Nuôi xen ghép tôm sú – cá dìa – cua

Đầu năm 2017, Trung tâm Khuyến nông – Khuyến ngư tỉnh Quảng Bình phối hợp với Phòng NN-PTNT huyện Quảng Ninh triển khai mô hình nuôi xen ghép tôm sú, cá dìa và cua trên diện tích ao nuôi 3.000m2 của gia đình bà Lê Thị Lịch ở thôn Trúc Ly, xã Võ Ninh.

Nuôi xen ghép tôm sú – cá dìa – cua 

Trong quá trình thực hiện mô hình, gia đình bà Lê Thị Lịch được hỗ trợ con giống gồm 1.500 con cá dìa, 45.000 con tôm sú và 1.500 con cua và được tập huấn chuyển giao khoa học kỹ thuật và trực tiếp hướng dẫn quy trình, theo dõi tình hình sinh trưởng, phát triển của các loại đối tượng thủy sản nuôi trồng.

Sau gần 5 tháng thực hiện, nhìn chung mô hình phát triển khá tốt. Trọng lượng bình quân cá dìa đạt 200 gram/con, tôm sú 40 con/kg và cua 200 gram/con. Theo đánh giá tại hội thảo, mô hình cho thu hoạch 2 tạ cá dìa, 1,5 tạ cua và 6,7 tạ tôm sú, tổng doanh thu ước đạt hơn 182 triệu đồng; trừ chi phí đầu tư, hộ nuôi trồng có thu nhập 90 triệu đồng.

Đây là hình thức nuôi trồng mới, nuôi xen ghép các đối tượng nhằm cải thiện môi trường, hạn chế dịch bệnh, khai thác được tiềm năng ao hồ nuôi trồng thủy sản mặn lợ, hồ nuôi tôm kém hiệu quả hoặc bỏ hoang sang nuôi theo mô hình, góp phần tạo việc làm, tăng thu nhập.

Nguồn: Baomoi.com được kiểm duyệt bởi Farmtech VietNam.

Nuôi cá dìa giúp tăng thu nhập và cải tạo môi trường ao tôm

Đối với nông dân, một trong những khó khăn trong nuôi tôm chính là xử lý nạn ô nhiễm môi trường nước. Khắc phục khó khăn này, nhiều hộ dân ở tỉnh Thừa Thiên – Huế đã phát triển mô hình nuôi cá dìa kết hợp với con tôm sú.

Cá dìa có đặc tính thích ăn tạp. Do vậy, cá dìa sẽ ăn rong, tảo và một phần thức ăn dư thừa cùng những mùn bã hữu cơ giúp môi trường nước ao nuôi được sạch hơn, giảm thiểu dịch bệnh. Đây cũng là giải pháp góp phần cải thiện môi trường ao nuôi và sử dụng nguồn thức ăn có hiệu quả.

Theo kinh nghiệm của nông dân Thừa Thiên – Huế, nếu cá giống lớn, mật độ thả ghép thưa khoảng 1 con/m2, sau 4 – 5 tháng nuôi cùng tôm, cá dìa có thể cho thu hoạch 0,8 – 1 tấn/ha, tỷ lệ sống đạt 60% trở lên, lợi nhuận từ 70 – 80 triệu đồng/ha. Quan trọng hơn, khi nuôi ghép với tôm sú, tôm vẫn phát triển tốt, ít dịch bệnh, giảm được chi phí thuốc và hóa chất trong quá trình nuôi.

Một ưu điểm khác của cá dìa là có thể nuôi ngay trong ao tôm bị dịch bệnh. Cá dìa sẽ tiêu diệt các mầm bệnh tồn lưu trong ao tôm. Nông dân có thể thả cá với mật độ từ 2 – 3 con/m2, sử dụng thức ăn tự chế hoặc cám công nghiệp. Sau 10 – 12 tháng nuôi, cá có thể đạt trọng lượng 0,6 – 1kg/con, tỷ lệ sống cao.

Cá dìa ăn thức ăn tự nhiên nên chi phí đầu tư thức ăn thấp. Tuy nhiên, nông dân cũng cần chọn con giống sạch, có chế độ chăm sóc tốt, đề phòng các bệnh, chủ động theo dõi các yếu tố môi trường, vì cá dìa khá nhạy cảm với biến đổi thời tiết…

Viện Nghiên cứu Nuôi trồng thủy sản I, Đại học Huế, Đại học Nha Trang, Đại học Cần Thơ đã sản xuất giống cá dìa nhân tạo thành công. Vì vậy, nông dân có nhu cầu nuôi có thể liên hệ với các địa chỉ trên để mua con giống và tìm hiểu thông tin, kỹ thuật nuôi.

Nguồn: Tomvang.com được kiểm duyệt bởi Farmtech VietNam.

Sáng kiến nuôi xen ghép tôm, cua, cá kình và cá đối

Sáng kiến nuôi xen ghép tôm, cua, cá kình và cá đối của chị Trần Thị Hồng Vân (34 tuổi, ngụ xã Phước Quảng, H.Quảng Điền, Thừa Thiên-Huế) đã giúp nhiều nông dân thoát khỏi cảnh nợ nần do nuôi tôm.

Mô hình nuôi ghép tôm cua, cá kình, cá đối mang lại hiệu quả cao, ít xảy ra dịch bệnh

Là người gây dựng cơ nghiệp từ nghề nuôi trồng thủy sản, những sáng kiến của chị Trần Thị Hồng Vân đã giúp nông dân thoát cảnh nợ nần, có thêm sinh kế mới. Vân được T.Ư Đoàn trao giải thưởng Lương Định Của 2017.

Sáng kiến nuôi xen ghép tôm, cua, cá kình và cá đối của chị Trần Thị Hồng Vân (34 tuổi, ngụ xã Phước Quảng, H.Quảng Điền, Thừa Thiên-Huế) là giải pháp giúp hàng trăm hộ nuôi trồng thủy sản tại H.Quảng Điền thoát cảnh nợ nần, thua lỗ.

Trần Thị Hồng Vân đã dành nhiều tháng khảo sát trên các ao nuôi, tìm đọc tài liệu về nuôi trồng thủy sản để giải mã hiện tượng tôm sú dịch bệnh. Ngoài nguồn nước, Vân cho rằng người dân chỉ nuôi tôm sú, lượng thức ăn tồn dư quá nhiều cũng làm tăng ô nhiễm nguồn nước, làm phát sinh dịch bệnh. Bằng kiến thức đã tìm hiểu và tham vấn ý kiến các nhà khoa học, chị Vân tìm cách vận động người dân chuyển đổi giống nuôi trồng, đặc biệt là đưa cá đối vào nuôi xen ghép cùng các loại thủy sản khác.

“Người dân bao năm chỉ nuôi tôm sú, tâm lý bảo thủ nên chuyển đổi sang nuôi con khác thì không mặn mà, bỡ ngỡ, mình phải đến từng nhà kiên trì vận động làm thử”, chị kể lại.

Chị Vân đã thử nghiệm nuôi xen ghép tôm, cua, cá kình và cá đối trên diện tích 8 ha, được chính quyền địa phương ủng hộ, hỗ trợ miễn phí giống cá đối. Qua một vài đợt nuôi thử nghiệm, các ao nuôi đều cho năng suất cao, đặc biệt là không xảy ra dịch bệnh.

“Khi thả vào ao nuôi xen ghép, con cá đối có vai trò như đối tượng xử lý môi trường khi ăn thức ăn dư thừa và các mùn bã hữu cơ, phân của các loài khác khiến môi trường nước được cải thiện, loại bỏ tác nhân ô nhiễm do thức ăn dư thừa. Chi phí cho mô hình xen ghép này thấp hơn so với chỉ chuyên nuôi tôm sú. Người nuôi có thu nhập tăng thêm từ con cá đối với mức giá bán 80.000 – 120.000 đồng/kg”, chị Vân chia sẻ.

Thành công đó nhanh chóng được người dân nhân rộng. Sau 3 năm, diện tích ao nuôi chuyển đổi, xen ghép đã lên tới 643 ha, chiếm 99% tổng diện tích ao nuôi tại địa phương. Mô hình này cũng được chọn để nhân rộng trong toàn H.Quảng Điền, vực nghề nuôi thủy sản phát triển, kinh tế nhiều hộ gia đình đã phục hồi trở lại sau một thời gian dài rơi vào cảnh nợ nần do thất bại từ việc nuôi tôm.

Nguồn: Báo Thanh Niên được kiểm duyệt bởi Farmtech VietNam.

Lợi ích cá rô phi trong ao tôm

Môi trường vùng nuôi xuống cấp sau nhiều năm nuôi liên tục, quy trình nuôi thâm canh tăng mạnh thì ít nhất giải pháp này sẽ góp phần giảm bớt lượng thuốc, hóa chất đưa xuống ao nuôi, cá rô phi còn giúp giảm áp lực khí độc dưới đáy ao nuôi tôm, như các nhà khoa học nhận định: “cá rô phi là máy lọc nước sinh học” cho ao nuôi tôm.

Ông Nguyễn Văn Nhiệm – Chủ tịch Hiệp hội Tôm Mỹ Thanh tỉnh Sóc Trăng cho biết: “Môi trường xuống cấp nghiêm trọng, ở đây nhiều bà con trong hiệp hội cũng đã nuôi cá rô phi ghép trong ao nuôi, lấy nước nuôi cá rô phi để nuôi tôm thời gian vừa qua bà con làm rất hiệu quả. Tuy nhiên đây là biện pháp nuôi để ổn định môi trường, hạn chế thuốc hóa chất nhất là môi trường nước trong ao rất tốt, ít tốn chi phí để xử lý”.

Khi môi trường vùng nuôi thâm canh, tăng vụ với quy mô hơn 30.000 ha, canh tác mang tính chuyên canh nhiều năm liên tục đã gây ra tình trạng suy thóai, môi trường ao nuôi thì biện pháp nuôi cá luân canh, nuôi ghép cá rô phi trong ao là giải pháp khắc phục môi trường ao nuôi hữu hiệu trong giai đoạn này.

KS Trần Hoàng Dũng – Phó Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Trần Đề cho biết: “Ngoài con cá rô phi thì cá kèo, cá chẻm,… có thể nuôi để rồi sau đó lấy nước để nuôi tôm.

Chúng ta có thể nuôi một vụ cá kèo, cá chẻm sau vài tháng thì lấy nước vào ao nuôi rất hiệu quả. Tuy nhiên cá chẻm chi phí nuôi rất cao nên tốt nhất là nuôi cá rô phi để lấy nước nuôi tôm là tốt nhất, dễ làm nhất”.

Thạc sĩ Lâm Ánh Tiên – Phó Trưởng Phòng Kỹ thuật Trung tâm Khuyến nông Sóc Trăng cho biết thêm: “Các nhà khoa học cũng đã chứng minh được hình thức nuôi cá phi trong ao, nuôi lồng, nuôi cá lấy nước nuôi tôm thì lợi ích khá lớn vì nguồn nước này có chứa các loại vi khuẩn có lợi.

Nuôi cá rô phi trong ao lắng là một phương pháp vệ sinh nước trước khi nuôi tôm, giảm bớt tối đa sự phát sinh mầm bệnh xảy ra trong ao tôm. Theo thống kê thì ao nuôi cá rô phi có màu nước tốt, ít tảo tàn, môi trường ổn định. Cá rô phi có khả năng làm xanh nước, giảm sự phát triển vi sinh vật. Nhiều nhà khoa học cho rằng lấy nước nuôi cá rô phi phục vụ nuôi tôm có lợi ích khá lớn, vì nguồn nước này chứa vi khuẩn có lợi. Hơn nữa, cá rô phi còn sử dụng xác tôm, cá, động vật thủy sản chết, từ nguồn nước lấy vào hệ thống ao lắng, nhằm hạn chế sự phát tán của sinh vật gây bệnh từ ngoài vào hệ thống nuôi. Như vậy, nuôi cá rô phi trong ao lắng để có nguồn nước chất lượng tốt, dùng trong ao nuôi tôm hạn chế tối đa sự phát triển mầm bệnh.

Nghiên cứu của Đại học Arizona (Mỹ) đã xác định cá rô phi giúp thiết lập hệ sinh thái vi sinh trong nước với các quần thể tảo và vi khuẩn cân bằng. Trong một hệ sinh thái vi sinh cân bằng như vậy, vi khuẩn gây bệnh ít có cơ hội phát triển đến đủ mật độ có thể gây bệnh cho tôm. Vì vậy, nuôi cá rô phi trong ao lắng trước khi bơm vào ao nuôi có thể đem lại tác dụng phòng bệnh tích cực, giúp khống chế bệnh hoại tử gan tụy cấp.

Nuôi ghép cá phi sẽ làm giảm các độc tố đáy ao tôm, như khí NH3 gây ô nhiễm nền đáy ao. Mặt khác khi lấy nguồn nước này thì các chất lơ lững trong ao nuôi rất hạn chế, có lợi cho nuôi tôm”.

Lợi ích từ quy trình luân canh để lấy nước từ ao nuôi cá sang nuôi tôm, hình thức nuôi ghép, nuôi đăng quầng… đã khẳng định được tính hiệu quả, song hình thức này cũng chỉ phù hợp với mật độ thấp, còn đối với quy trình nuôi tôm thâm canh hiệu quả nhất cũng chỉ ở mật độ 30 – 40 con/m2 là thích hợp.

Cơ sở hạ tầng kỹ thuật chưa đồng bộ, đặc biệt là hệ thống thủy lợi vừa giữ vai trò cấp nước vừa thoát nước như hiện nay thì xu hướng nuôi tôm an toàn sinh học là hướng phát triển trước mắt đối với vùng nuôi tôm giai đoạn hiện nay.

Những ao lắng được nuôi cá rô phi, những đăng quần giữa ao nuôi, nuôi ghép cá rô phi trong ao tôm xuất hiện ngày càng nhiều là một tín hiệu đáng phấn khởi trước xu thế nuôi tôm thâm canh, bán thâm canh tăng nhanh như hiện nay.

Nguồn: Tomvang được kiểm duyệt lại bởi Farmtech VietNam.

Quy trình nuôi ghép tu hài, ốc hương và rong câu

Việc nuôi ghép các đối tượng này trong ao đầm nước mặn vừa đa dạng hóa đối tượng nuôi vừa hạn chế rủi ro dịch bệnh và nâng cao thu nhập cho người dân. Quy trình này đang được nhân rộng tại các vùng ven biển miền Trung.

Chuẩn bị ao nuôi

Khu vực nuôi là ao, đầm nguồn nước có độ mặn từ 25‰ trở lên trong suốt thời gian nuôi (8 tháng). Diện tích tối thiểu từ 3.000 m2 trở lên, trong đó, diện tích nuôi tu hài và rong câu ở giữa phải chiếm 30 – 50% tổng diện tích ao nuôi. Ao có bờ bao chắc chắn và cống cấp, thoát nước đảm bảo gần nguồn nước để thuận tiện thay nước. Chất lượng nước có pH 7,5 – 8, đáy cát bùn (cát nhiều hơn bùn, không nhiễm phèn và ít mùn bã hữu cơ).

Tháo cạn nước ao, đầm dọn sạch các loại rong, rêu, san hô, cây cỏ… tu sửa bờ ao, cống, nếu bùn đáy dày thì có thể nạo vét bớt, san bằng đáy, tạo dốc về phía cống thoát.

Dùng vôi nông nghiệp (CaO) rải xuống đáy ao, liều lượng 500 – 700  kg/ha để vệ sinh, sát trùng đáy ao. Nếu đáy ao không bằng phẳng cần rải vôi tập trung ở những vùng trũng, nhiều bùn. Xung quanh bờ ao phải vây lưới cước quanh bờ, sát mép nước (cỡ mắt lưới a = 0,3 cm) để ngăn không cho ốc bò lên bờ.

Khu vực nuôi tu hài và rong câu ở giữa ao được vây chắn lưới xung quanh với diện tích 1.000 – 2.000 m2 (dài 40 – 50 m và rộng 25 – 40 m). Đào rãnh sâu 15 – 20 cm, rộng 20 cm, cắm cọc đỡ lưới (đường kính cọc 5 – 7 cm, cao 1 m, khoảng cách 2 m/cọc), sau đó, đưa lưới xuống rãnh phủ đất và lèn chặt chân.

Cấp nước sạch cho ao vào kỳ triều cường, nước được lọc qua hệ thống đăng lưới chắn để ngăn rác, cá tạp và các loại địch hại khác vào ao. Duy trì mực nước 0,8 – 1,2 m trong ao và lắp quạt khí để đảo nước và tăng cường ôxy hòa tan trong ao khi ốc lớn, mật độ nuôi cao (2 dàn quạt/3.000 m2).

Nuôi ghép Tu hài, Ốc hương và Rong câu cho hiệu quả cao

Thả giống và chăm sóc

Thả giống

Giống ốc hương: được mua về cỡ 15 – 20 mm (4.000 – 6.000 con/kg), vận chuyển bằng bao nilon bơm ôxy, đóng kín vào thùng xốp, giữ nhiệt độ 24 – 250C hoặc đóng khô, giữ nhiệt độ 24 – 250C trong suốt quá trình vận chuyển. Ốc khoẻ mạnh, màu sắc tươi sáng, bò lên nhanh khi cho ăn và vùi toàn bộ xuống cát khi ăn xong. Không có các biểu hiện nhiễm bệnh như trắng vỏ, gãy đỉnh vỏ, sưng vòi…

Giống tu hài: có thể mua từ trại giống sản xuất nhân tạo hoặc giống thu gom từ tự nhiên, giống thường có kích cỡ 1.500 – 3.000 con/kg, giống phải khỏe mạnh không bị sứt sát, màu sắc tươi sáng và vòi không bị sưng. Mật độ thả 7 – 8 con/m2 ghép với trồng rong câu (0,5 kg/m2). Rong và tu hài được trồng và nuôi trong đăng chắn ở giữa ao.

Ốc hương: nuôi làm 2 giai đoạn: Giai đoạn ương (1 tháng đầu), thả 800 – 1.000 con/m2, nuôi trong đăng chắn với diện tích 200 m2. Nuôi lớn: Sau 1 tháng nuôi, ốc đạt cỡ 700 – 900 con/kg, mở lưới đăng và san thưa ốc trong ao (khu vực nuôi ốc) để nuôi lớn, mật độ 30 – 40 con/m2.

Chăm sóc, quản lý

Thức ăn cho ốc hương bao gồm cá tạp, tôm, tép…; cho ăn 1 – 2 lần/ngày, lượng thức ăn chiếm 10% trọng lượng thân và được điều chỉnh hàng ngày theo sức ăn của ốc. Nên sử dụng thức ăn tươi, không cho ốc ăn thức ăn ôi thiu. Có thể căn cứ vào điều kiện môi trường nước ao nuôi cùng với tốc độ sinh trưởng và mật độ ốc thả mà có thể san thưa để đảm bảo ốc sinh trưởng tốt. Cùng đó, có thể kết hợp tháo cạn nước, vệ sinh ao để san thưa sang ao và đăng nuôi khác nếu môi trường đáy ao có nhiều bùn và rong.

Trong quá trình nuôi thường xuyên quan sát hoạt động ăn mồi của ốc, kiểm tra sự dò rỉ nước ao, kịp thời phát hiện địch hại để diệt trừ. Theo dõi lượng thức ăn thừa hàng ngày để điều chỉnh cho phù hợp. Thay nước định kỳ 3 – 5 ngày/lần, mỗi lần 20 – 30% lượng nước ao. Luôn phải giữ cho môi trường ao nuôi trong sạch, tránh ô nhiễm làm ốc bị nhiễm bệnh. Duy trì mực nước trong ao 0,8 – 1,2 m để ổn định nhiệt độ, hạn chế rong đáy phát triển. Ốc hương thường vùi mình trong bùn và sống chủ yếu dưới tầng đáy, do vậy để tránh ô nhiễm đáy cần vớt hết thức ăn thừa. Vận hành quạt khí liên tục từ tháng thứ 2 trở đi nhằm cung cấp ôxy hòa tan và gom tụ chất thải vào giữa ao làm thức ăn cho tu hài. Cùng đó, nguồn dinh dưỡng sinh ra trong quá trình phân hủy mùn bã hữu cơ, bài tiết của ốc sẽ được rong câu hấp thụ, vừa làm trong nước ao vừa hạn chế được tảo và vi khuẩn gây bệnh phát triển. Trong vụ nuôi, cần hạn chế sự biến động lớn của độ mặn (không quá 5‰), để tu hài, rong câu, ốc hương phát triển tốt cần định kỳ thay nước ao đầm (15 – 20‰) vào kỳ con nước có độ mặn cao để cung cấp thêm nguồn thức ăn cho tu hài và làm trong nước, giúp ốc hương và rong câu phát triển tốt.

Ổn định các yếu tố môi trường trong suốt vụ nuôi như nhiệt độ nước: 27 – 300C; độ trong 30 – 35 cm, pH 7,5 – 8,5, độ kiềm 100 – 120 mg/l kiềm, ôxy hòa tan trên 4 mg/l, độ mặn 25 – 30‰; H2S < 0,01 mg/l; NO2 và NO3 < 0,1 mg/l. Cần kiểm tra chất đáy định kỳ (tháng/lần), nếu chất đáy có mùi hôi thối, chuyển sang màu đen thì tiến hành cào đáy, quạt và thay nước. Ngoài ra có thể bổ sung thêm cát sạch dày khoảng 2 cm.

Thu hoạch

Sau 5 – 6 tháng nuôi, khi ốc hương đạt kích cỡ lớn 25 – 30 con/kg con thì thu hoạch bằng cách dùng bẫy, lồng nhử mồi hoặc vợt để thu tỉa những con to, con nhỏ để lại nuôi tiếp. Sau 8 tháng nuôi trở lên có thể thu hoạch tu hài bán nếu đạt kích thước thương phẩm 30 – 40 con/kg.

Rong câu sau 2 tháng nuôi có thể tiến hành thu tỉa (tháng/lần) và luôn đảm bảo mật độ rong 0,5 – 1 kg/m2.

Nguồn : thuysanvietnam, được kiểm duyệt bởi Farmtech Vietnam

Nuôi kết hợp ốc hương, hải sâm và rong nho : hiệu quả cao và bền vững

Ốc hương là thực phẩm cao cấp, có giá trị dinh dưỡng, thương mại cao, nghề nuôi ốc hương đã được nhiều người phát triển rộng rãi. Tuy nhiên hiện nay đa số người dân nuôi ốc hương với hình thức nuôi đơn, thả mật độ dày. Vài vụ nuôi đầu cho năng suất cao, càng về sau nguồn nước càng ô nhiễm bởi hóa chất và thức ăn thừa nên dẫn đến dịch bệnh trên ốc, làm năng suất hạ thấp thậm chí mất trắng cả vụ nuôi.

Trước tình hình đó, Trung tâm khuyến ngư quốc gia đưa ra cho bà con mô hình nuôi mới : nuôi kết hợp ốc hương, hải sâm và rong nho. Hải sâm cát đã nhân giống thành công và được nuôi phổ biến tại Khánh Hòa. Trong khi đó, rong biển cũng là đối tượng nuôi mang lại hiệu quả kinh tế cao, được nhiều người ưa chuộng. Khi nuôi kết hợp 3 loài này mới nhau, hải sâm có tác dụng lọc tầng đáy, ăn thức ăn thừa, vụn hữu cơ của ốc hương, còn rong nho hấp thu các chất hữu cơ lơ lửng trong nước, giúp nước sạch và mát hơn. Sau đó là hải sâm, rong biển sẽ chuyển dạng năng lượng thấp (chất thải) sang năng lượng cao và hữu ích; đồng thời giúp người nuôi tăng thu nhập trên cùng đơn vị diện tích.

Nuôi ghép 3 đối tượng này cho hiểu quả kinh tế cao

Mô hình áp dụng biện pháp kỹ thuật như sau :

Mô hình diện tích ao từ 2.500 – 5.000 m², độ mặn từ 20‰ trở lên, độ sâu mực nước từ 1,2-1,5 m. Đáy ao là đáy cát bằng phẳng dốc về phía cốc tiêu nước, được cắm lưới xung quanh (mắt lưới 2a = 2 mm) đáy cách bờ 5m, để ngăn không cho ốc bò lên bờ ao, có phần lưu không 1-2 m xung quanh ao. Sau 1 tháng nuôi thì lắp các cánh quạt.

Mật độ thả nuôi ốc hương 40 – 50 con/m² (cỡ trung bình 10.000 con/kg). Sau 1 tháng tiến hành thả hải sâm 0,5 con/m² (cỡ trung bình 50 g/con) và rong nho 500 kg/ha. Rong nho được đặt trong lồng, kích cỡ 1 m²/lồng. Mỗi lồng trồng 500 g rong nho giống

Sau thời gian thả nuôi từ 5 – 6 tháng thì tiến hành thu hoạch.  Lúc này ốc hương đạt kích thước 120 – 140 con/kg và hải sâm đạt 250 – 400 g/con. Thu hoạch ốc hương trước bằng máy. Sau khi bắt ốc hương xong, tháo cạn nước và dùng vợt hoặc tay để bắt hải sâm.

Kết quả thực hiện mô hình nuôi kết hợp ốc hương với hải sâm và rong biển năm 2015 tại hai điểm như sau:

– Năng suất rong nho đạt trung bình 17,6 tấn/ha; ốc hương đạt 2,5 tấn/ha; hải sâm đạt 1,3 tấn/ha.

– Lợi nhuận từ mô hình dao động từ 82,6 – 344 triệu đồng/hộ (trung bình đạt 224,7 triệu đồng/0,5 ha/vụ hay 449,4 triệu đồng/ha/vụ).

Khi so sánh với mô hình nuôi đơn cùng diện tích thì lợi nhuận nuôi đơn chỉ đạt 129,5 triệu/0,5 ha. Như vậy so với mô hình nuôi đơn, mô hình nuôi kết hợp lợi nhuận tăng 42,4%. Hiệu quả kinh tế của mô hình nuôi kết hợp cao gấp 1,7 lần so với mô hình nuôi đơn. Tỷ suất lợi nhuận đạt trung bình 59,4%/9 tháng (hay 6,6%/tháng), cao gấp 11 lần so với lãi suất ngân hàng.

Mô hình đã và dang được nhân rộng

Dự án tại Khánh Hòa đã góp phần tạo phương thức nuôi hải sản mới, giúp cho người dân chuyển từ hình thức nuôi đơn thiếu bền vững sang nuôi kết hợp cải thiện môi trường, tăng hiệu quả kinh tế và bền vững. Tuy vậy, do đây là mô hình mới nên người dân còn ngại chuyển đổi, nên cần được phổ biến, nhân rộng nhiều hơn nữa.

 Tổng hợp bởi Farmtech Vietnam

Cần nhân rộng mô hình nuôi cua trong ao tôm suy thoái

Trong những năm gần đây, tình hình dịch bệnh tôm nuôi liên tiếp xảy ra khiến cho không ít hộ nuôi tôm ở các xã ven biển Hoài Nhơn bị thua lỗ. Vừa qua, thành công của mô hình nuôi cua xanh thương phẩm tại thôn Cửu Lợi Tây, xã Tam Quan Nam đã đem lại triển vọng khôi phục môi trường nuôi trồng thủy sản, tạo sự yên tâm cho người dân làm nghề nuôi thủy sản.

Mô hình nuôi cua xanh thương phẩm của ông Vũ ở thôn Cửu Lợi Tây

Ông Trần Tuấn Vũ, ở thôn Cửu Lợi Tây vốn có thâm niên hàng chục năm trong nghề nuôi tôm nhưng trong những năm gần đây bị thua lỗ nặng do dịch bệnh tôm xảy ra liên tiếp, kéo theo đó hồ nuôi cũng bị ô nhiễm nặng nên không thể tiếp tục nuôi. May mắn là đầu tháng 3.2017, ông được Trung tâm Khuyến nông tỉnh và Trạm Khuyến nông huyện Hoài Nhơn chọn triển khai mô hình nuôi cua thương phẩm trong ao nuôi tôm suy thoái.

Sau 5 tháng thực hiện trên diện tích 5.000 m2 ao nuôi, mô hình đã đạt được các chỉ tiêu như kế hoạch đề ra. Tỉ lệ cua sống đạt trên 40%, trọng lượng trung bình từ 3 – 4 con/kg, năng suất trên 2,1 tấn/ha. Với giá bán hiện nay 150 ngàn đồng/kg, doanh thu được 162 triệu đồng, trừ chi phí còn lãi 44 triệu đồng.

Cũng theo ông Vũ, hiện thị trường đầu ra khá thuận lợi, bởi cua xanh thương phẩm có thịt thơm ngon, được người tiêu dùng ưa chuộng. Việc nuôi cua khá suôn sẻ nhờ nguồn giống có chất lượng tốt, nguồn thức ăn tại chỗ dồi dào như các loài cá tạp, đầu mực, rong tảo. Đặc điểm sinh trưởng của loài cua rất có lợi cho việc làm sạch môi trường ao nuôi. Nếu nuôi cua xanh xen kẽ với cá rô phi, các đối mục sẽ cho lợi nhuận kép, giảm được thời gian và tận dụng được thức ăn thừa của cua giúp cá tăng trọng lượng nhanh hơn.

Theo thống kê, toàn huyện Hoài Nhơn hiện có 210 ha diện tích mặt nước nuôi trồng thủy sản, riêng xã Tam Quan Nam có gần 50 ha, chủ yếu nuôi tôm; song những năm qua đã có trên 25 ha tôm nuôi bị dịch bệnh do môi trường ô nhiễm, nên việc triển khai mô hình nuôi cua xanh thương phẩm trong ao nuôi tôm suy thoái là rất hợp lý và mang lại lợi ích thiết thực cho người dân.

Ông Huỳnh Xuân Vấn, Phó Chủ tịch UBND xã Tam Quan Nam, cho biết: “Mô hình nuôi cua xanh thương phẩm trong ao nuôi tôm bị suy thoái đã cho kết quả rất khả quan; nếu được nhân rộng thì đây là một hướng nuôi mới đầy triển vọng giúp bà con gỡ lại vốn sau những vụ tôm thất bại”.

Qua mô hình nuôi thí điểm hiệu quả thấy rõ, bà con nông dân và chính quyền địa phương đồng tình ủng hộ, tuy nhiên để tiếp tục nhân rộng mô hình ở các vùng nuôi tôm thường xuyên bị dịch bệnh, ông Huỳnh Xuân Vấn kiến nghị: “Trong điều kiện bà con chưa chủ động được nguồn giống, thời gian tới chúng tôi rất mong Trung tâm Khuyến nông tỉnh, Trạm Khuyến nông huyện tiếp tục hỗ trợ nhân rộng mô hình tại một số hồ nuôi cần thiết khác trên địa bàn. Đồng thời để việc nuôi cua xanh thương phẩm phát triển bền vững, các ngành chức năng cần định hướng vùng nuôi, hạn chế người dân thả nuôi đại trà sẽ dẫn đến cung vượt cầu, cua bán mất giá”.

Nguồn: tepbac được kiểm duyệt lại bởi Farmtech VietNam