Kỹ thuật xử lý để Cam, Quýt ra hoa đậu trái nghịch vụ

Hiện nay,  có nhiều nhà vườn đã quen với việc xử lý cho cây trồng ra hoa đậu trái nghịch vụ bằng các loại thuốc kích thích, thuốc BVTV.. Tuy nhiên, nếu lạm dụng quá các loại thuốc này thì chẳng khác nào con dao hai lưỡi do giá thành cao, gây ảnh hưởng đến môi trường và sức khỏe con người và làm giảm tuổi thọ của cây.

Quýt nghịch vụ

Để góp phần khắc phục và hạn chế những cách làm cũ, hãy cùng tìm hiểu kỹ các bước xử lý cho cam, quýt ra hoa đậu quả nghịch vụ mà không cần lạm dụng đến hóa chất và thuốc kích thích, thuốc BVTV, mà vẫn đem lại hiệu quả kinh tế cao.

Kỹ thuật xử lý để Cam, Quýt ra hoa đậu trái nghịch vụ

► Giai đoạn sau thu hoạch

– Bón vôi: Sau khi cuốc đất làm đứt rễ bà con nên phơi khô từ 5-7 ngày sau đó mới bón vôi. Bón vôi bột 1kg/gốc

– Bón phân: Sau khi bón vôi từ 5-7 ngày thì tiến hành bón phân
+ Phân hữu cơ đã ủ hoai mục với Nấm đối kháng Trichoderma NANO: Bón 10-20kg/gốc
+ Phân Urê: 200g
+ Phân DAP: 100g
+ Đậu tương nghiền nhỏ: 1-2,5 kg/gốc tùy tuổi cây
Lượng phân này cũng sẽ chống lại hiện tượng cây ra trái cách niên (tức năm có, năm không). Việc sử dụng Nấm đối kháng trichoderma là rất quan trọng, để ngăn chặn sự xâm hại của tuyến trùng và nấm bệnh gây thối rễ trên cây trồng.

– Phun sương qua lá bằng chế phẩm sinh học theo tỷ lệ 1:2000

► Giai đoạn xử lý ra hoa

– Hái bỏ trái vào khoảng tháng 4 – 5 âm lịch.
– Vào tháng 6-7 âm lịch tiến hàng xiết nước và ngưng tưới để cho cây có thời gian “ngủ nghỉ”. Đến khi có mưa, “đánh thức” cây dậy bằng cách tưới thêm vào những ngày nắng.
– Bón phân: 200g DAP + 50g KCl hoặc 200g AT2. Nửa tháng sau cây ra hoa khoảng 50%.
– Kết hợp phun chế phẩm sinh học qua lá. Theo tỷ lệ 1:2500. Cách 7-15 ngày phun 1 lượt. Đến khi cây ra hoa rộ thì dừng phun.
– Tháng 8 âm lịch bón phân bằng 1/2 đợt vừa rồi cho cam ra hoa đợt hai.
– Tháng 9 bón phân liều lượng bằng đợt vừa bón cho cam ra hoa đợt ba.

► Giai đoạn nuôi trái

– Bón phân: 200g NPK 20-10-15 cho một cây.
– Phun phun chế phẩm sinh học qua lá. Theo tỷ lệ 1:2500. Cách 7-15 ngày phun 1 lượt >> Để giúp cây có đủ dinh dưỡng nuôi trái. Hạn chế hiện tượng rụng trái non
– 1 tháng sau bón phân bằng 1/2 đợt bón nuôi trái lần đầu và phun phân bón lá lần hai.
– Neo trái, chống hiện tượng rụng trái: Bón thêm 100g NPK 20-10-15 cho mỗi cây. Đợt này không nên phun phân bón lá vì trái cam không còn lớn và dễ tạo điều kiện cho nấm phát triển trái sẽ bị đen.

► Phòng trừ sâu, bệnh hại

– Nếu có điều kiện, dùng túi chuyên dụng loại 16 x 20cm bao trái lại vào ngày thứ 45 sau đậu trái nhằm bảo vệ trái không bị da lu, da cám do nhện, ngài (bướm), ruồi, bọ xít, nấm… đeo bám.
– Nuôi kiến vàng: Kiến vàng là loài có lợi cho các loại cây có múi vì nó tấn công các loại sâu ăn lá, sâu vẽ bùa, sâu cuốn lá, sâu đục bông, bọ xít, rầy chổng cánh và xua đuổi các loài bướm tới đẻ trứng hoặc ăn ấu trùng của sâu, nhện… Vì vậy nếu có điều kiện nên hốt ổ kiến vàng thả nuôi hoặc giăng dây dẫn dụ chúng từ các cây khác bò sang vườn cây của mình.
– Tưới nước: Tưới bằng mô tơ điện hoặc bơm nước bằng máy dầu ở những nơi không có điện (để đỡ tốn nhiên liệu). Phun trực tiếp vào gốc, lá cây và trái (nếu không bao trái); phun gần sẽ tạo áp lực mạnh làm cho ấu trùng, sâu, nhện đỏ, nhện vàng, nhện trắng… hạn chế rất nhiều do không có khả năng đeo bám.

♦ Lưu ý

– Thu hoạch cam, quýt vụ nghịch vào khoảng tháng 1,2,3 âm lịch là chuyện dễ dàng vì không cần sử dụng phân và thuốc kích thích, cây vẫn ra hoa bình thường, nhưng thời điểm này giá thành cam chỉ ở mức trung bình, khoảng 4.000 – 5.000đ/kg.
– Điều khiển sao cho thu hoạch cam vào khoảng tháng 4 – 5 âm lịch lúc thị trường cần và khan hiếm sẽ bán được giá cao hơn, khoảng 15.000 – 20.000đ/kg, gấp 6 lần so với vụ thuận.
– Nên tuyển chọn hái bỏ bớt trái xấu, giữ lại những trái đẹp, kích cỡ đồng đều sẽ bán được giá cao, cây sẽ kéo dài thêm tuổi thọ.

Nguồn: Tổng hợp bởi Farmtech Vietnam.

Cụ ông trồng Quýt hồng thu tỉ đồng

Những ngày tháng Chạp gần Tết, dọc theo các con đường nhỏ dẫn lên đỉnh núi Cấm, những vườn quýt hồng bạt ngàn sai trĩu quả. Người dân đang chăm sóc, chuẩn bị thu hoạch bán Tết. Bà con cho biết quýt hồng ở đây có vị ngọt thanh, để lâu ngày trái vẫn tươi ngon nên rất được ưa chuộng.

Ông Trần Thanh Tùng tại trang trại quýt hồng trên núi cấm

Thương lái, bạn hàng đến tận nơi đặt mua với giá 26.000 đồng/kg. Trang trại quýt hồng của gia đình cụ ông Trần Thanh Tùng thu hoạch khoảng 70 tấn trái, lợi nhuận bạc tỉ.

Trồng quýt trên núi đá

Ông Tùng kể, trước đây ông luôn trăn trở làm sao để thoát nghèo, vì rằng đất triền núi Cấm vốn ít màu mỡ, lại thiếu nước trong mùa khô, trước kia trồng xoài, mít, dưa, su su… thu nhập chỉ tạm đắp đổi qua ngày. Một lần rảo quanh mấy vách đá, ông phát hiện 5 cây quýt hồng do người vợ rải hạt năm nào nay đang sai trái. Hái ăn thử thấy trái ngọt thanh hơn cả quýt hồng dưới đồng bằng, ông Tùng bàn với vợ con: “Chắc nhờ đất đai, thời tiết ở đây hợp với giống quýt hồng. Mình nên thử trồng đại trà!”.

Ông Tùng lặn lội đến vùng Lai Vung (Đồng Tháp) tìm hiểu cách trồng quýt hồng rồi mua hơn chục cây giống. Từ 15 cây quýt ban đầu, gia đình ông chịu khó chăm sóc, lần lượt chiết nhánh, dâm cành. Đất trên núi nhiều đá sỏi, độ dốc cao, phải đào hàng trăm hố sâu, đưa đất mùn, tủ thêm lá rụng xuống hố rồi mới đem trồng từng cây con.

Suốt mùa khô khe suối cạn trơ đáy, gia đình lặn lội xách nước từ xa về tưới từng cây một, cơ cực trăm bề.

Tết năm 2000, gia đình ông Tùng hái trái từ 150 gốc quýt trĩu cành sum suê, đưa xuống núi bán thu lợi hơn 60 triệu đồng. “Mừng như bắt được vàng, năm đó lần đầu tiên ăn Tết lớn, phấn khởi lắm!” ông Tùng nhớ lại.

Thừa thắng xông lên, gia đình ông Tùng mở rộng diện tích chuyên canh quýt hồng. Từ năm 2010, gia đình ông Tùng sở hữu trên 1.500 gốc quýt hồng, mỗi dịp Tết bán trái thu lợi nhuận hàng trăm triệu đồng.

Thương hiệu quýt hồng

Nhờ chủ động được nguồn nước tưới, nắm vững kỹ thuật, gia đình ông Tùng mở rộng thêm diện tích trồng quýt hồng và trồng thêm 1ha quýt đường. Anh Trần Thanh Thảo, con trai ông Tùng cho hay 2 tháng trước Tết Mậu Tuất đã bán hơn 30 tấn trái quýt đường với giá 14.000 đồng/kg, thu lợi 440 triệu đồng. Riêng 3ha quýt hồng thu hoạch vào dịp cận Tết này cho 70 tấn trái, lợi nhuận 1,4 tỉ đồng.

“Quýt trên núi chủ yếu bón phân hữu cơ, phân chuồng. Từ khi bắt đầu đậu trái không xài thuốc trừ sâu nên trái luôn tươi, ngọt tự nhiên, lại để chưng được lâu ngày nên bán khá chạy”, chị Nguyễn Thị Hiền, một thương lái mua quýt, cho hay.

Ông Châu Khon, Phó chủ tịch UBND xã An Hảo, khen ngợi gia đình ông Tùng đã biến đất núi đá cằn khô thành trang trại quýt hồng trù phú, lợi nhuận bạc tỉ. Vì vậy, mấy năm nay địa phương đã giới thiệu và cho nhân rộng mô hình này.

Gia đình ông Tùng thường cung cấp giống và sẵn lòng hướng dẫn kỹ thuật canh tác cho người dân quanh vùng. Hiện đã có 30 hộ dân trên núi mạnh dạn cải tạo đất, tích trữ nước, lập vườn trồng quýt hồng, rồi trồng thêm quýt đường với tổng diện tích 40ha cho lợi nhuận khá cao.

“Lập vườn trồng quýt trên núi Cấm giúp đời sống bà con khấm khá hơn, đón Tết cũng sung túc”, ông Khon hồ hởi nói.

Ông Trần Hiếu Thuận, Trưởng phòng NN&PTNT huyện Tịnh Biên, cho biết núi Cấm cao hơn 700m, không khí trong lành, thời tiết mát mẻ quanh năm nên quýt hồng trồng nơi đây có vị ngọt thanh đặc trưng.

“Tới đây ngành nông nghiệp phối hợp cùng Đại học An Giang, nhà khoa học khảo sát nghiên cứu hoàn thiện thêm mô hình, cho quy hoạch vùng chuyên canh quýt hồng, vừa phục vụ phát triển du lịch, từng bước tiến tới xây dựng thương hiệu quýt hồng núi Cấm”, ông Thuận nói.

Nguồn: Tổng hợp bởi Farmtech Vietnam.

Đếm tiền mỏi tay nhờ vào trồng Quýt đường

Nhận thấy cây quýt đường đem lại hiệu quả kinh tế cao, anh Lê Công Khanh, 39 tuổi, ở ấp 7, xã Lộc Thành, huyện Lộc Ninh (Bình Phước) mạnh dạn đầu tư trồng 13ha. Từ đó, mô hình này giúp cho gia đình anh thu về 5 tỷ đồng mỗi năm.

 

Anh Lê Công Khanh mạnh dạn làm giàu nhờ vào cây quýt đường

Dẫn chúng tôi tham quan vườn quýt đường, Lê Công Khanh với tay hái những trái quýt chín vàng trên cây trĩu quả bóc mời khách. Mùi hương của từng chùm quýt đường chín vườn khiến ai cũng muốn thử. Quả đúng như chủ vườn giới thiệu, những trái quýt đường ở đây ngọt lịm, mọng nước và ít hạt.

Anh Khanh cho biết, để có được một vườn quýt đường đạt năng suất cao như hiện nay do gia đình anh biết vận dụng những tiến bộ khoa học – kỹ thuật vào việc trồng và chăm sóc. Theo anh Khanh, quýt đường không kén đất, nhưng muốn đạt năng suất cao, với đất giàu dinh dưỡng khoảng cách trồng 4x4m, nếu đất bạc màu thì khoảng cách là 3x4m, như vậy tán mới phát triển mạnh cho nhiều hoa, quả. Ngoài ra, biết cách phòng chống dịch bệnh gây hại, khi đó năng suất sẽ đạt cao.

Theo kinh nghiệm của anh Khanh, cây quýt đường thường mắc các loại bệnh như xì mủ, vàng lá gân xanh, xì phèn và các loại côn trùng gây hại. Để phòng các loại bệnh này một cách hiệu quả, người trồng phải tuân thủ chặt chẽ từ khâu chọn, cải tạo đất thích hợp; cây giống phải sạch bệnh, sinh trưởng tốt. Mặt khác, phải thường xuyên thăm vườn để phát hiện sâu, bệnh sớm nhằm có biện pháp ngăn chặn kịp thời. Việc bón phân không theo chu kỳ mà dựa vào độ tuổi và sự tăng trưởng của cây.

Để quýt đường sinh trưởng tốt và cho năng suất cao, anh Khanh sử dụng kết hợp bón phân hóa học và hữu cơ bằng hình thức lên men, sử dụng phân chuồng ủ với men vi sinh Trichoderma. Cứ 2 tháng bón 1 lần nhằm bổ sung chất dinh dưỡng cho cây. Bên cạnh đó, cỏ giữ ẩm cho đất rất tốt, mùa mưa chống xói mòn, người trồng quýt không nên làm quá sạch vườn và phun thuốc diệt cỏ nhiều sẽ có hại cho quá trình phát triển của cây.

Anh Khanh lưu ý, cây quýt cần nhiều nước nên việc tưới tiêu rất quan trọng, đặc biệt vào mùa khô, nếu thiếu nước cây sẽ không phát triển. Cần cung cấp đủ canxi để cây giải độc, tăng khả năng chống chịu khi thời tiết thay đổi, hạn chế việc sử dụng thuốc bảo vệ thực vật. Làm đất tốt, chăm sóc kỹ sẽ kéo dài tuổi thọ cho cây lên đến 12 năm. Khi cây cho trái rộ phải làm hệ thống giàn đỡ để cành không bị gãy. Bên cạnh đó, trồng quýt đường cần vốn đầu tư lớn, rất khó chăm sóc. Do đó, đòi hỏi người trồng phải có lòng đam mê, kiên trì thực hiện đúng kỹ thuật thì việc thu hồi vốn và ước mơ làm giàu sẽ trong tầm tay. Đây là mô hình làm giàu từ nông nghiệp hiệu quả.

Nhờ chăm sóc đúng kỹ thuật nên hơn 13ha quýt đường của gia đình anh Khanh rất ít bị nhiễm bệnh. Với giá bán trung bình 25.000 đồng/kg, trừ chi phí, gia đình anh thu về 5 tỷ đồng mỗi năm. Hiện anh Khanh tiếp tục mở rộng diện tích sản xuất và chuyên canh cây quýt đường, đồng thời hướng đến trồng theo tiêu chuẩn VietGAP.

Nguồn: danviet.vn được kiểm duyệt bởi Farmtech Vietnam.

Hướng dẫn cách trồng Quýt thái đúng cách và đạt hiệu quả cao

Quýt thái là loại cây có xuất xứ từ Thái Lan, cho trái ngọt, dinh dưỡng cao, không hạt, vỏ vàng. Khả năng phát triển của quýt thái rất mạnh, ưa nắng, chịu được các vùng đất khó trồng như đất phèn, thậm chí là đất mặt.

Quýt thái

1. Tiêu chuẩn chọn giống

Chọn giống biết rõ nguồn gốc, bố mẹ có phẩm chất tốt (trái thơm ngon, màu sắc trái xanh vàng, bề mặt vỏ sần, trái hình cầu, hơi dẹp hai đầu, thịt trái màu cam, mềm, nhiều nước…), lá hình trứng màu xanh đậm, trọng lượng trung bình 250g, ít hạt.

2. Thời vụ và mật độ trồng quýt thái

Cây có múi thường được trồng vào đầu mùa mưa để đỡ công tưới, tuy nhiên cũng có thể trồng được quanh năm nếu chủ động nguồn nước tưới. Tuỳ theo giống, đất đai, khí hậu, khoảng cách trồng có thể : 5 x 4m, 4 x 4m, 3 x 4m.

3. Làm đất và đào hố trồng quýt thái

Trước khi trồng quýt thái thì nên cày sâu 40 – 45cm, bừa nhỏ và phẳng, nhặt hết cỏ. Đào hố rộng 60 -80cm, sâu 60cm;
Dùng đất tốt như đất mặt ruộng, đất bãi bồi ven sông … để đắp mô. Mô có hình tròn, đường kính 0,6 – 0,8 m; cao 0,3 – 0,5 m (tùy theo điều kiện tưới tiêu của từng vùng mà đắp mô cho phù hợp). Đất đắp mô có thể trộn thêm phân hữu cơ để hạ phèn đồng thời là nguồn thức an cho vi sinh vật có lợi trong đất hoạt động, tưới nấm Trico để ngừa vàng lá thối rễ do Fusarium gây ra, xử lý đất bằng Furadan để trừ côn trùng cắn phá rễ non.

4. Phân bón lót

Bón phân theo lượng như sau: phân hữu cơ: 30 – 50kg + Supe lân: 250 – 300 gam + Kali: 200 – 250 gam + Vôi bột 1 kg. Trước khi trồng quýt thái nên trộn tro trấu, phân chuồng hoai mục vào mô, xử lý đất bằng Furadan để trừ côn trùng.

5. Cách trồng cây quýt thái đúng cách

Tốt nhất là khi nhổ cây con từ vườn ươm đem trồng nên có bầu đất. Nếu không có đất thì phải lấy bùn nhão bọc rễ. Khi trồng, đặt cây con vào giữa hố đã được đào sẵn, bộ rễ được rải hoàn toàn dễ chịu , đắp đất xong thì hơi nhẹ tay kéo cây con lên một chút. Trồng quýt thái xong phải tưới nước, cắm cành chống đổ, phủ rơm cỏ quanh gốc để giữ độ ẩm cho đất, ngắt bớt một phần lá và cành yếu để tăng tỉ lệ sống cho cây.

6. Kỹ thuật chăm sóc cây quýt thái

6.1. Kỹ thuật chăm sóc định kỳ
Tưới nước: cần cung cấp đủ nước cho cây nhất là trong mùa khô, khi trái đang lớn và lúc quả sắp chín. Phòng trừ cỏ dại: Phủ gốc chè bằng cỏ, rác, cây phân xanh… để hạn chế cỏ dại; xới phá váng sau mỗi trận mưa to. Làm cỏ vụ xuân tháng 1-2 và vụ thu tháng 8-9, xới sạch toàn bộ diện tích một lần/vụ; một năm xới gốc 2-3 lần.
6.2. Kỹ thuật cắt tỉa, tạo hình
Khi cây hồi phục sau trồng, cắt ngọn để cây chỉ cao 30 – 40 cm, để 6-8 mầm khoẻ cách nhau 7 – 10 cm từ mầm nẩy ra từ gốc ghép. Quýt ra hoa trên cành non mới sinh nên cần đốn bỏ cành già, cành bệnh để kích thích cây ra cành mới (nên bón phân trước khi đốn).
6.3. Kỹ thuật bón phân cho cây quýt thái
Tùy theo đất, giống và tình trạng dinh dưỡng của cây mà quyết định lượng phân bón thích hợp, cần cung cấp đầy đủ đạm, lân, kali; bổ sung thêm phân hữu cơ và vi lượng để cây đạt năng suất cao– Đối với cây 1 – 2 năm tuổi:
+ Phân đạm: nên pha phân vào nước để tưới, 2 – 3 tháng tưới một lần.
+ Phân lân và kali: Bón một lần vào cuối mùa mưa.

– Đối với cây trưởng thành: chia làm 4 lần bón/năm.
* Lần 1: Trước khi cây ra hoa: bón 1/3 Urê
* Lần 2: Sau khi đậu trái 6 – 8 tuần: bón 1/3 Urê + 1/2 kali.
* Lần 3: Trước thu hoạch trái 1 – 2 tháng: bón 1/2 kali còn lại.
* Lần 4: Sau khi thu hoạch trái bón toàn bộ lân và 1/3 Urê.

– Kết hợp bón 10 – 20kg phân hữu cơ/gốc/năm.
– Cách bón: Dựa theo tán cây để bón, cuốc rãnh sâu 5 – 10cm; rộng 10 – 20cm cách gốc 0,5 – 1m (tùy tán cây); cho phân vào, lấp đất lại và tưới nước.
– Khi cây giao tán nên dùng cuốc xúp nhẹ lớp đất xung quanh gốc theo hình chiếu của tán, cách gốc khoảng 50cm. Tưới đẫm liếp trước, sau đó rải phân thẳng lên mặt liếp. Hằng năm cần bón thêm phân hữu cơ cho cây nhằm vừa cung cấp dinh dưỡng cho cây, vừa giúp đất tơi xốp, giúp bộ rễ cây phát triển tốt.

Nếu bón phân chuồng nên bón phân hoai để giảm ô nhiễm môi trường và hạn chế được nấm bệnh (có trong phân chưa hoai). Cần bón vôi hàng năm với lượng 200 – 500kg/ha/năm có thể bón đến 1.000kg/ha/năm. Để cung cấp thêm vi lượng cho cây, có thể bón thêm phân qua lá vào giai đoạn cây ra lá non và khi trái bắt đầu phát triển nhanh, mỗi lần phun cách nhau 10 – 15 ngày, phun 4 – 5 lần/vụ.

7. Phòng trừ sâu bệnh cho cây quýt thái

Sử dụng thuốc bảo vệ thực vật theo chỉ dẫn trên nhãn bao bì của từng loại thuốc.
+ Sâu vẽ bùa: (từ tháng 4 – tháng 10) phun Wofatox 0,1 – 0,2% hoặc BI58 0,2% xen kẽ với sunfat nicôtin 0,2%.
+ Sâu nhớt: (tháng 2 – 4) Phun Wofatox 0,2% hoặc DDT sữa 25% trước và sau khi nở hoa.
+ Nhện đỏ (mùa Đông và Xuân): Phun Wofatox 0,1 – 0,2%; hoặc phun Kentan 0,1%.
+ Nhện trắng: Vệ sinh vườn mùa Đông; phun Wofatox 0,1 – 0,2%; BI 580,1%; Kentan 0,1%.
+ Sâu đục cành (từ tháng 5 – 6); Diệt sâu trưởng thành: Dùng vợt bắt, dùng Wolfatox 0,1% quấn chặt thân cây và cành to (khi sâu bắt đầu vũ hoá).
Trừ sâu non: Cắt cành héo, dùng kẽm luồn vào cành to, hoặc dùng ống tiêm bơm Wofatox hoặc BI58 0,5 – 1% vào đường hầm của sâu non.
+ Sâu đục thân (tháng 5 – 6): Bắt sâu trưởng thành, dùng móc thép giết sâu non hoặc tiêm Wofatox 1% vào các lỗ có phân mới đùn ra; Sau mùa thu hoạch quả, quét vôi gốc cây; nơi bị nặng cần quét lưu huỳnh – vôi; dùng bông tẩm 6666% hoặc DDT + dầu quả (1:1) nhét vào lỗ sâu và bịt kín miệng.
+ Sâu đục gốc (tháng 5 – 6): Bắt sâu trưởng thành vào buổi trưa; tiêm, Wofatox 1% vào các lỗ có phân mới đùn ra; Sau mùa thu hoạch quả, quét vôi với gốc cây; nơi bị nặng cần quét lưu huỳnh vôi; dùng bông tẩm 6666% hoặc DDT + dầu quả (1:1) nhét vào lỗ sâu và bịt kín miệng.
+ Ruồi vàng (tháng 5 -11): Phun Wofatox 0,1% hoặc Dipterex 50% (1:600).
+ Sâu hại hoa: Rắc bột 666 ở gốc quýt; khi đường kính nụ hoa 2 – 3mm phun DDT sữa 25% 1/300 hoặc 666 (6%); Cách 7 ngày phun 1lần.
+ Các loại rệp: Ngắt các cành có rệp, phun Wofatox, BI58 hoặc Metinparation 0,1%.
+ Rầy xám (rầy chổng cánh): Phun Wofatox, BI58, Metinparation 0,1%
+ Bệnh greening: Trồng cây quýt thái sạch bệnh; giảm số lượng côn trùng môi giới trong tự nhiên.
+ Bệnh loét do vi khuẩn: Vệ sinh vườn, cắt bỏ cánh, phun Bordeaux 1%, Zineb 0,5-1%.
+ Bệnh sẹo: Phun Bordeaux 1%, Zineb 0,5% vào đầu mùa hè.
+ Bệnh muội đen: Diệt trừ các loại rệp, rầy hại cam; phun Wofatox 0,1%-0,2%, BI58 0,1%.
+ Bệnh thối nâu: Phun Bordeaux 0,1% hoặc oxychlorua đồng 0,3%.
+ Bệnh thâm quả: Phun Bordeaux 1% hoặc Zineb 0,5%.

8. Thu hoạch và bảo quản

Thời gian thu hái khác nhau tuỳ thuộc vào giống chín sớm hoặc chín muộn. Thu hoạch khi 1/3 vỏ quả đã chuyển vàng. Nên thu hoạch vào những ngày khô ráo.
Trên đây chính là cách trồng quýt thái đúng cách và đạt hiệu quả cao được chọn lọc kỹ càng, hy vọng bà con sớm thu hoạch được mùa vụ đầu tiên.
Thu hoạch quýt thái
Nguồn: Tổng hợp bởi Farmtech Vietnam.

Kỹ thuật trồng cây Quýt đường cho năng suất vượt trội

Kỹ thuật trồng cây quýt đường hiện được nhiều nơi áp dụng không chỉ bởi nó mang lại nguồn dinh dưỡng cao mà còn cho năng suất cực cao cho người trồng.

Quýt đường được cho là loại quả giàu dinh dưỡng tốt cho sức khỏe. Không những múi quýt tốt mà vỏ quýt cũng được sử dụng làm thuốc trong đông y. Đây cũng là món được tráng miệng sau mỗi bữa cơm, loại quả ngon, bổ, rẻ được nhiều bà nội trợ tin dùng. Nhận biết được nhu cầu cao của thị trường nên hiện nhiều nơi áp dụng kỹ thuật trồng cây quýt đường này rất phổ biến. Tuy nhiên để mang lại hiệu quả kinh tế cao thì không phải bà con nào cũng biết cách áp dụng.

Thời vụ trồng cây quýt đường

Thời điểm thích hợp để trồng quýt đường là vào cuối mùa khô đầu mùa mưa tầm tháng 4-5 dương lịch.

Kỹ thuật trồng cây quýt đường

Theo các chuyên gia nông nghiệp và kinh nghiệm trồng quýt đường của nhiều nhà vườn cho biết, đây là cây dễ trồng, có thể trồng được trên đất thịt, đất sỏi đỏ…miễn là tránh không để bị ngập úng. Vào mùa khô cây phải được tưới đủ nước, mùa mưa phải làm rãnh thoát nước. Vì thế, tùy vào loại đất sỏi hay thịt, địa hình dốc hay bằng, trũng hay cao mà người trồng có chế độ cung cấp nước, phân bón phù hợp đồng thời thường xuyên kiểm tra để phát hiện sâu bệnh kịp thời khắc phục.

Trước khi tiến hành trồng cần cày đất sâu 40 – 45 cm, đào hố rộng 60 – 80 cm, sâu 60 cm sau đó phơi ải hố từ 20 – 25 ngày. Lưu ý cần bón lót phân chuồng hoai + supe lân + kali sunfat + vôi bột. Trộn đều phân với đất mặt để lấp hố. Dùng cuốc moi đất chính giữa hố vừa lớn hơn bầu cây con.

Cách chăm sóc cây quýt đường

Chăm sóc cây quýt đường cần phải chú ý đến việc tưới nước sao cho vừa đủ không được quá sũng gây ngập rễ. Trong tháng đâu tiên trồng quýt đường cứ khoảng từ 3 tới 5 ngày tưới một lần trong tháng đầu tiên. Tưới nước là cần thiết, đặc biệt vào mùa khô. Luôn cần độ ẩm đất ổn định.

Trồng quýt đường cũng giống như nhiều loại cây trồng khác đó là việc bón phân thúc cây phát triển rất quan trọng. Trong khi đó cây quýt cần rất nhiều chất dinh dưỡng, nhất là thời kì cây ra đọt non, ra hoa kết trái. Muốn cây cho trái năng suất cao, phẩm chất ngon thì phải cung cấp đầy đủ và hợp lí dinh dưỡng cho cây, tùy theo đất tốt hay xấu, giống và tình trạng sinh trưởng của cây mà quyết định bón phân sao cho thích hợp, cân đối.

Phòng trừ sâu bệnh hại cây

Trồng quýt đường phải để ý và quan sát kỹ bởi rất nhiều loại sâu bệnh hại cây từ sâu bò vẽ bùa xuất hiện từ tháng 4 – tháng 10 sử dụng thuốc phun Wofatox 0,1 – 0,2% hoặc BI58 0,2% xen kẽ với sunfat nicôtin 0,2%. Sâu nhớt xuất hiện từ tháng 2 – 4 bạn nên Phun Wofatox 0,2% hoặc DDT sữa 25% trước và sau khi nở hoa. Ngoài ra còn nhện đỏ có mặt vào mùa Đông và Xuân nên Phun Wofatox 0,1 – 0,2%; hoặc phun Kentan 0,1%. Nhện trắng và nhất là sâu đục cành xuất hiện từ tháng 5 – 6.

Cắt tỉa cành tạo tán

Kỹ thuật cắt tỉa cành và tạo tán cho cây quyết định rất nhiều tới năng suất cây trồng. Do đó, ngay từ khi cây hồi phục sau trồng, cắt ngọn để cây chỉ cao 30 – 40 cm, để 6-8 mầm khỏe cách nhau 7 – 10 cm từ mầm nẩy ra từ gốc ghép. Quýt ra hoa trên cành non mới sinh nên cần đốn bỏ cành già, cành bệnh để kích thích cây ra cành mới. Tùy theo khoảng cách trồng mà cắt tỉa cành cho cân đối, tán tỏa đều quanh gốc. Sau mỗi vụ thu hoạch cần rong tỉa các cành già, bệnh để cây ra hoa và đọt non mới cho những năm tiếp theo.

Xử lý ra hoa cho quýt đường

Để cây ra hoa đồng loạt, tăng tỷ lệ thụ phấn và đậu trái cần tiến hành xử lý ra hoa bằng cách ngưng tưới nước, nếu trồng trên mô, cần rút nước khỏi mương. Khi thấy cây héo thì tiến hành tưới nước để cây bung đọt, ra hoa.

Thu hoạch quýt đường

Quýt đường từ khi ra hoa đến thu hoạch khoảng 8-10 tháng,…thời gian thu hoạch phải có nắng khô ráo, không nên thu trái sau mưa hoặc có mù sương nhiều vì trái dễ bị ẩm thối. Quýt thu xong cần bảo quản kỹ để nơi thoáng mát, không nên tồn trữ quá 15 ngày sẽ giảm giá trị thương phẩm.

Quýt đường sai trĩu quả nhờ chăm sóc đúng kỹ thuật

Nguồn: Tổng hợp bởi Farmtech Vietnam.

Chăm sóc cây bưởi, cam, quýt sau khi thu hoạch.

Cam, quýt sau thu hoạch cần được chăm sóc, vệ sinh, cắt tỉa, phòng trừ sâu bệnh để cây tiếp tục phát triển và cho mùa bội thu sau.

– Tiến hành làm sạch cỏ dại, sau 25 – 30 ngày thu hoạch cắt tỉa các cành sâu bệnh, cành tược, khô héo, cành tăm hương, mọc không đúng hướng…

– Quét vôi vào gốc cây ngăn sự cư trú của sâu bệnh.

– Phòng trừ sâu bệnh bằng các biện pháp kỹ thuật tổng hợp: bón phân đầy đủ, cân đối, kịp thời, bón đúng kỹ thuật, phun thuốc đúng lúc, đúng cách.

Với một số sâu bệnh hại như: sâu vẽ bùa, đục thân, sâu bướm, sâu nhớt, nhện đỏ, nhện vàng, nhất là bệnh vàng lá greening… phải thường xuyên theo dõi, quan sát phát hiện sớm để kịp thời ngăn chặn. Khi cây đã bị bệnh cần phải đào, đốt hủy, rắc vôi bột vào gốc cây bị hại.

Cắt tỉa cành

Bón phân phục hồi và tưới nước: Đối với cây từ 3- 4 năm tuổi, bón 1 – 2kg AT1/gốc, cây 5- 6 năm tuổi bón 2- 3kg AT1/gốc, phân hữu cơ bón 20-50kg. Bón ngay sau khi thu hoạch, càng sớm càng tốt. Trước khi bón, đào đất chung quanh gốc tạo thành đường vành khuyên rộng 20-30cm, sâu 30-40cm theo đường chiếu vành tán cây, rải đều phân xuống và lấp đất lại.

– Thời kỳ kiến thiết (1-4 năm): Bón tập trung 1 đợt vào tháng 12 hoặc tháng 1 với lượng phân 20 – 25kg phân hữu cơ + 0,2kg sun phát đạm + 0,5kg super lân + 0,2kg kali sun phát.

– Vào thời kỳ thu quả: Bón 50kg phân chuồng + 1kg đạm + 1,2kg super lân + 0,5kg kali, chia ba lần bón:

+ Sau thu hoạch quả tháng 12 sang tháng 1: 50kg phân hữu cơ + 0,25kg super lân + 0,1kg kali.

+ Bón đón lộc xuân tháng 2 – 3: 0,6kg đạm + 0,6kg super lân + 0,25kg kali.

+ Bón thúc cành thu và nuôi quả tháng 6-7: 0,4kg đạm + 0,35kg super lân + 0,15kg kali.

– Cách bón:

+ Lần 1 (sau khi thu hoạch): bón theo vành mép tán, đào rãnh sâu 20cm, rộng 30cm. Các loại phân trộn đều cho vào rãnh lấp kín đất, tủ rơm giữ ẩm.

+ Bón thúc vào lần 2 và 3: trộn đều các loại phân hóa học rải đều trong vòng tán cây, với đảo sâu 4-5cm vùi đất lấp kín, tủ rơm rác giữ ẩm.

Bón phân xong tưới nước đều đặn, vừa phải cho phân tan để cây hấp thụ từ từ. Chú ý không nên tưới quá nhiều nước cho cây vì nếu thừa nước cây sẽ ra đọt non ảnh hưởng đến việc xử lý ra hoa.

– Cách tỉa cành và vệ sinh vườn : Cắt bỏ những cành già, cành sâu bệnh, cành vượt nằm bên trong tán, cành mọc sà dưới đất và cả những đoạn cành đã mang trái (dài 10-15cm). Cắt ngắn cỏ, chừa cỏ lại che phủ đất (hoặc che phủ bằng rơm rạ). Nếu trồng sát gốc cây thì dọn sạch cỏ, lá cây để mô được khô ráo. Cần tránh phủ sơ dừa sát gốc cây có múi để tránh lây lan bệnh Phytophthora. Các cành lá tỉa bỏ, trái hư, cỏ dại phải thu gom lại chôn lấp hoặc đốt bỏ.

– Nuôi dưỡng và bảo vệ : Định kỳ khoảng 10-15 ngày/lần, phun các chế phẩm HVP theo tỷ lệ: 30-10-10 (15g/8 lít nước) hoặc chế phẩm dưỡng lá (35ml/8 lít nước). Có thể pha chung với thuốc trừ sâu bệnh để phun xịt. Dưới gốc dùng vôi quét gốc, quét cao khoảng 1-1,5 m và rải vôi chung quanh các gốc cây, nhất là những cây bị bệnh. Nếu rễ cây bị tuyến trùng, rệp sáp tấn công có thể dùng Nokapd, Vimoca tưới vào gốc diệt, đồng thời pha thêm bột tốt rễ F.Bo để phục hồi bộ rễ nhanh, giúp cây sinh trưởng sung tốt trở lại.

Quét vôi gốc cây

Xử lý ra hoa

– Bón phân đón ra hoa, tạo mầm hoa: Trước thời điểm cho cây ra hoa 5-6 tuần, bón phân đón ra hoa (khoảng 200g DAP + 50KCL hoặc 400g AT 2/gốc 4-5 tuổi) và phun chế phẩm giúp cây tạo mầm hoa (phun F.Bo: 15g/8 lít, phun hai lần, cách nhau 4-5 ngày) trước khi ngưng tưới một tuần.

– Bắt cây cảm ứng ra hoa: Ngưng tưới và rút nước mương (nếu có) khoảng 2-4 tuần cho đến khi cây vừa “xào lá” (lá hơi héo vào buổi chiều nhưng sáng mai không tươi lại hoàn toàn). Sau đó tưới nước đẫm lại ba ngày liền, ngày tưới hai lần. Ngày thứ tư thì tưới mỗi ngày/lần.

– Phun thuốc thúc ra hoa đồng loạt: Sau khi tưới nước lại 2-3 ngày, bộ lá tươi lại, pha 35ml RA HOA C.A.T + 15g F.Bo/8 lít phun sương đều tán cây và trong thân cây hai lần (5 ngày/lần) thúc ra hoa đồng loạt, sau khi cây ra đọt non tưới hai ngày/lần.

Nguồn :Nông thôn ngày nay, được kiểm duyệt bởi Farmtech Vietnam