Chế biến thân lá ngô dùng làm thức ăn cho trâu bò

Thân lá ngô khi còn xanh có thể cho trâu bò ăn ngay, song thường khi thu hoạch thì ta có một lượng nhiều nên trâu bò không thể tiêu thụ hết trong một thời gian ngắn.


Chúng tôi xin giới thiệu phương pháp ủ chua yếm khí thân lá ngô với bạn đọc. Thân lá ngô sau khi thu hoạch bắp loại chưa già, lá ngô còn xanh. Thân lá ngô (TLN) lúc này có vật chất khô (VCK) khoảng 25-27%, protein thô (CP) khoảng 9%, vật chất hữu cơ (OM) khoảng 92-94%. Thân lá ngô thu về chặt nhỏ (4-5 cm), chúng được chia ra để ủ theo mấy cách sau:
– TN0: Thân cây ngô đã chặt nhỏ không cho thêm rỉ mật và urê.
– TN1: Thân lá ngô đã chặt nhỏ + 5% rỉ mật.
– TN2: Thân lá ngô đã chặt nhỏ + 2,5% rỉ mật + 0,5% urê.
Ở TN1 và TN2 hỗn hợp TLN, rỉ mật và urê được trộn đều. Tiếp theo từng hỗn hợp của TN1, TN2 và TN0 được cho vào các bao nylon riêng (có thể sử dụng bao với kích cỡ khác nhau, tùy thuộc vào lượng TLN mà ta cần ủ), lèn thật chặt (nếu bao lớn thì cho từng lớp một để dễ nén chặt) cho đến khi gần đầy bao thì thôi, cố gắng lùa hết không khí ra, cuối cùng dùng dây buộc kín và chặt miệng túi. Chú ý khi cho TLN vào túi và lèn tránh không làm bao bị rách. Để bao TLN ủ nơi dâm mát.
Qua kiểm tra để xác định chất lượng khối ủ thông qua các chỉ tiêu pH, hàm lượng VCK, CP và OM tại 0, 7, 14, 21 ngày ủ và thu được kết quả: pH từ 4,9-5,1 (0 ngày) giảm còn 3,54-4,30 (21 ngày), pH như thế này là rất tốt cho tiếp tục bảo quản. VCK gần như giữ nguyên: từ 24,6-26,4% (0 ngày) đạt 25,6-26,2% ở 21 ngày. OM cũng gần như giữ nguyên: từ 93,3-94,0% (0 ngày) đạt 92,1-93,7% ở 21 ngày. Protein thô cũng gần như được giữ nguyên: từ 8,7-12,6% (0 ngày) đạt 8,5-12,0% ở 21 ngày. Đặc biệt, nhờ có bổ sung urê mà CP ở khối ủ TN2 cao hơn hẳn TN0 và TN1, 12,0-12,6% so với 8,5-9,0%. Rõ ràng, quá trình ủ chua yếm khí không làm giảm chất lượng TLN, mà còn bảo quản được lâu dài hơn và nếu có bổ sung 0,5% urê thì cải thiện chất lượng rõ rệt.
Kiểm tra khối ủ TLN ở 21 ngày ủ bằng các chỉ tiêu cảm quan chúng tôi thấy: TN0 có màu sẫm, thơm và chua nhẹ, nhưng bị nhiễm một ít nấm mốc; TN1 có màu vàng, thơm và chua nhẹ, không bị nhiễm nấm mốc; TN2 màu vàng sáng, thơm và chua nhẹ, không bị nhiễm nấm mốc. Về cảm quan khối ủ TN2 tốt nhất, TN0 kém nhất và bị nhiễm nấm mốc nên không bảo quản được lâu.
Kiểm tra đánh giá khả năng tiêu hóa vật chất của các khối TLN ủ tại dạ cỏ của bò đã thu được kết quả: Từ sau khi ăn vào 8 giờ đến 96 giờ, tỷ lệ tiêu hóa VCK, OM và CP trong TLN ủ của TN0, TN1 và TN2 đều tăng dần. Tiêu hóa VCK từ 31,4-44,6% ở thời điểm 8 giờ tăng lên 72,4-76,5% ở 96 giờ, tốt nhất là khối ủ TN1. Tiêu hóa OM từ 30,2-44,4% ở 8 giờ tăng lên 73,6-76,8% ở 96 giờ, tốt nhất là khối ủ TN1. Tiêu hóa CP từ 44,2-67,7% ở 8 giờ tăng lên 86,2-91,9% ở 96 giờ, tốt nhất là khối ủ TN2.


Thân lá ngô còn tươi xanh sau khi thu hoạch bắp, ủ yếm khí có thể bảo quản được trong thời gian khá lâu (21 ngày hoặc dài hơn) vẫn không bị hư hỏng, vẫn sử dụng làm thức ăn cho trâu bò tốt. Nếu có điều kiện nên trộn thêm 2,5 hoặc 5% rỉ mật và 0,5% urê thì chất lượng của thân lá ngô ủ sẽ được cải thiện. Ủ thân lá ngô yếm khí điều quan trọng nhất là phải nến nén chặt, buộc kỹ để bảo đảm điều kiện yếm khí. Mỗi lần lấy TLN ủ ra cho trâu bò ăn, chỉ lấy lượng vừa đủ cho bữa ăn đó, rồi lại phải nén chặt khối ủ và buộc kỹ miệng túi để giữ cho khối ủ yếm khí.

Nguồn : báo Nghệ An, tổng hợp bởi Farmtech Vietnam

Những hình ảnh cho thấy chúng ta đã ăn ngô, dưa hấu biến đổi gen từ cả nghìn năm nay

Trước khi có thuyết tiến hóa của Darwin thì người nông dân đã biết lựa chọn những đặc tính riêng để lai tạo ra những giống mới mà mình mong muốn.

Bạn có bao giờ thắc mắc về tổ tiên của chúng trước đây như thế nào không? Những hình ảnh sau chắc chắn sẽ khiến bạn không khỏi ngạc nhiên và thích thú.

Dưa hấu

2.000 năm TCN, dưa hấu được phát hiện ra ở vùng đông bắc Châu Phi sau đó lan dần sang Địa Trung Hải. Theo các sách cổ miêu tả lại: Lúc chín, ruột dưa có màu vàng cam, sau đó bằng cách lai giống chọn lọc, kết hợp gen màu đỏ và gen quyết định lượng đường mà mà ruột dưa đã dần chuyển sang màu đỏ như ngày nay.

Chuối

Lịch sử của chuối có thể từ 7.000 đến 10.000 năm trước đây tại khu vực Đông Nam Á. Chuối ngày nay có nguồn gốc từ chuối rừng và chuối hột , quả ngắn và hạt to cứng hơn bây giờ.

Cà rốt

Cà rốt được tìm thấy lần đầu tiên ở Ba Tư và Tiểu Á vào thế kỷ 10. Lúc đầu, nó được cho là có màu tím hoặc trắng với gốc nhỏ, bị tách đôi. Dần dần nó mất sắc tố và chuyển thành màu vàng, củ phình to, mọng nước hơn.

Cà tím

Cà tím ngày nay có tổ tiên là những quả tròn màu vàng, xanh, trắng, tím và có gai. Chúng được trồng rất sớm bởi những người Trung Quốc và hiện nay phiên bản cà tím đã hoàn toàn khác xa với tổ tiên chúng.

Bắp ngô

Tiền thân là cây teosinte hầu như không ăn được nhưng nhờ lai tạo được bởi những người Bắc Mỹ 7.000 năm TCN.

Kích thước ngô ngày nay gấp 1.000 lần và dễ dàng bóc hạt hơn, ngoài ra nó cũng chứa 6.6% lượng đường, cao hơn hẳn so với ngô tự nhiên chỉ có 1.9%.

Hình dáng cây cũng khác nhau

Bắp cải, súp lơ, su hào có nguồn gốc từ cây mù tạt dại

Trước khi có thuyết tiến hóa của Darwin thì người nông dân đã biết lựa chọn những đặc tính riêng để lai tạo ra những giống mới mà mình mong muốn.

Do vậy, từ một cây mù tạt hoang dã, họ đã cho ra thành công các loại súp lơ, cải xoăn, cải bắp và su hào như hiện nay.

Nguồn: tổng hợp bởi Farmtech VietNam

Nuôi cấy giống ngô có tính chống chịu mặn cao

                                         Nuôi cấy giống ngô có tính chống chịu mặn cao

Trung tâm dinh dưỡng thực vật thuộc Đại học Giessen, Đức tuyên bố vừa nuôi cấy thành công giống ngô mới cho năng suất cao đồng thời có khả năng chống chịu mặn rất tốt.

Những nghiên cứu trước đó cho thấy các giống ngô khác nhau sẽ có khả năng chống chịu mặn khác nhau.

Trong thí nghiệm lần này, các nhà khoa học đã tạp giao nhiều loại ngô có tính chống chịu mặn tốt và cuối cùng đã nuôi cấy thành công một giống ngô mới có tính chống chịu mặn rất tốt và cho năng suất cao.

Tại nhiều khu vực trên thế giới đặc biệt là những khu vực khô hanh, hiện tượng nhiễm mặn đã làm giảm đi sự màu mỡ của đất, gây ảnh hưởng đến các cây trồng kinh tế.

Kết quả nghiên cứu này sẽ có lợi cho việc thúc đẩy công tác nghiên cứu đối với các cây trồng kinh tế khác trên các vùng đất nhiễm mặn./.

Tổng hợp bởi Farmtech Vietnam