Kỹ thuật nuôi Cá Ba Sa trong ao đạt chất lượng cao

Để có được kỹ thuật nuôi cá basa trong ao đúng cách đạt năng suất và chất lượng tốt không phải ai cũng làm được. Bởi vì nó còn phụ thuộc vào rất nhiều yếu tố chủ quan và khách quan.

1. Thiết kế và xây dựng ao

Lựa chọn vị trí

Việc đầu tiên trong kỹ thuật nuôi cá basa trong ao là phải lựa chọn vị trí nên nuôi cá basa ở đâu cho thích hợp. Nên chọn những ao gần sông và kênh mương lớn để tiện cho việc lấy nước. Tuy nhiên mực nước sông ít thay đổi và có độ sâu tối thiểu 1,5m. Bên cạnh đó nguồn nước đó không bị nhiễm phèn, hay bị ô nhiễm bởi các chất thải từ các nhà máy, khu dân cư và các chất độc hại khác….Ngoài ra nên xây dựng ao nuôi ở gần nguồn cung cấp thức ăn dành cho cá basa, nơi thuận lợi để vận chuyển và buôn bán cá sau khi thu hoạch.

Chuẩn bị ao

Thông thường, nên chọn ao nuôi cá basa có diện tích khoảng trên 500m2, mực nước có độ sâu từ 2-3m. Bờ ao phải chắc chắn và có cống để giúp thoát nước dễ dàng cho ao. Lưu ý về các tiêu chí của môi trường ao như: nước có nhiệt độ từ 26-30 độ C, pH thích hợp từ 7-8, và hàm lượng oxy hòa tan trên 2mg/lít. Trước khi tiến hành thả cá vào ao, nên dọn ao thật sạch sẽ, vét bớt bùn, tát cạn nước, dọn dẹp cỏ và bắt hết các loại cá tạp. Sau đó rải vôi ở bờ và đáy ao để khử độc cũng như điều chỉnh độ pH thích hợp. Tiếp tục phơi ao trong vòng 2-3 ngày, cuối cùng bơm nước vào sao cho mực nước đạt yêu cầu rồi tiến hành thả giống. Đây là những yêu cầu cơ bản trong kĩ thuật nuôi cá basa trong ao.

2. Mùa vụ nuôi

Trước đây, nguồn giống thường phụ thuộc vào điều kiện tự nhiên nên bà con nông dân thường chỉ nuôi 2 mùa chính, vụ 1 (tháng 4-6), vụ 2 (tháng 11-12), thu hoạch cá thịt vào tháng 5-6 hoặc tháng 12-1 năm sau đó.

Tuy nhiên, ngày nay với công nghệ hiện đại, đã chủ động được con giống sinh sản nhân tạo nên mùa vụ thả giống có thể nuôi quanh năm.

3. Chọn cá giống với kỹ thuật nuôi cá basa trong ao

Chọn cá giống là khâu cực kì quan trọng trong kỹ thuật nuôi cá basa trong ao, khi chọn giống phải là những con khỏe mạnh, màu sắc tươi sáng, không có dấu hiệu bệnh tật hay xây xát và có kích cỡ đều nhau để tránh tình trạng tăng trưởng không đồng đều. Thường thì cá basa có chiều dài từ 10-12cm.

Nên thả cá ở mật độ từ 15-20 con/m2.

Trước khi tiến hành thả cá, cần tắm cho cá tầm 5-6 phút với nước muối 2% để khử trùng. Nên thả từ từ, nhẹ nhàng để cá thích nghi dần với môi trường mới.

4. Thức ăn nuôi cá basa

Các loại thức ăn

Đối với kỹ thuật nuôi cá basa trong ao có 2 loại thức ăn là thức ăn tự chế biến và thức ăn công nghiệp. Do giá thành thức ăn công nghiệp khá cao nên hiện nay, các hộ nuôi cá basa thường sử dụng thức ăn tự chế biến, bởi nguyên liệu rẻ và dễ kiếm, dễ tận dụng. Tuy nhiên, loại thức ăn này lại ít hàm lượng dinh dưỡng và mất nhiều thời gian chế biến. Trong khi đó thức ăn công nghiệp hàm lượng dinh dưỡng ổn định, vừa dễ sử dụng, bảo quản cũng như vận chuyển dễ dàng. Nếu dùng thức ăn công nghiệp thì trong 2 tháng đầu mới thả nuôi, nên cho ăn loại thức ăn có hàm lượng đạm 28-30%, các tháng tiếp theo giảm dần hàm lượng đạm còn khoảng 25-26%.

Hai tháng cuối cùng chỉ sử dụng thức ăn có hàm lượng đạm 20-22%. Còn đối với thức ăn tự chế biến thì nguyên liệu gồm có cá tạp, cá khô tạp, bột cá, đậu nành, cám gạo, tấm, rau xanh và một số phụ phẩm khác. Nên trộn thêm premix khoáng và vitamin C để kích thích cá ăn nhiều và sức đề kháng tốt hơn.

Chế biến thức ăn

Ở kĩ thuật nuôi cá basa trong ao này, thức ăn cho cá nên được trộn đều và xay thật nhuyễn rồi nấu chín. Thức ăn viên công nghiệp thường có cả dạng chìm và nổi, được tính toán và phối chế cân đối, hợp lý các thành phần và hàm lượng dinh dưỡng phù hợp cho cá. Lưu ý đối với cả 2 loại thức ăn phải tuân theo quy định không được chứa các loại hóa chất, nấm mốc, hoặc kháng sinh đã bị cấm, đảm bảo chất lượng và vệ sinh an toàn thực phẩm.

Phương pháp cho ăn

Nên vo thức ăn lại thành các viên tròn nhỏ rồi rải từ từ cho cá ăn từng ít một để cá sử dụng một cách triệt để.

Mỗi ngày cần chia ra 2 lần để cho cá ăn, buổi sáng từ 6-10 giờ, buổi chiều từ 16-18 giờ. Thường xuyên quan sát và theo dõi tình hình ăn và tăng trưởng của cá để tính toán điều chỉnh lượng thức ăn cho hợp lý, không để cá ăn thiếu hoặc dư thừa thức ăn. Không cho cá ăn thức ăn quá hạn sử dụng. Ngoài ra, luôn vệ sinh sạch sẽ thường xuyên hàng ngày nơi chế biến thức ăn cũng như các thiết bị, dụng cụ chế biến thức ăn. Ở kỹ thuật nuôi cá basa trong ao, đòi hỏi phải có phương pháp cho ăn đúng thì cá mới có thể tăng trưởng nhanh và đạt chất lượng tốt.

5. Quản lý chăm sóc

Quản lý ao

Đối với kỹ thuật nuôi cá basa trong ao thì việc dành thời gian quan sát, kiểm tra ao là không thể thiếu. Bởi để kịp thời phát hiện và xử lý các hiện tượng bất thường như bờ ao bị sạt lở, cống bọng bị rò rỉ, hư hỏng…

Quản lý chất hóa học

Không được dùng thuốc và hóa chất cấm mà phải cập nhật thông tin thường xuyên về thuốc và hóa chất sử dụng trong ngành thủy sản qua đào tạo. Nên theo hướng dẫn trên nhãn sản phẩm thuốc, hóa chất để sử dụng một cách hợp lý về liều dùng, nơi bảo quản, thời kỳ hết hạn sử dụng. Không sử dụng sản phẩm thuốc, hóa chất không rõ nguồn gốc hay hết hạn sử dụng.

Quản lý chất thải và môi trường

Đây là việc cực kì quan trọng và không thể thiếu trong kĩ thuật nuôi cá basa trong ao. Cần phải thay nước mới hàng ngày, để cá có môi trường sống sạch, tránh bị bệnh. Không thả các loại chất thải xuống ao nuôi cá. Nước thải ra từ ao nuôi phải được xử lý khoa học trước khi thải ra sông để tránh làm ô nhiễm môi trường xung quanh và ảnh hưởng đến sức khỏe của cộng đồng.

Quản lý dịch bệnh

Khi phát hiện có hiện tượng cá nổi đầu khác với bình thường, nhanh chóng xác định nguyên nhân, tìm hiểu bệnh và có biện pháp xử lý kịp thời. Để phòng bệnh cho cá và khử trùng nước ao, có thể dùng vôi bột hòa nước và rải đều khắp ao với liều lượng 1,5-2kg/100m3 nước ao. Hoặc có thể dùng các loại chế phẩm vi sinh hoặc formol để xử lý và khử trùng nước ao nuôi.

Trên đây là toàn bộ kỹ thuật nuôi cá basa trong ao mà bà con có thể áp dụng cho hộ gia đình mình. Tình hình nuôi cá basa ở Việt Nam chuyển biến tốt dần dần. Cá basa khá dễ nuôi nhưng nếu không biết cách thì sẽ không thể đem lại được hiệu quả như mong muốn. Vì vậy nên tìm hiểu thật kỹ càng mô hình kỹ thuật nuôi cá basa trong ao đúng cách để có một vụ mùa bội thu.

Nguồn: Tepbac.com được kiểm duyệt bởi Farmtech VietNam.

Phòng trị bệnh cho cá tra và cá basa nuôi trong bè

Nuôi cá bè là một trong những kỹ thuật nuôi thâm canh có hiệu quả. Nhưng do nuôi mật độ cao và cung cấp một lượng lớn thức ăn, nên dẫn đến môi trường trong bè và xung quanh dễ dàng bị ô nhiễm và là điều kiện để bệnh cá bộc phát, lây lan gây thiệt hại cho người nuôi. Theo điều tra hàng năm ở khu vực nuôi cá bè đồng bằng sông Cửu Long, tỷ lệ hao hụt mà chủ yếu do bệnh cá gây chết ở cá basa nuôi bè là 15%, có khi lên tới 30 – 40%.


Nguyên nhân

Các bệnh không truyền nhiễm (Bệnh do môi trường gây ra)

Cá basa rất nhạy cảm với những biến đổi của môi trường, do đó vào các tháng 1 – 2, khi nhiệt độ hạ thấp đột ngột, làm cho cá kém ăn hoặc bỏ ăn, dẫn đến cá suy dinh dưỡng và dễ nhiễm bệnh gây chết ở các tháng sau đó.

Vào tháng 4-5, nhiệt độ lên cao (có ngày tới 31 – 32 độ C) cũng dễ làm cho cá nhiễm bệnh, đặc biệt xuất huyết đường ruột gây chết hàng loạt. Cá basa dễ bị chết ngạt do thiếu oxy ở những thời gian nước đứng (đặc biệt từ giữa đến cuối mùa khô), khi thiếu oxy, cá thường bơi nhào lên, làm cho cá dễ bị lộn ruột và chết. Cá có thể chết do nước có nhiều khí độc như H2S, CH4, NH3 … hoặc CO2 quá cao, nước nhiễm phèn, nước thải công nghiệp có độc tố, thuốc trừ sâu, thuốc diệt cỏ …

Ngoài ra, thức ăn và vấn đề cho ăn cũng ảnh hưởng đến sức khỏe của cá. Nếu nguyên liệu chế biến thức ăn để quá lâu (như bột cá để lâu quá sẽ bị hư, mốc và nấm độc phát triển, cá tạp bị ươn thối, cám gạo bị mốc…) sẽ có nguy cơ gây độc cho cá. Thức ăn không đủ hàm lượng đạm sẽ làm tăng trưởng chậm và dễ nhiễm bệnh. Thiếu vitamin sẽ làm sức tăng trưởng giảm, cá bị co giật.

Các bệnh truyền nhiễm

Gồm có nhiều tác nhân gây bệnh cho cá như vi khuẩn, virus và ký sinh trùng. Bệnh cá bè hầu như xuất hiện quanh năm, tuy nhiên cũng có một số bệnh xuất hiện theo mùa rõ rệt như bệnh viêm ruột gây chết cá basa vào các tháng đầu năm, bệnh đốm đỏ, đốm trắng xuất hiện nhiều vào các thời điểm giao mùa (tháng 2-3 và 5-6), bệnh nhiễm giun tròn xuất hiện ở tất cả các tháng trong năm.

Biện pháp phòng trị một số bệnh phổ biến

Bệnh đốm đỏ


Xuất hiện vào lúc giao mùa, nhiễm trên cả cá tra, basa và nhiều loài cá khác. Bệnh gây do một số loài vi khuẩn như Aeromonas hydrophila và Pseudomonas fluoresen. Cá bị bệnh thường bơi lờ đờ trên mặt nước, trên thân xuất hiện điểm xuất huyết nhỏ li ti, nếu bệnh nặng thì các gốc vây cũng xuất huyết. Bụng cá trương to, thành ruột xuất huyết, cá ít ăn hoặc bỏ ăn. Các tia vây lưng, hậu môn và vây đuôi bị rách xơ xác. Cách phòng trị: Nếu cá còn ăn được thức ăn thì trộn thuốc vào thức ăn như sau: Nitrofurazon 2 gam (hoặc Oxytetracyclin) 2 gam + Vitamin C, 3 gam/100kg cá. Cho cá ăn liên tục 5-7 ngày, lưu ý thức ăn trộn thuốc nên giảm đi một nửa.

 Bệnh trắng da (hay bệnh mất nhớt)


Bệnh dễ xuất hiện khi cá bị xây xát hoặc bị sốc do đánh bắt, vận chuyển hoặc do nhiệt độ môi trường nước thay đổi đột ngột. Tác nhân gây bệnh là do vi khuẩn Flexibacter columnaris. Cá nhiễm bệnh thường bỏ ăn, yếu dần, gốc vây lưng xuất hiện màu trắng, lan dần đến cuống đuôi và toàn thân. Bệnh nặng xuất hiện các vết loét ăn sâu vào cơ. Vây cá rách xơ xác yếu ớt rồi chìm xuống đáy và chết. Cách phòng trị: Trộn vào thức ăn Oxytetracycline 5 gam/100kg cá bệnh, hoặc Sulfadimezin 5 gam + Oxytetracycline 2 gam/100kg cá. Cho cá ăn liên tục 5-7 ngày.

Bệnh xuất huyết đường ruột


Bệnh xuất hiện vào các tháng mùa khô, khi nhiệt độ cao gây cho cá bị xuất huyết nội tạng (chủ yếu ở cá basa) và gây thiệt hại lớn cho nghề nuôi cá basa. Tác nhân gây bệnh là vi khuẩn Staphylococcus sp. Cá bị bệnh thì bụng bị trương to, hậu môn lồi, sưng đỏ, vây bụng xuất huyết, cá biếng ăn, bơi tách đàn. Khi giải phẩu nội tạng thấy đường ruột bị xuất huyết, cơ xoang bụng cũng bị xuất huyết, đôi khi mỡ cũng có màu hồng. Để phòng bệnh, nhiều chủ bè đã dùng cây cỏ mực băm nhỏ, nấu chung với thức ăn, đã phòng bệnh cho cá vào đầu mùa khô rất tốt. Lượng dùng: 1kg cỏ mực + 0,5g muối + 70kg cám. Cứ cách một tuần cho ăn một lần. Cách trị bệnh Dùng Sulfathiazone 6 gam + Thiromin 0,5gam/100kg cá bệnh Hoặc Sulfaguanin 5-10gam + 70kg cám/100kg cá bệnh, cho ăn đến ngày thứ 3 thì giảm đi 1/2 liều, đến ngày thứ 5 cá sẽ hết bệnh.

Bệnh do ký sinh trùng

Bệnh giun tròn: do tác nhân thuộc giống Philometra ký sinh trong ruột cá. Chúng không gây thành dịch lớn, nhưng ảnh hưởng đến sức tăng trưởng của cá, phá hoại niêm mạc ruột và gây viêm ruột, đôi khi tắc ruột, thủng ruột hoặc tắt ống dẫn mật. Cách xổ giun: Dùng thuốc Nova – Parasite trộn với thức ăn theo liều 1 kg/300 kg thức ăn cho ăn 1 lần/ngày (buổi sáng), liên tục 3 – 5 ngày. Dùng thuốc Praziquantel trộn vào thức ăn, liều lượng 50 – 75 mg/kg thức ăn cho ăn liên tục 4 – 6 ngày, nên kết hợp trộn thêm Vitamin C để tăng sức đề kháng của cá.

Bệnh sản lá 16 móc (Dactylogyrus): là loài sán có kích thước cơ thể dài 0,5-1mm, thường ký sinh trên mang cá tra và basa. Chúng bám chặt vào mang và niêm mạc của mang để hút máu, gây viêm loét mang cá. Cách phòng trị: Treo giỏ thuốc Sulfat đồng (CuSO4) 5-7ppm (1gam trên mét khối nước)).

Tổng hợp bởi Farmtech Vietnam