Việt Nam được đánh giá có nhiều tiềm năng phát triển nông nghiệp hữu cơ (NNHC). Tuy nhiên, hiện ở nhiều nơi nguồn đất, nước đã bị nhiễm các hóa chất bảo vệ thực vật, dư lượng phân bón hóa học. Cùng với đó, việc thay đổi tập quán sản xuất của nông dân vẫn là rào cản lớn nhất để phát triển NNHC…
Bài 1: Khó thay đổi nhận thức, giải pháp canh tác
Theo quy định của Tổng cục Tiêu chuẩn – Đo lường – Chất lượng, một sản phẩm hữu cơ phải đảm bảo được nguyên tắc 5 không: Không hóa chất bảo vệ thực vật, không phân hóa học, không chất kích thích tăng trưởng, không sản phẩm đột biến gen và không sử dụng thuốc diệt cỏ.
Hiện Việt Nam mới có 40 tỉnh, thành có diện tích trồng trọt hữu cơ (chiếm 0,7% tổng diện tích đất trồng trọt cả nước). Số tỉnh có chăn nuôi hữu cơ là 24, và chỉ 4 tỉnh có nuôi trồng thủy sản hữu cơ.
Quá nhiều rào cản
Vườn rau hữu cơ tại quận Bình Tân (TP.HCM)
Dự thảo đề án phát triển NNHC giai đoạn 2020 – 2030 của Bộ NNPTNT đặt mục tiêu đưa Việt Nam vào top 15 nước có nền NNHC phát triển nhất thế giới, với diện tích sản xuất hữu cơ chiếm 7 – 10% diện tích sản xuất nông nghiệp cả nước.
Theo PGS-TS Nguyễn Xuân Hồng – nguyên Cục trưởng Cục Bảo vệ thực vật (Bộ NNPTNT), Việt Nam có rất nhiều điều kiện để phát triển NNHC như khí hậu, độ ẩm ướt, gió mùa… tác động các chất hữu cơ chuyển hóa tốt thành khoáng chất cung cấp cho cây trồng. Rồi phân xanh, phân hữu cơ khá phong phú… Không phải ngẫu nhiên Liên đoàn các phong trào NNHC quốc tế (IFOAM) đã công nhận Việt Nam có sản xuất NNHC.
Tuy nhiên, IFOAM cũng cho rằng, Việt Nam “chưa có quy định pháp luật về NNHC” nên dẫn tới những khó khăn, thách thức đối với con đường phát triển NNHC (hiện mới có Nghị định về NNHC số 109/2018/NĐ-CP ngày 29/8/2018).
Ông Nguyễn Văn Chữ – Giám đốc Công ty Nam Thành, một đơn vị liên kết với các trang trại sản xuất, chế biến thịt lợn, gà đảm bảo tiêu chuẩn hữu cơ tại Hà Nội, thừa nhận, để chứng nhận các nguyên liệu như đậu tương, ngô được sản xuất theo tiêu chuẩn hữu cơ không hề đơn giản khi mẫu đất, nước phải đảm bảo không tồn dư hóa chất.
Ông Trần Hoàng Ý – Giám đốc Công ty Xuất khẩu điều Việt Hàn (có nhà máy ở Bình Dương và Bình Phước) cho rằng, diện tích nhỏ lẻ làm NNHC rất khó khăn, ngay đầu tiên đã gặp vấn đề nhiễm chéo từ những diện tích không làm hữu cơ khác.
Bắt đầu làm nông nghiệp hữu cơ từ năm 2013, bà Phạm Phương Thảo – Giám đốc điều hành chuỗi bán lẻ thực phẩm hữu cơ Organica cho biết, các vườn rau hữu cơ của Việt Nam thường có diện tích nhỏ, khoảng 2 – 3ha, với khoảng 10 loại rau luân canh, một phần do diện tích đất sạch không nhiều.
Ngoài yếu tố đất, nước thì các yếu tố đầu vào khác như giống, phân bón hữu cơ cũng là một khó khăn với các nhà sản xuất hữu cơ. Ông Nguyễn Ngọc Luân – Giám đốc HTX nông nghiệp Lâm San (Đồng Nai) lý giải, để sản xuất NNHC thì phải có nguồn giống, phân bón, bảo vệ thực vật hữu cơ, nhưng HTX của ông thường không có đủ phân bón hữu cơ phục vụ sản xuất do việc nhập khẩu phân hữu cơ thủ tục khá phức tạp, mất nhiều thời gian.
Nông dân chưa mặn mà
Theo ông Nguyễn Ngọc Luân, muốn phát triển NNHC cần quan tâm đến người nông dân, lực lượng sản xuất chính: “NNHC không phải mạnh ở doanh nghiệp mà là ở nông dân, đặc biệt khi quy mô sản xuất hữu cơ còn nhỏ lẻ”. Ông Luân cho rằng ý thức làm hữu cơ của người nông dân là một vấn đề cần được tuyên truyền. Ở các nước, người nông dân làm hữu cơ vì chính sức khỏe của họ, còn hầu hết nông dân mình chưa quan tâm đến điều này.
Còn bà Phạm Phương Thảo thì cho rằng, để nông dân gắn bó với sản xuất hữu cơ, cần đảm bảo cho họ 2 vấn đề: Giải pháp canh tác và thị trường đầu ra.
Sau 6 năm tham gia làm hữu cơ, những khó khăn về nguồn nguyên liệu đầu vào của bà Thảo đã được giảm đáng kể, tuy nhiên vấn đề nhân lực vẫn là một trăn trở lớn. “Nếu mình không bán được hàng cho họ thì dù có chứng nhận hữu cơ, nhiều nông dân vẫn sẵn sàng bỏ để quay về sản xuất truyền thống như trước” – bà Thảo nhận xét.
Bà Thảo có một đối tác nông dân ở Đà Lạt, gia đình dành phần lớn diện tích canh tác để trồng hoa. Mấy năm gần đây, người chồng cảm thấy sức khỏe có vấn đề, mỗi lần đi xịt thuốc trừ sâu cho hoa đều thấy ghê sợ, nên bà Thảo đã gợi ý họ chuyển qua trồng rau hữu cơ để khỏe mạnh hơn.
Mặc dù đã được bà Thảo hỗ trợ tài chính để yên tâm trồng trọt nhưng sau một thời gian, cặp vợ chồng lại tỏ ý băn khoăn. Họ thấy trồng hữu cơ vất vả, tốn công bắt sâu, nhổ cỏ, phải thuê thêm nhân công mà lợi nhuận không bằng trồng hoa nên lại muốn chuyển về trồng hoa.
Thực tế, theo thống kê của Bộ NNPTNN, chi phí cho sản xuất hữu cơ thường cao hơn sản xuất thông thường khoảng 130% trong khi sản lượng chỉ bằng 80-90% (có bảng so sánh kèm theo). Ngoài ra, việc nhận thức chưa đúng về hữu cơ của nhiều người sản kinh doanh cũng là một khó khăn cho phát triển ngành này.
Trong một hội nghị về xúc tiến nông sản hữu cơ do Bộ NNPTNT tổ chức tại TP.HCM hồi tháng 9/2019, nhiều người tham dự vẫn nhầm lẫn giữa sản xuất hữu cơ với sản xuất thực phẩm an toàn công nghệ cao, cho rằng làm hữu cơ không cần đất và nước. Bà Thảo cũng kể rằng nhiều lần mình nhận được các đề nghị hợp tác từ những nông dân sản xuất, nhưng tìm hiểu thì thấy họ không có giấy chứng nhận hữu cơ mà chỉ là những chứng nhận sản phẩm an toàn.
Nguồn: Tổng hợp và được kiểm duyệt bởi Farmtech Vietnam