Tham gia chuỗi sản xuất trứng cút sạch XK sang Nhật, thu 40 – 50 triệu đồng/tháng

Những người nuôi chim cút liên kết với doanh nghiệp tạo ra chuỗi sản phẩm sạch xuất khẩu sang thị trường Nhật Bản. Đó là Tổ hợp tác nuôi chim cút Nguyễn Hồ ở xã Long An, huyện Châu Thành, tỉnh Tiền Giang.

Thu gom phân loại trứng cút xuất khẩu

Ông Nguyễn Văn Nam, Phó Chủ tịch UBND xã Long An cho biết, ông Trần Nguyễn Hồ là người đầu tiên trong xã nuôi chim cút và sáng chế chuồng nuôi bằng sắt. Đặc biệt ông trực tiếp liên kết với một Cty Nhật Bản để tiêu thụ sản phẩm trứng sạch cho nông dân. Những cố gắng nỗ lực của ông đã được Chủ tịch nước tặng Huân chương Lao động hạng Ba năm 2013…

Nhằm phát triển nghề nuôi chim cút, tháng 10/2014, UBND xã Long An đã thành lập THT nuôi chim cút Nguyễn Hồ do ông Trần Nguyễn Hồ làm Tổ trưởng. Qua quá trình hoạt động cho thấy, đây là một mô hình liên kết làm ăn rất ổn định và hiệu quả, tạo công ăn việc làm và tăng thu nhập cho bà con.

Ông Trần Nguyễn Hồ cho biết, từ khi có THT bà con được tập huấn kỹ thuật nuôi chim cút, dùng thức ăn tự trộn theo công thức riêng, có sự giám sát chặt chẽ của DN. Không sử dụng kháng sinh, thuốc tăng trọng và chất bảo quản. Thức ăn trộn cho ăn trong ngày, không để thừa sang ngày hôm sau.

Ông Trần Nguyễn Hồ chia sẻ, thức ăn cho vật nuôi rất quan trọng, là một trong những yếu tố quyết định thành công hay thất bại của cả THT, ảnh hưởng trực tiếp đến chất lượng trứng. THT đã đầu tư 1 xe tải nhỏ chuyên thu gom trứng và 2 máy trộn thức ăn phục vụ các hộ nuôi, trứng sản xuất ra phải đảm bảo sạch. Hàng ngày THT cho xe tải nhỏ gom trứng của các hội viên về phân loại rồi xuất cho nhà máy đóng hộp trứng cút của Nhật. Sản lượng trứng xuất đạt 300.000 quả/ngày, với giá dao động từ 300 – 500 đ/quả.

“Để đảm bảo đủ sản lượng trứng cút cho thị trường XK, tôi đã mua thêm 2ha đất để làm nhà xưởng cho công nhân ở và xây chuồng trại. Tính tới thời điểm này gia đình đã nuôi 200.000 con chim cút”, ông Hồ chia sẻ.

Anh Huỳnh Văn Tuấn ở ấp Long Thạnh, xã Long An cho biết: “Trước đây gia đình anh làm rẫy trồng mía, trồng xoài. Do đất xấu nên SX không có hiệu quả. Năm 2005, ông Hồ chỉ cho cách làm chuồng trại và hỗ trợ vốn đầu tư nuôi 3.000 con. Khi có trứng bán thì ông trừ nợ dần. Ông Hồ không chỉ giúp anh mà còn giúp rất nhiều người ở trong xã. Đến nay họ đều tham gia THT tạo thành chuỗi sản phẩm sạch.

Hội viên tổ hợp tác đang thu hoạch trứng cút

“Bây giờ người nuôi không phải lo thị trường tiêu thụ như trước nữa. Cứ sáng sớm có xe của THT tới gom trứng, chiều là họ có tiền. Gia đình tôi đã phát triển được 30.000 con, mỗi tháng thu nhập 40 – 50 triệu đồng. Nhờ đó gia đình có của ăn của để”, anh Tuấn chia sẻ.

Nguồn: Nongnghiep.vn được kiểm duyệt bởi Farmtech VietNam.

Nông sản Việt “hái” tiền đô nhờ công nghệ Nhật

Sản xuất, chế biến theo công nghệ Nhật Bản giúp nông sản Việt Nam dễ dàng chinh phục các thị trường khó tính.

Từ sự hợp tác tận tình của đối tác Nhật Bản trong chuyển giao kỹ thuật, công nghệ, nhiều doanh nghiệp Việt Nam đã làm sản phẩm nông nghiệp theo tiêu chuẩn công nghệ của Nhật và gặt hái thành công.

Trồng hoa xuất sang Nhật bằng… cảm biến

Nắm thông tin về thị trường tiêu thụ hoa khổng lồ của Nhật Bản với 9 tỉ USD mỗi năm từ Tổ chức Xúc tiến thương mại Nhật Bản (Jetro), Công ty Pan Saladbowl đã chọn hoa cúc với 40 giống có màu sắc và kiểu hoa khác nhau làm sản phẩm chiến lược để đầu tư công nghệ Nhật, xuất khẩu sang Nhật. Đây là một trong những thị trường khắt khe nhất và khó nhằn với bất kỳ doanh nghiệp xuất khẩu nào.

Theo bà Nguyễn Thị Trà My, Chủ tịch HĐQT Công ty Pan Saladbowl, không phải tự nhiên Pan Saladbowl đi vào con đường khó mà có sự tính toán rất chi tiết và cẩn trọng. “Tại điểm khởi đầu, công ty đã tìm hiểu các cơ hội, nắm bắt nhu cầu thị trường, có đối tác cam kết tiêu thụ đầu ra, rồi mới tiến hành xây dựng nhà kính, đầu tư máy móc, công nghệ. Cách làm này sẽ không đặt doanh nghiệp vào thế rủi ro do đầu tư quá lớn nhưng không bán được hàng hóa” – bà My chia sẻ.

Một nhóm chuyên gia Nhật đã hỗ trợ Pan Saladbowl từ phân tích vùng trồng, thổ nhưỡng cho đến tư vấn kỹ thuật sản xuất. Theo đó, toàn bộ diện tích hoa trồng trong nhà kính với khả năng kiểm soát môi trường và khí hậu tối đa cho cây trồng thông qua các cảm biến và hệ thống máy tính tự động.

Quy trình trồng, chế biến chuối theo công nghệ Nhật được theo dõi rất chặt chẽ. Có khi chỉ một vài trái xấu phải bỏ cả nải chuối.

Một công nghệ hiện đại của Nhật Bản được công ty ứng dụng là sử dụng công nghệ IT, điện thoại thông minh vào quản lý, sản xuất nông nghiệp. Với việc áp dụng công nghệ này, người quản lý không cần ra đồng vẫn nắm bắt, biết được công nhân đang làm gì và hiệu quả công việc ra sao. Mỗi công nhân được trang bị một điện thoại thông minh đã cài sẵn chương trình quản lý.

Ví dụ, khi bắt đầu công việc thì nhấn vào nút bắt đầu, như bắt đầu lên luống hoặc tra hạt, chăm sóc… đến khi dừng công việc thì ấn vào nút kết thúc. Tất cả thông tin về quy trình đó sẽ lập tức được gửi về máy chủ và người quản lý sẽ biết được các công việc hay tình hình đang diễn ra.

“Suất đầu tư lên đến 10 tỉ đồng cho 1 ha nhà kính nhưng đổi lại, mô hình này đáp ứng được các tiêu chuẩn xuất khẩu sang thị trường Nhật, đảm bảo hoa đạt chất lượng đồng đều, màu sắc, trọng lượng, tuổi thọ kéo dài 6-7 tuần” – bà My tiết lộ.

Hiện nay, Pan Saladbowl sản xuất một năm hơn bảy triệu cành hoa cúc và cẩm chướng, xuất khẩu hết sang thị trường Nhật. “Các đối tác Nhật cho biết nếu công ty tăng thêm sản lượng gấp 2-3 lần thì thị trường Nhật vẫn bao tiêu hết” – bà My chia sẻ tin vui.

Khổ trước nhưng sướng sau

Không chỉ hoa mà gần đây, nhiều trang trại, doanh nghiệp Việt đã áp dụng thành công công nghệ Nhật để trồng rau, quả… Là đơn vị đầu tiên và duy nhất hiện nay xuất khẩu thịt gà sang Nhật Bản, ông Khưu Nhon Hiếu, Tổng Giám đốc Koyu&Unitek, cho biết để có kết quả này công ty đã phải trải qua các điều kiện, thủ tục thú y mất gần ba năm.

“Đặc biệt, công ty phải bỏ ra 6 triệu USD nhập dây chuyền máy móc, công nghệ từ Nhật Bản để xây dựng nhà máy có công suất chế biến 50.000 con gà/ngày” – ông Hiếu cho hay.

Ông Nguyễn Minh Kha, chủ trang trại gà đang cung ứng gà cho Công ty Koyu&Unitek, cho biết thêm để xuất khẩu được hàng đi Nhật cần tuân thủ các điều kiện rất khắt khe về chất lượng. Theo đó, toàn bộ gà giống phải được nhập khẩu từ Pháp và Mỹ.

“Trong quá trình nuôi không được xảy ra các dịch bệnh cúm gia cầm, bệnh dịch tả và không tồn dư kháng sinh. Ngay cả một số kháng sinh mà Việt Nam cho phép dùng trong chăn nuôi, Nhật cũng không cho sử dụng” – ông Kha kể.

Thành công với việc xuất khẩu thương hiệu chuối Fohla sang Nhật, Hàn Quốc và Singapore, ông Võ Quang Huy, Giám đốc Công ty TNHH Huy Long An, chia sẻ phải “đổ mồ hôi, sôi nước mắt”, thất bại nhiều lần mới đáp ứng yêu cầu khắt khe của các thị trường khó tính này vì trước đây doanh nghiệp chủ yếu xuất dễ sang Trung Quốc.

Ông Huy nhấn mạnh: “Dù khó khăn nhưng khi đã áp dụng theo các tiêu chuẩn, quy trình công nghệ Nhật thì doanh nghiệp không chỉ tiết kiệm được chi phí nhân công, giảm chi phí phân bón, thuốc bảo vệ thực vật, giảm hư hỏng nông sản sau thu hoạch… Quan trọng nhất là uy tín, chất lượng, thương hiệu được bảo đảm”.

Lợi cho nông dân

GS Võ Tòng Xuân, chuyên gia lĩnh vực nông nghiệp, cho rằng nông nghiệp Nhật Bản từ lâu đã nổi tiếng với công nghệ hiện đại, sản xuất sạch. Những năm gần đây, các doanh nghiệp Nhật đang chọn Việt Nam nơi có điều kiện thổ nhưỡng tương đồng, thích hợp để hợp tác đầu tư công nghệ cao trong nông nghiệp. Đây cũng là hướng phát triển mà nhiều doanh nghiệp Việt Nam đang hướng tới, hợp tác trực tiếp với Nhật để làm theo đơn đặt hàng.

Tuy vậy, theo GS Xuân, ngoài áp dụng công nghệ Nhật thì cần phát triển mô hình hợp tác xã nông nghiệp như Nhật với khả năng thực hiện đa nhiệm vụ. Cụ thể, một hợp tác xã có thể kinh doanh hàng loạt dịch vụ kinh tế-xã hội như cung cấp nguyên liệu đầu vào, tổ chức thị trường đầu ra, cho vay tín dụng, cung cấp dịch vụ bảo hiểm, phân phối hàng tiêu dùng…“Hợp tác xã kiểu Nhật cũng là đầu mối áp dụng khoa học kỹ thuật hợp tác chuyển giao với các doanh nghiệp, đảm bảo đầu ra, bảo vệ quyền lợi cho nông dân” – GS Võ Tòng Xuân gợi ý.

Nhiều ý kiến khác cũng cho rằng lời giải việc tăng giá trị nông sản, mang lại lợi nhuận cao nằm ở việc phát triển công nghệ trong nông nghiệp. Câu chuyện hàng Việt áp dụng công nghệ Nhật là kinh nghiệm tốt. Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường cũng cho biết hiện nay Bộ đang phối hợp với bộ, ngành liên quan đẩy nhanh các mô hình liên kết nông nghiệp công nghệ cao trong lĩnh vực rau quả nói riêng, trồng trọt nói chung phục vụ tái cơ cấu ngành nông nghiệp.

Nguồn: Tintucnongnghiep.com được kiểm duyệt bởi Farmtech VietNam.

Cây xoài mắn đẻ 800 quả ở Nhật Bản

Một cây xoài ở đảo Okinawa năm ngoái đã khiến nhiều người ngạc nhiên với 400 quả, thì năm nay cho quả nhiều gấp đôi.

Tháng 7 năm nay, trang trại của ông Mineo Higa ở làng Nakijin (Okinawa, Nhật) thu hút nhiều người tới tham quan. Cây xoài trong vườn nhà ông đã đậu tới 800 trái, lập kỷ lục cây sai quả nhất trong vùng và cả nước Nhật.

Cây xoài 29 năm tuổi chỉ cao hơn một mét nhưng tán lá xòe rộng với đường kính lên tới 10m. Bởi vậy, ông Higa buộc phải cắt bỏ những cây mọc xung quanh. Ông cũng phải làm giàn đỡ, treo các cành cây lên để tránh bị gãy.

Thông thường, một cây xoài cho khoảng 100 quả. Năm ngoái, cây xoài của ông Higa cho thu hoạch 400 quả.

“Chúng tôi giảm bớt các loại thuốc trừ sâu, sản xuất những loại hoa quả sạch, an toàn với sức khỏe. Mục tiêu của chúng tôi là nông nghiệp hài hòa với môi trường xung quanh”, ông Higa chia sẻ.

Ông Higa phát hiện những con ve ăn hết côn trùng có hại bám bên ngoài thân cây. Bởi vậy, ông đã tập hợp loại ve này lại và thả chúng trong vườn xoài. Nhờ vậy, cây bị ít sâu bệnh hơn.

Theo trang Ryukiu Shimpo, chủ vườn mát tay còn dự tính sẽ đăng ký Kỷ lục Guinness Thế giới cho cây xoài của mình.

Nguồn: Tintucnongnghiep được kiểm duyệt lại bởi Farmtech VietNam.

Bèo tây: thức ăn cho heo ở Việt Nam sang Nhật Bản thành đặc sản

Trong khi ở Việt Nam, bèo tây đa số chỉ được sử dụng để làm thức ăn cho lợn, thậm chí ở một số địa phương còn phải chi tiền để vớt bỏ chúng vì ảnh hưởng đến sản xuất thì ở Nhật Bản, chúng được bán với giá đắt đỏ.

Theo đó, vừa qua, trên mạng xã hội gây bất ngờ khi xuất hiện bức ảnh thùng bèo với nội dung in giá của một cây bèo là 80 yên Nhật, tức khoảng 16.000 đồng/cây nhỏ. Mức giá này được xem là vô cùng đắt đỏ khi bèo tây sống đầy ao hồ ở Việt Nam.

Bèo tây được bán ở Nhật Bản

Ở Nhật Bản người dân còn thường xuyên mua bèo tây trong siêu thị về ăn, làm gỏi, chữa bệnh hoặc dùng để lọc nước. Cây bèo tây được phát hiện ra có công dụng rất tốt khi đắp vết thương, mụn nhọt, giảm sưng tấy, chống viêm hiệu quả.

Ở Việt Nam, bèo tây được một số địa phương khai thác làm hàng thủ công mỹ nghệ, tuy nhiên, số lượng không nhiều. Một số ít nữa là các vựa trái cây dùng bèo tây để kê đệm hoa quả cho đỡ dập nát khi vận chuyển. Còn lại, đa phần bèo tây được dùng để làm thức ăn cho gà, vịt, lợn,… Người dân có thể tha hồ vớt bèo miễn phí về làm thức ăn chăn nuôi.

Bèo tây được sử dụng làm đồ mỹ nghệ

Hay mới đây, một bộ phận rất nhỏ người dân ở Hà thành thường tìm nguồn bèo tây sạch về chế biến thành các món ăn như: canh bèo tây, nộm bèo tây, bèo tây xào thịt bò, xào tôm hay dùng bèo tây làm rau ăn lẩu. Song, kiểu ăn này được cho là kỳ quặc, chơi trội,… khi đây là thứ chuyên dành cho gia súc, gia cầm.

Ngoài ra, ở Việt Nam, lượng bèo tây được khai thác là không đáng kể so với tốc độ sinh sản và phát triển mạnh như hiện nay.

Thế nên, một số địa phương đã phải bỏ công sức, tiền của ra vớt bèo tây bỏ đi. Hay mới đây, UBND TP Vĩnh Yên (Vĩnh Phúc) vừa phê duyệt mức kinh phí lên tới 800 triệu đồng để vớt bèo tây trên hồ Đầm Vạc nhằm đảm bảo cảnh quan cho hồ điều hòa lớn nhất TP Vĩnh Yên và cũng để đảm bảo luồng lạch trước mùa mưa bão.

Bèo tây xâm hại khu vực nuôi trồng thủy sản của người dân

Trước đó, đơn vị chức năng của thành phố này cũng đã vớt hơn 14ha bèo tây trôi nổi trên mặt hồ. Tuy nhiên, do tốc độ sinh sản và phát triển quá nhanh nên bèo tây vẫn phủ kín mặt hồ Đầm Vạc.

Theo y học cổ truyền, ngoài tác dụng làm thực phẩm, bèo tây còn có vị nhạt, tính mát, có tác dụng chữa sưng tấy, viêm đau như sưng bắp chuối bẹn, tiêm bị áp xe, chín mé, sưng nách, viêm tinh hoàn, viêm khớp ngón tay, viêm hạch bạch huyết,… Dân gian thường dùng phần phồng của cuống lá giã nát, thêm muối (5-8g trong 100g bèo) đắp, bó.

Nhiều chuyên gia trong ngành cũng cho biết, bèo tây có rất nhiều công dụng. Thế nhưng, ở Việt Nam, bèo tây còn được sử dụng quá ít. Đặc biệt, ngay trong cách sử dụng đơn giản nhất là dùng bèo tây sạch (mọc ở những nguồn nước sạch) để ăn cũng ít người biết tới.

Nguồn: Tổng hợp bởi Farmtech VietNam.

Kỳ vọng nông nghiệp công nghệ cao

Hiroki Iwasa, một doanh nhân công nghệ thông tin 40 tuổi với bằng Thạc sĩ Quản trị Kinh doanh (MBA), đang có trong tay 7 ngôi nhà kính trồng dâu bằng kỹ thuật công nghệ cao.

Ở đó, các máy tính tự đặt nhiệt độ và độ ẩm để tối ưu các điều kiện phát triển và bảo đảm các hàng rào được phun nước vào những thời điểm chính xác… Iwasa đã tiếp thị thương hiệu dâu mang tên “Migaki Ichigo” trực tiếp đến các cửa hàng bách hóa ở Tokyo, cũng như đến các khách hàng ở Hồng Công, Singapore, Đài Loan và Thái Lan.
Trang trại dâu của anh Iwasa nằm ở quê nhà Yamamoto ven biển ở vùng Đông Bắc tỉnh Miyagi, nơi từng bị ảnh hưởng sóng thần tháng 3-2011. Sau thảm họa đó, anh đã nghĩ đến một cơ hội kết hợp kỹ năng công nghệ với bí quyết chuyên môn trồng dâu của nông dân địa phương. Bằng cách thuê lại đất đai xung quanh, Iwasa đã mở rộng trang trại của anh đến 2ha, gấp 10 lần kích thước trung bình của một trang trại trồng dâu ở Nhật Bản. Giờ đây, anh là chủ Công ty GRA Inc, có 20 nhân viên toàn thời gian và 50 nhân viên bán thời gian. Theo Iwasa, trực giác và kinh nghiệm của người nông dân không phải lúc nào cũng mang đến kết quả thu hoạch tốt. Vì thế, điều quan trọng là phải nắm bắt được vững kiến thức về công nghệ và tự động hóa để sử dụng nó tăng năng suất.
Theo Kazunuki Ohizumi, Giáo sư danh dự của Đại học Miyagi, người đã nghiên cứu xu hướng nông nghiệp Nhật Bản trong nhiều thập kỷ qua, những doanh nghiệp nông nghiệp với quy mô lớn như vậy sử dụng công nghệ chính là tương lai của nông nghiệp Nhật Bản. “Những người nông dân quy mô lớn” là những người có thể tái tạo, phục dựng nền nông nghiệp Nhật Bản và sẽ thay đổi đáng kể. Nhật Bản đang có sự thay đổi hướng đến các trang trại có công ty quản lý. Số lượng này đã tăng từ 8.700 trong năm 2005 lên đến 20.800 trong năm ngoái.
Tất nhiên, số lượng thanh niên làm việc trong lĩnh vực nông nghiệp cũng đang tăng. Giáo sư Ohizumi dự đoán, doanh số từ các trang trại quy mô lớn – trên 50 triệu yên – sẽ tăng được 3/4 vào năm 2030, tức tăng 41% từ năm2015. Đặc biệt, trong vòng hai năm trở lại đây, hàng loạt công ty danh tiếng trong ngành công nghệ cao và sản xuất máy móc công nghiệp tại Nhật Bản đã đồng loạt tham gia lĩnh vực nông nghiệp như nhà sản xuất đồ điện tử Nhật Bản Fujitsu đã tạo nên bước đột phá trong công nghệ trồng rau siêu sạch, khi cải tạo một nửa nhà máy sản xuất chất bán dẫn ở tỉnh Fukushima thành nhà máy trồng rau…

Nhật Bản là một nước công nghiệp, tuy nhiên Thủ tướng Shinzo Abe trong chính sách phát triển kinh tế đặt ra mục tiêu tăng gấp đôi giá trị xuất khẩu sản phẩm nông nghiệp và gấp đôi thu nhập của nông dân Nhật Bản trong vòng 10 năm cũng như đầu tư cho nông nghiệp công nghệ cao. Những thay đổi như vậy đã góp phần thúc đẩy cải cách nền “nông nghiệp ẩn náu” của Nhật, nơi mà chỉ phát triển ưu thế ở các khu đất nhỏ và những người nông dân có độ tuổi trung bình trên 66 tuổi và sự đóng góp của ngành này cho nền kinh tế đã giảm đến 25% kể từ khi lên đến đỉnh điểm vào năm 1984. Nông dân Nhật Bản tin rằng công nghiệp hóa ồ ạt sẽ dẫn đến tình trạng thiếu lương thực trên phạm vi toàn cầu và với việc đầu tư vào nông nghiệp ngay lúc này, Nhật Bản có thể chuẩn bị cho những kịch bản xấu trong các thập kỷ sắp tới.

Nguồn: Báo Saigongiaiphong được kiểm duyệt lại bởi Farmtech VietNam.