Nông nghiệp hữu cơ có khác nông nghiệp sạch?

Nông nghiệp hữu cơ và nông nghiệp sạch về bản chất đều giống nhau là sản phẩm sạch, an toàn và truy nguyên được nguồn gốc nhưng khác nhau cơ bản về phương thức và điều kiện canh tác…

Một nông trại trồng rau hữu cơ ở Lâm Đồng

Nông nghiệp hữu cơ: SX theo kiểu tự nhiên, truyền thống lâu đời của con người mà tạo ra sản phẩm. Theo quy định của IFOAM (tổ chức bảo vệ quốc tế về nông nghiệp hữu cơ), khi sản phẩm được chứng nhận đạt tiêu chuẩn hữu cơ thì giống trồng do con người chọn lọc, bảo quản mà có, không phải là giống chuyển gen; đất trồng không sử dụng bất cứ loại phân hóa học, không dùng thuốc diệt cỏ, diệt sâu bệnh thuộc dạng hóa học và sử dụng nước sạch.

Nếu đất trước đó sử dụng các loại phân hóa học, thuốc BVTV thì phải cách ly khoảng 3 năm mới được sử dụng. Sản phẩm khi thu hoạch, vận chuyển, chế biến bảo quản phải được sử dụng công cụ và bao bì, đồ chứa đựng cũng sạch, khôn sử dụng các chất bảo quản cấm.

Nếu đối chiếu lại lịch sử canh tác của nông dân Việt Nam thì mấy ngàn năm qua, nông dân đã sử dụng các vật liệu, giống tự nhiên, không có hóa học, nên cũng được gọi là nông nghiệp hữu cơ. Tuy vậy cũng có khi chưa phải lúc nào cũng được gọi là nông nghiệp sạch.

Nông nghiệp sạch: Vẫn cho phép sử dụng tất cả các loại giống, kể cả giống chuyển gen, cho phép sử dụng phân hoá học, thuốc trừ sâu, trừ cỏ bằng hóa học. Tuy nhiên khi kiểm tra sản phẩm thì sản phẩm phải đạt tiêu chuẩn sạch. Người ta quy định sản phẩm sạch theo một hệ thống kết hợp kinh nghiệm và số liệu chứng minh mức độ tồn dư của chất nào đó trong từng sản phẩm mà con người sử dụng liên tục cũng không đủ sức gây độc hại đến cơ thể con người hay gia súc. Trong hoạt động SX cũng không gây ra ô nhiễm môi trường. Vượt ngưỡng quy định đó là thuộc loại sản phẩm không sạch. Dựa vào tiêu chuẩn quy định của từng nước, từng khu vực hay quy định chung của thế giới để đánh giá.

Như vậy người SX muốn sản phẩm của mình được tiêu thụ trong nước và thế giới thì phải bảo đảm được yêu cầu của họ. Người SX phải biết điều chỉnh số lượng phân bón, thuốc trừ sâu cho cây trồng, chọn nguồn nước đảm bảo dùng tưới cho đồng ruộng để đạt được tiêu chuẩn của từng loại khách hàng. Để thực hiện được tiêu chuẩn nông nghiệp sạch theo quy định này trên thế giới hiện nay đều dựa vào tiêu chuẩn của GAP, có thể VietGAP, Asean GAP hay GlobalGAP.

Tuy nhiên khi SX, người trồng phải theo dõi thông tin của khách hàng để điều chỉnh cho phù hợp. Ví dụ, người Nhật mua hạt tiêu của Việt Nam trước đây chỉ yêu cầu dư lượng Metalaxy trong hạt tiêu dưới ngưỡng 0,1ppm là được, nay người ta có yêu cầu cao hơn là phải đạt mức 0,05 ppm mới được. Biết được yêu cầu của khách hàng thì người SX hoặc không sử dụng loại thuốc này hoặc hạn chế tối đa sử dụng cũng như thời gian cách ly. Phân bón hóa học cũng vậy.

Muốn đạt chuẩn các chất dinh dưỡng không vượt mức cho phép thì phải giảm thiểu tối đa số lượng sử dụng, nhất là loại phân đạm. Thực tế SX sạch theo tiêu chuẩn GAP cũng không phải đơn giản. Ví dụ GlobalGAP gồm có 12 nội dung chính trong đó có 68 chỉ tiêu người SX phải tuân thủ. Các vật liệu và điều kiện SX phải có lý lịch rõ ràng. Sản phẩm cũng phải được kiểm tra, chứng minh bằng số liệu phân tích và cũng phải được một đơn vị có năng lực, có chức năng chứng nhận, khi cần có thể truy nguyên được nguồn gốc xuất xứ.

Vậy trong SX, nông dân nên làm theo nông nghiệp hữu cơ hay theo tiêu chuẩn GAP? Về hướng SX nông nghiệp hữu cơ, Bộ NN-PTNT vẫn khuyến khích, hiện đã có một số trang trại và HTX hay tổ hợp tác đang SX theo hướng này, và có những kết quả đáng khích lệ. Khách hàng nghe nói sản phẩm hữu cơ thường an tâm hơn dù giá cả còn cao. Tuy nhiên ta chưa có hệ thống kiểm tra đánh giá nghiêm ngặt nên không ít cửa hàng thu mua sản phẩm thường rồi cho vào bao bì cũng gọi là sản phẩm hữu cơ, trắng đen còn lẫn lộn.

Nông nghiệp sạch đạt tiêu chuẩn VietGAP hay GlobalGAP ở Việt Nam đã có nhiều mô hình nhỏ có, mô hình cánh đồng lớn có, bà con đã làm quen, chỉ cần có tổ chức và giải quyết đầu ra ổn định thì khả năng mở rộng nhanh chóng và mạnh mẽ.

Vả lại SX sạch theo GAP vẫn cho phép sử dụng phân bón hóa học là nhân tố quan trọng làm tăng năng suất dễ hơn để có sản lượng nhiều hơn, đáp ứng được nhu cầu dân số ngày một tăng cao mà diện tích canh tác ngày một thu hẹp.

Vì vậy, SX theo hướng tăng cường phân bón hữu cơ, giảm thiểu lượng đạm và quản lý sâu bệnh theo hướng hữu cơ sinh học sẽ là bước đi chủ yếu…

Nguồn: Nongnghiep.vn được kiểm duyệt bởi Farmtech VietNam.

Mô hình nuôi tôm sú sạch kết hợp rong nho và hải sâm

Mô hình nuôi tôm sú kết hợp với hải sâm và rong nho do Trung tâm Khuyến nông – Khuyến ngư tỉnh Ninh Thuận thực hiện thí điểm thành công trên diện tích 2 ha tại xã Phương Hải, huyện Ninh Hải.

Ông Nguyễn Tin, Giám đốc Trung tâm Khuyến nông -Khuyến ngư Ninh Thuận, cho biết mật độ thả nuôi tôm sú 20 con/m2; hải sâm 1 con/m2; rong nho 0,05 kg/m2. Mô hình này được thực hiện theo tiêu chuẩn VietGAP, không sử dụng kháng sinh, chủ yếu dùng chế phẩm vi sinh để bảo vệ môi trường. Theo đó, các hộ tham gia dự án được cán bộ của trung tâm tập huấn kỹ thuật nuôi, cách thiết lập hồ sơ, ghi chép nhật ký để theo dõi quá trình sinh trưởng của tôm, hải sâm và rong nho.


Mô hình nuôi kết hợp tôm sú – hải sâm – rong nho ở tỉnh Ninh Thuận đã thành công bước đầu và chuẩn bị được nhân rộng

Sau gần 9 tháng, kể từ ngày thả nuôi các giống thủy sản nói trên, tỉ lệ sống của tôm và hải sâm đạt trên 70% (cao hơn 15% so với nuôi thuần chủng). Sản lượng thu hoạch tôm trên 3,6 tấn/ha, hải sâm gần 2,6 tấn/ha, rong nho 3 tấn/ha, kích cỡ rong nho thu hoạch 3 kg/bụi rong. Sau khi trừ chi phí, 3 hộ nông dân tham gia lãi hơn 600 triệu đồng, cao trên 30% so với nuôi tôm sú thuần chủng.

Ông Nguyễn Văn Long, một trong 3 hộ nói trên, cho biết lúc mô hình mới triển khai, ông rất bỡ ngỡ nhưng ngay vụ đầu đã thấy hiệu quả vì môi trường nước sạch hơn, tôm và hải sâm không dịch bệnh. Nhờ sản phẩm sạch, các cơ sở thu mua giá cao hơn, từ 3.000 đến 7.000 đồng/kg (tôm, hải sâm, rong nho).

Theo đánh giá của các chuyên viên thủy sản, lợi ích lớn nhất của mô hình này là giảm tối đa lượng thuốc, hóa chất trong quá trình nuôi, đồng thời thức ăn được kiểm soát tốt, không để dư thừa nên môi trường nước rất sạch, không gây bệnh cho vật nuôi.

Hiện Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Ninh Thuận đang lập kế hoạch để nhân rộng mô hình nuôi thủy sản này trên địa bàn.

Theo báo Người lao động, tổng hợp bởi Farmtech Vietnam

Sản xuất chế phẩm thuốc trừ sâu không độc hại

Nhóm nghiên cứu thuộc Viện Bảo vệ thực vật đã hoàn thiện công nghệ sản xuất sử dụng 7 chế phẩm thuốc trừ sâu sinh học đa chức năng để phòng trừ dịch hại trên một số cây trồng nông-lâm nghiệp, có khả năng thay thế các loại thuốc hóa học độc hại.

Sản xuất chế phẩm thuốc trừ sâu không độc hại                                           Sản xuất chế phầm không độc hại

Bằng kỹ thuật công nghệ sinh học, các nhà khoa học đã nghiên cứu sản xuất: Chế phẩm trừ sâu xanh, sâu khoang, sau tơ hại rau đạt 75-89% sau 10 ngày phun thuốc. Chế phẩm Bacillus thuringienis (Bt) phòng trừ các loại sâu keo, sâu tơ, sâu khoang đạt hiệu quả sau 5-7 ngày phun thuốc. Chế phẩm Bt sản xuất theo phương pháp lên men phù hợp với điều kiện của Việt Nam.

Bên cạnh đó còn có các chế phẩm nấm côn trùng trừ sâu hại có hoạt lực diệt côn trùng cao; Chế phẩm nấm đối kháng trừ bệnh hại; Chế phẩm tuyến trùng sinh học trừ sâu hại cây trồng; Chế phẩm Momosertatin trừ sâu hại rau; Chế phẩm kháng sinh Ditacin có nguồn gốc từ xạ khuẩn và chế phẩm nấm đối kháng trừ bệnh hại cây trồng.

Trên cơ sở phát triển nghiên cứu của đề tài, các sản phẩm này đã được Bộ Khoa học và Công nghệ, Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, một số tỉnh thành phố mở rộng ứng dụng trong chương trình sản xuất rau an toàn, hình thành các vùng sản xuất rau an toàn ở Hà Nội, Vĩnh Phúc, Cần Thơ.

Hiện nay, một số Chi cục Bảo vệ thực vật được ngành bảo vệ thực vật cho phép đưa vào sử dụng chế phẩm này trong sản xuất rau an toàn như Vĩnh Phúc, Hải Phòng, Hà Nam, sản xuất lúa ở Đồng bằng sông Cửu Long.

Các chế phấm bảo vệ thực vật sinh học sản xuất trong nước đã góp phần giảm lượng thuốc nhập nội khoảng 10 tỷ đồng/năm, tạo công ăn việc làm cho các công ty, đơn vị tiếp nhận công nghệ, chủ động về nguyên liệu, kiểm soát được chất lượng sản phẩm, yên tâm sử dụng trên một số cây trồng như rau, quả đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm, sức khỏe cho người tiêu dùng.

Tổng hợp bởi Farmtech Vietnam

Xử lí đất trước khi trồng cây

Bạn bắt đầu trồng rau tại nhà nhưng vẫn còn lúng túng không biết bắt đầu từ đâu? Hoặc sau một vài vụ trồng rau đất của bạn đã bạc màu mà không biết làm thế nào. Câu trả lời chính là hãy bắt tay vào xử lí, cải tạo đất.

Đối với đất mới mang về ,  hoặc đất của các cây trồng từ vụ trước sẽ chứa các nguồn bệnh hại như nấm, vi khuẩn, virus, tuyến trùng hại cây trồng mà mắt thường chúng ta không nhìn thấy được. Nếu không xử lí thì khi ta trồng cây chúng sẽ phát triển gây hại thậm chí không cho thu hoạch.

đất đã được xử lí

Để xử lí đất trồng cây, ta thực hiện các bước sau:

  • Bước 1: Phơi khô đất:  nguồn bệnh thường thích hợp sống trong môi trường ẩm thấp, phơi khô đất trồng dưới ánh nắng mặt trời kết hợp với nhiệt độ cao giúp tiêu diệt hầu hết nguồn bệnh.
  • Bước 2: Làm tơi xốp đất: nếu đất của bạn bị đóng tảng hay có cục to bạn nên làm nhỏ đất, đường kính viên đất khoảng 1-2cm. Sau đó trộn với thêm vôi bột, xỉ than, trấu hun, xơ dừa, rơm rạ… Vôi bột sẽ giúp cung cấp thêm oxi và tăng hiệu quả sử dụng phân bón còn các loại vật liệu trên sẽ tạo không gian thoáng trong môi trường đất giúp đất tơi xốp hơn.

  • Bước 3: Tăng cường dinh dưỡng cho đất:  sau một thời gian sử dụng qua quá trình cây hút dinh dưỡng hoặc bị rửa trôi thì đất trở nên cứng hơn, thiếu dinh dưỡng không đủ cung cấp cho cây chúng ta sẽ phải bổ sung dinh dưỡng bằng cách trộn thêm phân trùn, phân hữu cơ, phân xanh vào đất. Ngoài ra ta cũng có thể tự làm phân hữu cơ từ rác hữu cơ trong bếp, vừa tạo dinh dưỡng cho cây, vừa sạch môi trường. Bạn cũng nên trộn thêm phân lân để bổ sung dinh dưỡng vào đất, lí do là bởi phân lân tuy là phân vô cơ nhưng có đặc điểm giống phân hữu cơ là tan rất chậm trong đất, bón trộn trước sẽ có thời gian cho chúng phân hủy.

Để tăng hiệu quả diệt nguồn bệnh, tăng dinh dưỡng cho cây bạn cũng có thể dùng thêm nấm đối kháng bán sẵn trên thị trường bổ sung cho khi trộn đất.

Tổng hợp bởi Farmtech Vietnam