Phân biệt cây mật gấu nam và cây mật gấu bắc

Cây mật gấu là thảo dược tự nhiên được biết đến như một trong những vị thuốc quý của dân tộc. Tuy nhiên, hiện nay việc lựa chọn cây mật gấu đúng chuẩn, chất lượng cũng như cách dùng, công dụng của loại dược liệu này đang trở thành mối quan tâm của rất nhiều người. Bài viết này sẽ cung cấp cho bà con một cái nhìn toàn diện nhất về loại cây mật gấu.

Nhiều người cứ nghĩ rằng cây mật gấu có hai loại là mật gấu nam và mật gấu bắc. Cái tên mật gấu nam mà mọi người hay gọi chỉ là do địa điểm trồng mà ra, thực chất nó chính là kim thất tai (cây lá đắng). Cây mật gấu Bắc và kim thất tai thực tế là 2 loại, công dụng điều trị cũng như sử dụng cũng khác nhau, do đó chúng ta cần biết phân biệt để áp dụng cho đúng tình trạng bệnh của mình, tránh nhầm lẫn dẫn tới việc điều trị không hiệu quả.

Sự khác nhau giữa cây mật gấu nam và bắc

Cây mật gấu chính là cây hoàng liên ô rô, mọc ở vùng núi phía Bắc Việt Nam, một loại cây thân gỗ thuộc họ hoàng liên cao khoảng 1,5m trở nên. Chính vì thế, loài cây thân mềm, lá đắng như mọi người vẫn hay gọi là mật gấu nam thực chất là không đúng. Cách phân biệt cũng như hoạt tính 2 loại này như sau:

Cây kim thất tai (cây lá đắng)

  • Tên gọi khác: cây lá đắng, săm gan, mật gấu nam bộ, cây cơm kìa, cây bầu đất, thiên đắc địa hồng… Trung Quốc còn gọi là Nam Phi Diệp.
  • Đặc điểm nhận biết: Cây nhỏ thân thảo, mềm giống như cây dâu tằm, dạng bụi, cao từ 1 – 2m, cành thẳng, gốc phân nhánh. Lá kim thất tai có đường kính khoảng 2 – 4cm, mềm mại, có lông tơ, phiến lá dày răng cưa, đầu lá nhọn, to và hơi tù, cuống lá dài khoảng 2cm, khi già lá nhẵn bóng. Hoa kim thất tai mọc ở đầu cành thành từng chùm.
  • Bộ phận sử dụng: Lá cây. Lá cây kim thất tai có vị đắng nên thường được gọi là cây lá đắng. Dân gian thường dùng lá cây để nhai sống chữa bệnh, nấu canh hoặc pha trà uống. Vì thuộc họ Cúc nên lá kim thất tai có tác dụng tiêu viêm, phong ngứa, tiêu thũng, bình nhiệt…
  • Hỗ trợ chữa bệnh: Đau nhức buốt lưng, sưng đau do trật đả, đau thần kinh do phong thấp, sưng đau, đau vai gáy, bệnh trĩ, viêm gan, mát gan, mỡ máu, giã rượu, mẩn ngứa… Nhiều người truyền tai nhau hình ảnh tờ báo nói cây lá đắng trị tiểu đường, nhưng thực tế chưa có nhà nghiên cứu nào chứng minh công dụng này, vì thế tốt nhất người bệnh nên tham khảo ý kiến bác sĩ, tránh để lại tác hại không may.

Cây kim thất tai 

Hoàng liên ô rô

Lâu nay, cây mật gấu Bắc vẫn bị nép vế hơn so với kim thất tai, cũng bởi những thông tin sai lệch trôi nổi trên mạng. Nhưng chính xác thì, hoàng liên ô rô mới thực chất là cây mật gấu chuẩn. Hiện nay, mật gấu Bắc chủ yếu được tìm thấy và trồng tại các vùng núi cao của phía Bắc như Lai Châu, Sơn La và một số viện dược liệu Hà Giang, Cao Bằng.

  • Tên gọi khác: Vì có tác dụng như vị hoàng liên, lá lại răng cưa như ô rô nên các nhà nghiên cứu đã đặt tên loài cây này là Hoàng liên ô rô, nhưng dân gian quen gọi với cái tên mật gấu Bắc hơn. Tên khoa học là Mahania annamica Gagne.
  • Đặc điểm nhận biết: Là loài cây thân nhỏ, cao khoảng 3 – 4m, thân gỗ màu vàng, cành không có gai. Lá cây mật gấu Bắc rất dễ nhận biết, dạng kép hình lồng chim sẻ, mọc so le dài 20 – 40cm, đầu sắc nhọn, có 2 gai ở phía cuống lá, cuống tròn rộng 25 – 40mm, dài khoảng 7 – 10cm, mỗi bên có khoảng 4-8 răng… Hoa mọc thành cụm, màu vàng nhạt, phân cành phía dưới. Quả mọng màu xanh, hình cầu.

Theo nghiên cứu thì một cây hoàng liên ô rô có khoảng 0,3% ancaloit (bao gồm becbamin, oxyacanthin, magnoflorin, jatrorrhizin, panmatin, becberin…). Quả cũng chứa jatrorrhhizin và berberin. Rễ chứa neprotin và umbellatin. Riêng thân cây có 0,35 – 2,5% becberin, chính vì thế thân cây đem lại nhiều dược tính có lợi và thường được sử dụng nhất.

  • Bộ phận sử dụng: Khác với kim thất tai, mật gấu Bắc sử dụng thân cây là chủ yếu. Tính đắng và mát của hoàng liên ô rô sẽ công vào 4 kinh thận, can, phế, vị… giúp thanh nhiệt, giải độc, làm se, tiêu viêm.

Cây hoàng liên ô rô

 

Như vậy có nghĩa kim thất tai và mật gấu không phải là một, mỗi loại lại cho công dụng riêng. Nói thế không có nghĩa cây kim thất tai mà mọi người hay gọi là cây mật gấu Nam không tốt, ngược lại nó cho hiệu quả chữa bệnh đáng nể. Tuy nhiên, việc phân biệt là vô cùng cần thiết, chúng ta nên gọi cho chính xác để tìm mua và sử dụng đúng cách.

Tổng hợp bởi Farmtech Vietnam.