lượng, thời tiết và độ ẩm thích hợp cho nấm phát triển. Các tháng giêng, tháng 7, 10, dịp Tết giá nấm từ 80.000 – 100.000 đ/kg nên tôi chọn vào thời điểm này SX với số lượng nhiều, các tháng còn lại SX nhỏ lẻ

Mặc dù, trồng nấm trong nhà chi phí cao hơn so với trồng nấm ngoài trời, nhưng năng suất nấm luôn đứng ở mức cao và ổn định. Vẫn có thể dự trữ rơm để làm cả mùa nắng, lẫn mùa mưa. Trời lạnh thì các hộ trồng nấm làm mô rộng và cao 38 cm, còn khi nóng thì 30 cm. Theo ước tính, chi phí mua rơm, vận chuyển, meo, phân bón, công lao động… từ 400.000 – 500.000 đ/công rơm, trừ chi phí cho lợi nhuận 1,5 – 2 triệu đồng/công (chưa tính tiền cất trại).

Sau khi thu hoạch xong nấm, phần rơm rạ được người dân sử dụng nấm Trichoderma ủ cho oai mục sau đó dùng để bón cho lúa, phần còn dư thì bán cho các hộ trồng hoa kiểng để tăng thu nhập.

Theo người dân, trồng nấm trong nhà nên xây dựng nền bằng xi măng để sau mỗi vụ thu hoạch dễ dàng vệ sinh, khử trùng cũng như trong quá trình canh tác tưới nước, giữ ẩm mà không bị bùn lầy. Lợp lá thì độ ẩm trong trại ổn định, nhưng sau mỗi vụ thu hoạch cần tóc nóc làm vệ sinh.

Sạp bằng tre thì chất nấm được 1 – 2 năm. Việc chất nấm trên sạp tre mô nấm rõ nước tốt sẽ cho năng suất cao. Bình quân 1 m mô tới cho thu hoạch 1 – 1,5 kg nấm. Mỗi công rơm cho 20 – 30 kg.

Ngoài ra, trồng nấm trong nhà không phải tốn chi phí rơm đậy (lớp rơm áo) và công thu hoạch nhiều. Không sợ không cho nấm. Rơm trong quá trình ủ thì cho vôi vào để khử đi các loại mầm bệnh, vi khuẩn bất lợi, giúp cho rơm mau vàng và mau chín. Bình quân 1 kg vôi bột cho 20 lít nước để ủ. Mỗi công rơm tưới khoảng 3 – 4 kg vôi.

 

Nói về việc ủ rơm, rơm vụ đông xuân thì từ khi ủ đến chất khoảng 15 ngày, còn vụ hè thu khoảng 10 – 12 ngày, cứ 6 ngày ủ là tiến hành đảo rơm, giúp cho rơm chín đồng đều. Thường thì chất nấm vào những tháng nắng nóng thì tưới nước 2 lần/ngày, ít thì 1 lần. Còn những lúc lạnh thì cách nhau 3 – 4 ngày mới tưới nước. Sau khi chất nấm khoảng 12 – 14 ngày thì tiến hành thu hoạch. Nấm ra tập trung nên việc thu hái rất thuận lợi, chọn hái những nấm to, hình trứng. Thu hoạch xong đợt 1, tưới nước, chăm sóc cho nấm phát triển đợt 2

 

Tổng hợp bởi Farmtech Vietnam