Xã Nhơn Hải (TP Quy Nhơn, tỉnh Bình Định) đang thực hiện nhiều mô hình nuôi trồng hải sản: tôm hùm thương phẩm, tôm hùm giống, ốc hương…
Năm 2014, phát triển một mô hình nuôi trồng hải sản mới: nuôi ghẹ xanh thương phẩm trên biển.
Giá trị lớn
Ghẹ xanh (Portunus pelagicus), còn gọi là ghẹ hoa, có vỏ màu xanh và các chấm trắng trên lưng. Ghẹ xanh được khai thác quanh năm, có sản lượng khá nhiều ở Bình Định nói riêng và khắp vùng biển từ Bắc vào Nam nói chung. Với sản lượng khai thác tự nhiên như hiện nay, một số hộ ngư dân đã nuôi ghẹ xanh thương phẩm trong ao, hồ, đầm, vịnh, đìa; thả đăng, thả lồng nuôi trên biển… để xuất bán; ngoài ra còn nuôi ghẹ lột vỏ.
Ghẹ xanh có giá trị dinh dưỡng cao
Mùa vụ thả nuôi ghẹ xanh từ tháng 3 đến tháng 8 âm lịch hằng năm. Thức ăn của ghẹ xanh là cá, mực nhuyễn thể… Nguồn ghẹ cỡ nhỏ dồi dào có trong tự nhiên lâu nay được ngư dân đánh bắt và bán cho thương lái, bán ở các chợ, với giá 40.000 – 50.000 đồng/kg. Một kg ghẹ ban đầu có thể tăng trọng lượng 1,3 – 1,5 kg, sau khi đưa vào nuôi thành ghẹ lột. Ghẹ lột là đặc sản ngon, bổ dưỡng và hiếm, có giá trị kinh tế nên giá đầu ra cao gấp 3 – 4 lần so với sản phẩm thô ban đầu.
Hướng đi hiệu quả mới
Trong khuôn khổ dự án nuôi trồng thủy sản thực hiện theo đề án xây dựng nông thôn mới xã Nhơn Hải, giai đoạn 2011 – 2020, Tổ hợp tác nuôi ghẹ xanh thương phẩm trên biển do Hội Cựu chiến binh (CCB) xã Nhơn Hải chủ trì đã thả nuôi hơn 2.500 con ghẹ xanh giống, trên diện tích hơn 300 m2 (nuôi bằng hình thức thả đăng) tại đảo Hòn Khô. Trong đó, nguồn vốn nhà nước hỗ trợ 75 triệu đồng, Tổ hợp tác Hội CCB xã gồm 7 thành viên tham gia nuôi ghẹ xanh bỏ vốn 10 triệu đồng/người, thời gian thực hiện mô hình là 3 năm. Nguồn ghẹ giống ngư dân đánh bắt trong tự nhiên được mua tại TP Quy Nhơn về thả nuôi. Giá ghẹ giống 28.000 – 35.000 đồng/kg (khoảng 40 – 50 con/kg). Nuôi thương phẩm 3 tháng thì xuất bán. Giá ghẹ xanh thương phẩm trên thị thường hiện nay 180.000 – 250.000 đồng/kg.
Nuôi ghẹ xanh trên biển là hướng đi mới cho ngư dân
Đây là mô hình nuôi ghẹ xanh thương phẩm đầu tiên ở địa phương, bên cạnh nhiều mô hình nuôi hải sản (tôm hùm thương phẩm, tôm hùm giống, ốc hương thương phẩm, cá bóp…). Cùng đó, ngành nghề đánh bắt, khai thác thủy hải sản là những ngành kinh tế mũi nhọn ở địa phương, góp phần quan trọng vào sự ổn định và phát triển kinh tế – xã hội, đời sống nhân dân từng bước được cải thiện, công tác an sinh – xã hội được bảo đảm, an ninh chính trị được giữ vững, hệ thống chính trị được củng cố, kiện toàn. Mô hình nuôi ghẹ xanh thương phẩm trên biển hướng đến sự phát triển mới với nhiều mô hình trong nuôi trồng hải sản ở Bình Định. Thị trường tiêu thụ ghẹ xanh đang khá mạnh, mở ra một hướng sản xuất mới cho người nuôi trồng.
Ông Nguyễn Văn Chín, Chủ tịch Hội CCB xã Nhơn Hải, Tổ trưởng tổ hợp tác nuôi ghẹ xanh, cho biết: Dự án nuôi ghẹ xanh trên biển được triển khai nhằm tạo công ăn việc làm để hội viên CCB phát triển kinh tế, góp phần nâng cao thu nhập, cải thiện đời sống cho hội viên, đồng thời thực hiện công cuộc xây dựng nông thôn mới xã Nhơn Hải. Từ đó, nhân rộng mô hình ra cho hội viên và ngư dân trong xã để tham gia nuôi trồng thủy sản, phát triển kinh tế gia đình.
Nguồn: Tổng hợp bởi Farmtech Vietnam.